Tắm rừng ở Nam Cát Tiên

28/07/2024

Tôi vốn dĩ thích rừng, những cánh rừng luôn gây cho tôi một cảm xúc đặc biệt: háo hức, phấn khích và gần gũi về độ đa đạng, kỳ vĩ của thảm thực vật mà chúng có, về đủ loài động vật, chim muông, côn trùng trong đó khiến tôi luôn có cảm giác vừa thích thú, vừa bị ngợp khi tiếp xúc.

Rừng luôn toát lên vẻ tiềm ẩn, gầm gừ, đôi khi là đe doạ rất kích thích những kẻ có máu phiêu lưu, ưa dấn thân và chán ghét sự đơn điệu nhàm tẻ. Những cánh rừng và những con sông là khởi nguồn sự sống của loài người. Tôi thích rừng núi hơn biển cả cũng có thể một phần do biển rộng dài dữ dội nhưng mau chóng đem đến cảm giác đều đều, biển chứa đựng vô số điều đẹp đẽ quý giá kỳ thú… nhưng biển giấu tất thảy những thứ đó trong lòng, không rờ rỡ bày tỏ, chân thành và sẵn sàng dâng tặng tất cả như rừng.

Empty
Rừng luôn toát lên vẻ tiềm ẩn, gầm gừ, đôi khi là đe doạ rất kích thích những kẻ có máu phiêu lưu, ưa dấn thân và chán ghét sự đơn điệu nhàm tẻ

Rừng luôn toát lên vẻ tiềm ẩn, gầm gừ, đôi khi là đe doạ rất kích thích những kẻ có máu phiêu lưu, ưa dấn thân và chán ghét sự đơn điệu nhàm tẻ

Bài liên quan

Từ lâu tôi đã có cho mình một mong muốn, không biết thực hiện được tới đâu, là được đặt chân đến đủ 34 Vườn Quốc gia của đất nước này. Cát Tiên là nơi thứ 16 trong hành trình cố gắng “tối ưu hoá” kế hoạch này.

Rừng Cát Tiên xưa kia nổi tiếng với loài tê giác Java một sừng, thời gian gần đây lại được nhiều người biết đến vì ngày 21/06/2024, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) chính thức công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là Khu bảo tồn thứ 72 trên Thế giới đạt danh hiệu Danh lục Xanh IUCN sau quá trình đánh giá toàn diện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC).

Phía Nam Vườn Quốc gia Cát Tiên được vây bọc bởi con sông Đồng Nai nên khi đi từ hướng huyện Tân Phú (Đồng Nai) vào, chúng tôi phải đi qua một con phà. Đang mùa mưa nên dòng nước ăm ắp lững lờ trôi, đỏ quạch một màu phù sa rất hứa hẹn. Khúc sông không rộng nhưng khi con phà già cỗi đi quá chậm làm tôi có lúc tự hỏi đã ra giữa sông rồi mà nó cứ đứng im chờ ai thế này.

Cát Tiên là nơi thứ 16 trong hành trình cố gắng “tối ưu hoá” kế hoạch này

Cát Tiên là nơi thứ 16 trong hành trình cố gắng “tối ưu hoá” kế hoạch này

Hành trình ngày đầu của chúng tôi là đi vào cửa rừng, leo lên chiếc xe tải bỏ thùng gắn ghế kiểu ghế lắp ở xe điện rồi đi cung phía bên tay phải. Điểm dừng chân đầu tiên là cây Tung cổ thụ được định tuổi khoảng hơn 400 năm. Rễ cây yếu nên không đâm sâu được mà phải tỏa ra rộng để tìm dưỡng chất. Thế nên thân cây được tính từ đoạn cách mặt đất khoảng 30 m. Nhìn cụ Tung này lại nhớ đến những cây cổ thụ mọc trong những ngôi đền ở Angkor Wat, Angkor Thom năm xưa, thân cây với bộ rễ như con mãng xà khổng lồ mọc lên từ những bức tường đổ nát của những ngôi đền bị bỏ quên trong rừng sâu hơn 700 năm!

Cây bằng lăng hoa trắng cổ thụ có năm thân sát kề nhưng tách rời nhau. Anh Kiểm lâm làm Hướng dẫn viên cho chúng tôi, chỉ cho kiểu chụp ảnh: lấy chế độ tự chụp xong đặt vào giữa thân cây rồi bấm thì ra được quả ảnh thoạt trông như Thạch động thế này.

Lần này đi Cát Tiên mới biết bằng lăng có thêm một tên khác là cây săng lẻ. Đọc trong những tiểu thuyết viết về chiến tranh Việt Nam của nhiều Nhà văn nổi tiếng rồi mà hôm nay mới biết thông tin này. Cây săng lẻ cổ thụ thường có thân trắng nên ngày xưa bộ đội ai hành quân bị lạc rừng, bị sốt rét tụt lại hay định vị bằng cây săng lẻ mà đi và tìm đến đơn vị với đồng đội.

Empty
Empty
Empty

Cây si trăm thân, chẳng biết thân chính ở đâu. Vào đây nghe anh Kiểm lâm rừng Cát Tiên thuyết minh mới biết, hóa ra đa hay si, ban đầu là những cây ký sinh. Chúng mọc trên thân cây chủ, dần dần hút dưỡng chất từ cây chủ rồi lớn lên, trùm phủ và bóp nghẹt làm cây chủ chết rồi từ đó tỏa ra, đường hoàng ngự trị. Những thân cây tua tủa kia thực ra là bộ rễ như vòi bạch tuộc hút máu. Thế nên mới có những cái tên như: cây đa phụ tình, cây đa bóp cổ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Cuộc chiến của những loài thực vật xem ra cũng khốc liệt không kém những loài động vật là bao. Đa hay si ban đầu như "chó sói gửi chân" vậy. Còn với con người thì thôi khỏi nói, cuộc chiến giữa con người với con người vốn dĩ khốc liệt nhất quả Địa cầu này. Cây đa cổ thụ, đứng xa nhìn như một scene trong film Avatar. Anh kiểm lâm nói tuổi của cụ đa này khoảng 900 năm, nghĩa là cụ có từ thời nhà Lý! Mọi người đùa nhau: 100 năm nữa quay lại đây chắc cụ vẫn thế này. Đứng ngắm cụ đa này lúc mới thấy cuộc đời của loài linh trưởng bậc cao (con người) cứ lúc nào cũng tự xưng ta là thế này ta là thế kia... nó bé mọn và ngắn ngủi so với Thiên nhiên Đất trời đến ngần nào.

Thong dong đạp xe ở Cát Tiên

Thong dong đạp xe ở Cát Tiên

Đêm đi ngắm thú hoang. Cả đoàn ngồi trên chiếc xe tải thuê hồi chiều. Mọi người được yêu cầu ngồi im, một tài xế lái, phía sau là chiếc ghế cao ngất nghểu dành cho anh Kiểm lâm ngồi xếp bằng tròn cầm chiếc đèn cao áp (chả biết công suất bao nhiêu mà mỗi lần quét sượt qua mặt thấy như có ánh chớp lướt qua), quét khắp tả hữu trái phải trên dưới tìm thú hoang cho khách tham quan xem và trầm trồ. Các anh Kiểm lâm này công nhận tinh mắt, xoay tay quét một vệt nhìn ngay ra cái gì đang động đậy, mấy lần quét thấy trăn, chồn hương, thậm chí đôi chim bé tí quặp nhau ngủ trong tán cây, anh ta phải bấm tia laser mầu sáng xanh cho khách tham quan định điểm mà biết đó là động vật, không phải thực vật.

Thú hoang bắt gặp đa phần là nai và mễn, đang kiếm ăn dưới những trảng cỏ, chả biết cỏ gì mà tầm cao chắc ngang ngực người trưởng thành. Vừa quét đèn anh Kiểm lâm vừa thuyết minh, gió ù ù mà giọng anh rõ ràng, khúc triết: Giờ quý vị đã rõ tại sao tỉnh này có tên là tỉnh Đồng Nai chưa?

Cát Tiên là Vườn Quốc gia duy nhất ở Việt Nam có dịch vụ đi ngắm thú đêm như này. Ở đây nghe nói còn lại 28 cá thể voi châu Á, bò tót thì còn khoảng 7, 80 con gì đó.

Hành trình của buổi sáng hôm sau tại Cát Tiên, chúng tôi thuê xe đạp từ cửa rừng, được phát một chiếc mũ đan bằng mây/tre hay gì đó chả biết. Đạp cả đi cả về được 12,5 km. Chưa bao giờ đạp xe giữa khung cảnh tuyệt vời như thế này. Phải nói: thực là những giờ phút đáng sống!

Cây cầu phủ đầy rêu xanh

Cây cầu phủ đầy rêu xanh

Cách lối đi vào cửa rừng gần 5 km thì bắt gặp cây cầu phủ đầy rêu xanh - không phải là xanh rì như người ta thường tả mà là xanh mơn mởn, xanh tươi như này. Rêu và cỏ cùng những cây bụi phủ trên thành cầu khiến tôi liên tưởng đến những luống rau mầm tươi tốt nhất ở Đà Lạt. Cây cầu thực sự đặc biệt, trông hơi siêu thực và đặc trưng của vùng rừng nhiệt đới. Rêu xanh nhiều như vậy chắc do từ hai nguồn: tàn cây che rộng làm nước mưa rơi xuống đọng lại lâu bốc hơi hơn so với những chỗ thoáng đãng và hơi nước từ con suối dưới chân cầu bốc lên.

Đạp xe từ cửa rừng vào hết con đường rải bê-tông là 7,2 km. Mọi người trong đoàn kêu quay về, tôi cố đạp dấn vào lối đường đất thêm 1 km nữa nhưng cũng đành phải quay xe, vì xung quanh vắng lặng như tờ dù đang giữa buổi sáng, cảm giác hơi rờn rợn. Bạt ngàn rừng, chỉ có tiếng chim hót và tiếng lóc chóc của các con thú nhỏ chạy dưới trảng cỏ, đôi khi bắt gặp voọc chà vá chuyền cành trên đầu hay sóc chạy ngang lối đi. Tiếc rẻ quay xe vì nếu ham quá mải miết đạp, biết đâu có con trăn gió từ trên cây cổ thụ quăng mình phi xuống phát thì mai lại trở nên nổi tiếng.

Đây là ranh giới kết thúc đoạn đường rừng được rải bê-tông và bắt đầu đoạn đường đất. Nhìn vào trong thấy hun hút như này, mới thấm rõ từ "rừng già", "rừng sâu" là như thế nào. Cả một khóm cây ổi rừng mọc ngay bên lối đi, làm tôi liên tưởng đến có một quả ổi chín rơi xuống và những hạt ổi già đồng loạt đâm chồi nảy lộc mọc cây. Bên cạnh là một tổ mối, thoạt nhìn như một đống đất, lát sau đứng ngắm nghía làm tôi liên tưởng đến bức tượng Chăm chạm hình vũ nữ Apsara gì đó.

Đi xe đạp vào những tán cây rừng che kín lối, đi đến đâu bướm đậu hai bên đường bay rẽ ra đến đó. Mùa Hè mà còn thế này, chắc mùa Xuân thì nhiều bướm hơn nữa. Lướt qua những nơi như thế này, trong đầu tôi tự dưng nhớ đến lời bài hát "Đồng xanh" (Green fields – Brothers Four): "Đồng xanh là chốn đây Thiên đàng cỏ cây là nơi bầy thú hoang đang vui đùa trong nắng say Đây những bờ suối vắng im phơi mình bên lùm cây đây những dòng nước mát khẽ vươn tay về thung lũng...".

Trên đường đạp xe, tôi băng qua những vạt rừng đẹp như trong film Hàn Quốc thế này. Nhưng đây chắc rừng trồng nên mới đều tăm tắp và thân cây không cong queo như thế. Lại nhớ những hàng cây Ngân hạnh trên đảo Nami, nơi quay bộ film nổi tiếng "Winter sonate" làm rung rinh bao trái tim người Việt trẻ một thời.

Tôi rất thích ngắm những cậu bé trông khỏe khoắn, vui vẻ, nhanh nhẹn, mặt và áo đẫm mồ hôi nhưng đầy hứng khởi đạp xe trong rừng như thế này. Các em được tham gia những chuyến đi như thế này là trải nghiệm tuyệt vời, một cách giáo dục không thể văn minh và hiệu quả hơn. Các em sẽ được rèn luyện thể chất, học về Sinh học (động, thực vật), học về Địa lý và Lịch sử, học những kỹ năng mềm để mai này trở thành một người phát triển toàn diện.

Empty

Gần khu điều hành Vườn Quốc gia Cát Tiên thấy có hai dãy nhà như này, kiểu villa/homestay xây lên cho khách lưu trú thuê ở trong kỳ nghỉ. Mỗi villa được đặt theo tên một loài cây/hoa hoặc chim/thú, rất dễ thương. Có những căn villa có lối đi vào rất chill.

Rời khỏi Nam Cát Tiên, lên xe về Sài Gòn để kịp chuyến bay tối Chủ nhật về Hà Nội mà trong tôi vẫn y nguyên cảm giác thơ thới, lâng lâng của “một ngày đáng sống”, của lần đầu tiên được tắm rừng cả buổi trong một cuối tuần thời tiết “đẹp hết sẩy”.

Vẫn nguyên cảm giác bồng bềnh khi sáng sớm Chủ nhật đạp xe trong rừng Cát Tiên, toàn thân đẫm hương cỏ cây hoa lá còn lẩn khuất ban mai tinh khôi, hít căng tràn lồng ngực thứ ô-xy thanh khiết từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác; tầm mắt không bị giới hạn bới bất cứ biển hiệu hay thiết bị điện tử nào, tha hồ ngắm trời xanh mây trắng, tha hồ du ngoạn với gió trời trên từng ngọn cây, từng vạt rừng trảng cỏ đang ánh lên mầu xanh lung linh của cây lá giữa mùa hạ dưới ánh nắng sớm mai bừng lên rạng rỡ.

Đúng là tắm rừng, trọn vẹn và được trùm phủ, được tưới đẫm trong thanh khiết mênh mang đẹp đẽ biếc xanh giàu có tiềm ẩn tràn căng sức sống diệu kỳ…

Lê Hồng Lam
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES