Tâm thức cổ dân nam Tây nguyên

04/09/2012

Bài và ảnh: Khắc Dũng
Vùng đất của cổ dân Nam Tây Nguyên đi qua cực nam tỉnh Lâm Đồng còn nhiều điều để khám phá. Không chỉ hiện tượng thần Shiva và núi Mênu từng gây thú vị cho các nhà khảo cứu mà gần đây, di chỉ khảo cổ học Cát Tiên còn có một “hiện tượng” đặc biệt đáng quan tâm là hiện tượng mukha linga.

Kỳ III: TÂM THỨC CỔ DÂN NAM TÂY NGUYÊN

Ngay từ những ngày đầu khai quật, tại di chỉ khảo cổ học Cát Tiên (thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), các nhà khoa học đã tìm thấy tại đây những ngẫu tượng linga - yoni và tượng thần Shiva cùng với kiến trúc đền tháp mang nhiều ý nghĩa về tôn giáo. Tuy nhiên, cho đến nay, chủ nhân thực sự của vùng đất cổ này vẫn đang còn là vấn đề tranh luận. Gần đây nhất, một phát hiện có ý nghĩa đặc biệt như một chứng tích mới có thể kết thúc cuộc tranh luận kéo dài vài chục năm nay, là “hiện tượng mukha linga”.

THẦN SHIVA CÙNG BIỂU TƯỢNG CỦA HÒA BÌNH VÀ NO ẤM

Nhà báo - nhà khảo cổ học Đinh Thị Nga, người có công phát hiện ra di tích khảo cổ Cát Tiên,

Tượng thần Shiva

cho rằng: “Toàn bộ kiến trúc các ngôi đền tại Cát Tiên được xây dựng theo quy chuẩn Bà La Môn giáo: Bình độ hình vuông, giật cấp nhiều lần cùng với những cửa tháp, thanh đá ốp cửa, trụ bệ, mi cửa, những ngẫu tượng linga, yoni, tượng Ganesa…”. Bà nhận xét thêm: “Quy chuẩn đó được thực hiện bởi những bàn tay và khối óc tài hoa của các nhà kiến trúc tôn giáo nhiều thế hệ. 20 ngôi đền tháp và đền mộ hoàn toàn khác nhau về chi tiết nhưng lại hòa quyện với nhau trong kiểu dáng, vươn trong không gian một thế giới tâm linh bí ẩn, kỳ vĩ…”.

Ở nhiều di chỉ khảo cổ học trên thế giới, hình ảnh tượng thần Shiva được tìm thấy nhiều nhất là hình ảnh thiếu nữ có nhiều cánh tay trong tư thế đứng múa, phổ biến là tượng 8 tay và 6 tay. Tuy nhiên, tại di chỉ khảo cổ học Cát Tiên, trong lần khai quật mới đây nhất, các nhà khảo cổ học lại tìm thấy bức phù điêu có tượng thần Shiva với hình ảnh một phụ nữ ngực trần, hai tay cầm một lá sen và bông sen. “Thần Shiva trên đường du nhập từ biển Đông vào Việt Nam và lên đến Nam Tây Nguyên đã được đơn giản hóa và mang ý nghĩa “hòa bình” nhiều hơn!” – nhận xét của một nhà khoa học có uy tín. Theo đó, thay vì có những 8 hoặc 6 tay, trên tay cầm những vật như đinh ba, dao găm, chén dầu lửa… thì thần Shiva khi “đến” thánh địa Cát Tiên chỉ còn hai tay và cầm lá sen và bông sen - biểu tượng của hòa bình và no ấm. 

MÊNU - ĐỈNH NÚI THIÊNG CỦA THẦN LINH

Vẫn chịu ảnh hưởng của Ấn giáo nên tại di chỉ khảo cổ học Cát Tiên, kiến trúc đền tháp là kiến trúc chủ đạo. Tuy vậy, quan niệm về “tháp” và “đền tháp” của cổ dân bản địa Nam Tây Nguyên đã có sự thay đổi chứ không hoàn toàn giống như nguyên mẫu của kiến trúc “tháp” và “đền tháp” theo quan niệm Ấn giáo. Dạng kiến trúc tiêu biểu theo văn hóa Bà La Môn giáo chính là Sikhara, hay còn gọi là “tháp”. “Sikhara” được hiểu là “đỉnh nhọn” hay “đỉnh núi nhọn” - biểu thị của núi Mênu. Trong Bàlamôn giáo, Mênu là dãy núi của các thần linh, trong đó, vị thần tối cao ngự trị ở đỉnh núi cao nhất. Núi Mênu được hóa thân thành kiến trúc Sikhara với tên gọi là “kalan”, có nghĩa là “đền thờ”; sau đó, “kalan” được đồng nhất với “tháp”.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Những hình ảnh khu di tích khảo cổ Cát Tiên

Các nhà khoa học cho rằng kiến trúc của di tích Cát Tiên vẫn thuộc loại hình kiến trúc tôn giáo cổ nhưng có đặc trưng riêng so với kiến trúc tôn giáo của nhiều di tích mang dấu ấn văn hóa Ấn giáo. Qua những lần khai quật di chỉ khảo cổ học Cát Tiên, các nhà khoa học đã tìm thấy tại gò 6A một đền thờ khá hoàn chỉnh với nét đặc thù được thể hiện theo dạng kiến trúc đền tháp hình vuông được bẻ góc nhiều lần trước mặt tiền phía đông của tháp. Từ hiện trạng của di tích mà nhận xét thì quan niệm về “tháp” và “đền tháp” cùng với “đỉnh núi thiêng” Mênu của các thần linh của cư dân cổ bên dòng sông Đồng Nai đã có những thay đổi nhất định.

SHIVA MUKHA - GỢI MỞ VỀ CHỦ NHÂN THÁNH ĐỊA CÁT TIÊN

Ông Lương Nguyên Minh, Trưởng ban quản lý Di tích Cát Tiên, tiết lộ: “Từ trước đến nay, các nhà khoa học đã tranh luận nhiều về vấn đề chủ nhân của thánh địa Cát Tiên nhưng hiện vẫn chưa đi đến ngã ngũ. Bởi vậy, rất có thể phát hiện gần đây về hình ảnh mukha duy nhất trên một chiếc linga trên nền “văn hóa Shiva” đang hé lộ nhiều vấn đề để các nhà nghiên cứu quan tâm và… tiếp tục tranh luận về chủ nhân cổ của vùng đất này”.

Với văn hóa Ấn, gần hơn là văn hóa Chăm, thần Shiva là vị thần Bàlamôn giáo “tam vị nhất thể” được tôn vinh là vị thần tối cao. Nói “tam vị nhất thể” là bởi, theo quan niệm của người Chăm, chỉ trong mỗi một thần Shiva thôi nhưng có đến ba vị thần khác (biểu hiện bằng ba ý nghĩa) là thần sáng tạo, thần hủy diệt và thần bảo vệ muôn loài. Trong cộng đồng người Chăm xưa, Ấn Độ giáo thuộc phái Shiva thường được thể hiện dưới dạng linga (sinh thực khí nam) để thờ cúng. Mukha linga - hình tượng Shiva ở dạng người hoặc khắc hình người trên linga - rất ít được tìm thấy ở các di chỉ khảo cổ học xưa nay.

Điều đó cho thấy, linga và yoni trong chỉnh thể ngẫu tượng “linga - yoni” - biểu trưng của sáng tạo (thần Brahma), hủy diệt (thần Shiva) và bảo tồn (Vinus) trong văn hóa Chăm khi tiếp thu Ấn Độ giáo - đã có sự sáng tạo là “nhân hóa” một vị vua nào đó hay một vị “thánh sống” nào đó có thật trong đời gắn với biểu tượng “linga - yoni” để thờ cúng. Trên một bộ linga - yoni ở Cát Tiên cũng có một mukha như vậy, là hiện tượng hiếm có bên cạnh mukha linga trong lòng tháp Po Klong Garai (Ninh Thuận) thờ vua Po Klong Garai..

Theo đoán định của ông Lương Nguyên Minh thì hình khắc trên linga tại Cát Tiên này chính là một mukha nào đó của cổ dân Nam Tây Nguyên. Theo quan sát của chúng tôi, đó là hình ảnh

Tượng thần Ga-Nê-Sa, phát hiện tại Gò 8, khu di tích Cát Tiên

một mặt người, có chiều rộng 5cm và chiều dài 7cm. Khuôn mặt đã bị mờ đi rất nhiều nhưng riêng hai tai thì còn khá rõ với độ dài khoảng 4cm. Quan sát ở phía trên cùng của linga, chúng tôi còn nhận ra màu sẫm được thể hiện khá rõ so với màu của toàn bộ khối đá. Điều này chứng tỏ là bộ linga - yoni này đã được cư dân cổ ở đây hành lễ khá nhiều (bằng cách sờ vào đầu linga và tưới “nước thiêng” lên đó để nước thiêng ấy chảy về máng nước thiêng).

“Đây là linga duy nhất được tìm thấy ở di chỉ khảo cổ học Cát Tiên có khắc hình khuôn mặt người. Nhưng, ở Cát Tiên, cho đến lúc này, không tìm thấy bất kỳ thư tịch cổ nào liên quan đến chủ nhân của thánh địa. Bởi vậy, thật khó vô cùng trong việc xác định mukha duy nhất ở đây là ai, là vị “vua” nào hay vị “thánh sống” nào đó!” - ông Minh nói.

Và như vậy, mặc dầu thêm một phần hé lộ về những bí mật thánh địa Cát Tiên từng nhiều năm bị vùi sâu trong lòng đất qua “khuôn mặt người” trên chiếc linga hiện thân của thần Shiva ở đây nhưng cho đến lúc này, “bí mật” về một mukha nào đó của Cát Tiên vẫn đang là… bí mật.

Thông tin thêm:

+ Di tích Cát Tiên nằm dọc theo sông Đồng Nai, thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, trải dài khoảng 15km qua các xã Đức Phổ, Phù Mỹ của huyện Cát Tiên. Theo nhận định của nhiều nhà khoa học, di tích này có thể còn kéo dài sang bên kia bờ sông Đồng Nai thuộc tỉnh Đồng Nai, và sang tận tỉnh Bình Phước tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng. Tại Bình Phước, mới đây, các nhà khoa học cũng đã đào được một vài hiện vật khảo cổ được cho là “văn hóa Cát Tiên”.

+ Một trong hai người đầu tiên phát hiện di tích Cát Tiên vào năm 1986 là bà Đinh Thị Nga, một nhà báo đã về hưu và cũng là một nhà khảo cổ học. Trong một chuyến công tác, bà Nga cùng một cán bộ khác cùng cơ quan đã tình cờ đào được một vài hiện vật “cổ” tại vùng đất Cát Tiên. Từ hiện vật đó, di tích khảo cổ học Cát Tiên dần hé lộ và nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong nước và thế giới.

+ Hiện có hai luồng ý kiến về chủ nhân thực sự của vùng đất cổ Cát Tiên: Chủ nhân nơi này chính là cổ dân Mạ, từng hình thành “vương quốc Mạ” trong lịch sử; nhưng về sau, vương quốc này đã suy tàn. Luồng ý kiến thứ hai: Đây là thánh địa của một tộc người di cư từ bên ngoài vào

Thần Brahma thế kỷ XII, sa thạch, cao 0.8m-An Nhơn, Bình Định

do những lý do của chiến tranh và cùng “hòa” vào một vài bộ tộc người bản địa. Đến đây, họ lập nên một “vương quốc” với nền văn hóa tôn giáo phát triển khá rực rỡ nhưng sau đó cũng đã suy tàn.

Bài và ảnh: Khắc Dũng

RELATED ARTICLES