Bài và ảnh: Sơn Nguyễn
Trên con đường quốc lộ 14 xuyên mảnh đất Tây Nguyên ban sớm lạnh hơn thường lệ. Những cơn mưa của mùa mưa vừa đi qua mang theo không khí se se khiến bạn phải quàng ào ấm khi chạy xe. Cứ nghĩ trời đất Tây Nguyên quanh năm xanh không một gợn mây sẽ chỉ man mát mà thôi, ai dè tôi vẫn phải mang áo ấm và khăn ra quàng rồi mới đi tiếp được.
Trời đất vẫn xanh thăm thẳm với nắng vàng rót mật, nhưng cánh rừng cao su đầu tiên lướt qua khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng và nhanh chóng tấp vội vào lề. Vẫn là những cánh rừng hun hút với hàng cây thẳng tắp nhưng màu xanh của lá đã nhường chỗ cho một màu vàng và xen lẫn màu đỏ. Một rừng cao su đang trong mùa chuyển lá tuyệt đẹp khiến bạn ngỡ như mình đang đi giữa mùa thu. Lòng xao động ngổn ngang, tôi rẽ vào với rừng cây.
Không có những bóng công nhân thấp thoáng lấy mủ sau những thân cây, chỉ có rừng cao su lặng lẽ trong tiếng gió reo vui, ánh nắng nhảy nhót và tiếng lạo xạo của lá vàng rơi dưới mỗi bước chân. Tôi đạp chân trên những chiếc lá vàng, đi bộ theo chiếc xe máy đang lăn bánh phía trước, cuốn theo màu đất đỏ và những chiếc lá nhảy nhót. Xe tắt máy, cả không gian im phăng phắc, hàng cây im lìm trong bóng nắng sớm.
Mùa xuân là mùa của vạn vật đâm chồi nảy lộc vươn những mầm xanh nhưng cũng là mùa của những cây cao su thay áo mới. Sau suốt chín tháng vươn mình và sản sinh ra dòng nhựa trắng, đây là quãng thời gian nghỉ lấy sức của loài cây quanh năm vất vả này.
Mùa cao su không cho mủ, không có những vết cứa mới trên thân cây, không những dòng mủ trắng nóng hổi chạy quanh thân. Chiếc bát đựng mủ nằm im trên thân và những dòng chảy cô đặc một màu nâu quánh. Cao su trút lá, rũ những mệt nhọc của mình một lần cuối trong năm, đốt nốt những tàn dư của mình thành màu vàng mùa đỏ rực rỡ trên cành, trước khi rời mình xuống mặt đất đỏ. Những tàn dư cuối cùng ấy tạo nên bức tranh tuyệt mỹ cho mảnh đất Tây Nguyên khô cằn, cây cao su với sức sống mãnh liệt, đến khi trút lá lìa cành cũng khiến người qua đường phải sững sờ vì cảnh sắc mà nó đem lại.
Cao su rụng lá rồi, rơi xuống nền đất đỏ, tự phân hủy theo những cơn mưa rồi tự bón mình cho đất, cho cây cao su. Mùa lá rụng nối tiếp mùa lá rụng, tạo những thảm đất tốt tươi cho chính mình.
Tôi đã từng đi qua nhiều mùa cao su nhưng hiếm khi dừng lại lâu đến thế. Đi trong rừng cao su dễ khiến bạn cảm giác thiếu oxy vì loài cây này rất độc, nhựa độc và những chiếc lá trao đổi khí trên thân mình cũng độc. Đi qua những rừng cao su bạt ngàn thẳng tắp trên con đường Tây Nguyên, gió cứ hun hút thăm thẳm. Cao su chuyển lá, cả cánh rừng rùng mình khoác mảnh áo mới, tạo một vẻ đẹp đầy mê hoặc. Một mùa cao su rời cành lại sắp tới.