Thác Hang Én - Dải lụa bạc giữa núi rừng Kon Chư Răng

23/05/2017

Thác Hang Én (còn gọi thác K50) tuôn chảy cuồn cuộn như một dải lụa bạc lấp lánh giữa đại ngàn Kon Chư Răng thuộc tỉnh Gia Lai. Mới được một nhóm “backpacker” phát hiện cách đây chưa lâu, với vẻ kỳ vĩ, nên thơ và huyền ảo, ngọn thác hứa hẹn sẽ là điểm check-in không thể bỏ qua với những người thích phiêu lưu trong mùa hè này.

Từ Pleiku, thành phố chính của tỉnh Gia Lai, sau khi vượt qua chặng đường hơn 80km đến thị xã An Khê, chúng tôi tiếp tục di chuyển 30km nữa để đến với huyện Kbang. Đi thêm 60km đường đèo dốc với cảnh quan hai bên đường bạt ngàn màu xanh của núi rừng, cuối cùng cũng đặt chân lên khu bảo tồn Kon Chư Răng. Khu bảo tồn nằm trong Nông trường 4 thuộc tỉnh Gia Lai.

 

 

Đường đi khó không phải vì người ngại khó

Sau khi làm thủ tục đăng ký với khu bảo tồn, cả nhóm được hai anh kiểm lâm dẫn đường vào thác. Phía trước chúng tôi là cự ly hơn 12km, vẫn đi bằng xe máy qua những đoạn dốc cao đến chóng mặt. Thậm chí, chỉ cần một cơn mưa nhẹ, thể nào cũng bị đo đường. Chỉ mới bắt đầu nhưng quả thực, chúng tôi đã cảm nhận được những hiểm nguy và cực nhọc trong hành trình khám phá thác K50.

 

 

Sau hơn 1 tiếng chạy xe máy trong đường rừng, đoàn cũng đến được khu vực Trại Bò. Đó là một đồng cỏ mênh mông được người dân địa phương chọn làm nơi dựng nhà rẫy. Gửi xe tại đây và bắt đầu cuộc chinh phục thác bằng chính đôi chân của những người đam mê thiên nhiên hoang sơ. Đây cũng là điểm khởi đầu cho hành trình trekking, băng rừng và lội suối xuyên khu bảo tồn Kon Chư Răng.

 

 

Dịp chúng tôi đi thác là tháng 3, thời điểm đẹp nhất trong năm ở đây, với tiết trời nắng ấm và ít mưa. Mùa này nước suối chưa cao nhưng mỗi người vẫn kiếm cho mình một nhánh cây làm gậy cho an toàn. Hì hục lội suối hơn 2 tiếng đồng hồ, có những đoạn sình lầy ngập tới tận đầu gối, có những đoạn phải băng qua con suối nước ngang tận hông, lại thêm đá trơn khiến tôi có lúc phải té nhào xuống nước. Đã cảm nhận sự mệt mỏi nhưng những đôi chân vẫn không chịu chùn bước, vì trước mắt sẽ là một vẻ đẹp kỳ ảo, tráng lệ của ngọn thác.

 

 

Cảm xúc vỡ òa khi trước mắt hiện ra một ngọn thác không ngừng tuôn chảy ầm ào, tung bọt trắng xóa. Ngay dưới chân thác là những khối đá mang nhiều hình dạng kỳ thú, xếp chồng lên nhau.

 

 

Chúng tôi đứng lặng hồi lâu, từ xa chiêm ngưỡng thác K50 tựa như một dải lụa bạc, lấp lánh và lung linh giữa chốn núi rừng. Cả không gian quanh thác trông cũng kỳ vĩ, nên thơ và huyền ảo biết nhường nào. Dường như tất cả những tinh túy của đất trời, của thiên nhiên đều hội tụ ở chốn này, nơi như chốn thiên đường giữa trần thế. Với tôi, thác K50 còn đẹp hơn cả tranh vẽ, bởi nó chính là tác phẩm nghệ thuật của tạo hóa, là món quà mà mẹ thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho đại ngàn hoang sơ nằm về hướng Đông Bắc tỉnh Gia Lai này.

 

 

Bức tranh thủy mặc giữa núi rừng

Đoàn quyết định dựng trại dưới chân thác. Phải nói là chúng tôi khá may mắn khi được hai anh kiểm lâm giàu kinh nghiệm và đầy nhiệt tình dẫn đường. Anh Hùng và nhất là anh Rót, người dân tộc Ba Na, rất rành địa hình và vô cùng chuyên nghiệp khi lội rừng. 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

 

Sau đó, ai nấy chia nhau người kiếm cây khô nhóm bếp, nấu cơm trong ống tre, người giăng lưới bắt cá, người mò ốc, hái rau. Và chúng tôi đã có một bữa tối đậm chất hoang dã mà không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm trong đời. Giữa màn đêm tịch mịch, bên ánh lửa trại bập bùng, không gì thú vị bằng cảm nhận tiếng thác vang vọng giữa không gian, với niềm hân hoan dường như đủ sức xóa tan đi bao mệt nhọc của cả ngày trekking vất vả.

 

 

Sáng hôm sau, cả đoàn nhổ trại, lại tiếp tục hành trình chinh phục ngọn thác. Sau một đêm lấy lại sức, đủ để đi lên phía đầu nguồn ngọn thác. Trong thực tế, chỉ một đoạn đường ngắn chưa đến 500m nhưng chúng tôi đã khá vất vả khi phải leo những con dốc có độ dốc tới gần 60 độ. Đường đi khá ẩm ướt và có rất nhiều vắt. Vì đây là khu vực đầu nguồn trong rừng già với thảm thực vật dày đầy rêu xanh nên có vô số vắt lá. Đó là một loại vắt sống trên cây, khi cắn thì không dễ nhận biết. 

 

 

Bình minh ngày mới như tiếp thêm năng lượng cho cả đoàn len lỏi giữa những vách đá. Rồi lần xuống dốc núi để nuôi lớn dần sự háo hức khi tiếng thác đổ ngày một gần hơn. Và cuối cùng là cảm xúc vỡ òa khi tận mắt chiêm ngưỡng tuyệt tác của thiên nhiên. Thác nước ầm ào từ chiều cao 50 mét tuôn dài như suối tóc được điểm xuyết khéo léo bằng những tảng đá rêu phủ xanh mướt. Khó diễn tả hết sự ngỡ ngàng rồi đến thán phục trước sự sắp đặt hài hòa của đất trời. 

Đứng trên đỉnh thác, chúng tôi mặc sức tận hưởng bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ của núi rừng. Thả hồn theo vũ điệu của thiên nhiên và không khí mát lạnh, còn gì tuyệt vời hơn khoảnh khắc khó quên đó!

 

 

Trở về lại Trại Bò, chúng tôi quyết định đổi đường đi, không theo hướng lội suối mà là băng rừng. Trekking qua những con dốc cao, thỉnh thoảng phải ngồi xuống để thở cho đỡ mệt. Dưới tán rừng toàn những cây to, lá ken nhau dày đặc đến nỗi không để lọt tia nắng nào, đoàn người trở nên nhỏ bé nhưng lại lâng lâng xúc cảm. Bởi ai cũng thấy mình như một thành viên đoàn thám hiểm trong một cuốn phim đậm chất đường rừng nào đó. Và cũng nhờ cảm xúc ấy, chúng tôi quên cả những giọt mồ hôi không ngừng tuôn, còn bắp chân thì đang tê cứng dần vì đoạn đường rừng không dễ chinh phục. Với đoạn đường này, cả nhóm chỉ biết cắm đầu đi, không dám nghỉ chân vì ở đây có rất nhiều vắt. Thêm vào đó, cái nóng như muốn vắt kiệt sức mọi người.

 

 

Nếu bạn là người yêu thiên nhiên và chẳng e dè trước những hành trình trekking đầy thử thách, tôi khuyên bạn hãy lên kế hoạch để khám phá thác K50 trong mùa hè này. Bạn cũng đừng quên rèn luyện sức khỏe, chuẩn bị những dụng cụ cần thiết cho hành trình chinh phục đang chờ bạn ở phía trước. “Tiên cảnh” của vùng đất Gia Lai vẫn đang ẩn mình thách thức các phượt thủ tìm đến. Và nên nhớ, hãy là những phượt thủ có ý thức để cùng chung tay bảo vệ vẻ đẹp nguyên sơ của dòng thác tinh khôi này nhé! 

 

Thông tin thêm:

+ Phân bố: Hiện nay trong khu bảo tồn Kon Chư Răng có trên 8 thác khác nhau, nhưng đẹp và hùng vĩ nhất là thác K50 (hay còn gọi thác Hang Én). Kế đến là thác K40 hay còn gọi thác Ba Tầng, cũng được xem là thác đẹp trong khu vực Tây Nguyên.

+ Hành trình: Từ TP.HCM/HN, bạn bay với Vietnam Airlines để tới Pleiku, thành phố chính của tỉnh Gia Lai. Từ trung tâm TP. Pleiku đi theo quốc lộ 19 về hướng Quy Nhơn khoảng 80km là tới thị xã An Khê. Tới ngã ba đi Kbang rẽ trái, đi 30km là tới xã Kbang. Tiếp tục đi thêm khoảng 60km nữa sẽ tới khu bảo tồn Kon Chư Răng (thuộc quản lý của Nông Trường 4, tỉnh Gia Lai). Thác K50 nằm trong khu bảo tồn này.

+Vài lưu ý trước khi đi thác:

  - Bạn cần gọi điện thoại trước cho khu bảo tồn để đăng ký, xem tình hình thời tiết có mưa hay không. Liên hệ: Anh Hùng 0978 035 772

  - Chuẩn bị lều, túi ngủ, lương thực & nước uống cho 2 ngày, thuốc chống vắt vì trong rừng vắt rất nhiều

  - Giày leo núi hay giày lội suối, đồ đi rừng, áo khoác nhẹ.

+ Tham quan: Thác K50 nằm khá xa trung tâm thành phố Pleiku, nên một khi đã tới Pleiku, ngoài chuyến thám hiểm thác K50, bạn nên kết hợp khám phá những điểm khác ở vùng ven Pleiku.

  - Biển Hồ T’nưng: Người dân địa phương quen gọi là Biển Hồ, nằm cách thành phố Pleiku gần 10km theo hướng đi KonTum. Con đường xuống Biển Hồ đẹp như bức tranh, hai bên là ngút ngàn thông xanh. Nơi cuối đường là các bậc tam cấp bằng đá dẫn đến ngôi nhà lồng thơ mộng giữa lòng hồ. Từ đây phóng tầm mắt bao quát để thấy những loài hoa đang khoe sắc, đẹp nhất là vào tầm cuối tháng 9 khi Pleiku vào mùa hoa dã quỳ.

  - Chư Đăng Ya: Theo tiếng của đồng bào J’rai nghĩa là củ gừng dại, đây là một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động hàng triệu năm, với miệng núi hình phễu đặc trưng. Núi lửa Chư Đăng Ya ẩn mình giữa bốn bề núi non trùng điệp, âm thầm, lặng lẽ nhưng tràn đầy sức sống và đầy mê hoặc. Lên đỉnh núi, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác yên ả, thanh bình của khung cảnh thiên nhiên hoang sơ đậm chất Tây Nguyên, dưới chân là một vùng bình nguyên xanh thẳm.

  - Đường thông cổ Biển Hồ Chè: một điểm check-in rất nổi tiếng hiện nay tại Pleiku, quyến rũ với hai dãy thông cổ thụ trên một trăm năm tạo nên một nét vô cùng thơ mộng cho phố núi. Đường thông cổ nằm cách Biển Hồ hơn 5km theo hướng đi về núi lửa Chư Đăng Ya.

 -Nhà mồ Tây Nguyên: trên đường từ Pleiku đi vào Nhà máy thủy điện Yaly, bạn sẽ đi qua những buôn làng của người Ba Na. Ở đây vẫn còn những khu nhà mồ Tây Nguyên. Nếu may mắn, bạn sẽ gặp những nghệ nhân già tạc tượng nhà mồ.

+ Ẩm thực: Dưới đây là một số món đặc sản/địa chỉ ẩm thực nổi tiếng ở Pleiku và An Khê mà du khách nhất định phải thử.

  - Gà chỉ nằm trên đường Đỗ Trạc, Pleiku

  - Đỉnh Coffee & Lifestyle: 375A Quang Trung, An Khê. Đến với Đỉnh Coffee, bạn sẽ chìm đắm vào một không gian ấm áp, thoải mái, cùng những món ăn vô cùng hấp dẫn, hay thưởng thức hương vị ngọt ngào của một ly cà phê rang nguyên chất với chỗ ngồi mà bạn ưng ý nhất.

 - Cafe Thu Hà: Có nhiều quán ở Pleiku, bạn nên thử để tận hưởng hương vị cà phê đặc trưng của Gia Lai.

 - Phở Hồng hai tô: 22-24 Nguyễn Văn Trỗi, Pleiku. Nơi đây có món ăn đặc trưng không du khách nào đặt chân tới mảnh đất này có thể bỏ qua là phở khô Gia Lai. Người dân ở đây thường đặt cho nó một cái tên dân dã khác là “phở hai tô”, ý nói phở ăn hai tô mới “đủ đô". Giá khoảng 25.000 - 35.000VNĐ/tô.

  - Cơm Gà Mỹ Tâm 2: 6 Quang Trung, Pleiku.

  - Phở bò viên Tàu Lý: 36 Trần Phú, Pleiku. Quán này quá nổi tiếng ở Pleiku nên bạn không cần lo về chất lượng. Không gian quán không rộng lắm nhưng rất đông khách vào ra, bạn nên đi ăn sớm một chút để phòng trường hợp hết chỗ. Giá ở đây tầm 30.000 đồng/tô.

 - Bún Hường: Kiốt 16, Sân vận động HAGL. Giá 40.000VNĐ/tô.

+ Lưu trú:

  - Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai: 01 Phù Ðổng, Pleiku

  - Green Bamboo – Tre Xanh Plaza Hotel: 18, Lê Lai, Pleiku

  - Khách sạn Sê San: 89 Hùng Vương, Pleiku

  - Khách sạn Pleiku: 124 Lê Lợi, Pleiku

  - Khách sạn Khánh Linh

  - Khách sạn An Khê: 572 Quang Trung, P. Tây Sơn, thị xã An Khê.

+ Thời tiết:

  - Mùa đẹp nhất trong năm ở Gia Lai là từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau, với tiết trời se lạnh về đêm. Từ tháng 2 đến tháng 4 là đỉnh điểm mùa khô, tiết trời nắng nóng. Từ tháng 5 đến tháng 7 là vào mùa mưa.

  - Nhưng An Khê thì khác vì đây là nơi giao thoa giữa cao nguyên và đồng bằng. Nên thời gian đẹp nhất trong năm để tham quan nơi này là từ tháng 1 đến tháng 6.

Bài và ảnh: Aloha Nguyễn

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES