Tham quan khu du lịch làng cổ Phước Lộc Thọ - Long An

13/05/2014

Khu du lịch làng cổ Phước Lộc Thọ, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cách thị trấn Đức Hòa 4 cây số, trên Tỉnh lộ 824, đường từ Đức Hòa đi Bến Lức (Long An). Có thể nói, Phước Lộc Thọ là nơi duy nhất của Việt Nam tập trung nhiều nhà cổ trên khắp mọi miền đất nước. Vừa đối diện với cổng tam quan Phước Lộc Thọ, khách đã bị hút hồn bởi dáng vẻ uy hùng thể hiện rõ nét phong cách con nhà võ cùng những hoa văn, phong cách đa dạng. Càng vào sâu trong diện tích rộng mênh mông 5,5ha của Phước Lộc Thọ, khách càng bị mê hoặc như lạc vào chốn "bồng lai tiên cảnh" với những ngôi nhà rường bài trí giữa không gian êm ả, thanh bình của nhiều loại cây và hoa kiểng.

Phước Lộc Thọ là bộ sưu tập 22 ngôi nhà cổ lớn, nhỏ, nhà nào cũng đẹp, cái đẹp cổ vật xưa nay hiếm. Chủ nhân Phước Lộc Thọ đã đầu tư công sức, tiền của đi khắp mọi miền đất nước sưu tầm, đem về xây dựng lại trong không gian sắp xếp hài hòa. Lối đi trong Phước Lộc Thọ cũng là "kỳ quan" cho những ai yêu thích mỹ thuật. Những con đường ngoằn ngoèo lót đá xanh chẻ hình chữ nhật lớn lún phún cỏ xanh, hai bên là những bụi tre, hàng trúc, cùng bao nhiêu "kỳ hoa dị thảo" và những đồi cảnh... như những nét chấm phá, điểm xuyết khéo léo, gợi cảm. Lại có những con đường tráng xi măng xanh màu ngọc bích, cùng những chiếc cầu xi măng giả gỗ thiết kế mỹ thuật bắc qua những dòng nước êm hiền khiến khách như lạc vào miền cổ tích. Đó là những ngôi nhà cổ - những ngôi nhà rường – sẽ kể cho khách nghe bao nét văn hóa độc đáo.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Anh Cao Minh Sang, 36 tuổi, con rể chủ nhân Phước Lộc Thọ, cho biết mỗi ngôi nhà cổ trong Phước Lộc Thọ mang một nét văn hóa đặc trưng thú vị. Đó là nhà Nam Bộ 3 gian 2 chái; nhà sàn người Việt mang phong cách cộng đồng; nhà chữ công phong cách Bắc Bộ với 104 cột, 1.000 hoa văn cầu kỳ, tinh xảo với bộ nhị, bộ tam, bộ tứ, bộ ngũ, bộ lục...; nhà 5 gian 3 chái triều Nguyễn chỉ có vua mới được phép xây cất; nhà sàn Khmer Tây Ninh, nhà sàn dân tộc Thái; nhà tiểu lâu tứ giác bát dần, gọi là tiểu lâu Huế... Tất cả các ngôi nhà đều được xây dựng bằng những loại gỗ quý như căm xe, cà chất, gỗ đỏ, trắc, dầu... Cột gỗ của các ngôi nhà là những tác phẩm điêu khắc gỗ của thời kỳ cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 với sự kết hợp hài hòa giữa cương cường và uyển chuyển, giữa rắn chắc và mềm mại theo triết lý âm dương. Hầu hết các kèo, cột, thanh rường, cột trụ, bao lam, vách trần... đều được khảm trai, ốc xà cừ, chạm khắc công phu nhiều hoa lá, điển tích, câu đối với nhiều hoa văn khác nhau. Nhà có số cột nhiều nhất là 114 cột và ít nhất là 36 cột với lối kiến trúc vừa lạ vừa đẹp mắt. Đặc biệt, có 6 ngôi nhà sàn phong cách văn hóa cư ngụ của đồng bào Tây Nguyên đều được xây dựng bằng gỗ cao cấp, hầu hết được sưu tầm từ Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Quảng Nam...

Cùng với bộ sưu tập nhà cổ đồ sộ được phục dựng là bộ sưu tập cổ vật bài trí trong các ngôi nhà. Như nhà tiểu lâu tứ giác bát dần, là nhà các vị quan lớn triều Nguyễn, có bộ 3 tượng đồng cùng niên đại, khắc họa sinh động các vị: Phật Như Lai, Phật Bà Quan Âm và Địa Tạng vương Bồ tát. Sau lưng các bức tượng nầy đều có khắc dấu triện. Tượng Phật Tổ Như Lai trên 300 năm của người Khmer ở một ngôi nhà khác. Nội thất của các ngôi nhà cổ nầy đều là những vật quý hiếm, như chiếc giường rộng lớn được hình thành từ nguyên một tấm gỗ lớn. "Thời Nguyễn, chỉ có những bậc đế vương mới có chiếc giường nguyên tấm như vậy. Hàng quan lại cao cấp có chiếc giường 2 tấm. Còn thứ dân thì từ ba tấm trở lên. Giường một tấm này là long sàn của vua Bảo Đại", anh Sang cho biết. Phước Lộc Thọ còn có một chiếc long sàn triều Nguyễn khác, sơn son thếp vàng, các mặt chạm trổ cảnh canh gác biên cương, cảnh chiến đấu chống ngoại xâm, cảnh ngư tiều canh mục cùng các sinh hoạt đời thường của 4 giới: sĩ, nông, công thương. Có chiếc tủ xà cừ cổ khi có ánh sáng chiếu vào phát ra 7 màu lấp lánh... Phước Lộc Thọ còn là nơi lưu giữ các vật dụng sinh hoạt của nhiều thành phần trong xã hội Việt Nam, từ vua chúa, quan quân, địa chủ, người dân đến các vật tâm linh văn hóa của người Việt bằng đủ các chất liệu gỗ, sắt, đồng, gốm sứ..., đa dạng niên đại, phong phú chủng loại. Trong đó có cả những vật dụng cổ mang phong cách hiện đại thời Pháp mới sang đô hộ Việt Nam, như điện thoại, radio, máy hát, máy chụp hình, đèn...

Với một gia tài nhà cổ và cổ vật đồ sộ, quý hiếm như vậy, Khu du lịch làng cổ Phước Lộc Thọ đã được Sách kỷ lục Việt Nam xác lập là nơi sở hữu nhiều nhà cổ, hoa văn phong phú, đa dạng nhất Việt Nam, năm 2010. Năm 2013, Phước Lộc Thọ được chứng nhận là 1 trong 100 điểm đến ấn tượng nhất Việt Nam do UNESCO Việt Nam phong tặng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES