Đây là chặng cuối trong hành trình rong ruổi hai tuần của tôi ở xứ sở bạch dương, bởi tôi muốn lắng đọng lại mọi thứ về Nga tại vùng đất mang biểu tượng gấu thiêng vĩ đại.
Vùng đất thiêng của người Nga
Lúc nhỏ đọc quyển truyện tranh "Cô bé tóc vàng và ba con gấu" của Nga, tôi luôn ngạc nhiên tại sao loài gấu to lớn, hung tợn như thế lại được mô tả như những loài vật đáng yêu đối với trẻ con. Nội dung xoay quanh câu chuyện về một cô bé tóc vàng đi lạc vào ngôi nhà của gia đình gấu sinh sống đầm ấm trong một cánh rừng bạch dương phủ tuyết. Cổ tích Nga từ lâu đã vẽ nên những câu chuyện kết nối giữa gấu và người như thế.
Việc “kết bạn” với loài gấu bắt đầu từ khoảng thời gian của bộ lạc Finno-Ugric thuộc vùng Á - Âu xưa kia. Họ thừa nhận sự thống trị của loài động vật ăn thịt này trong rừng và cho rằng đó là điều tốt. Tổ tiên của người Nga rất tôn trọng gấu, coi nó là hiện thân của vị thần dũng mãnh Slavic Veles thời cổ đại.
Nhưng sau khi tiếp nhận Chính thống giáo, mọi thứ đã dần thay đổi. Mâu thuẫn nảy sinh giữa người với gấu và cuộc chiến bắt đầu. Gấu được xem như một biểu tượng của Đa thần giáo trên vùng đất rộng lớn này. Cuối cùng cuộc chiến kết thúc với sự thất bại của loài gấu. “Đế chế gấu” chính thức bị hạ bệ. Gấu bị thuần hóa và trở thành vật mua vui của con người và hiện diện nhiều trên đường phố Nga thời ấy.
Ở thành phố lịch sử Yaroslavl, gấu còn có những giai thoại riêng của nó. Mốc lịch sử là năm 1010 khi xứ Rus-Kiev bị phân ly bởi những cuộc chiến giữa các bộ tộc. Những đám thảo khấu hoành hành, cướp bóc sạch trơn sản vật trên những cánh đồng Nga và xô đẩy dân chúng vào kiếp nô lệ. Vùng đất này từng có một bộ tộc ngoại giáo sinh sống và họ thờ phụng “Gấu thiêng”.
Để chặn đứng bọn cướp, Công tước Yaroslav đã đích thân chém chết “Gấu thiêng”, cho xây dựng một pháo đài nhỏ bằng gỗ trên mô đất cao bên dòng Volga, và đặt tên là Yaroslavl. Có lẽ bởi thế, hình ảnh con gấu với chiếc rìu đã đi vào lịch sử và trở thành biểu tượng của thành phố.Trên những con phố ở Yaroslav ngày nay, đâu đâu tôi cũng thấy biểu tượng “Gấu thiêng” ấy. Từ họa tiết trên ô cửa sổ, thảm hoa trong công viên đến tượng đồng to lớn trên phố hay quảng trường đều khắc họa hình ảnh của loài gấu vĩ đại này.
Thành phố cổ trên Vành đai vàng
Tôi chọn khu nhà trọ bên trong khu phố cổ chỉ cách bờ sông Volga chừng vài trăm mét. Tôi thích ở đây một phần vì khách trọ chủ yếu là học sinh, sinh viên và viên chức trẻ người Nga đến Yaroslavl để thư giãn, học tập hay làm việc. Họ giao tiếp được tiếng Anh cơ bản và khá thân thiện với khách du lịch nước ngoài. Đây là điều giúp tôi có thể hiểu hơn về thành phố và con người Yaroslavl.
Không hoành tráng đồ sộ như Saint Petersburg cũng không nhộn nhịp như Moscow, Yaroslavl là thành phố cổ vừa vặn, nên thơ, đủ tạo nên xúc cảm mãnh liệt cho bất kỳ ai. Nơi đây được coi là điểm khởi đầu của hành trình khám phá Vành đai vàng nổi tiếng nước Nga. Những thành phố nằm trên tuyến vành đai này như Pereslavr, Alkeksandrov, Ivanovo, Sergiev Posad, Vladimiar, Suzdal... đều có vẻ đẹp và giá trị lịch sử riêng mình.
Đối với Yaroslavl, những công trình kiến trúc độc đáo cùng những di tích lịch sử gắn liền với nước Nga cổ xưa đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Người Nga xem vùng đất này là nơi bảo tồn trọn vẹn những nét văn hóa lâu đời của đất nước.
Trước khi đắm chìm vào các công trình kiến trúc tuyệt tác trong khu phố cổ, tôi dạo bước dọc bờ sông Volga khi vầng dương vẫn còn ẩn mình trong mây. Màn sương phảng phất trên mặt sông như một dảy lụa mềm vắt mình qua thành phố.
Lịch sử ghi nhận rằng, Yaroslavl từng là một trung tâm thương mại sầm uất từ cuối thế kỉ 16. Việc chinh phục các vương quốc Kazan và Astrakhan mở ra con đường giao thương với phương Đông dọc theo dòng Volga.
Với địa thế thuận lợi tại hợp lưu dòng chảy, Yaroslavl được người Anh chọn làm nơi đặt bến cảng để phân phối hàng hóa đến những khu vực hạ lưu. Rồi người Hà Lan, Đức, Pháp cũng chuyên chở đến đây nhiều mặt hàng giá trị.
Hàng hóa xuất khẩu từ Yaroslavl là da thú, cá nước ngọt, hạt lanh và tác phẩm nghệ thuật. Hàng chục nhà thờ lớn nhỏ, điêu khắc tinh vi tại đây chính là những minh chứng về tầm quan trọng cũng như sự giàu có, lẫy lừng của Yaroslavl trong quá khứ.
Tôi rảo bước đến một trong những công trình được các bạn Nga giới thiệu là đẹp nhất Yaroslval - nhà thờ của đấng tiên tri Elijah. Được xây dựng từ năm 1647 đến 1650, Elijah là một trong những di tích được bảo tồn tốt nhất và hoàn chỉnh nhất của Yaroslavl. Nằm ở trung tâm khu phố cổ, nhà thờ có lối kiến trúc độc đáo và được coi là kiệt tác kiến trúc cổ xưa của Nga. Với hai tháp chính cao được chạm trổ tinh vi cùng với năm khối vòm hình nấm, đây là một tổng thể cân đối, hài hòa với kiến trúc thành phố.
Năm điều thú vị ở Yaroslavl
- Du thuyền trên sông Volga
- Thăm Đài tưởng niệm “Gấu thiêng”
- Tản bộ ở khu phố cổ trung tâm
- Ngắm toàn cảnh Yaroslavl từ tu viện Transfiguration
- Khám phá nghệ thuật kiến trúc của hệ thống nhà thờ chính thống giáo ở Yaroslavl.
Có thể nói, các bức bích họa tinh xảo là một trong những nét đặc trưng của nhà thờ Chính thống giáo ở Nga và Elijah cũng không ngoại lệ. Ngoài những bức tranh vẽ bên trong khu vực chính điện, ngoài cổng còn được ốp những miếng gạch gốm vuông vức theo nhiều biểu tượng loài vật xuất phát từ những câu chuyện về vùng đất này. Màu sắc, hoa văn được các nghệ nhân Nga nắn nót khi sử dụng nguyên liệu tự nhiên khiến cho những công trình tôn giáo này vẫn giữ được nét nguyên bản cách đây hàng trăm năm.
Điểm dừng chân cho các tín đồ túc cầu giáo
Cách thủ đô Moscow 270km, Nizhny Novgorod 420km, Saint Petersburg 700km và Saransk 770km, Yaroslav có vị trí trung tâm giữa các thành phố lớn, nơi tổ chức các trận cầu đỉnh cao thuộc vòng chung kết World Cup diễn ra vào mùa hè năm nay. Tất cả các sân vận động này đều có thể đến Yaroslavl bằng xe lửa được trang bị tiện nghi và sạch sẽ.
Tuy nhiên, mười một thành phố được chính phủ Nga chọn làm địa điểm thi đấu chính thức lại không có Yaroslavl, phải chăng họ muốn giữ sự tĩnh mặc vốn có cho du khách? Thật vậy, nơi đây là điểm đến thuần du lịch văn hóa cho các tín đồ túc cầu giáo nhằm hiểu thêm tinh thần Nga sau khi thưởng lãm những trận cầu sôi động.
Trong những ngày sống chậm ở Yaroslav, tôi cảm nhận thật rõ tinh thần ấy. Bên cạnh sự chân thành, giản dị, tính cách của người Nga luôn mạnh mẽ và không khuất phục. Ở phương Tây, người ta so sánh người Nga với tính cách của gấu! Nhưng lý do tại sao người ta gọi người Nga là “Gấu Nga” vẫn chưa rõ ràng.
Được cho là vì người nước ngoài có thể bắt gặp gấu đi lại trên đường dường như không thuyết phục, bởi chúng ta biết rằng, tại Ấn Độ, voi cũng xuất hiện trên đường phố, nhưng người Anh không có ý định so sánh loài voi với người dân tại đây! Điều này chứng tỏ tinh thần của người Nga được bộc lộ rõ nét qua loài gấu vĩ đạiấy.
Người Nga đang muốn thể hiện sự hồi sinh mạnh mẽ với thế giới qua những trận túc cầu trên sân nhà. Nhưng nếu muốn biết “Gấu Nga” như thế nào thì du khách có thể dễ dàng tìm hiểu qua cốt cách của chính người dân vùng Yoraslavl này.
Nếu bạn đang lên kế hoạch đi "bụi" tới Yoraslavl, hãy tìm hiểu những thông tin cần biết tại đây.