Tháng Năm, trở lại Cần Giờ đến rừng Sác

08/05/2023

Sau chuyến làm việc với đối tác tại Tp. Hồ Chí Minh, chúng tôi quyết định làm một chuyến “Về nguồn” dịp cuối tuần. Về với lá phổi xanh của Sài Gòn, với rừng ngập mặn Cần Giờ… để được hít ô-xy tràn căng lồng ngực, được phóng tầm mắt giữa ngút ngàn mầu xanh rừng đước, rừng dừa bát ngát, được thưởng thức đặc sản biển, du ngoạn và thấu hiểu giá trị của tự do, hòa bình giữa rừng Sác một thời khốc liệt, máu xương…

Cần Giờ giống như một hòn đảo tách biệt với xung quanh, bốn bề là sông và biển, nơi đây có đủ cả nước ngọt: sông Lòng Tàu chảy qua giữa huyện, nước lợ: nơi dừa nước, mắm đước phủ kín khắp nơi và bãi biển Cần Giờ nơi các con sông nước xuôi ra biển.

Đường về Cần Giờ.

Đường về Cần Giờ.

Đi qua Nhà Bè, hướng về phà Bình Khánh, cái ồn ào đông đúc đô hội của phố thị Sài Gòn vừa lùi lại mà tưởng đã như xa lắm. Những con đường thênh thang mở dài tít tắp, thảng hoặc có những đầm nuôi tôm và nhà nuôi yến ríu rít tiếng chim chen ngang hai bên đường một mầu xanh ngút ngàn cây trái. Xe dừng chân để anh em tụi tôi tranh thủ uống ly dừa nước mà cậu bạn Hà Nội phố cổ cứ kê ghế sát vệ đường ngồi ngắm bầy lợn mán một con mẹ ba con con đen trũi thảnh thơi kiếm ăn xong quay vào thủng thẳng: “Trong lành thoải mái lắm rồi, ngồi đây một lúc xong về luôn cho đỡ phải đi thêm say xe được không?”

Cần Giờ có bãi biển cát đen đẹp nhất Việt Nam. Nguyên nhân tạo ra hiện tượng cát biển màu đen này là do rừng ngập mặn tại đây. Tuy không tắm được do cát đen sóng lớn nhưng biển Cần Giờ mang lại nắng gió chan hòa cùng đủ loại hải sản tươi ngon cho người Sài Gòn và du khách, bày tràn tươi rói níu chân người đi giữa chợ hải sản Hàng Dương.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Tàu thuyền trên sông Lòng Tàu, Cần Giờ.

Tàu thuyền trên sông Lòng Tàu, Cần Giờ.

Một đặc điểm độc đáo của các làng chài cổ Việt Nam, đó là đền thờ cá Ông voi. Tương truyền, cá Ông voi (cá Nhà tang) được ngư dân coi như Thần linh, bao lần cứu độ cho họ khi mắc nạn trong những chuyến ra khơi gặp bão to sóng dữ. Vậy nên trong chuyến đi biển gặp cá Ông mắc nạn, ngư dân liền đem vào đất liền dựng miếu thờ loài "Động vật có vú lớn nhất Thế giới này", quanh năm hương khói. Miếu Hải thần Cần Giờ còn mở Lễ hội Nghinh Ông hàng năm vào dịp rằm tháng 8.

Một cái nhất của Cần Giờ nữa là: hiếm hoi (hay duy nhất) ở Việt Nam, động vật hoang dã chung sống yên bình thảnh thơi vô tư lự với con người như ở Cần Giờ. Bước chân vào đảo Khỉ đã thấy từng đoàn khỉ lớn nhỏ tung tăng nhảy chuyền đi lại cấu chí dỗ dành trò chuyện… với nhau khắp rừng đước, trên bờ kênh, dọc đường bê-tông đi lại… Hướng dẫn viên khu du lịch còn nhắc nhở người tham quan cẩn thận túi xách, điện thoại hay ví tiền, phòng hờ lũ khỉ tinh nghịch trêu chọc rút ra.

Cá sấu tại rừng Sác.

Cá sấu tại rừng Sác.

Thiên nhiên và động vật nơi đây vô cùng đa dạng.

Thiên nhiên và động vật nơi đây vô cùng đa dạng.

Chúng tôi dạo bộ vào bên trong rừng Sác, khu rừng ngập mặn lớn nhất nhì cả nước mọc lên từ công sức của Thanh niên Xung phong Thành phố sau ngày Giải phóng (khu rừng cũ đã bị phá hủy bằng chất hóa học và bom đạn trong chiến tranh chống Mỹ). Càng đi, nhìn ngắm những cây đước rặng mắm thân cành mảnh khảnh mà bộ rễ tua tủa mạnh mẽ vươn ra cắm sâu vào lòng đất lòng sình, mới cảm nhận được sức sống mãnh liệt của thiên nhiên và con người xứ này.

Những lán trại, những vũng vực, lu nước, hầm hào… kể lại một thời bi tráng và hào hùng, quật khởi của căn cứ Cần Giờ - một trong hai căn cứ kháng chiến lớn nhất Sài Gòn (bên cạnh Củ Chi) với lực lượng đặc công rừng Sác lừng lẫy “xuất quỷ nhập thần” làm nên những chiến công oanh liệt rúng động Thế giới như vụ đốt 150 triệu lít xăng dầu trong kho xăng Nhà Bè, vừa lo chiến đấu vừa lo sinh tồn chống lại mưa rừng, muỗi vắt, cá sấu bơi ngay dưới chân… Từng đoàn khách cả tây lẫn ta với ánh mắt ngưỡng mộ nghe kể chuyện xưa, có cả những cựu chiến binh, cứ mỗi lần bước vào lán có mô hình cuộc họp, trận địa hay buổi huấn luyện, các chú các anh lại đứng nghiêm giơ tay chào kiểu nhà binh, miệng dõng dạc: "Kính chào các đồng chí!"

Empty
Tượng đài Biệt động rừng Sác trong chiến khu xưa.

Tượng đài Biệt động rừng Sác trong chiến khu xưa.

Lê Hồng Lam
RELATED ARTICLES