Then của Việt Nam được công nhận là Di sản văn hóa

14/12/2019

UNESCO vừa công nhận di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại vào ngày 13/12.

Tại phiên họp lần thứ 14 ở Bogotá, Cộng hòa Colombia vào ngày 13/12/2019, UNESCO đã chính thức công nhận di sản thực hành Then của Việt Nam là Di sản văn hoá phi vật thể.

Theo UNESCO, thực hành Then "là một phần trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ". Nghi lễ Then thể hiện tình đoàn kết và bản sắc văn hóa của các dân tộc này, từ phong tục đến nhạc cụ, múa và âm nhạc. Nhờ các chức năng văn hóa xã hội, Then góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản các cộng đồng dân tộc không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

1

Theo Cục Di sản Văn hóa, việc UNESCO công nhận thực hành Then là di sản của nhân loại đã khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của các dân tộc ở Việt Nam. Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cũng cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ các giá trị của thực hành nghi lễ Then.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Thực hành Then diễn tả hành trình thầy Then (ông Then hoặc bà Then) điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới...

di_san_thuc_hanh_then_2

Khi các thầy Then cất tiếng hát, gảy tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình. Tùy theo mục đích của việc cầu cúng mà thầy Then sẽ bày mâm cúng và cầu khấn trước bàn thờ then những vị thần bản địa khác nhau. Thầy Then thường sử dụng các đồ vật như kiếm trừ tà, thanh âm dương, chuông... để thực hiện lễ Then tại nhà tín chủ, ở ngoài trời hoặc tại bàn thờ Then ở nhà thầy. Thầy Then mặc lễ phục và vừa hát tiếng dân tộc mình vừa gảy tính tẩu, xóc chùm xóc nhạc, phất quạt, có tốp nữ múa phụ hoạ.

hatthen

Then được duy trì, kế tục qua các thế hệ bằng truyền khẩu khi thực hành nghi lễ. Theo thống kê, mỗi năm các thầy Then thực hành khoảng 200 nghi lễ. Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang), vùng Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai).

Kiều Mai - Nguồn: Tổng hợp
RELATED ARTICLES