Cố đô Luang Prabang và cái nôi của Phật giáo nguyên thuỷ
Luang Prabang cách thủ đô Viêng Chăn một chuyến tàu cao tốc kéo dài 2 tiếng rưỡi, về phía Bắc, thật không ngoa khi nói rằng vùng đất Luổng nắm giữ quốc hồn quốc tuý của Lào.

Những “mái ngói” chùa chiền Luang Prabang nhìn từ đỉnh Phousi
Lịch sử của Luang Prabang gắn liền với vương quốc Lan Xang thống nhất đầu tiên của người Lào. Vùng Mường Xoa được lập ra bởi Khun Lo (một thủ lĩnh người Thái), cai trị yên bình với 15 đời vua kéo dài một thế kỷ. Đến năm 1353, vua Phà Ngừm thống nhất nước Lào, lập quốc Lan Xang (tên gọi Nam Chưởng hay Vạn Tượng, “đất nước triệu voi”) và đặt thủ đô tại đây.
Phật giáo Nguyên thủy ở Luang Prabang giữ nguyên tinh thần giản dị, không phô trương. Các nhà sư sống thanh đạm, chỉ sở hữu y bát, thực hành giáo lý một cách chặt chẽ. Chùa chiền ở đây cũng không quá xa hoa mà mang vẻ đẹp trầm mặc, gần gũi với thiên nhiên và đời sống thường nhật.

Tượng Phật vàng bên trong Wat Xieng Thong - ngôi chùa lâu đời nhất trong vùng
Với hệ thống chùa chiền cổ kính tuổi đời hàng trăm năm như Wat Xieng Thong; hầu hết nam giới Lào đều trải qua thời gian xuất gia tu học giúp rèn luyện đạo đức, học cách buông bỏ và sống khiêm nhường và nghi thức khất thực Tak Bat mỗi ngày; Phật giáo trở thành một lối sống, thấm đượm vào từng nếp nghĩ, cử chỉ và sinh hoạt hàng ngày của người dân, tạo nên vùng đất yên bình và đậm chất tinh linh.
Mặt trời ló dạng, sư thầy nối đuôi nhau, lễ khất thực Tak Bat mở đầu một ngày
“Tak Bat” có nghĩa vô cùng đơn giản, "Tak" (ตัก) nghĩa là múc, đổ vào, thể hiện hành động "cho đi" của người dân đi kèm "Bat" (บาตร) là chiếc bình bát các sư mang theo bên mình để nhận đồ cúng dường.

Hàng người cùng lễ vật mong đợi đến buổi lễ

Mỗi buổi sáng khi mặt trời vừa ló dạng, hàng trăm nhà sư từ các tu viện khác nhau lặng lẽ bước dọc theo những con phố để nhận lễ vật cúng dường. Người dân ngồi ngay ngắn trên những hàng ghế mây bên vệ đường, khoác chiếc khăn Phạ Biêng một cách trang trọng, chuẩn bị giỏ xôi nóng sẵn sàng cho nghi thức "cho đi" đầy ý nghĩa.



Trời vừa tờ mờ sáng

Đối với người dân, việc dâng lễ vật cho các nhà sư là một cách để thực hành hạnh bố thí (Dāna) – một trong những nền tảng quan trọng của Phật giáo. Họ tin rằng việc cho đi với tâm thành sẽ giúp tích lũy công đức, mang lại sự an lành cho bản thân và gia đình.
Theo chân các nhà sư từ cổng chùa, qua từng ngõ nhỏ, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy ở mỗi góc đường đều có một chiếc thùng rác, bên trong là xôi dẻo, bánh kẹo còn tươi mới. "Lạ nhỉ, sao các nhà sư nhận lễ vật rồi lại bỏ đi?" Có lẽ chiếc bình bát của họ đã đầy…

Những chiếc thùng rác dọc khắp lối đi
Trong giáo lý nhà Phật, các chùa không có bếp, bởi khất thực không chỉ là cách để duy trì sự sống mà còn giúp các vị tu hành giữ tâm rỗng rang, không vướng bận chuyện kế sinh nhai, dành toàn tâm cho việc tu tập và buông bỏ lòng tham, sự kiêu căng.
Xa xăm hơn, hình ảnh các nhà sư đi chân trần, khoác áo cà sa, lặng lẽ nhận lễ vật rồi thong dong rảo bước ngầm thể hiện ý tưởng vô thường của cuộc sống. Chẳng ai sở hữu hay nắm giữ điều gì mãi mãi, cũng chẳng biết ngày mai ta sẽ nhận được điều chi, từ đó nuôi dưỡng lòng từ bi với chính mình và mọi người xung quanh.

Hình ảnh các sư nối đuôi nhau dọc khắp lối đi
Ở những hàng ghế của người dân dâng lễ vật, tôi thấy một đứa trẻ nhỏ xíu ngồi lọt thỏm, chắp tay xin lại phần thức ăn từ các sư. Có sư đi qua rồi nhẹ nhàng chia lại chút xôi, có sư chỉ lặng lẽ quan sát như một điều hiển nhiên…
Tinh thần Tak Bat cùng với sự thiện lành của người dân đất cố đô
Chúng tôi được trải nghiệm ngay lối sống “cho-nhận” và thực hành lòng từ bi, niềm nở khoan khoái của người dân nơi đây chỉ sau một chốc ngơi nghỉ từ lễ khất thực.

Chiếc croissant được tặng đầy ấm áp

Mặt trời lên cao, các sư thầy trở lại chùa chiền tu tập, chúng tôi lấp đầy cái bụng đói bằng một phần Pad Thai, một bát Khao Soi rồi thong thả ngồi ở một góc đường hết sức yên ả. Ông chú tiệm cà phê tỉ mẩn pha hai ly frappe, nở nụ cười hiền lành, đầy hiếu khách. Thấy chúng tôi ngồi trò chuyện vui vẻ, chú còn mang thêm hai chiếc bánh sừng trâu nóng hổi vừa nướng và hai ly nước dâu, cười toét mồm rồi bảo là tặng hai đứa ấy. Dù chẳng hiểu nhau nói gì, nhưng sự thân thiện, chân chất của con người Lào để lại trong tôi một ấn tượng thật dễ mến.
Chú có cô vợ, hai người cùng bán quán cà phê nhỏ. Khi chúng tôi đưa tiền, chú không nhận ngay mà gọi cô – khi ấy đang lúi húi ở cổng sau Wat Xieng Thong – đến nhận. Rồi chú nhìn chúng tôi, cười cười nói: "My wife". Ôi trời, chú dễ thương quá, quyết tâm không giữ tiền, mọi thứ đều để vợ quản lý!
4 ngày thong dong của chúng tôi ở Luang Prabang thực sự bình yên và chậm rãi! Tôi chẳng nghĩ trải nghiệm cùng các sư thầy trong một buổi Tak Bat đơn lẻ có thể giúp tôi thông suốt ngay được điều gì. Chỉ là càng bước đi xa hơn, thế giới trước mắt tôi càng rộng lớn hơn, văn hoá hoà quyện cùng tôn giáo trong lối sống ở Luang Prabang mãi là một nét đẹp sáng trong chúng tôi.
Chúng tôi dành thật nhiều thời gian dạo quanh Wat Xieng Thong - ngôi chùa lâu đời nhất trong vùng, Bảo tàng cung điện với thật nhiều câu chuyện lịch sử thú vị, thử khoác lên mình chiếc xà-rông truyền thống của phụ nữ Lào và hoà mình cùng người dân nhẹ nhàng, thong thả nơi đây.

Cung điện cũ thật nghệ ở Luang Prabang
Hiện nay đường bay thẳng từ Việt Nam sang Lào hết sức thuận lợi với Vietjet và Vietnam Airlines, cùng hệ thống đường sắt cao tốc chạy dọc Bắc Lào sẽ là một điểm cộng tuyệt vời cho hành trình khám phá Lào đầy hứa hẹn của mọi người.