Theo dấu 'Người tình' trên dòng Mekong huyền thoại

16/06/2014

Đứng trên sundesk của du thuyền L’Amant, tôi lặng ngắm những hàng cây chi chít ven hai bên bờ sông đang lập lòe ánh đom đóm như sao sa ẩn hiện. Đây đó, những làn khói trắng lững lờ từ một lò gạch vô tư thở khói rồi tan nhẹ vào không gian; tiếng chuông chùa văng vẳng mang âm điệu trầm tư… Đó là vài cảm nhận dễ chịu khi tôi rong ruổi cùng chiếc du thuyền magn tên “Người Tình” trên dòng Mekong, miền Tây Nam bộ.

Bài và ảnh: Dương Thủy

Cùng “Người tình” ngao du sông nước miệt vườn

Từ TP.HCM, sau chặng đường mất khoảng 1 giờ ôtô, dừng tại bến đò Cái Bè, chúng tôi tiếp tục leo lên một chiếc ghe nhỏ để cập vào chiếc du thuyền trắng muốt nằm im giữa dòng sông Tiền lộng gió. Du thuyền L’Amant cuốn hút tôi bởi dáng dấp mang phong cách đầu thế kỷ XX với vẻ mềm mại đượm nét hoài cổ sang trọng hứa hẹn một hành trình lãng mạn dành cho những du khách mong muốn trải nghiệm không gian Mekong xưa.

Nói đúng nghĩa, L’Amant không phải là một du thuyền hoành tráng vì tàu chỉ đủ sức phục vụ cao nhất là 24 khách cho một tour. Qua hướng dẫn viên Lâm, chúng tôi đã tròn mắt khi biết êkíp trên tàu có đến 17 người phục vụ. Du thuyền L’ Amant dài chừng 39m. Ngoài 12 cabin dành cho du khách, trên tàu còn có một nhà hàng lớn, quầy bar, sân tắm nắng cùng quầy lưu niệm mang đậm phong cách Pháp thời Đông Dương. Sau lời chúc khách dùng bữa trưa ngon miệng, Lâm hẹn 3 giờ chiều sẽ có chuyến  dạo chơi vòng quanh cù lao An Bình thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long bằng xe đạp.

Nằm trong cabin mát rượi, lơ mơ ngắm mặt nước bồng bềnh lấp loáng tia mặt trời, giấc ngủ trưa kéo đến thật nhẹ nhàng. Khi tiếng cồng “bong bong “vang lên, chúng tôi choàng dậy thật nhanh, theo chân Lâm đến một nhà phục vụ homestay nằm bên cù lao An Bình   nhận xe đạp. Hào hứng, cả nhóm tung tăng trên những con đường nhỏ bao quanh cù lao đẹp như tranh thủy mặc.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Là cù lao đẹp nhất Vĩnh Long, An Bình nổi danh với những ngôi nhà còn vẹn nét thuần Việt xưa, nằm ẩn mình trong khu vườn trái cây xanh tươi bát ngát. Trên cù lao này có một ngôi chùa khá đẹp mang tên Tiên Châu. Theo Lâm, cái tên Tiên Châu bắt nguồn từ điển tích các nàng tiên thường đến đây tắm sông, đùa giỡn vào những đêm trăng sáng. Để ghi dấu về vùng đất lành tiên ngự, cư dân địa phương đồng lòng đóng góp sức xây chùa với mong ước: các nàng tiên sẽ mãi bảo trợ, ban ơn các gia đình cư dân nơi đây được bình an, sung túc.

Chúng tôi nhấn pêđan bon bon đạp xe men theo những khu vườn rồi vượt qua những cây cầu bê tông cong vòng như vầng trăng khuyết. Chạm mắt cùng chùa Tiên Châu, hầu hết đều ngẩn ngơ vì ngày nay, Tiên Châu có dáng vẻ khá hiện đại; dù cố gắng tìm kiếm nhưng mọi dấu tích xưa đã đi vào quên lãng, không giống như vẻ liêu trai mà cả nhóm cùng tưởng tượng. Sau đó, cả nhóm men theo một con đường khác dẫn đến khu lò sấy cơm nhãn khá nổi tiếng trên cù lao.

Trở về du thuyền, chúng tôi dùng bữa tối khi con tàu chầm chậm trôi ngược dòng đến Lấp Vò - Sa Đéc. Trong màn đêm đầy sao, ngồi trên sundesk xem trọn bộ phim L’Amant của đạo diễn Jean Jacques Arnault, cảm xúc tràn về khi tất cả đều nhận ra: khung cảnh Mekong xưa được vị đạo diễn tài ba tái hiện trong bộ phim rất tinh tế và lãng mạn.

Dấu tích “Người Tình” trên đất Sa Đéc

Trong hành trình cùng L’Amant, Lâm cho biết điểm nhấn chính của tour chính là những địa chỉ tham quan tại Sa Đéc. Khi bộ phim Người Tình được công chiếu vào năm 1987, ngay lập tức, ngôi nhà của gia đình địa chủ Huỳnh Thủy Lê xưa luôn được các du khách Pháp tò mò tìm đến. Tuy nhiên, phải qua khá nhiều thủ tục nhiêu khê, ngôi nhà mới được chuyển giao cho công ty du lịch  Đồng Tháp quản lý, khai thác phục vụ khách du lịch như hiện nay.

Nằm cận kề khu vực chợ hướng thẳng ra sông Sa Đéc, ngôi nhà ba gian, cửa gỗ được chạm khắc công phu. Thực ra, ngôi nhà hiện nay chỉ còn lại một phần rất nhỏ vì toàn bộ dãy nhà phụ , khuôn viên nhà sau cùng sân vườn đã bị lấn chiếm toàn bộ trước đó. Bên trong nhà còn sót lại vài chiếc tủ, bộ giường cùng khu bàn thờ cẩn xà cừ khá tinh xảo.

 

Gia đình địa chủ Huỳnh Thủy Lê xưa kia vốn người Việt gốc Hoa nhưng nhà được xây cất theo lối kiến trúc Đông - Tây kết hợp. Đọc hồi ký của nhà văn Marguerite Duras, mọi người đều biết dù sống với mẹ cùng hai anh trai tại khu vực gần đó nhưng bà chưa từng đặt chân đến ngôi nhà đẹp nhất Đồng Tháp lúc bấy giờ bởi gia đình ông Huỳnh Thủy Lê không chấp nhận.

Rời ngôi nhà “Người Tình”, chúng tôi ghé thăm cây cầu nằm gần đó, nơi Marguerite Duras đạp xe trân trối nhìn đoàn ghe tàu rước dâu cập bến để chạm mắt lần cuối cùng “người tình” mà bà rất mực yêu thương, theo bộ phim nổi tiếng. Tiếp đó là ngôi trường nữ sinh mà mẹ của bà Duras từng là hiệu trưởng. Nhờ được xem  bộ phim trong đêm qua, rất dễ để nhận ra, tất cả khung cảnh cũ hầu như không còn nữa.

Chúng tôi quyết định đi bộ gần 2km để thăm nơi yên nghỉ của ông Huỳnh Thủy Lê. Nhìn chung, dù mộ được xây cất chỉn chu nhưng phảng phất hương tàn khói lạnh. Nhìn mộ người xưa, một chút xót xa cho bao ước vọng, tình yêu, hư danh rồi cũng đi vào dĩ vãng. Và rồi, mỗi người chúng tôi tiếp tục viết tiếp câu chuyện tình của riêng mình khi rời bờ, quay trở lại du thuyền L’Amant.

RELATED ARTICLES