Sáng tạo nghệ thuật từ rêu
Thu Trang hiện là founder của Nôi Studio tại TP.HCM. Trước khi bén duyên với tranh rêu, cô đã có hơn 9 năm kinh nghiệm làm copywriter trong ngành quảng cáo sáng tạo.
“Chính công việc này đã rèn cho mình khả năng quan sát cộng với cái nhìn sâu hơn về mọi thứ đang diễn ra xung quanh. Nó cũng giúp mình có cách tiếp cận rộng mở hơn với nghệ thuật và thiên nhiên, về mối giao cảm vô hình giữa vạn vật. Tìm cách thể hiện quan điểm và cái nhìn của mình thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật thị giác”, Thu Trang chia sẻ với Travellive.
Theo Thu Trang, thiên nhiên đóng vai trò rất quan trọng trong tác phẩm của cô, vì các vật liệu chính mà cô sử dụng đều bắt nguồn từ tự nhiên. Ý tưởng sáng tác tranh rêu nghệ thuật đến với Thu Trang không có một cột mốc cụ thể nào, mà đó là cả một quá trình tích luỹ sau những cuộc gặp gỡ với thiên nhiên.
“Mình lớn lên ở Tây Nguyên, sáng đi học chiều theo mẹ ra rẫy cà phê, ngồi chơi tha thẩn dưới bóng cây để mẹ còn làm vườn. Khi ấy thiên nhiên chỉ cách vài bước chân, lớn lên vào Sài Gòn học và làm việc, lúc đó lại thấy thiên nhiên sao lại xa đến thế. Cái khao khát được ‘ở gần’ thiên nhiên được bộc bạch, chia sẻ cảm xúc, trí tưởng tượng và những điều nhỏ bé riêng tư dẫn dắt chị đến với bộ môn nghệ thuật sắp đặt này mà cụ thể là sáng tạo tranh rêu”, Thu Trang cho hay.
Điều đặc biệt nhất của tranh rêu nằm ở vật liệu Thu Trang sử dụng là preserved moss (rêu bảo tồn) - chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam trong 2-3 năm gần đây. Nó vẫn đang là một khái niệm còn khá mới mẻ với vai trò chất liệu cho các tác phẩm nghệ thuật. Rêu bảo tồn là loại rêu sống đã trải qua quy trình xử lý đặc biệt làm ngưng đọng các bào tử đưa rêu vào trạng thái "ngủ đông". Nhờ hợp chất bảo tồn với thành phần chính glycerin, rêu vẫn duy trì trọn vẹn độ ẩm, màu sắc và hình dáng của mình.
Chính vì vậy, rêu bảo tồn không yêu cầu bất cứ sự chăm sóc nào mà vẫn giữ nguyên được trạng thái xanh tươi trong một khoảng thời gian dài, rất phù hợp cho cuộc sống bận rộn ngày nay vì không phải ai cũng có điều kiện để trồng hay chăm cây.
“Mình có thể tóm gọn các bước làm tranh rêu thành ba công đoạn chính: xử lý rêu, lên ý tưởng - bố cục và sắp đặt điều chỉnh. Không có bước nào quan trọng nhất vì bước nào cũng đều quan trọng cả”, Thu Trang cười và cho hay.
Ban đầu, cô bắt đầu từ việc thử nghiệm trồng rêu tại nhà, rồi mất hơn một năm để học hỏi, thử nghiệm và hoàn thiện tiêu chuẩn xử lý rêu, đây không phải khoảng thời gian quá dài nhưng cũng đủ thử thách sự kiên định của mỗi người.
Các loại rêu ở Việt Nam sinh trưởng và có đặc tính ngậm ẩm, giữ màu khác với rêu trồng ở các nước ôn đới nên không thể áp dụng y nguyên kỹ thuật từ nước ngoài. Chưa kể đến các hợp chất xử lý cũng không dễ mua ở trong nước nên việc tìm sản phẩm thay thế mà vẫn đảm bảo tính an toàn cũng là một thách thức lớn. Sai rồi sửa diễn ra rất nhiều lần, có khi Thu Trang phải bỏ đi cả mẻ rêu đã xử lý vì không đạt chuẩn. Thời gian là tiêu chuẩn tốt nhất để kiểm chứng việc rêu đã đạt chuẩn hay chưa, chính vì vậy cô không vội đưa rêu lên tranh luôn mà phải đợi hơn một năm để đảm bảo chắc chắn về chất lượng vật liệu của mình sử dụng.
Ngày xử lý được rêu hoàn thiện rồi Thu Trang cứ nghĩ vậy là xong, mọi thứ còn lại sẽ dễ dàng thôi nhưng hoá ra mọi chuyện không đơn giản như vậy. Suy cho cùng, rêu thuộc chất liệu sáng tác, giống như bạn có một hộp màu nước trong tay, còn việc vẽ gì để tạo nên một bức tranh đẹp mới là điều quan trọng. Nhưng bước lên ý tưởng sáng tạo bố cục cũng mang lại hứng thú nhất, nó như một quá trình chuyển hoá đưa thế giới riêng tư bên trong mình đi ra bên ngoài, khắc họa thành hình, thành hài.
Và cuối cùng là việc sắp đặt rêu, tất cả các công đoạn đều được làm bằng thủ công, tỉ mỉ hoàn thiện trong từng chi tiết nhỏ nhất. Mỗi mảnh rêu đều có hình dáng, màu sắc, lớn bé khác nhau. Điều đặc biệt nhất khi làm tranh rêu đó là tính “độc bản”, bạn sẽ không thể tìm thấy được hai bức tranh rêu thứ hai nào giống như vậy.
Cảm hứng sáng tác tranh rêu qua những chuyến đi và được kết nối với thiên nhiên
“Cảm hứng sáng tạo của mình thường bắt đầu từ những điều đơn giản nhất trong cuộc sống hàng ngày. Những ngày hè nắng nóng ở Sài Gòn năm nay đã tạo nên bức tranh ‘The Spring Of Summer’ với hy vọng mỗi người sẽ tìm được một ‘mùa xuân’ dịu dàng cho riêng mình. Với mình, đó là những chuyến đi trekking tới cánh rừng rêu phong ẩn sâu giữa rừng già, nhưng đối với người khác đó có thể là cốc đá me mát lạnh, chùm vải U Hồng ngọt thanh, cũng có thể đơn giản là nụ cười của người thương”, Thu Trang chia sẻ.
Những khoảng thời gian mắc kẹt ở giữa hành trình trưởng thành của Thu Trang cũng đã giúp cô tạo nên bức tranh “(The) Space In Between”.
Thu Trang cho biết thêm: “Tuy là người tay ngang không có nền tảng về nghệ thuật, nhưng nó giúp mình không bó buộc vào các tiêu chuẩn hay khái niệm nào cả. Trong mỗi bức tranh rêu, mình tìm kiếm sự tương đồng trong tương phản, cân bằng trong hỗn độn, thô sơ trong thiên nhiên. Nếu nhìn các bức tranh của mình thì mọi người có thể thấy rõ đề cao vẻ đẹp đa dạng, thô sơ và tính ‘ngẫu nhiên’ như thiên nhiên vốn có”.
Từ những chuyến đi, những lần được kết nối với thiên nhiên, Thu Trang được truyền cảm hứng để đưa vào nghệ thuật. Từ nghệ thuật, cô lại có trách nhiệm hơn với mỗi hành động trong đời thường. Thành lập ra Nôi Studio cũng với hy vọng mỗi tác phẩm của cô có thể góp phần rút ngắn khoảng cách giữa con người với thiên nhiên, giữa "yêu" và "hành động", giữa "lớn lao" và "nhỏ bé".
Là loại hình mới và kén người chơi, khi sáng tác tranh rêu Thu Trang cũng gặp không ít khó khăn. Làm chủ được vật liệu rêu trong quá trình sáng tạo tranh rêu nghệ thuật có lẽ là thách thức lớn nhất đối với cô. Không giống như hộp màu nước, bạn có thể sử dụng các loại cọ khác nhau, rêu là một chất liệu hoàn toàn từ tự nhiên nên hình dạng, kích thước màu sắc không thể kiểm soát được.
Chính vì vậy, việc sắp đặt rêu lên tranh để đảm bảo truyền tải đúng với ý tưởng và bố cục ban đầu đưa ra thường tốn rất nhiều thời gian. Mỗi bức tranh đều chứa đựng sự ngẫu hứng, phóng khoáng. Và trong cái ngẫu hứng đó, bạn cũng sẽ tìm thấy được nét hoang sơ kỳ bí nhưng không thiếu sự mềm mại xanh mướt đầy sức sống của những thảm rêu rừng mọc tự nhiên.
Theo Thu Trang, tranh rêu có mức giá giao động từ 10-15 triệu một mét vuông tuỳ thuộc vào phong cách và chất liệu sử dụng trong từng bức tranh. Còn vấn đề bảo quản thì khá đơn giản, bạn chỉ cần để trong nhà tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời, không cần tưới nước hay chăm sóc và nhiệt độ lý tưởng nhất là dưới 30 độ C.
Đã từ rất lâu, các thiền sư người Nhật thường trồng rêu lên các bức tường và trong vườn ngôi đền của họ để tạo cảm giác yên bình và phóng khoáng. Nhiều người thậm chí coi rêu là một yếu tố quan trọng giúp kết nối với thiên nhiên và hỗ trợ cho việc thiền định. Rêu đang là xu hướng được nhiều người ưa chuộng với không gian sống xanh cho ngôi nhà mà không tốn thời gian chăm sóc.