1. The Seventh Seal (PHONG ẤN THỨ BẢY)
Con người thường hoặc sợ hãi, hoặc tôn thờ, hoặc khinh thường cái chết. Nhưng chơi cờ (theo nghĩa đen) với cái chết thì có vẻ là một "thái độ" khác, rất lạ lùng. Và đó chính là phân cảnh nổi tiếng nhất của bộ phim The Seventh Seal: chơi cờ với thần Chết.
Ở The Seventh Seal, cái chết được nhân cách hoá xuất hiện trước mặt chàng hiệp sĩ Antonius Block. Thần Chết nhận lời sẽ chơi cờ với chàng và để chàng sống cho đến khi nào chơi thua. Với khung cảnh bầu trời đầy mây trên vùng đất đang bị dịch bệnh hoành hành, con đường về nhà của Antonius Block trông có vẻ mờ mịt và hoang tàn. Ngay từ đầu phim, cả chàng hiệp sĩ lẫn người xem đều có thể cảm nhận được sự chết chóc bủa vây, cận kề.
Xuyên suốt bộ phim là những ẩn dụ về cái chết và đức tin. Cái tên The Seventh Seal, hay Phong ấn thứ bảy, vốn được mượn ý từ sách Khải Huyền, tượng trưng cho ngày cuối cùng, ngày tận thế, ngày phán xét. Đằng sau sự phán xét đó có thể là Thượng đế, quỷ dữ, hư không hay chỉ đơn giản là cái chết? Đó là câu hỏi mà Antonius Block đã tìm kiếm cả đời mà vẫn không có câu trả lời. Chúa im lặng, thay vào đó, thần Chết xuất hiện.
"Khỏi phải nói, chàng không thể thắng được trong trò chơi - không ai có thể thắng cả - nhưng chiến thắng không phải là mục đích."
Rút cục thì Block cũng hoàn thành được “việc làm có ý nghĩa” của mình - chính là hành động chơi cờ. Trò chơi này không phải để Block né tránh cái chết, mà là để anh học cách sống không sợ hãi, không hối hận trước khi nó đến. Sự kết thúc sẽ luôn đến như một lẽ tất yếu, điều quan trọng là chúng ta hành động và biến những phút giây còn lại trong đời trở nên có ý nghĩa. Cho dù là gặng hỏi mãi về Chúa trời mà không được trả lời, cho dù thách thức cái chết trong một ván cờ, hay lạc quan như vợ chồng Jof và Mia - hai người bạn của Block, dù là gì đi nữa, đó cũng là hành động trao cho sự sống niềm hy vọng, và là tâm thái ngẩng cao đầu khi cái chết đến đón đi.
2. Meet Joe Black (HẸN GẶP TỬ THẦN)
Sẽ thế nào nếu thần Chết đi học cách... sống?
Đó là câu chuyện của Joe Black, vị thần Chết trong thân xác một chàng trai trẻ, quyết sống thử cuộc sống của con người. Hóa ra, thần Chết biết rất tường tận về cái chết, và chỉ thế thôi. Vị thần này chẳng biết chút gì về sự sống. 3 tiếng của bộ phim là hành trình Joe Black chậm rãi học cách sống, từ việc đơn giản như ăn mặc, chải chuốt, cầm thìa dĩa, "liếm" Nutella, tới đi làm, họp hành..., và sau cùng là yêu.
Joe Black, thần Chết, một chàng trai rắn rỏi, đen sì, ít nói, tất cả chỉ là lớp vỏ bề ngoài. Anh ta rón rén chạm môi mình vào bờ môi cô gái mình yêu, cảm thấy một vị ngon ngọt lạ kỳ, cảm thấy hai đầu gối mình run rẩy, tâm trí thì xốn xang tiếng pháo hoa. Điều đặc biệt là anh ta không giấu giếm tất cả những cảm xúc trần tục - ủy mị ấy, thay vào đó, vị thần Chết hân hoan, sung sướng đón nhận bằng mọi giác quan.
Không mất quá lâu để người xem ngỡ ngàng nhận ra, nhân vật thần Chết này bước vào đời với... hai bàn tay trắng, chẳng có gì, chẳng biết gì, ngoài một tâm hồn thuần khiết - nguyên sơ như đứa trẻ, như một Adam trên vườn Địa đàng.
Rõ ràng, đạo diễn Martin Brest đã đầy ẩn ý tinh nghịch khi mượn chính hình ảnh thần Chết để khắc họa cái kì diệu của sự sống. Bất kể bạn là ai - già, trẻ hay nghìn năm tuổi - chẳng bao giờ là quá muộn để cảm nhận suối nguồn tuổi trẻ ở bên trong và bên ngoài mình. Điều quan trọng duy nhất, hãy rộng mở mọi giác quan để đón nhận, hãy ý thức được rằng sự hiện diện ngày hôm nay, ngay lúc này, cũng đã là một món quà.
Nếu còn hoài nghi điều này, bạn càng cần xem Meet Joe Black, để hành trình của chàng thần Chết tự khắc thuyết phục bạn.
Thêm một lý do nữa để Meet Joe Black là bộ phim bạn cần phải xem - nếu muốn xem về "cái chết": vị thần Chết ngây thơ này do tài tử Brad Pitt thủ vai.
3. Along with the Gods: The Two Worlds (THỬ THÁCH THẦN CHẾT: GIỮA HAI THẾ GIỚI)
Dựa trên loạt truyện tranh của tác giả Joo Ho-min, bộ phim mở đầu bằng cái chết của người lính cứu hỏa Kim Ja-hong khi anh hy sinh để giải cứu một bé gái khỏi vụ hỏa hoạn. Sau khi lìa khỏi thân xác, linh hồn của Ja-hong lập tức được các Vệ thần hộ tống xuống Địa phủ.
Trên thực tế, hành trình của người đã khuất ở thế giới bên kia không phải là đề tài quá mới lạ trong ngành điện ảnh. Điểm nhấn khác biệt của bộ phim Hàn Quốc này nằm ở bối cảnh Địa phủ gần gũi với tín ngưỡng Á Đông. Dựa trên quan niệm của Phật giáo, bộ phim thẳng thắn đưa ra thông điệp: dù khi sống là ai, đến lúc chết đi cũng không thể thoát khỏi vòng luân hồi và quy luật nhân-quả.
Khán giả theo từng bước chân của Ja-hong và các Vệ thần, tiến đến nhận lời phán xét của 7 tầng, tượng trưng cho 7 tội lỗi cơ bản của con người: lừa dối, lười nhác, bất công, phản bội, bạo lực, sát sinh và bất hiếu. Cũng như anh lính cứu hoả, các vong hồn khác xuống Địa phủ đều phải trải qua mọi thử thách, giành lấy cơ hội đầu thai chuyển kiếp. Nếu bị phán là có tội, họ sẽ gánh chịu sự trừng phạt tương xứng với tội nghiệt mà mình mắc phải trên dương thế.
Trong Along with the Gods, Địa phủ cũng như dương gian, tôn ti trật tự hay lối tư duy của người chết cũng không khác gì người sống. Đến cả Phán quan, người trông coi các tầng địa ngục dường như cũng sẵn sàng trừng phạt Kim Ja-hong chỉ dựa trên lời thú tội sơ sài của anh ta: gián tiếp giết chết đồng nghiệp, làm việc chỉ vì tiền, giả mạo người đã khuất,… Phải đến khi các Vệ thần chứng minh mọi điều Ja-hong làm đều có lý do, anh mới được tha tội. Điều ấy có làm bạn liên tưởng đến sự chủ quan và phiến diện của con người?
Chúng ta vẫn thường đánh giá những người mình gặp gỡ hàng ngày qua cử chỉ, hành động, việc làm của họ, nhưng có lẽ đằng sau đó là cả một câu chuyện đời người mà ta không bao giờ thấy. Không ai là hoàn hảo, không người nào có thể sống một cuộc đời mà không phạm phải bất cứ lỗi lầm nào, cũng như không hề có “linh hồn thuần khiết” thực sự. Nhân vật Kim Ja-hong có lẽ đại diện cho hình ảnh mà con người muốn hướng tới: cho dù làm sai, mắc lỗi, dù có một cuộc đời đầy khó khăn, nhưng sau khi nhắm mắt xuôi tay vẫn được tha thứ và được phán “vô tội”.
4. soul (Cuộc sống nhiệm màu)
Dù là phim hoạt hình, những triết lý và thông điệp của Soul dường như phù hợp hơn với người lớn. Những người viết lên câu chuyện Soul tin rằng, trước khi tham gia vào cuộc sống, mỗi linh hồn bắt buộc phải xác định được mục đích sống của mình.
Phim mở đầu bằng những âm thanh nhộn nhạo trong lớp dạy nhạc tại trường cấp hai, với thầy giáo đứng lớp Joe Gadner. Joe là một anh chàng da màu đam mê piano và nhạc Jazz, tuy nhiên, đã tới tuổi trung niên mà đam mê âm nhạc của anh vẫn giậm chân tại chỗ. Đến khi Joe - cuối cùng - cũng được mời thử sức trong một ban nhạc tài năng nổi tiếng, anh lại gặp tai nạn và đột ngột kết thúc cuộc đời. "Hành trình tâm linh" của Joe bắt đầu từ đây, khi linh hồn anh được di chuyển tới một không gian khác, nơi mọi linh hồn sau khi chết cùng cư ngụ.
Ở thế giới của những linh hồn, Joe tìm mọi cách nhanh chóng được quay trở lại cuộc sống, để kịp tham dự buổi biểu diễn cùng ban nhạc nổi tiếng nọ. Vậy là, Joe hợp tác với linh hồn "số 22", hai người cùng trốn về trần thế. Nhưng trong khi Joe biết rõ mục đích sống của anh là để chơi nhạc, linh hồn số 22 lại không biết mục đích sống của mình là gì.
Theo chân hành trình trở-lại-trần-thế của Joe và linh hồn số 22, người xem sẽ không khỏi sốt sắng, nín thở rồi lại bật cười nhiều phen. Mãi đến gần cuối phim, rút cục, anh chàng Joe cũng kịp giờ biểu diễn. Anh được chơi nhạc, anh đã tỏa sáng, khán giả đã say mê ca tụng.
Sau đó thì sao?
Bộ phim tiếp tục. Joe hụt hẫng.
Thứ mà Joe đinh ninh là mục đích sống và là niềm hạnh phúc của mình, buổi biểu diễn đó, hóa ra dư vị của nó chẳng kéo dài lâu. Giống như linh hồn số 22, Joe bắt đầu hoang mang không biết mục đích - ý nghĩa thực sự của sự sống là gì, cảm xúc thăng hoa nhất trong cuộc sống đến từ đâu?
Dĩ nhiên, bộ phim mang kết thúc có hậu khi cả Joe và linh hồn số 22 đều tìm được đáp án - họ là ai, họ muốn gì và lý do họ sống là gì. Nhưng bài viết này xin giữ bí mật cho đáp án đó, để độc giả tự tìm kiếm câu trả lời cho chính mình thông qua bộ phim. Bởi, 99% những "người lớn" khi xem Soul đều nhận ra rằng, trăn trở của Joe cũng là trăn trở trong sâu thẳm của mỗi chúng ta.
5. COCO
"Người Mexico theo đuổi cái chết, chế nhạo nó, đón rước nó, ôm ấp nó và ngủ với nó" - Octavio Paz.
Coco là phim hoạt hình nổi tiếng nhất của Pixar làm về chủ đề Lễ hội Người chết (Día de os Muertos) - một dịp để người dân Mexico tưởng nhớ về ông bà, tổ tiên và những người thân đã khuất. Thông điệp rõ ràng nhất của bộ phim là tình thương gia đình, sự gắn bó, trân trọng lẫn nhau. Nhưng song song với đó, Coco tái hiện truyền thống văn hoá đầy màu sắc và mở ra một góc nhìn hoàn toàn khác về cái chết, theo quan điểm người Mexico.
Lễ hội Người chết là một trong những ngày lễ quan trọng nhất ở đất nước Mexico, diễn ra vào cuối tháng 10 hằng năm. Người dân nước này tin rằng, cuộc sống chỉ là một giấc mộng và cái chết mới là sự tiếp tục, do đó thay vì lo sợ cái chết, họ chấp nhận nó như một điều hiển nhiên. Các linh hồn sau khi lìa khỏi thân xác sẽ tập trung ở một nơi vĩnh hằng và chờ để về thăm thân nhân vào Lễ hội Người chết.
Bộ phim Coco không chỉ giới thiệu đến cho khán giả một truyền thống độc đáo của Mexico, mà còn khiến cho chúng ta tin rằng đây là một tín ngưỡng văn hóa ngập tràn... niềm vui và cái đẹp. Từ những cụ bà già cả cho đến những cậu nhóc bé con, họ đều không trốn tránh hay phiền muộn trước cái chết và sự mất mát, thay vào đó, chính người đã khuất lại luôn nhắc nhở người sống hướng đến một cuộc đời biết chia sẻ, giữ gìn tình yêu thương. Còn tình yêu thương là còn sự sống.
Đặc biệt, đây là bộ phim mà trẻ em có thể xem cùng người lớn, để từ đó hình thành nên những góc nhìn mới mẻ về "cái chết". Bằng âm nhạc Latin sôi động, những hình ảnh ngọt ngào bắt mắt và bối cảnh lộng lẫy choáng ngợp, các em nhỏ sẽ có hình dung về thế giới của người chết một cách trong trẻo, không sợ hãi, và cũng không hề viển vông xa rời thực tế.