Tìm về bảo tàng Đồng Đình - khu vườn ký ức của Đà Nẵng

29/09/2023

Nằm ẩn mình giữa núi rừng miền Trung, bảo tàng Đồng Đình không chỉ là một nơi lưu giữ các giá trị văn hóa quý báu, mà còn là ngôi nhà của quá khứ được tái hiện một cách tinh tế, cho du khách tìm về những ký ức xưa cũ.

Bảo tàng Đồng Đình nằm giữa đường đèo quanh co trên cung đường Hoàng Sa, thuộc bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Từ đây, hướng lên chùa Linh Ứng, cách trung tâm thành phố chưa đầy 11 km. Di tích Đồng Đình khá rộng, với tổng diện tích gần 10.000 m2.

Nơi đây cũng được ví von như một khu vườn tưởng niệm, với kiến trúc cổ điển đẹp, tạo nên không gian tuyệt vời để du khách kết nối với thiên nhiên, khám phá các giá trị văn hóa và tâm linh. Tên gọi "Đồng Đình" của bảo tàng xuất phát từ sự xuất hiện phần lớn của cây đồng đình xung quanh. Đây là một loại cây thuộc họ Cau, thường mọc dày đặc ở khu vực rừng Sơn Trà, đóng vai trò quan trọng trong cảnh quan sinh thái của vùng này.

Chắc hẳn, bất cứ ai cũng sẽ ấn tượng khi ghé thăm nơi đây.

Chắc hẳn, bất cứ ai cũng sẽ ấn tượng khi ghé thăm nơi đây.

Lan Nhi (24 tuổi, Đà Nẵng) chia sẻ: "Khi bước chân vào bảo tàng, bạn sẽ cảm nhận ngay sự yên bình, một không gian xanh mát, gần gũi với thiên nhiên núi rừng. Đây chính là lý do tại sao Bảo tàng Đồng Đình thường được gọi với cái tên thơ mộng khác - khu vườn ký ức".

Trong không gian đầy hoài niệm như thế này, cây đùng đình xung quanh bảo tàng trở thành điểm nổi bật. Chúng là một trong những loài cây hiếm hoi tại thành phố hiện đại, chỉ tồn tại trong những ký ức của quá khứ. Lẫn trong khu rừng xanh um tùm, tiếng ríu rít của các loài chim, là hình ảnh ngôi nhà cổ kính, mái ngói cũ rêu phong thoáng hiện lên như một bức tranh làng quê cũ.

Người canh giữ bảo tàng hiện tại cho biết: "Bảo tàng Đồng Đình là nơi lưu giữ hơn trăm cổ vật có niên đại từ 100 đến 2500 năm. Các hiện vật đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, từ Sa Huỳnh, Đại Việt, Champa, cho đến Trung Hoa... của nghệ sĩ tài năng Đoàn Huy Giao".

Kiến trúc mộc mạc đơn sơ gợi nhớ về những ngôi nhà xưa cũ.

Kiến trúc mộc mạc đơn sơ gợi nhớ về những ngôi nhà xưa cũ.

"Khí hậu ở bảo tàng Đồng Đình luôn dễ chịu nên du khách có thể dễ dàng ghé thăm và trải nghiệm vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, do bảo tàng nằm sâu trong rừng, nên tránh ghé thăm vào những ngày mưa để đảm bảo an toàn, không làm cản trở chuyến tham quan của bạn", Lan Nhi cho biết.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bảo tàng Đồng Đình được chia thành bốn không gian tham quan riêng biệt, bao gồm: khu trưng bày mỹ thuật, khu trưng bày cổ vật, khu nhà trưng bày dân tộc học, và nhà ký ức làng chài.

Khu trưng bày mỹ thuật

Ngôi nhà trưng bày mỹ thuật được thiết kế hài hòa với không gian thiên nhiên xanh. Trong không gian bên trong, du khách sẽ ngập tràn trong tác phẩm nghệ thuật, bao gồm bức tranh bột màu đen trắng tinh tế của họa sĩ Đinh Ý Nhi, kết hợp với tranh màu mặt nạ của họa sĩ Đặng Việt Triều.

Hơn nữa, bạn sẽ còn được khám phá những tác phẩm điêu khắc độc đáo, mang tính cách mạng của các nghệ nhân đến từ các dân tộc thiểu số ở miền Trung và Tây Nguyên. Đây là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời thể hiện sự đa dạng và sự sáng tạo của nền văn hóa của họ.

Khu vực trưng bày các tác phẩm nghệ thuật.

Khu vực trưng bày các tác phẩm nghệ thuật.

Khu trưng bày cổ vật

Khu trưng bày cổ vật bao gồm hai ngôi nhà được thiết kế theo phong cách cổ điển. Bên trong, du khách sẽ bắt gặp một bộ sưu tập quý giá về hiện vật cổ xưa, đại diện cho nhiều nền văn hóa đa dạng. Đặc sắc của 54 dân tộc anh em trải dài từ Bắc chí Nam.

Điểm đặc biệt nổi bật trong bộ sưu tập này là những hiện vật về văn hóa Sa Huỳnh, với những vòng chân và khuyên tai được chế tác từ đá, cùng những mẫu trang sức hình lá liễu độc đáo. Bên cạnh đó, có sự hiện diện của bộ sưu tập gốm sứ Champa cổ đại cùng các sản phẩm gốm sứ đa dạng từ đời Đại Việt, thể hiện sự phong phú và lâu đời của nền văn hóa này.

Ghé thăm khu trưng bày cổ vật.

Ghé thăm khu trưng bày cổ vật.

Nhà trưng bày dân tộc học

Bên trong nhà trưng bày dân tộc học, du khách sẽ tìm thấy một kho tàng hiện vật quý báu từ các buôn làng của các dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hiện vật tại không gian này bao gồm những chiếc mặt nạ gỗ, bộ bàn ghế cổ kính, và các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của người dân xưa. Mọi chi tiết trên những hiện vật này đều mang tính đơn giản nhưng lại được chạm khắc vô cùng tinh tế, sống động. Chúng thể hiện cuộc sống hàng ngày cũng như tâm hồn và tinh thần của người xưa.

Khu trưng bày dân tộc học có hình dáng như một căn nhà sàn.

Khu trưng bày dân tộc học có hình dáng như một căn nhà sàn.

Nhà ký ức làng chài

Trong không gian ấm áp của khu Ký ức làng chài, những hiện vật quen thuộc của nghề đánh bắt và chài lưới thời xa xưa được trưng bày tinh tế. Tại đây, du khách sẽ bắt gặp những xác thuyền gỗ cổ kính, chiếc thuyền nan, những thúng chai cũ, phao, lưới chài cá, cùng với các ngư cụ đánh bắt. Những bức tranh về làng chài và cuộc sống trên biển cũng nằm trong bộ sưu tập này, tất cả được bài trí một cách tự nhiên, đầy sống động. Tất cả những hiện vật này đã tái hiện chân thật cuộc sống bình dị của người dân làng chài xưa.

Ghé thăm khu ký ức làng chài, bạn sẽ được chiêm ngưỡng và tìm hiểu về đời sống của ngư dân.

Ghé thăm khu ký ức làng chài, bạn sẽ được chiêm ngưỡng và tìm hiểu về đời sống của ngư dân.

Hình ảnh đáng yêu tại bảo tàng.

Hình ảnh đáng yêu tại bảo tàng.

Dạo bước trong không gian mát lạnh, thơm mùi cây cỏ của bảo tàng Đồng Đình, Lan Nhi tâm sự: "Nơi đây giống như là một khu vườn chữa lành nhỏ cho những người trẻ Đà Nẵng chúng mình. Cứ mỗi khi cần được thư giãn, tụi mình lại chạy lên đây. Con đường dọc biển chạy thẳng lên bảo tàng rất đẹp và cứ khi bước chân vào không gian hiền hoà này, mình lại thấy bình yên hơn rất nhiều".

Không chỉ nhận được sự quan tâm từ những người trẻ, bảo tàng Đồng Đình từng bước khẳng định vị thế khi được tiếp đón những du khách trung niên, nhiều đoàn học sinh, cùng khách du lịch nước ngoài ghé thăm mỗi ngày.

Hà Mai Trinh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES