Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội không chỉ là một công trình giao thông công cộng hiện đại, mà còn là biểu tượng của sự hòa quyện văn hóa, minh chứng cho tình hữu nghị Việt - Pháp bền chặt.
Dự án sử dụng công nghệ đường sắt đô thị Pháp, hiện đại hàng đầu thế giới và thường xuyên giữ vị trí trọng điểm trong các trao đổi cấp cao giữa Chính phủ hai nước. Được tài trợ bởi Chính phủ Pháp qua Tổng cục Kho bạc (DGT) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), cùng sự hỗ trợ từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), dự án còn thể hiện sự cam kết lâu dài của Pháp với Hà Nội trong phát triển đô thị bền vững.
Tác phẩm hiện được đặt tại nhà ga metro S8 - Cầu Giấy với mong muốn nâng cao trải nghiệm giao thông công cộng và gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường đến từng hành khách trên hành trình xanh. Đây là một điểm nhấn nghệ thuật độc đáo, góp phần lan tỏa thông điệp sâu sắc về văn hóa và sáng tạo.
Mô hình toa tàu có phần ngang hơn 3,5 m, đặt trên một bệ đỡ hình lục giác. Tác giả lấy cảm hứng từ thiết kế tàu điện ở thủ đô đầu thế kỷ 20. Anh sử dụng chất liệu tượng composite, in lụa trên mosaic, hoàn thành tác phẩm trong 5 tháng.
Mỗi chi tiết trong tác phẩm là một lời nhắc nhở cho người xem về mối gắn bó mật thiết giữa đô thị và sinh thái, về những cam kết bảo vệ môi trường và phát triển xanh mà TP Hà Nội đã và đang theo đuổi. Tương tác với Công viên Thủ Lệ gần nhà ga S8, một vườn động thực vật trong tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống hiện lên sống động trên thân tàu, hòa quyện với cảnh quan đền Voi Phục, một trong Tứ trấn Thăng Long.
Sự giao thoa giữa tranh dân gian Việt Nam cùng kỹ thuật dệt vải lâu đời Toile de Jouy thanh lịch và tinh tế của văn hóa Pháp đã trở thành nguồn cảm hứng để nghệ sĩ Xuân Lam thể hiện từng nét vẽ tỉ mỉ, với kỹ thuật đan chéo đặc trưng, tạo nên nét độc đáo cho khu vườn dân gian Việt - Pháp.
Do hình dạng địa lý khá giống với một hình lục giác đều, bản đồ nước Pháp thường được ví với hình lục giác và thậm chí có biệt danh là "l'Hexagone" (tức "Lục giác" trong tiếng Pháp). Đặt giữa tầng trung chuyển của nhà ga S8, toa tàu hóa thạch như đứng lặng giữa dòng chảy vô tận của thời gian, mang trong mình lời mời gọi suy tư về mối giao hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa quá khứ và hiện tại.
Tác phẩm “Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc” của nghệ sĩ Nguyễn Xuân Lam là một điểm nhấn nghệ thuật độc đáo, góp phần lan tỏa thông điệp sâu sắc về văn hóa và sáng tạo tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024. Với chủ đề “Giao lộ sáng tạo,” lễ hội năm nay mang ý nghĩa kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai thông qua các hoạt động nghệ thuật và thiết kế đa dạng. Đây là lần thứ tư lễ hội được tổ chức, và qua từng năm, quy mô và tầm ảnh hưởng của sự kiện ngày càng lớn mạnh, thu hút đông đảo sự tham gia của giới sáng tạo, người yêu nghệ thuật, và cộng đồng thủ đô.