AN Café, sinh ra từ vùng Kinh - Bắc, giữa bạt ngàn sự trù phú của thị trường F&B với tân cổ giao thoa trong đủ thể loại đồ ăn thức uống, vẫn lặng lẽ xuất hiện giữa bát nháo của thời đại một dư vị ngọt ngào của văn hoá truyền thống.
Như một ví dụ điển hình cho việc người trẻ làm văn hoá, chắc có lẽ ít ai mường tượng ra rằng từng lời ca tiếng hát sẽ được một thương hiệu con đẻ của xứ Quan Họ chuyển thể thành đồ uống như thế nào. Linh hồn Quan Họ không chỉ hiện hình qua câu hát, qua làn điệu, mà còn đến từ những khía cạnh từ không gian vật lý và dáng dấp con người. Hiện tại, AN Café có 5 cơ sở tại quê nhà Bắc Ninh và với cơ sở thứ 5 tại Hà Nội toạ lạc ở 39 phố Quang Trung, Hoàn Kiếm.
Vì thế, những đứa con vùng Kinh Bắc không hẳn cần biết hát, vẫn phảng phất một dáng dấp trữ tình. Không quá khó để nhận ra hình tượng chiếc nón ba tầm ẩn hiện trong từng kết cấu mái che, hay những nét vẽ tranh Đông Hồ lấp ló trên từng khoảng tường nhỏ... Hay cụm từ “Hiếu khách” in sau đồng phục nhân viên; mọi chỗ trống, mọi chức năng đều được lấp đầy bởi truyền thống. Văn hoá mang tính chất linh hồn, vì thế linh hoạt xuất hiện trong mọi chính thể vật lý.
Từ không gian, văn hoá từ vùng đất được mệnh danh là nơi “khai mở” nền văn minh Đại Việt, tiếp tục được người trẻ pha hoà vào từng món ăn thức uống. Ấn tượng từ cách điểm mặt đặt tên cho danh mục thực đơn. Với “Ả đào”, thức trà đào ngọt thanh, nhảy nhót thướt tha trong vị giác, cũng thấm thía như từng lời thánh thót của một nàng ca nương. Với “Phù Lãng”, là cà phê cốt dừa mang áng màu men da lươn đặc trưng của đồ gốm làng nghề Phù Lãng. Hay “Chuyện Phu Thê” cùng chân trâu Phu Thê màu hổ phách thay lời bánh ăn hỏi về chuyện đôi lứa thời hiện đại.
Bánh Phu Thê từ chuyện tình xa xưa bên ấm trà đặc trong mọi dịp cưới hỏi, nay trở nên tròn tròn óng ánh hoà quyện với trà ô long hàn huyên cùng thời đại. “Giao duyên” - một nghĩa cử hữu tình từ bao đời nay đã đặt dấu khởi đầu cho sự hình thành nên một mối quan hệ mới.
Người xưa sử dụng lời ca tiếng hát, để thổi vào đó những tâm tư ân ái, trao gửi lời hay lẽ tốt khẽ khàng thấm đượm vào thính giác đối phương, để từ đó hiện hành lối hát giao duyên đã trở thành di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Ngày nay, lương duyên ở người trẻ nảy nở cùng những nỗi tâm đầu ý hợp bên cốc trà sữa, tách cà phê, không hẳn là đối đáp đôi bờ giữa hai bên, nhưng bên trong từng làn thức uống sóng sánh, vẫn đệm thêm chút ân tình, để ngọt ngào đưa đẩy những mối tình duyên.
Gọi một đôi Phu Thê, trong tiết trời chớm thu, một ngụm ngọt ngào giữa chút đắng của lá trà ô long, thêm cái dẻo dai ngọt vị cốt dừa của trân châu Xu Xê, người thưởng thức nhận ra rằng, mọi độc đáo của cái đắng cái ngọt giữa hai cuộc đời giao nhau đều khởi đầu từ một câu hò hẹn bên thềm phố xá. Quan Họ, dù ở thời đại nào đi nữa, vẫn làm trọn vẹn một chức năng, mặc dù đang hiện hữu ở một hình thái khác, vẫn ghép nối những tâm đầu ý hợp của “liền anh”, “liền chị”.
Không chỉ hiện diện ở những điểm chạm trực tiếp, AN Café còn mang vai trò là một hội quán dân gian, để mọi vẻ đẹp truyền thống được tiếp nối và phục dựng không chỉ thông qua hình thức về đồ ăn thức uống. Kết hợp cùng những hậu duệ văn hoá gen Z, AN Café tái tạo thành không gian cho thực hành văn hoá, và đưa văn hoá kề cận với mọi tầng lớp của thế hệ tương lai.
Văn hoá Kinh Bắc nói riêng, và văn hoá đất Việt nói chung, thoát thai từ cây đa, bến nước, sân đình, để biến chuyển linh hoạt cùng thời đại. Đi từ câu ca trong thanh khoản thánh thót tới tâm khảm người nghe, giờ đây lại được tiếp nhận bởi đầu vị giác và để lại chút thanh ngọt nơi cuống họng.
Suy cho cùng, vẫn khắc ghi, vẫn truyền thừa, để mọi đời con cháu khó mờ phai. Không chỉ là câu chuyện về cốc trà sữa, hay sự trao duyên ở thời đại mới, mà đứng đó nhìn xa rộng hơn là cách người trẻ chắp nối sợi dây di sản, đã khéo léo ra sao, đã tâm huyết và thấu hiểu ra sao, trong mọi công cuộc chuyển mình của thời đại, và dĩ nhiên, của cả sự văn hiến.