TRÂN CHÂU CẢNG – DẤU LẶNG CỦA BẢN TÌNH CA HAWAII

22/06/2015

Nếu mọi người ví von Hawaii là hòn đảo thiên đường dành cho nghỉ dưỡng, là bản tình ca rực rỡ mùa hè thì với tôi, Trân Châu Cảng - một địa danh lịch sử nổi tiếng trong Thế chiến II - là dấu lặng trong bản tình ca thiên nhiên bất tận nơi đây. Chuyến xe buýt chạy hơn một tiếng đồng hồ từ trung tâm Waikiki thuộc thành phố Honolulu nằm trên đảo Oahu dần đưa tôi trở lại với ký ức buồn trong lịch sử của Hoa Kỳ cách đây 74 năm.

Bài và ảnh: Quốc Vinh

 

Ký ức đau thương

Là bang thứ 50 được gia nhập vào Hoa Kỳ vào ngày 21/8/1959 và nằm giữa Thái Bình Dương, quần đảo Hawaii là một chuỗi đảo dài nối tiếp nhau có diện tích tổng cộng gần 17.000 km² với khoảng hơn 1,5 triệu dân. Lớn nhất là đảo Hawaii (trên 10.000 km²) nằm ở cực trong quần đảo, nhưng quan trọng nhất lại là đảo Oahu với diện tích khoảng 1500 km², nằm cách Hawaii khoảng 140 dặm về phía Tây Bắc. Trên bờ biển phía Nam đảo Oahu có thành phố Honolulu với hơn 350 ngàn dân, là thủ phủ của cả quần đảo với hơn 55% là người gốc Á. 

 

 

Cũng trên bờ biển phía Nam đảo, cách Honolulu về phía Tây chừng 6 dặm là Trân Châu Cảng, căn cứ chính của hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ kể từ năm 1940. Dựng trên một vịnh biển ăn sâu vào đất liền của đảo rồi chia thành nhiều vùng biển và luồng lạch kín đáo lại có một cù lao ở giữa vịnh được gọi là "Đảo Ford". Đây như một cầu tàu thiên nhiên khiến Trân Châu Cảng có điều kiện tự nhiên lí tưởng để bảo vệ hạm đội chống lại mọi sự tấn công từ bên ngoài. Việc bố phòng ở cảng hết sức cẩn mật với một hệ thống lưới thép đặc biệt chống ngư lôi và tàu ngầm. Ngoài Trân Châu Cảng ra, hạm đội còn một căn cứ khác là cảng Lahaina trên đảo Maui, một đảo nằm ở khoảng giữa Oahu và Hawaii.

 

 

Theo tài liệu lịch sử, vào sáng ngày 7/12/1941, hàng đoàn máy bay chiến đấu của Nhật bất ngờ dội bom xuống tàu chiến Mỹ ở Trân Châu Cảng, gây một cú sốc kinh hoàng. Bởi Nhật Bản đã không đưa ra một lời tuyên chiến chính thức nào trước khi thình lình tấn công Trân Châu Cảng, trong khi hai quốc gia Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn còn trong giai đoạn đàm phán. 

Ngay khi ra lệnh kết thúc trận chiến Trân Châu Cảng, đô đốc hải quân Nhật Yamamoto, tướng lĩnh chỉ huy hải quân Nhật Bản của cuộc tấn công này, đã cảm nhận được khó khăn mà nước Nhật sẽ phải đối mặt. Và quả nhiên chiến thắng này là một bước ngoặt quan trọng trong Thế chiến thứ II dẫn đến lúc 12 giờ 30 phút ngày 8/12, tổng thống Roosevelt đã đọc Tuyên cáo chiến tranh của Hoa Kỳ đối với Nhật Bản. 

Giới quân sự nước ngoài cho rằng trận Trân Châu Cảng là một bài học về sự mất cảnh giác, không sẵn sàng chiến đấu. Về mặt công tác tình báo, Nhật đã chuẩn bị cho trận đánh trong nhiều năm, và chuẩn bị tác chiến mọi mặt trong hơn 11 tháng để đưa lại thành công cho một trận đánh có ý nghĩa chiến lược lớn trong gần ba giờ đồng hồ. Trân Châu Cảng cũng là tựa của một bộ phim của đạo diễn Michael Bay, được sản xuất năm 2001 về cuộc tấn công năm 1941. Cuốn phim là một câu chuyện tình hơn là một biên niên sử chính xác của sự kiện này cho dù một số sự kiện được trình bày đã thực sự xảy ra. Một số cảnh trong phim trên tàu được quay trên chiếc USS Lexington ở Corpus Christi, Texas. Ở lễ trao giải Oscar năm 2001, bộ phim được đề cử ở 4 hạng mục và chiến thắng ở hạng mục “Giải Oscar cho biên tập âm thanh xuất sắc nhất”. 

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Khi màu xanh lấp đầy

Sau 74 năm kể từ thời khắc kinh hoàng đó, Trân Châu Cảng giờ đây vẫn hoạt động bình thường. Những con tàu chiến, hàng không mẫu hạm vẫn ra vào cảng và đã được công nhận là di tích lịch sử từ ngày 29/1/1964. Và dòng người khắp nơi vẫn hàng ngày đổ về đây tham quan ngày một đông. Dù không được vào khu vực làm việc của các mẫu hạm nhưng việc thăm các dành thắng cũng như viếng đài tưởng niệm cũng giúp họ hiểu hơn về lịch sử của miền đất này…

 

 

Trong số các điểm tham quan ở đây, điểm đầu tiên không thể bỏ qua là Khu tưởng niệm USS Arizona (USS Arizona Memorial). Sự hủy diệt của chiến hạm USS Arizona và sự mất mát to lớn của lực lượng hải quân có liên quan đến vụ đắm chính là lý do Hoa Kỳ tham gia vào Thế chiến thứ II. Ngày nay, USS Arizona Memorial được vận hành bởi Trung tâm điều hành các công viên quốc gia thu hút rất nhiều khách tham quan.

Khu tưởng niệm là khu vực tự do tham quan, nhưng du khách phải có một tấm vé để làm giấy thông hành. Vé được phát miễn phí từ 7h sáng và chương trình phục vụ khách tham quan từ 07g45-15g00 mỗi ngày. Tối đa chỉ hơn 2.000 vé được phát ra mỗi ngày.

Chương trình tham quan USS Arizona Memorial kéo dài khoảng 75 phút, bao gồm việc xem một bộ phim tài liệu có phụ đề tiếng Anh dài 23 phút miêu tả trận chiến trên một màn hình cực lớn được ghép lại từ ba phía nếu có thời gian. Sau đó du khách đi thuyền đến thăm đài tưởng niệm, xem danh sách các binh lính quân đội hải quân Hoa Kỳ hy sinh đã chìm theo con tàu xuống đáy vịnh trong cuộc tấn công được khắc lên tấm bia cẩm thạch khổng lồ, chụp ảnh tháp pháo hoen gỉ của mẫu hạm bị đắm vẫn còn trồi lên trên mặt nước. Nếu du khách xem đủ lâu vẫn có thể nhìn thấy những giọt dầu rò rỉ ra khỏi tàu và sủi bọt lên bề mặt. Cô hướng dẫn viên giải thích thêm rằng trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, hằng ngày những người lính thủy ở Trân Châu Cảng vẫn làm lễ thượng cờ và hạ cờ trên đài tưởng niệm chiến hạm USS Arizona, bởi họ tin rằng trong lòng xác chiến hạm còn hàng ngàn quân nhân và con tàu vẫn đang hoạt động như nhiệm vụ đã được giao phó.

Du khách cũng có thể tiếp tục ghé thăm bảo tàng tàu ngầm USS Bowfin (USS Bowfin Submarine Museum & Park). Chiếc tàu ngầm mang tên “Người trả thù từ Trân Châu Cảng” (Pearl Harbor Avenger) này đã được ra đời vào ngày 7/12/1942, đánh chìm 44 tàu của đối phương trong quá trình chín lần tuần tra chiến tranh của mình. Khách tham quan cũng có thể trải nghiệm trong hơn một giờ đồng hồ để tham quan các tàu ngầm khác trong công viên Bowfin và đài tưởng niệm Waterfront, tưởng niệm 52 tàu ngầm của quân đội Hoa Kỳ và hơn 3.500 tàu ngầm của quân Đồng minh bị bắn hạ khi thực hiện sứ mệnh của mình trong Thế chiến II.

 

 

Muốn biết cách vận hành một mẫu hạm đồ sộ, du khách nên lên boong tàu Missouri. Nặng hơn 58 ngàn tấn và có 900 feet nằm dưới mặt nước, chiến hạm USS Missouri đã được đưa vào hoạt động trở lại ngày 29/1/1944, và tiếp tục tham gia vào các hoạt động trong những tháng cuối cùng của Thế chiến II. Du khách cần ít nhất 2 giờ đồng hồ để khám phá hết các ngóc ngách của con tàu như một thành phố quân sự thu nhỏ, sờ nắn những khẩu pháo khổng lồ, xem các nơi sinh hoạt hàng ngày của lực lượng hải quân Hoa Kỳ cũng như phóng tầm mắt ra xa nhìn về một góc Hawaii từ trên cao.

Điểm cuối cùng là bảo tàng Hàng không Thái Bình Dương được mở từ năm 1999 cũng nằm trên đảo Ford và là điểm tham quan không thể bỏ qua, đặc biệt đối với những ai đam mê sải cánh bay của những chú chim sắt. Đây cũng là nơi trưng bày đủ các mô hình chiến hạm và máy bay của quân đội Nhật Bản, những quả bom nặng 1.764 pounds, ngư lôi phóng từ máy bay (aerial torpedo) dài gần 7 mét hay các hoạt động của máy điện đàm, truyền mật mã phục vụ cuộc tấn công cùng nhiều tư liệu quý khác.

 

 

Nếu bạn không phải là người sợ nhìn vũ khí hay cảnh chết chóc, hãy đi bộ dọc theo bờ sông, nơi có lối đi bộ tưởng niệm đã được dựng lên với những sự kiện, hình ảnh và sơ đồ về các cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Đây là sự lựa chọn vừa nhẹ nhàng vừa không phải mất phí tham quan!

Ngày nay, quần đảo Hawaii đã thành điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Họ đến đây không chỉ với một mục đích tham quan mà còn để tìm hiểu thêm một phần về biến cố lớn trong lịch sử nước Mỹ. Con đường dẫn đến Trân Châu Cảng nhìn trên bản đồ vệ tinh Google Earth tưởng đâu như khó tìm nhưng thực tế nó cũng chỉ là một con đường thẳng tắp như chân trời, được quyện với màu xanh của biển cả, màu xanh của mây, của những hàng dừa giúp cho du khách cảm nhận được màu xanh hòa bình đã trở lại lan tỏa khắp từng ngõ ngách nơi đây…

 

THÔNG TIN THÊM:

- Chính sách “Không túi xách” được áp dụng khi tham quan Trân Châu Cảng. Do các biện pháp tăng cường an ninh nên tất cả ví, túi xách, ba lô, túi đeo ngang, túi máy ảnh, túi tả, hành lý hoặc bất kỳ loại hình khác của túi có thể che giấu vật dụng không được phép mang vào trong Trân Châu Cảng, Trung tâm thông tin. Chỉ có máy ảnh và máy quay phim được phép sử dụng, còn lại tất cả các loại túi xách phải được gửi ở trung tâm lưu ký ở lối vào công viên quốc gia với mức phí 3 USD.

- Khu tưởng niệm tàu USS Arizona (USS Arizona Memorial) luôn đông khách tham quan, đặc biệt vào mùa hè, lúc thời tiết tốt và dịp cuối tuần. Do vậy, du khách nên đến sớm để nhận vé miễn phí tại trung tâm phục vụ khách du khách Trân Châu Cảng.

- Các thông tin chính thức tham quan Trân Châu Cảng có thể tham khảo tại: www.pearlharborhistoricsites.org 

- Xe buýt tuyến nội ô thành phố đến Trân Châu Cảng có số 20 và 42, giá vé 2,5 USD cho mỗi chặng. 

- Trên đường đi có thể tạm dừng chân ở điểm dừng xe buýt để ghé tham quan khu Chinatown với nhiều sản vật địa phương cũng như các quầy hàng của người Việt Nam.

- Ẩm thực ở Hawaii rất phong phú, đa dạng nhưng giá cả cũng khá đắt đỏ. Du khách nên thử món Pizza Hawaii và sandwich Hawaii đều được bỏ dứa (thơm) vào thành phần chính.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES