Trăng ngày mai vẫn thế

21/09/2021

Đồng hồ chạy bằng năng lượng Mặt Trăng sẽ không tích tắc một cách ồn ào. Nhưng đâu cần một chiếc đồng hồ để biết giờ trăng lên? Mỗi đêm, chỉ cần nhìn lên bầu trời, đắm mình trong ánh sáng dịu nhẹ ấy là đã đủ để cảm nhận có gì đó trong chúng ta đang tích tắc, ngay cả khi đó chỉ là nhịp đập bồi hồi của trái tim và hồi ức.

Mới vài hôm trước, tôi có mở lại cuốn sổ tay, bơm mực vào bút, ngồi trước TV giống như một nhà nghiên cứu để xem The Tales of Princess Kaguya (2013) của Ghibli - một bộ phim về nàng công chúa đến từ Mặt Trăng, khác hẳn những gì hãng phim diệu kỳ ấy từng làm. Giây phút bộ phim kết thúc, có một dòng cảm xúc chợt ùa về với tôi, nhưng tuyệt nhiên, tôi không thể viết ra được. Giống như Kaguya, tôi lớn lên ở một vùng quê ngoại thành và đến độ tuổi đi học, mới được cha mẹ đưa về thành phố. Giống như Kaguya, tôi đã dành phần lớn thời thơ ấu của mình chạy rông khắp vùng trời mà mình được chào đón. Phía sau bức tường trước ngôi nhà của gia đình nhà bác tôi là con ngõ nhỏ, xen kẽ với hàng rào cây bụi. Có lẽ không hoàn toàn sôi nổi như những ngày thơ ấu của Kaguya, nhưng ở đó, cho đến khi ánh trăng mùa hè đưa lũ trẻ chúng tôi về nhà, tôi luôn cảm thấy mình được quan tâm đến lạ. Và rồi, cũng giống như nàng công chúa ngây thơ ấy, cuộc sống của tôi ở phố thị sau đó, dù đủ đầy theo nhiều cách, nhưng nó cũng thật kỳ lạ, vì cùng có những ngày tôi cảm thấy nhà không còn thực sự là nhà.

Thời thơ ấu có thể là thời điểm mà mối liên hệ giữa cảm xúc với địa điểm là mạnh mẽ nhất. Khi chúng ta lớn lên, có quá nhiều thứ khiến ta xao nhãng và che mờ đi những khung cảnh thiên nhiên đơn giản mà ta đã từng trải nghiệm. Càng lớn lên, ta càng chạy đuổi theo những thứ mà thế giới khẳng định là ta cần, và bỏ trống thế giới tuổi thơ của mình. Chính bởi thế, cảm giác vui buồn lẫn lộn khi phải đối mặt với Kaguya - ẩn dụ của Mặt Trăng, có lẽ một phần xuất phát từ việc ta nhận ra mình dần trở nên lạc lõng với thiên nhiên như thế nào, đã quên đi vẻ lộng lẫy trong từng đám cỏ, vinh quang trong từng bông hoa ra sao, ánh trăng tự bao giờ cũng chỉ còn là một bức ảnh ta thấy trên Internet hơn là người bạn theo chân ta vào những đêm Trung thu năm nào.

Empty

Trong thế giới của đèn đường, đèn neon và hàng nghìn thứ ánh sáng lấp lánh khác, chúng ta - ít nhất, là tôi - đã gần như mất hẳn kết nối với Mặt Trăng. Thậm chí, nhiều khi không nhớ rằng nó ở trên đó: Mặt Trăng đôi khi còn khiến tôi ngạc nhiên khi xuất hiện từ phía sau một tán cây, lắm lúc, ánh sáng dịu nhẹ ấy như cú sốc khi tôi tỉnh dậy từ một giấc mơ. Ấy thế mà Mặt Trăng vẫn luôn có mặt trong những câu chuyện của chúng ta, dù là những câu chuyện trẻ thơ hay những áng văn kinh điển của nhân loại. Thế giới có thể trao cho bất kỳ cá nhân nào cả một kho lưu trữ nghệ thuật phong phú về mối liên hệ giữa con người với địa điểm, hay hàng loạt cuộc điều tra học thuật nghiêm túc về tâm lý của mối quan hệ này và cách nó có thể thay đổi trong suốt cuộc đời ra sao. Nhưng tuyệt nhiên, không có ai trong chúng ta biết cách cân bằng trạng thái tâm lý chơi vơi do “nỗi niềm hoài cổ” hay “nỗi nhớ về vài năm trước” tạo ra. Chính bởi thế, những yếu tố tâm lý liên quan đến trải nghiệm gợi nhắc tuổi thơ - nỗi nhớ, cảm giác hoài cổ và niềm háo hức khi chạy trăng đuổi theo ta về nhà - tất cả kết hợp lại, biến những câu chuyện trở thành một liều thuốc thanh tẩy tâm hồn mạnh mẽ, giống như một nguồn vui đơn giản nhưng cần thiết giữa bộn bề lo toan.

Ngay một ngày lễ tưởng bình thường như Trung thu, cũng mang trong chính nó một linh hồn riêng - thể hiện thông qua mối liên kết mạnh mẽ và mật thiết mà chúng ta hình thành khi còn nhỏ, không chỉ với những món đồ chơi thân thuộc, hay những người bạn đã từng cùng ta nô đùa trong những đêm mùa thu năm ấy, mà còn với địa điểm, với ánh trăng - nơi vừa là cái nôi, vừa là người dẫn đường, vừa là người bạn đồng hành theo ta vào những niềm vui nhỏ bé sau này. Việc dành nhiều thời gian hơn cho cảnh vật và cảm xúc, đôi khi lại là cách hữu hiệu nhất giải quyết những vấn đề trong mối quan hệ của chúng ta với cuộc sống thực tại.

Bầu trời hoàng hôn có thể cứu rỗi bất kỳ ai khỏi một ngày mệt mỏi, hay hình ảnh trăng tròn vẹn đêm Trung thu có thể trở thành lời khích lệ cho những ai chưa đạt được những gì họ mong muốn… Đôi khi, cảnh tượng lại biết vỗ về, an ủi nhiều hơn ta nghĩ, bởi dù gì, cảnh vật đã sống với ta từ ngày ta mới chào đời cơ mà? Đáng tiếc, mối liên hệ với thiên nhiên mà nhiều người nuôi dưỡng trong trí nhớ khó có thể giữ lại ở tuổi trưởng thành. Chính thế mà khi đối mặt với ánh trăng, nhiều người trong chúng ta chợt nhớ rằng chúng ta lớn lên và chúng ta thay đổi, cũng như cảnh quan, cũng như các mối quan hệ của chúng ta.

Empty

Nhưng cụ thể là như thế nào? Để bắt đầu, có thể nhìn thế giới thông qua con mắt của chính mình, nhưng ở một điểm nhìn non trẻ và thơ ngây hơn, thay vì nhiều phiền muộn như hiện tại. Hoặc giả như nàng Kaguya - một công chúa tới từ Mặt Trăng, chúng ta có thể thử đi hoặc chạy bộ, nhìn ngắm và lắng nghe nhiều hơn mỗi ngày với cảnh vật xung quanh để lấy lại sự thân thiết với nơi này, với Trái Đất và nơi mình đang sống. Nghe có vẻ đầy mộng mơ và xa lạ, nhưng có một nhà thơ Việt Nam đã từng làm như vậy, để rồi nhận ra sự vô tâm của chính mình với một người bạn thân mà chính ông chẳng nhớ là mình đã quên. Trong “Ánh trăng”, Nguyễn Duy đã miêu tả một thứ cảm giác thẹn thùng, ngỡ ngàng và “giật mình” khi phải đối mặt với ánh trăng từ tầng cao của tòa nhà “buyn-đinh”. Từ chuyện của riêng Nguyễn Duy mới thấy, cảnh vật và ánh trăng tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ trong câu chuyện cảm xúc về cuộc sống của mỗi người, theo nhiều cách khác nhau. Điều quan trọng vẫn là: làm sao để thời gian trôi qua, cảnh vật thay đổi, cuộc sống ta có khác thì ta vẫn cảm thấy mình đang ở nhà.

Câu trả lời có lẽ nằm nhiều ở hồi ức - thứ duy trì cho một người sự liên tục vĩnh viễn trong cuộc sống và đảm bảo với cá nhân ấy rằng sự tồn tại trên trần thế của họ, không hề bị gián đoạn bởi những lo toàn thường nhật. Việc đối mặt với “ánh trăng” vì thế có thể trở thành liều thuốc trấn an bất kỳ ai rằng: cuộc sống của họ vẫn luôn là một với đứa trẻ trong chính họ - đứa trẻ đã từng ngây ngô, vui vẻ đắm mình trong những cuộc vui Trung thu ngày bé. Hồi ức về ánh trăng khi đó đóng vai trò là một dạng tự truyện, và giống như tất cả các tác phẩm tự truyện khác, nó sẽ nói cho chủ thể biết nhiều về cả thời điểm viết cũng như về cuộc sống của họ trước đây, từ đó, tạo ra một nhận thức rằng: chúng ta không phải là những gì chúng ta trải qua, mà là những gì chúng ta nhớ là chúng ta đã trải qua. Vì thế, nếu hôm nay ánh trăng gợi nhớ cho bạn về một Trung thu xưa cũ, tại sao không thử làm những điều mà khi bé bạn hay làm, để đến cuối ngày, trăng lại có cơ hội theo bạn về nhà như hồi còn bé?

Empty

Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỷ

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường

Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn

Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình

- Ánh trăng, Nguyễn Duy, 1978

A.C.
RELATED ARTICLES