Say đắm mãi cánh chim tự do
Trong bộ phim “Days of Being Wild”, một trong những phân cảnh “để thương để nhớ” nhất là khi nhân vật Húc Tử (Trương Quốc Vinh thủ vai) tiến đến thì thầm vào tai Tô Lệ Trân: “Em sẽ mơ về anh tối nay”. Ngày hôm sau, khi Tô Lệ Trân cự nự rằng cô đã chẳng mơ về anh, Húc Tử mỉa mai nhìn cô và đáp rằng: “Tất nhiên rồi, vì em đâu có ngủ chút nào”.
Không chỉ khi vào vai Húc Tử mà dù ở vai trò nào đi nữa, Trương Quốc Vinh cũng tỏa ra một thứ ma lực lạ kì. Ta có thể tìm thấy những người hâm mộ Trương Quốc Vinh ở rất nhiều “cộng đồng” khác nhau, bất kể là cộng đồng hâm mộ Vương Gia Vệ, cộng đồng yêu nhạc pop Hồng Kông những năm 80, hay cộng đồng ủng hộ người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT+). Nhiều người thường dẫn câu nói trong “Bá Vương Biệt Cơ” – “một giọt lệ làm đen tối cả đất trời”, để lí giải cho ma lực của Trương Quốc Vinh. Bi kịch của anh làm lay động tất cả những trái tim biết rung động.
Thế nhưng, khi nhìn vào những gì những người mến mộ viết về Trương Quốc Vinh từ ngày anh tạ thế, dường như ma lực của anh đến từ nhiều hơn là “những giọt nước mắt”. Khi những thảo luận xung quanh nguyên nhân Trương Quốc Vinh tự sát khép lại, giờ đây, người ta chỉ nhắc về những bài ca huyền thoại, những vai diễn và trên hết là nỗi luyến thương vì “ca ca” đã ra đi nhưng tuổi trẻ của anh thì còn mãi. Nói cách khác, dường như chúng ta yêu Trương Quốc Vinh vì chính con người đầy phức tạp của anh; và vì ở anh, ta tìm thấy những sự tự do mà chỉ kẻ lạc thời, cô độc như Trương Quốc Vinh mới có thể đạt được.
Tự do là không nhà, không nhà là tự do
Sinh thời, Trương Quốc Vinh hay được so sánh với những Lương Triều Vỹ hay Châu Nhuận Phát. Nếu như Châu Nhuận Phát thường gây ấn tượng ở những vai xã hội đen khảng khái, chân thành, Lương Triều Vỹ luôn làm người ta nhớ về những nhân vật thủy chung và nỗi buồn tưởng như không gì san lấp nổi. Trương Quốc Vinh và những con người trên màn ảnh của anh lại gợi ra những cảm xúc đối lập. Một mặt, ta do dự trước sự ngang tàn, đôi khi bạo lực và bất cần của anh, thế nhưng mặt khác, ta bị mê hoặc bởi sự tự do, không bị ràng buộc bởi bất kì quy chuẩn nào mà Trương Quốc Vinh gợi ra.
Trong “Xuân Quang Xạ Tiết”, nhân vật Hà Bảo Vinh của Trương Quốc Vinh gợi nhiều liên tưởng đến Húc Tử trong “A Phi Chính Truyện”. Anh ta giống như một “loài chim không chân”, cứ “bay mải miết cho đến khi chết đi”. Hà Bảo Vinh liên tục làm tan nát trái tim Lê Diệu Huy khi hết lần này đến lần khác đột ngột biến mất rồi lại quay lại làm lành như thể chưa có chuyện gì. Thế nhưng, Hà Bảo Vinh không giống những kẻ trăng hoa tầm thường. Anh lao vào những cuộc tình để dâng hiến và tìm kiếm sự say mê, sự tự do giữa cuộc đời rối ren giả tạo. Anh mải miết với những chuyến đi xa đến những vùng đất mới chỉ hòng tìm thấy sự bình yên mà những nơi quen thuộc không có.
Dường như những số phận của các nhân vật ấy vận vào người Trương Quốc Vinh. Anh không thấy mình thuộc về bất cứ đâu cả. Mặc dù được xem là biểu tượng của Hồng Kông một thời, thế nhưng cuộc đời Trương Quốc Vinh là những hành trình di chuyển không biết mệt mỏi. Từ nhỏ, anh sớm phải xa nhà để sang Anh du học. Sau này, khi mệt mỏi với Hồng Kông, Trương Quốc Vinh thường đi lại giữa Canada, Mỹ và luôn “tránh xa các phố Tàu” – nơi mà ai ai cũng biết đến anh – hòng được sống một cuộc sống bình yên. Như anh từng chia sẻ: “Vùng đất này luôn có vẻ nhộn nhạo, nặng nề, lại đắt đỏ. Tôi thì lại quá mềm mỏng. Thành ra, tôi không bao giờ xem mình là người Hồng Kông cả”.
Khi chỉ có bầu trời nghệ thuật mới đủ rộng
Thường cảm giác không thuộc về ở ngoài đời là vậy, thế nhưng mỗi khi lên màn ảnh, Trương Quốc Vinh như được trở về “ngôi nhà” của chính mình. Anh từng chia sẻ trong nhiều cuộc phỏng vấn là cuộc sống văn phòng lặp đi lặp lại hàng ngày không hợp với mình. Chỉ có ở trên set quay và hóa thân vào nhân vật Trương Quốc Vinh mới thấy quen hơn cả. Điểm này của anh nhắc nhớ đến nhân vật Trình Điệp Y do chính anh thủ vai trong “Bá Vương Biệt Cơ”. Con người ấy hiến dâng cả phần thân xác lẫn tâm hồn cho nghệ thuật, để rồi không thể thoát khỏi những ảo mộng sân khấu. Thế nhưng cũng chính vì thế mà Trình Điệp Y được tự do: anh không bị rơi vào những sự biến chất của lịch sử, mà ngược lại, cứ lặng lẽ gìn giữ niềm tin vào thứ nghệ thuật chân chính.
Có một câu chuyện kể rằng vào ngày đầu tiên quay “Xuân Quang Xạ Tiết”, Lương Triều Vĩ đã rất sốc và không thể quay nổi những cảnh ân ái với Trương Quốc Vinh. Thế rồi, Trương Quốc Vinh lặng lẳng đến bên bạn diễn và nói: “Cả cuộc đời tôi đã quay không biết bao nhiêu cảnh ái ân, từ cảnh hôn, mơn trớn đều đủ cả. Anh nghĩ là tôi tận hưởng những cảnh đó lắm sao? Không, hãy coi nó như công việc thôi. Tôi sẽ không yêu anh, và tôi cũng chẳng muốn làm tình với anh. Anh không phải loại mà tôi thích”. Và thế là, Lương Triều Vỹ dần xuôi và chấp nhận vào vai người tình của Trương Quốc Vinh.
Trương Quốc Vinh là vậy, vừa dịu dàng ân cần, lại vừa chẳng ngại ngần gì mà hiến dâng khi động đến nghệ thuật. Đó là cõi riêng của anh, là nơi mà anh được sống những cuộc đời khác, vừa khác mình, để rồi lại vừa giống mình. Thế nhưng, “ca ca” không vì thế mà trở nên xa lánh với cuộc đời và con người. Với những người cùng đập chung một tình yêu dành cho nghệ thuật với mình, Trương Quốc Vinh đều trân trọng và tìm thấy sự kết nối với họ. Người hâm mộ của anh thường kể lại lần anh biểu diễn một nhạc hội ở Toronto. Khi concert đến hồi cao trào nhất, một khán giả bất chợt nức nở: “Tôi yêu anh, Quốc Vinh”. Và thế là, Trương Quốc Vinh hét lại: “Tôi cũng yêu bạn, bất kể bạn là nam hay nữ”.
Và cứ thế, ta mãi mãi không thể thoát khỏi được ma lực của Trương Quốc Vinh.