Bất động sản nghỉ dưỡng khan hiếm nhân lực du lịch

09/04/2019

Ngày 6/4/2019, Diễn đàn Bất động sản du lịch 2019 đã được tổ chức tại khách sạn Sheraton, Quận 1, TP.HCM. Một trong những vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm là câu chuyện đáp ứng nguồn nhân lực du lịch.

Du lịch Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng. Theo thống kê của Tổng Cục du lịch, vào năm 2020, du lịch Việt Nam sẽ đạt tổng doanh thu 35 tỷ USD và đến năm 2030, con số này sẽ là 70 tỷ USD. Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều: dự kiến đến năm 2020 là 20 triệu lượt (gấp đôi năm 2016), tốc độ tăng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có mức tăng khoảng 20%/năm. Bên cạnh đó, dân số Việt Nam khoảng 100 triệu và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng là lượng cầu nội địa lớn. Tốc độ tăng khách du lịch nội địa khoảng 10% /năm.

Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi: nhiều thắng cảnh đẹp, đường biển dài, đời sống người dân ngày càng tăng, hạ tầng cơ sở phát triển mạnh. Những yếu tố đó giúp Việt Nam gặp rất nhiều thuận lợi trong việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng và các dự án xuất hiện ngày càng nhiều: Tập đoàn Novaland đầu tư vào khu nghỉ dưỡng safari quy mô 500ha tại Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tập đoàn Deawoo bắt tay với TDH để làm dự án condotel tại Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Thiên Minh hợp tác với Tập đoàn Việt Úc, phát triển dự án Aloha Beach Village (Phan Thiết)…

1

Bên cạnh các dự án căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố thương mại du lịch, nhà phố kết hợp kinh doanh và lưu trú hoặc những khu nghỉ dưỡng có thương hiệu đang được xây dựng ở các vùng du lịch trọng điểm, đã bắt đầu xuất hiện những khu phức hợp nghỉ dưỡng hoặc khu đô thị du lịch quy mô lớn với các sản phẩm bất động sản và du lịch đa dạng như casino, công viên chủ đề, sân golf.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bất động sản nghỉ dưỡng phát triển nhanh nên cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức: những khó khăn liên quan vấn đề lãi suất; xác định giá đất và thuế đất; quy trình tiếp cận đất đai và giải phóng mặt bằng và đặc biệt là khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực du lịch.

Tại Diễn đàn Bất động sản du lịch 2019, một cuộc khảo sát về nguồn nhân lực đã được Tạp chí điện tử The Leader công bố. Theo đó, trong 100 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bất động sản, có 32 doanh nghiệp gửi lại phiếu khảo sát đầy đủ thông tin, đều thừa nhận đang gặp khó với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực cho ngành du lịch nghỉ dưỡng.

Chỉ tính riêng chất lượng hướng dẫn viên du lịch, những người đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và quảng bá ngành du lịch (trong đó có du lịch nghỉ dưỡng) tới du khách và các nhà đầu tư, những con số thống kê của cuộc khảo sát đã phản ánh đúng thực trạng này: tỉ lệ hướng dẫn viên thông thạo tiếng Anh chỉ chiếm khoảng 40%, thạo tiếng Trung Quốc chỉ là 5%, tiếng Hàn Quốc khoảng 2%. Bên cạnh đó, trình độ, kỹ năng của các nhân viên tại nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng vẫn còn yếu.

2

Ông Kai Marcus Schroter, Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management (HTM) chia sẻ, tại một vài địa điểm như Phú Quốc, HTM thường không tuyển dụng đủ số lượng do vậy phải tìm đến các tỉnh thành khác để tìm kiếm, đào tạo. Tình trạng thiếu hụt về nhân sự du lịch ở Việt Nam hiện vẫn chưa được khắc phục và để đáp ứng cho vấn đề nhân sự ở lĩnh vực này trong khoảng 10-15 năm nữa, Việt Nam cần phải đầu tư triệt để vào giáo dục.

Đào tạo không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà cần những cấp độ và trải nghiệm nhất định trong ngành công nghiệp không khói này. Về lâu dài, các nhà phát triển và vận hành dự án bất động sản nghỉ dưỡng cần liên kết với những trường cao đẳng, đại học để đưa ra các tiêu chuẩn thực tế và cam kết tiếp nhận đầu ra. Thực hiện tốt điều này sẽ giải quyết bài toán về trình độ nhân lực không đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

Thế Anh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES