1. Chợ Bến Thành, biểu tượng lịch sử và văn hóa của TPHCM
Chợ Bến Thành là khu chợ lâu đời nhất trong hệ thống các khu chợ ở Việt Nam. Được xây dựng từ năm 1870, chợ đã chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử. Chợ có tên gọi là Les Halles Centrales, trước khi chính thức đổi tên thành Bến Thành vào năm 1912. Đây không chỉ là nơi giao thương sầm uất từ trước tới nay, mà còn là biểu tượng kiến trúc - văn hóa - lịch sử của Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2013, chợ Bến Thành đã được công nhận và vinh danh khi được xếp hạng vào danh sách "5 chợ tốt nhất thế giới" do báo USA Today bình chọn. Điều này chứng minh sức hút và giá trị lịch sử của chợ không chỉ là nội bộ mà còn được đánh giá cao trên trường quốc tế. Du khách đến thăm chợ Bến Thành không chỉ mua sắm những sản phẩm độc đáo và đẹp mắt, mà còn được trải nghiệm văn hóa độc đáo của người dân địa phương. Các tiểu thương nơi đây hào sảng, vui vẻ, hiếu khách và sẵn sàng giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau với khách ngoại quốc.
Ngôi chợ có tuổi đời 153 năm tại trung tâm quận 1 không chỉ là trung tâm bán lẻ lớn nhất mà còn là nơi thu hút du khách bởi sự đa dạng và phong phú của các loại hàng hóa. Đây cũng là nơi nhiều du khách ghé đến để thưởng thức ẩm thực độc đáo của đất nước. Từ hải sản tươi ngon, bia đường phố hấp dẫn đến những món ăn đặc trưng như bún bò, bò bía, hủ tiếu... cùng nhiều đặc sản của nhiều vùng miền.
2. Chợ Đồng Xuân, di sản lịch sử và điểm đến mua sắm độc đáo của Hà Nội
Được xây dựng từ năm 1889 dưới thời nhà Nguyễn, Chợ Đồng Xuân không chỉ dừng lại bởi trung tâm mua sắm sôi động nhất Hà Nội mà còn là một biểu tượng lịch sử của Thủ đô. Nằm trong lòng phố cổ Hà Nội, Chợ Đồng Xuân là điểm đặc biệt quan trọng, với ngõ chợ Đồng Xuân ở phía Đông, phố Đồng Xuân ở phía Tây, phố Cầu Đông ở phía Nam và phố Hàng Khoai ở phía Bắc. Cổng chính của chợ nằm sát trên phố Đồng Xuân.
Với một lịch sử hơn một thế kỷ, Chợ Đồng Xuân không chỉ là khu mua sắm mà còn là nơi du khách trải nghiệm văn hóa và ẩm thực độc đáo của Hà Nội. Tại đây, du khách có thể đắm chìm trong sự đa dạng của các mặt hàng như quần áo, giày dép, vải vóc và các sản phẩm gia dụng khác nhau. Đồng thời, Chợ Đồng Xuân cũng là thiên đường ẩm thực, với các món đặc sản như bún riêu ốc, bún chả kẹp tre, phở tíu, chè, bún măng mọc tiết... cùng nhiều món ăn khác. Đối với người dân và du khách, Chợ Đồng Xuân không chỉ là nơi để sắm đồ, mà là trải nghiệm tuyệt vời khám phá những giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô.
3. Chợ Đông Ba, khu chợ tinh hoa xứ Huế
Chợ Đông Ba được vua Đồng Khánh cho xây dựng vào năm 1887, ngay tại vị trí ngôi chợ "Quy Giả thị" đã bị đốt sạch trước đó. Năm 1967, chính quyền Sài Gòn quyết định phá hủy chợ cũ và xây dựng lại với kiến trúc mới, nhưng dự án này đã dừng lại do thi công không hoàn thiện.
Chợ ban đầu có tên là “Đông Hoa” do gần cửa Chánh Đông, tuy nhiên do kiêng húy bà Hồ Thị Hoa – mẹ vua Thiệu Trị nên Đông Hoa đổi tên thành một âm có cùng chữ viết là “Đông Ba”. Sau sự kiện thống nhất đất nước, Chợ Đông Ba đã trải qua quá trình nâng cấp và cải tạo, đạt được quy mô hiện đại như ngày nay.
Chợ Đông Ba có diện tích gần 15.600 m² kéo dài từ cầu Gia Hội đến cầu Trường Tiền với hàng ngàn gian hàng phục vụ nhu cầu buôn bán. Khu chợ gồm một khu nhà 3 tầng ở trung tâm, gọi là “lầu chuông” và bao quanh bởi những dãy nhà tạo thành vài đai hình chữ U bán hàng tấp nập ôm trọn lấy lầu chuông. Không gian chợ được chia làm 3 khu chính: khu vải vóc, khu đồ thủ công mỹ nghệ, khu ẩm thực.
Không phải tự nhiên mà chợ Đông Ba được mệnh danh là nơi hội tụ "tinh hoa xứ Huế", nơi đây bày bán những món ăn trứ danh xứ Huế như bún bò, bún thịt nướng, bánh bột lọc, bánh canh, bún nghệ xào lòng, cơm hến, chả tôm, bánh khoái, chè Huế... cùng nhiều món ăn khác.