Vẻ đẹp duyên dáng của Thành cổ Lệ Giang

03/04/2014

Thành cổ Lệ Giang vừa mang vẻ đẹp thiên nhiên, lại có vẻ đẹp do con người tạo nên. Nét đặc sắc chủ yếu tại đây là nước với hầu hết các ngôi nhà được xây dựng trên các con sông và kênh rạch, giống như “linh hồn” của Thành cổ Lệ Giang.

Thành cổ của nước trên cao nguyên

Thành cổ Lệ Giang nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Vân Nam, phía Nam dãy núi Hoành Đoạn, thuộc thượng nguồn sông Kim Sa. Thành cổ nổi tiếng với những ngọn núi hùng vĩ, những ngôi nhà cổ và những phong tục tập quán đặc sắc của người dân địa phương. Lệ Giang có di tích của nền văn hóa Đông Ba, các loại nhạc cụ cổ thời kỳ Nạp Tây. Nơi đây từng là trái tim của vương quốc Nạp Tây cổ đại và là nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Nạp Tây. Năm 1997, Thành cổ Lệ Giang được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

 

 

Thành cổ Lệ Giang nằm ở độ cao 2.416m so với mực nước biển. Đây là một cao nguyên, một Thành cổ mang đậm phong cách dân tộc và được bảo tồn tương đối nguyên vẹn cho đến hiện nay. Thành cổ này được bắt đầu xây dựng vào đầu nhà Nguyên, kiểu dáng kiến trúc uy nghiêm. Các ngôi nhà trong thành cổ thường quay mặt ra sông, hai bên ngõ có kênh rạch, sông ngòi bao quanh.

Đường phố trong Thành cổ Lệ Giang được xây dựng dựa theo thế núi thế nước, nền đường lát gạch đá đỏ, mùa mưa không bị lầy lội, mùa hè cũng không bụi bặm, trên gạch đá vẫn còn nhìn rõ các đồ án hoa văn, kết hợp hài hoà với môi trường thành cổ. Phố Tứ Phương ở trung tâm thành cổ là tiêu biểu của phố cổ Lệ Giang.

Đường đi và các ngõ ngách trong thành cổ đan xen chằng chịt. Tường thành thấp, ba mặt của thành cổ là ba quả núi (phía Bắc núi Miên, phía Tây núi Sư Tử và phía Nam núi Văn Bút). Tất cả các ngôi nhà ở đây đều là nhà gỗ mái ngói đỏ. Trong thành đường đi chằng chịt, với trung tâm là đường chính sau đó tỏa đi các nhánh, các ngõ ngách. Các con đường chính ở bốn phía của thành cổ tương truyền được xây dựng theo ấn của quan Tri phủ, thể hiện quyền lực bốn phương của ông ta. Mặt đường đều được lát bằng đá do chính người Lệ Giang sản xuất, cầu bắc qua các kênh rạch chủ yếu là cầu đá.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

 

Trong Thành cổ Lệ Giang hiện nay vẫn còn bảo tồn được rất nhiều cây cầu đá xây dựng từ thời Minh Thanh. Trải qua hàng trăm năm bị mưa nắng bào mòn, thậm chí bị ảnh hưởng của các trận động đất nhưng các cây cầu ấy vẫn rất vững chắc. Trong Thành cổ Lệ Giang có rất nhiều công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ thời Minh Thanh, vẫn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Kiểu dáng nhà ở có sự kết hợp đặc điểm nhà tứ hợp viện của người Hán và nhà của người dân tộc Bạch. Cửa thường quay về hướng Đông, hành lang rộng, có giếng nước hình vuông, trên cánh cửa được trạm khắc hoa văn rất công phu.

Người dân ở đây thường xây đường dẫn nước trên dòng sông phía Tây, nhằm tận dụng nguồn nước của hai con sông phía Tây và phía Đông để phục vụ cho sinh hoạt.

 

 

Nơi chứa đựng nền văn hóa lâu đời

Thành cổ Lệ Giang có lịch sử lâu đời, chất phác, cổ xưa và tự nhiên. Bố cục thành phố xen lẫn đều đặn, vừa có đặc điểm của vùng miền núi, lại có dáng dấp của miền quê sông nước. Cư dân Lệ Giang vừa dung hòa tinh hoa của các dân tộc Hán, Bạch, Di, Tạng, lại có phong cách độc đáo của dân tộc Na - xi, là di sản quan trọng hiếm có để nghiên cứu lịch sử kiến trúc, lịch sử văn hóa Trung Quốc. Thành cổ Lệ Giang bao hàm nền văn hóa truyền thống dân tộc phong phú, đã tập trung thể hiện sự thịnh vượng và phát triển của dân tộc Na - xi, là tư liệu lịch sử quan trọng nghiên cứu sự phát triển văn hóa nhân loại.

Không gian thành phố như lưu động, hệ thống sông ngòi tràn đầy sức sống, cụm kiến trúc có phong cách thống nhất, kiến trúc nhà ở có kích thước phù hợp, môi trường không gian gần gũi dễ chịu và nội dung nghệ thuật dân tộc mang phong cách độc đáo, đã khiến Thành cổ Lệ Giang trở thành thành phố lịch sử văn hóa nổi tiếng.

Cho đến hiện nay, du khách đến đây vẫn có thế thấy cảnh người dân địa phương dùng nước sông để rửa đường đi và cửa nhà mình. Các thắng cảnh chủ yếu: Công viên Ngọc Tuyền, lầu Ngũ Phượng, Vạn tạp sơn trà, bảo tàng văn hóa Đông Ba, bích họa cát trắng, núi tuyết Ngọc Long...

Ủy ban Di sản thế giới đã có sự đánh giá rằng: “Thành cổ Lệ Giang đã dung hoà khéo léo giữa kinh tế và trọng điểm chiến lược với địa thế mấp mô, đã bảo tồn và tái hiện bộ mặt cổ xưa của thành cổ một cách chân thật và hoàn mỹ. Các kiến trúc của Thành cổ Lệ Giang đã trải qua thử thách của vô số triều đại, trải qua nhiều cuộc bể dâu, đã dung hòa màu sắc văn hóa của các dân tộc cho nên nổi tiếng gần xa. Lệ Giang còn có hệ thống sông ngòi cổ xưa, chúng chảy ngang dọc qua thành cổ, thật là khéo léo và độc đáo, đến nay những sông ngòi này vẫn phát huy vai trò có hiệu quả”.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES