Về tộc người “nguyên thuỷ” nhất Việt Nam

04/06/2020

Những tưởng cuộc sống săn bắt, hái lượm đã kết thúc ở hàng chục nghìn năm trước. Thế nhưng ở Việt Nam, đến tận nửa cuối thế kỉ 20 vẫn tồn tại một cộng đồng người sống theo bản năng trong những hang động hệt như người nguyên thuỷ.

Họ được gọi là người Rục - một nhóm người thuộc dân tộc Chứt, đồng thời cũng là dân tộc thiểu số hiếm hoi còn lưu lại nhiều dấu vết của lịch sử nhất trên đất nước ta.

Ông Cao Ống và vợ là hai trong số những người Chứt cuối cùng của thời kỳ sống trong hang đá

Ông Cao Ống và vợ là hai trong số những người Chứt cuối cùng của thời kỳ sống trong hang đá

Tộc người có quan hệ gần với người Việt cổ

Người Chứt sống tập trung tại miền Trung Việt Nam (chủ yếu là Quảng Bình, Hà Tĩnh và Đăk Lăk), một số ít khác sống tại Khammouan, Lào. Trong đó, Quảng Bình và Khammouan là hai trong số những tỉnh được cho là khởi nguồn của ngữ chi Việt. Vậy nên, ngữ chi Việt còn được gọi là ngữ chi Việt - Chứt, để nhấn mạnh rằng tiếng tiếng Chứt chính là một nhánh ngôn ngữ có quan hệ mật thiết và là “bảo tàng lưu giữ các giai đoạn phát triển của tiếng Việt" - theo lời GS Trần Trí Dõi.

Người Chứt có cùng hệ ngôn ngữ với người Việt cổ. Họ giống như đã trải qua một quá trình tiến hoá ngược. Người Chứt từng trồng trọt, canh tác nông nghiệp, sau đó lại bỏ lên sống trong những hang núi cao, leo trèo, săn bắt và để cơ thể trần truồng (chỉ mặc trang phục làm từ vỏ cây vào mùa đông) như tổ tiên của mình rất nhiều năm về trước.

2.chacon_nguoiChut

Sau khi bỏ lên hang núi cao, người Chứt bắt đầu phân li thành những nhóm người nhỏ hơn, sống tách biệt về địa lí và bắt đầu nảy sinh những điểm khác biệt về văn hoá, xã hội. Đó cũng là lí do tại sao người Chứt lại có nhiều tên gọi đến như vậy: người Rục, người Sách, người A-rem, người Mày, người Mã liềng, người Xá lá vàng… Tất cả các tên này đều là những tộc danh của các nhóm người nhỏ chung nguồn gốc là người Chứt. Chỉ có tên gọi “Xá lá vàng” mang một ẩn ý khác - ẩn ý miệt thị mà người Pháp dành cho họ. “Xá” chỉ những tộc người lạc hậu, “lá vàng” chỉ lối sống du canh du cư, thời hạn ở trong một ngôi nhà của họ chỉ kéo dài từ khi lá cây lợp mái còn xanh cho tới khi úa vàng.

Rừng và lửa là một phần trong đời sống văn hoá

Cũng giống như rất nhiều những tộc người khác còn sót lại trên hành tinh đầy khói bụi và công nghiệp hoá, người Chứt có niềm tin đặc biệt vào thần rừng, ma rừng và bếp lửa. Gần như tất cả những tập quán sinh hoạt của họ đều gắn với cây cối, cũng như có một niềm tin bất diệt rằng lửa sẽ xua đi những điều xấu xa, bẩn thỉu và đem lại may mắn.

Từ khi xuống núi, người Chứt hầu hết đã bỏ lối sống du canh du cư, bắt đầu xây nhà tạo thành bản trên thung lũng. Cột nhà của họ được làm từ thân cây lớn, vách từ thân tre, mái cũng lợp bằng lá cây rừng.

Khi hoàn thiện căn nhà, chủ nhà phải tự mình bắc bếp và nhen cho lửa cháy liên tục trong ba ngày đêm. Có như vậy, tổ tiên mới chứng giám và phù hộ cho ngôi nhà quanh năm sung túc, mùa màng bội thu.

3.beplua_nguoiChut

Người Chứt cũng quan niệm rằng phụ nữ khi tới tháng không được sạch sẽ và thường đem tới điều xui. Vậy nên, vào ngày “đèn đỏ” phụ nữ phải ngồi yên trong nhà, bên một đống lửa lớn. Họ không được đi tắm, không được giặt giũ, cứ như vậy để lửa xua đi những điều không may và cơ thể người phụ nữ được “sạch sẽ” trở lại.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty

Một chàng trai trưởng thành muốn hỏi vợ trước tiên cũng phải đi vào rừng chặt củi. Anh ta phải bó củi sao cho thật gọn gàng, chắc chắn và đem đến đặt trước cửa nhà cô gái mình muốn kết duyên. Sớm hôm sau, nếu như bó củi vẫn ở nguyên chỗ cũ nghĩa là chàng trai đã bị cô gái khước từ, ngược lại nếu bó củi được nhà gái mang vào bếp chứng tỏ chàng trai đã được nhà gái chấp thuận, mau về xin mẹ cha đến thưa chuyện cưới xin.

Đám cưới Và đám ma

Đám cưới của người Chứt khá giống với người Kinh. Lễ cưới được tổ chức ở bên nhà gái trước, sau đó mới làm lễ đón dâu. Đặc biệt, trong lễ vật không bao giờ được thiếu thịt khỉ sấy khô - đặc sản của người Chứt.

Không chỉ hỉ sự, mà đám ma của người Chứt cũng đặc biệt “hướng nguồn”. Trước đây, người Chứt mới chết sẽ được đem lên các hốc đá trong rừng, sau đó người thân sẽ đi bóc vỏ những thân cây to và bó vào thi thể họ. Một ngày một đêm sau đó, người trong bản sẽ tới nhìn mặt người chết lần cuối cùng, cắt một miếng trên vỏ cây để mang theo người và để lại cho người chết một ít củi, thóc, hoặc vật dụng cần thiết như dao, nồi…

6.tuoccay_damma

Ngày nay, đám ma của người Chứt đã bớt phức tạp hơn, nhưng cũng không thể thiếu được sự hiện diện của cây rừng trong văn hoá của họ. Sau nghi lễ cũng bái 2-3 ngày, gia đình mới đưa người chết đi chôn. Người có điều kiện sẽ bọc thi thể người chết trong một chiếc áo quan làm từ thân cây, nhưng những gia đình neo người, ít của hơn thì vẫn cuốn người nhà mình bằng vỏ cây đã tước. Mộ của người Chứt được đắp thành nấm đất tương tự như mộ của người Kinh, không dựng nhà mồ ở bên trên.

Người Chứt không có tục tảo mộ. Ba ngày sau khi an táng, tộc trưởng sẽ tới mộ làm nghi thức “gọi hồn” người chết về nhập vào bàn thờ tổ tiên tại nhà tộc trưởng, người thân sẽ không tới chăm sóc mộ hay để bàn thờ tổ tiên tại gia đình mình nữa. Với người Mã Liềng, thủ tục an táng khác biệt hơn một chút. Họ không thờ cúng tổ tiên, vậy nên linh cữu người chết không được đưa qua đường cửa chính mà phải đi qua đường cửa sổ (được gọi là cửa sổ ma), mục đích để cho linh hồn người chết không nhớ đường quay về quấy phá gia đình.

Những tập tục kì lạ

Người Rục có thời gian sống trong hang núi rất dài, họ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, một trong số đó là tránh thai. Câu hỏi đặt ra là: chỉ bằng những vật dụng thô sơ trong hang đá và rừng sâu, bằng cách nào mà người Rục có thể thoải mái "quan hệ" mà không thụ thai ngoài ý muốn?

Khoa học không thể giải thích được, nhưng thầy mo người Rục thì có. Người Rục từ lâu đã tương truyền về thuật “thổi thắt”. Dụng cụ làm phép chỉ cần: hai ống tre (1 ống dài 1m, 1 ống dài 0,5 m) có gắn một mẩu kim loại nhọn, một phiến đá, một bát đựng nước, một bát đựng hoa, sáp ong làm nến, trầm và sợi tóc. Thầy mo sẽ dùng hai ống tre cọ vào đá, vừa cọ vừa đọc thần chú rồi thổi hơi vào bát nước. 30 phút sau, lễ cúng kết thúc. Người phụ nữ nhận bát nước có sợi tóc của mình từ tay thầy mo, uống vào để không thể thụ thai. Khi nào muốn có con, người đó lại tới gặp thầy mo để được làm lễ “thổi mở”.

Empty

Ngoài thuật “thổi thắt”, “thổi mở” người Rục còn có câu thần chú để tránh hổ, báo, voi rừng. Vậy nên, dù có sống trong rừng sâu bao nhiêu năm nhưng người Rục chưa bao giờ bị mãnh thú tấn công.

Khi phụ nữ sinh đẻ cũng phải “cách li” như lúc “đến tháng”. Họ phải vào rừng ở đủ 16 ngày và vượt cạn một mình rồi mới được quay về nhà, nếu không sẽ đem lại xui xẻo cho cả bản. Nếu con của họ còn sống thì đó là điều may mắn, nhưng nếu như không may chết đi, đó cũng được coi là do ý muốn của ma rừng, không thể tránh được.

Biết bao thế hệ phụ nữ Chứt đã thi hành đúng như vậy, cũng đồng nghĩa với việc bao em bé đã chết ngay từ lúc lọt lòng, bao người người phụ nữ phải gục ngay bên suối, và cả những đứa trẻ lớn lên với hình hài không nguyên vẹn. Sau một hành trình dài vận động của bộ đội biên phòng, người Chứt mới thôi để phụ nữ vượt cạn một mình trong rừng, thay vào đó người chồng sẽ dựng chiếc lán nhỏ ngay trong vườn nhà mình. Người phụ nữ vẫn sẽ phải tới chiếc lán nhỏ đó để sinh nở, nhưng ít nhất lúc nguy cấp sẽ có người nhà tới kịp.

Empty

Sự đa dạng văn hoá cần được tôn trọng

Các nền văn hoá không bao giờ ngừng thay đổi và phát triển, và chúng ta gọi quá trình đó là “lịch sử”. Sự thay đổi tập tục của người Chứt là điểu hiển nhiên, nhưng nếu như nó bị hoà làm một với người Kinh thì đó không còn là phát triển, đó là sự đứt gãy.

Dường như ý thức được điều này, nên sau mấy mươi năm từ núi xuống bản, “cái bụng” người Chứt vẫn luôn hướng về hang, về núi. Có những người Rục già hằng đêm vẫn tìm lên hang ngủ ngồi. Có những đợt cả chục nếp nhà kéo lên hang động sống đôi ba tháng mới lại về.

9.NguoiChut_buoitoi

Văn hóa của người Chứt là một mắt xích quan trọng cho phép tìm lại lịch sử phát triển của người Việt từ thuở sơ khai. Vậy nên, chỉ khi nào còn giữ được nền văn hoá này một cách nguyên vẹn nhất, họ mới không để lạc mất dấu trên con đường tìm về lịch sử nguồn cội.

Giang Tống - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES