Geisha - Những nghệ thuật gia của xứ hoa anh đào
Geisha (tiếng Nhật: 芸者) theo phiên âm Hán Việt là "nghệ giả", tức là con người của nghệ thuật. Văn hoá võ sĩ đạo đã góp phần đưa tới sự ra đời văn hoá Geisha. Võ sĩ đạo là một hệ thống luân lý đạo đức hoàn mỹ, họ có một bộ giới luật bất thành văn mà người võ sĩ (Samurai) buộc phải tuân theo: trung thành, ngay thẳng, quang minh chính đại, cao thượng, nghĩa hiệp... Là một trong những tầng lớp cao quý và được trọng vọng tại Nhật, các Samurai có một lối sống đầy kỷ luật nhưng cũng không kém phần thanh tao: họ thường lấy kiếm đạo, nhã nhạc, thư pháp, thưởng rượu, hoa, trà... làm trò giải trí. Họ ưa được hưởng sự phục vụ từ phía nữ giới dưới hình thức văn hoá lành mạnh hợp với tâm hồn võ sĩ, chứ không phải hình thức phục vụ tình dục đơn thuần. Nhu cầu giải trí cao nhã ấy dẫn tới sự ra đời của Geisha.
Có một sự thật khá bất ngờ, Geisha thực thụ đầu tiên tại Nhật là nam giới, xuất hiện vào khoảng năm 1730. Chỉ khoảng 20 năm sau, Geisha nữ bắt đầu chính thức xuất hiện dưới hình thức của một Odiko (踊り子- vũ công) và người chơi shamisen, ngay lập tức họ nhanh chóng chiếm lĩnh nghề nghiệp, thống trị nó vào năm 1780 .
Một số người có cái nhìn sai lệch về Geisha khi cho rằng Geisha là những nàng kỹ nữ chuyên phục vụ những dịch vụ tình dục. Đây là một định kiến rất sai lầm. Geisha chỉ đơn thuần là những người tiếp chuyện, hầu rượu và phục vụ nghệ thuật. Họ có sự khác biệt rất lớn so với Orian (kỹ nữ bán thân hạng sang, chỉ phục vụ cho quý tộc hoặc những người có địa vị) hay những kỹ nữ bình thường. Trong thực tế, có thể nói rằng Geisha là những nghệ sĩ theo đuổi bộ môn nghệ thuật biểu diễn, ứng xử thông qua một quá trình rèn dũa khắc nghiệt và kéo dài không kém quá trình đào tạo ra một y sĩ.
Hành trình để trở thành một Geisha thực thụ
Để trở thành một Geisha thực thụ không phải chỉ cần một vẻ ngoài xinh đẹp là đủ, các cô gái còn phải luyện tập một cách khắc nghiệt ngay từ khi còn nhỏ. Vào khoảng 10 tuổi, các cô gái sẽ được gửi vào một trường chuyên đào tạo Geisha (sau này, độ tuổi được nâng lên 14-15 do sự thay đổi của luật lao động Nhật vào năm 1950).
Sau khi vào trường, những người học việc mới được sống ở nơi được gọi là okiya (屋) - một loại nhà trọ chỉ dành cho nữ thuộc sở hữu của một bà chủ được gọi là okāsan (nghĩa đen là mẹ) và những người làm khác. Tại đây, okāsan là người sẽ trả mọi chi phí cho người học việc bao gồm: quần áo, dụng cụ, thực phẩm, nhà ở và các chương trình đào tạo...; có nghĩa là trước khi trở thành Geisha, các cô gái đã mang trên mình một khoản nợ rất lớn. Khi trở thành Geisha, việc đầu tiên họ phải hoàn thành là hoàn trả toàn bộ số nợ khổng lồ này, sau khi trả hết nợ thì họ hoàn toàn có được tự do.
Sau khi vào okiya, các cô gái sẽ được coi là một Shikomi và phải làm việc như một người giúp việc tại okiya. Công việc chủ yếu của Shikomi là giúp các Geisha và Maiko khác mặc quần áo... - nhưng đồng thời, thời gian ấy, các Shikomi cũng dần được đào tạo, hình thành lối sống một cách chỉn chu, đúng mực. Ví dụ: điều chỉnh mặc yukata truyền thống như quần áo bình thường. Tiếp đến, họ sẽ được theo học một chương trình đào tạo và luyện tập hết sức nghiêm ngặt. Những thiếu nữ phải học cách cư xử, cắm hoa, phà trà, khiêu vũ, ca hát, cách hầu chuyện, tiếp rượu, cùng cách chơi hàng loạt những nhạc cụ truyền thống như kotsuzumi, shimedaiko, shamisen và fue… Sau khoảng nửa năm, các Shikomi sẽ được đào tạo một cách chính thức, lúc này, họ được gọi là Minarai.
Trong thời gian này, các Minarai phải tìm được cho mình một Geiko cố vấn (một thuật ngữ khác của Geisha), người mà những cô gái sẽ gọi là onsan (chị gái) có thể đưa họ cùng tới ozashiki (tiệc trong các phòng chiếu truyền thống) để họ có thể quan sát cách người cố vấn của mình và các Geisha khác tương tác với khách. Bằng cách này, một khi người học việc hoàn thành khóa đào tạo chính thức của mình, cô ấy sẽ có một số kinh nghiệm trong thế giới thực, gây dựng được thiện cảm và nhận biết những khách hàng tiềm năng.
Thời gian đào tạo một Minarai sẽ bắt đầu khoảng một vài tháng trước khi cô gái ấy trở thành Maiko (Geisha tập sự). Nhưng ngay cả sau khi đã trở thành Maiko, các cô gái vẫn sẽ tiếp tục học hỏi bằng cách tham gia các sự kiện với người cố vấn lớn tuổi của mình, và cũng tiếp tục đào tạo về nghệ thuật cổ điển. Sau khi trở thành Maiko, những cô gái phải mất thêm một giai đoạn dài (có thể lên đến vài năm) để có thể kết thúc khóa học, đồng thời tốt nghiệp trở thành một Geisha thực thụ.
Có thể thấy, để trở thành một Geisha thực thụ là cả một quá trình khó khăn, vất vả. Những cô gái phải đánh đổi rất nhiều công sức để luyện tập, thực hành một cách trôi chảy, tự nhiên và khéo léo nhất. Chính vì điều đó mà tại Nhật Bản, Geisha rất được coi trọng, thậm chí trong một khoảng thời gian dài, Geisha đã trở thành hình mẫu của cái đẹp, sự thanh lịch và duyên dáng mà tất cả những người phụ nữ ở xứ sở Phù Tang muốn hướng đến.
Sự thật về Geisha
Sức phổ biến và hấp dẫn của Geisha đã tăng một cách chóng mặt, chỉ khi Nhật Bản tham gia vào Thế chiến II, sức phổ biến của Geisha mới bắt đầu bị suy yếu.
Cũng trong khoảng thời gian đó, sự thất bại trong Thế chiến II đã khiến cho cả nước Nhật nói chung và văn hóa Geisha nói riêng bị chao đảo. Phần đông binh lính quân đồng minh hay các nhà báo, nhà truyền thông phương Tây ở Nhật vào thời điểm này đã có cái nhìn sai lệch về Geisha, họ đánh đồng Geisha với những kỹ nữ bình thường. Mặc dù nhiệm vụ của Geisha thường bao gồm cả tán tỉnh và đùa cợt khêu gợi (tuy được mã hóa theo các cách truyền thống), nhưng họ không quan hệ tình dục với khách hàng và không được trả tiền cho hoạt động đó. Tuy nhiên, một số Geisha có thể quyết định quan hệ với một trong những nhà bảo trợ hoặc khách quen (patron) của mình bên ngoài thời gian làm việc với vai trò Geisha.
Hay như trong tác phẩm nổi tiếng “Memoirs of a Geisha”, nhà văn Arthur Golden đã khắc họa hình ảnh của một nàng Geisha được dẫn dắt bởi đàn ông và tiền bạc, điều này hoàn toàn sai lệch. Như đã nói, đối với người Nhật, Geisha giống như một nghệ sĩ hoặc một nghệ sĩ biểu diễn, đó là một nghề đáng kính và giống như bất kỳ nghề nghiệp nào bạn theo đuổi trong cuộc sống mà bạn đam mê, bạn làm điều đó bởi vì bạn yêu thích nó trong khi cũng kiếm sống từ nó. Sự quyến rũ, lôi cuốn của các Geisha được toát ra một cách tự nhiên khi họ đang biểu diễn hay tiếp chuyện khách hàng và vì khách hàng của họ chủ yếu là đàn ông nên nhiều người lầm tưởng rằng công việc của họ là theo đuổi và mê hoặc đàn ông.
Geisha trong thời hiện đại
Ngày nay, ở Nhật Bản hiện đại, số lượng Geisha đã suy giảm rất nhiều so với thời trước Thế chiến II do tính độc quyền, giá cả đắt đỏ và hình thức truyền thống. Hiện có khoảng 1.000 Geisha trên khắp nước Nhật, hầu hết họ thường tham dự các cuộc họp mặt tại các quán trà và ryoutei (một loại nhà hàng sang trọng của Nhật Bản).
Trước thực tế văn hóa Geisha bị thu hẹp dần, nhiều nơi tại Nhật đang ra sức duy trì nền văn hóa độc đáo này, nhất là ở Kyoto. Nơi đây được xem là khu vực duy trì văn hóa Geisha mạnh mẽ nhất hiện nay. Hầu hết các Geisha kỳ cựu sẽ tập trung tại đây và điều đó đã biến Kyoto trở thành khu vực đáng để những du khách yêu thích văn hóa Geisha đến và trải nghiệm nhất.
Tuy nhiên, chi phí để được gặp gỡ, có một bữa tối riêng tư tại ryoutei và chiêm ngưỡng những điệu múa, kỹ năng chơi đàn của một Geisha khá đắt đỏ, khoảng 100.000 yên hoặc cao hơn nữa. Chính vì điều đó mà một số nhóm nhà hàng, khách sạn, quán trà bắt đầu tổ chức các buổi biểu diễn công khai với mức giá khoảng 4.000 yên một người. Dịch vụ này sẽ giúp du khách có thể tiết kiệm được một khoản chi phí lớn.
Ngày này, Geisha vẫn sống trong những ngôi nhà Geisha truyền thống gọi là hanamachi (nghĩa là thị trấn hoa ); tuy nhiên, do sự thay đổi của bối cảnh xã hội, những nguyên tắc và truyền thống của ngành Geisha cũng có sự thay đổi nhất định. Không giống những Geisha truyền thống, những cô gái muốn trở thành Geisha ngày nay thường bắt đầu đào tạo sau khi hoàn thành trung học phổ thông hoặc đại học, thậm chí nhiều phụ nữ bắt đầu sự nghiệp Geisha ở độ tuổi trưởng thành. Dù có sự khác biệt trong độ tuổi học nghề nhưng chương trình học của những Geisha hiện đại cũng không có quá nhiều thay đổi. Sự khác biệt lớn nhất trong chương trình này chính là khi bắt đầu các cô gái sẽ không phải chạy vặt nữa, thay vào đó họ sẽ được học cách lựa chọn kimono, phụ kiện cùng quy cách ứng xử. Nhìn chung, tuy số lượng Geisha ở thời hiện đại đã giảm đáng kể so với thời gian trước nhưng với tài năng cùng nỗ lực của mình, những Geisha thời hiện đại vẫn là những nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật truyền thống tài ba và là bậc thầy của nghệ thuật ứng xử ở đất nước mặt trời mọc.