Vị đạo diễn có một-không-hai của nền điện ảnh Nhật Bản

05/09/2022

Vị đạo diễn ấy đã tan vào hư vô, hoàn toàn không biết rằng: nhiều năm tháng sau, những tác phẩm của mình đã trở nên nổi tiếng.

Một ngày mùa đông lạnh giá năm 1963, nhân loại chứng kiến sự nằm xuống của vị đạo diễn người Nhật Bản. Trên bia mộ của người đạo diễn ấy không có tên, không có tuổi, chỉ có vỏn vẹn chữ “mu” (無) nghĩa là hư vô, là không có gì.

Vị đạo diễn kiên nhẫn với cách kể chuyện của riêng mình

Yasujiro Oru có ngày sinh và ngày mất trùng nhau, tròn 60 năm kể từ ngày 12/12/1903. Ông có xuất thân từ vùng đất Furukawa, Tokyo. Đây là khu phố nằm ở phía Nam của thủ đô với hệ thống kênh ngòi ở cửa sông Sumida. Về sau này đạo diễn thường nhắc lại những kỉ niệm thời thơ ấu thông qua hình ảnh những cây cầu hoặc các tòa nhà in bóng trên mặt nước.

Chân dung vị đạo diễn có một không hai Yasujiro Ozu.

Chân dung vị đạo diễn có một không hai Yasujiro Ozu.

Trải qua tuổi trẻ không mấy êm đềm với việc thi trượt Đại học Waseda, trầy trật tìm kiếm việc làm trong các hãng phim lớn nhỏ và nén nước mắt khi chứng kiến sự qua đời của mẹ vào năm 1961. Trong suốt cuộc đời dài về sau, có nhiều khi ông chìm trong rượu và những đêm trắng viết kịch bản miệt mài.

Ông đã có cuộc đời dài kiên nhẫn với những sự đau khổ và buồn bã khi chứng kiến sự ra đi của người thân, công việc dang dở vào những năm đầu đời và chọn cuộc sống độc thân tới hết đời.

Khi bước chân vào lĩnh vực điện ảnh đầy khắc nghiệt, thay vì lựa chọn những đề tài đang nóng trong xã hội hay chạy theo xu hướng, Ozu chọn cách kể những câu chuyện đời thường của chính mình với lối kể chuyện chậm rãi, dè dặt và có phần bàng quan với sự khốc liệt của thời cuộc.

Cách đặt góc máy quay độc đáo

Yasujiro Ozu thường được gọi là “người Nhật Bản nhất” trong số các đạo diễn vĩ đại của Nhật Bản. Từ năm 1927, năm đầu tiên của ông cho hãng phim Shochiku, đến năm 1962, trước khi ông qua đời ở tuổi sáu mươi, ông thực hiện bộ phim cuối cùng của mình, Ozu liên tục khám phá nhịp điệu và căng thẳng của đất nước đang cố gắng dung hòa các giá trị hiện đại và truyền thống, đặc biệt là trong quan hệ giữa các thế hệ.

Ozu thời trẻ tuổi.

Ozu thời trẻ tuổi.

Ozu có lẽ nổi tiếng với phong cách kỹ thuật và sự đổi mới trong các bộ phim của ông cũng như nội dung tường thuật. Xuyên suốt những bộ phim của mình, Yasujiro Ozu chọn “tatami shot” làm cách quay phim chủ đạo của mình. Tatami là tên gọi của loại chiếu phổ biến ở Nhật Bản thường dùng trong đời sống hàng ngày. Ông sẽ đặt máy quay trên tấm chiếu lót này và để nó tự ghi lại những cảnh vật, sự kiện và con người trong phim.

Cảnh người cha và con cãi nhau đi qua chiếc máy quay, rồi lại đến cảnh cành cây, chiếc bình gốm, cảnh ngày và đêm tất cả đều lần lượt hiện ra qua góc quay cố định. Yasujiro Ozu hạn chế nâng lên đặt xuống chiếc máy quay mà chỉ di chuyển qua lại để có thể ghi lại những cảnh phim theo đúng ý tưởng của mình.

Dường như con người trong phim của ông có đủ hỉ, nộ, ái, ố và những cảnh vật thì tuyệt đẹp. Việc Ozu chọn “tatami shot” làm góc quay chính cũng như chính ông đang lùi về một góc và quan sát cuộc sống đang đi qua. Thay vì sử dụng các cảnh quay qua vai điển hình trong các cảnh đối thoại, máy quay nhìn thẳng vào các diễn viên, điều này có tác dụng đặt người xem vào giữa cảnh. Trong suốt sự nghiệp của mình, Ozu đã sử dụng ống kính 50mm, thường được coi là ống kính giống với tầm nhìn của con người nhất.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Cảnh quay nổi tiếng nhất của Yasujiro Ozu trong bộ phim Late Spring (1949).

Cảnh quay nổi tiếng nhất của Yasujiro Ozu trong bộ phim Late Spring (1949).

Ông không theo đuổi những thước phim phức tạp, những cảnh quay nhiều kỹ thuật mà kiên trì với cách kể chuyện riêng.

Ông không chỉ có cách đặt góc máy đặc sắc mà còn khiến mọi người ấn tượng bởi thái độ làm việc nghiêm khắc, máy móc. Rất nhiều cộng sự của Yasujiro Ozu chọn cách bỏ việc vì không chịu nổi sự khắc nghiệt nơi ông. Tuy nhiên, khi trả lời với báo giới, ông chỉ giản dị chia sẻ: “Tôi làm đạo diễn, thực ra cũng chỉ như người làm đậu phụ. Ngày qua ngày, tôi làm đi làm lại một công việc đơn giản y hệt nhau. Rồi đến lúc nào đó, tự nhiên mọi thứ sẽ hoàn hảo”.

Những góc quay từ dưới lên lột tả rõ nét biểu cảm của nhân vật.

Những góc quay từ dưới lên lột tả rõ nét biểu cảm của nhân vật.

Đây không chỉ là cá tính của riêng ông mà gần như là tinh thần sống rất đặc trưng của toàn bộ đất nước Nhật. Đất nước có xuất phát điểm khó khăn nhưng luôn nhẫn nại và cầu toàn.

Vài bộ phim nổi tiếng của Yasujiro Ozu

Mặc dù nổi tiếng với kiệt tác Tokyo Story năm 1953, đỉnh cao trong những bức chân dung của ông về gia đình Nhật Bản đang thay đổi, Ozu bắt đầu sự nghiệp của mình vào những năm ba mươi, với những tác phẩm hài hước hơn, mặc dù sự sắc sảo vẫn còn nguyên vẹn. Sau đó, ông dần làm chủ kịch trong nước trong những năm chiến tranh và sau đó, vận dụng tính hài hước thông qua ngôn ngữ cơ thể trong nhiều bộ phim như “Chào buổi sáng”, “Xuân muộn”, “Mùa hè đầu tiên”, “Cỏ dại nổi trôi”...

Vị đạo diễn này đã có không ít tác phẩm gây được nhiều tiếng vang.

Vị đạo diễn này đã có không ít tác phẩm gây được nhiều tiếng vang.

Tuy nhiên, theo góc nhìn của khán giả, dường như những bộ phim của ông đều có sự lặp lại của những diễn viên, chi tiết và nội dung phim cũng giống nhau. Điều này khiến cho nhiều người có sự nhầm lẫn giữa các phim của Ozu.

Tokyo Story - Câu chuyện Tokyo (1953)

Kiệt tác ra đời năm 1953 đã đưa tên tuổi Ozu vươn xa trên bản đồ điện ảnh năm châu và trở thành tác phẩm bất hủ. Bộ phim đã khiến một nhà phê bình người Đức phải khóc như mưa sau khi vô tình xem được Tokyo Story tại rạp phim sau khi trú mưa.

Cảnh quay hai nhân vật chính của phim Tokyo Story (1953). Hai vợ chồng đến thăm Tokyo, đi suối nước nóng và không thôi lo lắng về việc làm phiền con cái. Họ muốn về ngôi nhà ở quê của mình thật nhanh.

Cảnh quay hai nhân vật chính của phim Tokyo Story (1953). Hai vợ chồng đến thăm Tokyo, đi suối nước nóng và không thôi lo lắng về việc làm phiền con cái. Họ muốn về ngôi nhà ở quê của mình thật nhanh.

Bức chân dung khắc hoạ những tình tiết và những thay đổi vô cùng tinh tế trong một gia đình Nhật Bản. Tokyo Story là thành tựu đỉnh cao của Yasujiro Ozu. Bộ phim kể về cuộc hành trình của cặp vợ chồng già đến thăm những đứa con lớn của họ ở Tokyo thời hậu chiến nhộn nhịp, bộ phim như cuộc khảo sát thế giới phong phú và phức tạp của cuộc sống gia đình với sự tinh tế và quan điểm sâu sắc của đạo diễn về các vấn đề xã hội.

Hình ảnh điềm đạm, nhẹ nhàng của cô con dâu do Setsuko Hara thủ vai. Cô là diễn viên đóng hầu hết các phim của đạo diễn Ozu.

Hình ảnh điềm đạm, nhẹ nhàng của cô con dâu do Setsuko Hara thủ vai. Cô là diễn viên đóng hầu hết các phim của đạo diễn Ozu.

Với những màn trình diễn ấn tượng của các diễn viên chính là Chishu Ryu và Setsuko Hara, Tokyo story đào sâu chủ đề dễ dàng bắt gặp trong các tác phẩm của Ozu về xung đột thế hệ, tạo ra kiệt tác vĩ đại nhất của điện ảnh.

Late Spring - Xuân Muộn (1949)

Bộ phim khắc họa được tình cảm gia đình cũng thành công không kém gì Tokyo Story đấy chính là bộ phim Late Spring. Xuân Muộn kể về gia đình có người cha (Chishu Ryu) đang chuẩn bị tái hôn và người con gái (Setsuko Hara) không chịu lấy chồng.

Đây là thước phim nổi tiếng không kém trong bộ phim này. Hoàn toàn không thoại, kéo dài tới vài phút nhưng lại kể cho khán giả nghe thật nhiều thứ.

Đây là thước phim nổi tiếng không kém trong bộ phim này. Hoàn toàn không thoại, kéo dài tới vài phút nhưng lại kể cho khán giả nghe thật nhiều thứ.

Những xung đột của phim rất nhẹ nhàng, và rất đời thường khi ông không cố khai thác sự gay gắt của khoảng cách thế hệ hay những màn tranh cãi ồn ào. Cảnh phim vẫn luôn giữ được nét yên ả và bình dị như đúng tinh thần của Yasujiro Ozu.

Ochazuke no aji - Hương vị cơm chan trà (1952)

Ochazuke no aji kể về câu chuyện của đôi vợ chồng đang sống trong cảnh tẻ nhạt, nhàm chán và ngột ngạt khi người chồng chỉ tập trung vào công việc, còn người vợ thì ở nhà không biết làm gì.

Một hôm, người vợ Takeo (Michiyo Kogure) nói dối chồng mình, anh Mokichi (Shin Saburi) rằng cô cháu gái của họ bị đau ruột thừa và cô sẽ phải ở lại qua đêm tại thành phố khác. Tuy nhiên, sự thực là cô đi chơi với bạn bè và điều này về sau đã khiến chồng cô nổi giận.

Cảnh người vợ Takeo trốn chồng đi chơi.

Cảnh người vợ Takeo trốn chồng đi chơi.

Cảnh cuối cùng khi hai vợ chồng làm lành, người chồng muốn ăn món cơm chan trà nóng sốt trước ngày đi công tác, người vợ đã chủ động rủ chồng mình cùng nấu món này và hai người ăn trong sự vui vẻ.

Mặc dù Ozu được biết đến tương đối muộn ở thế giới phương Tây, nhưng phong cách nghiêm ngặt đặc trưng của ông - những bức ảnh tĩnh, thường từ vị trí thuận lợi của người ngồi thấp trên tấm chiếu tatami, nhịp độ kiên nhẫn, những khoảnh khắc siêu việt được thể hiện bằng vẻ đẹp riêng biệt của những điều nhỏ bé hàng ngày - đã có ảnh hưởng rất lớn đối với các đạo diễn đang tìm kiếm sự tinh tế và thơ ca trong tác phẩm của mình.

Mong rằng thông qua vài lát cắt nhỏ, độc giả có thể hình dung về chân dung vị đạo diễn có tầm ảnh hưởng và tên tuổi phủ sóng rộng khắp Nhật Bản và xa hơn là trên trường quốc tế. Những bộ phim giàu tính nhân văn và ý nghĩa gia đình của ông sẽ luôn sống mãi trong lòng khán giả.

Hà Chuu - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES