Vương vấn mùa hồng Đà Lạt mỗi độ thu về

01/11/2023

Mỗi độ thu về, Đà Lạt nở rộ trong vẻ đẹp quyến rũ của những quả hồng chín mọng, như một bức tranh tươi sáng được vẽ nên bởi bàn tay của những người nông dân tài hoa.

Nếu thu Hà Nội vẫy gọi với gió heo mây, cốm non thơm từng góc phố thì Đà Lạt lại đón mùa thu về theo một cách rất riêng. Khung cảnh vườn hồng thơ mộng, ẩn hiện những quả chín đỏ, vàng đã trở thành hình ảnh quen thuộc cho những tâm hồn yêu thu Đà Lạt.

Tháng 9, khi nắng thu bắt đầu vàng như tơ, khi những trái hồng chuyển màu hanh vàng, cũng là lúc mùa hồng được bắt đầu.

Giữa một rừng hoa thơm trái ngọt của Đà Lạt, cây hồng nổi lên bằng màu sắc đặc biệt của nó.

Giữa một rừng hoa thơm trái ngọt của Đà Lạt, cây hồng nổi lên bằng màu sắc đặc biệt của nó.

Khát khao tìm về với những điều bình dị, nguyên bản

Anh Thư (26 tuổi, quê Vĩnh Phúc), sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Vĩnh Phúc, đã có một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời sau khi tốt nghiệp đại học. Dù có công việc và thu nhập ổn định tại thành phố lớn, nhưng Thư luôn muốn rời xa thành thị, tìm về một miền quê nào đó, trước để trải nghiệm cuộc sống, sau nếu thấy phù hợp sẽ dừng chân phát triển kinh tế.

Mùa thu năm 2020, cô ghé thăm Đà Lạt, một thành phố mộng mơ nằm nép mình bên những đồi thông reo. Lúc đó, Thư chưa biết rằng Đà Lạt nổi tiếng với mùa hồng. Những ngày đi trải nghiệm ngắn ngủi, lang thang ở đồi chè Cầu Đất, Xuân Trường, Thư mới biết tới cây hồng, mới được nghe về mùa hồng chín. Một mình đi khám phá, tìm hiểu, cô được cô chú nông dân địa phương cho ăn thử hồng chín hái trên cây xuống, được các bác nông dân cho ghé lại vườn hồng chụp hình kỉ niệm. Duyên lành cũng được gieo nên từ đây.

Anh Thư trong ngày thu hoạch hồng giòn Chín Nên.

Anh Thư trong ngày thu hoạch hồng giòn Chín Nên.

Trở về sau chuyến đi ấy, Anh Thư quyết định rời xa cuộc sống xô bồ tại Hà Nội, kéo vali đến với thành phố ngàn hoa Đà Lạt. Chuyến bay đưa cô về với xứ sở của hồng chín đã đánh dấu một quyết định quan trọng trong cuộc đời của Thư. Cô bồi hồi: "Cho đến tận bây giờ, nếu ai hỏi vì sao năm ấy lại liều lĩnh như thế, mình cũng không trả lời chính xác được. Mình chỉ có thể nói rằng, mình tin vào cảm xúc của bản thân, vào lựa chọn và quyết định của mình. Tháng 12 năm ấy, năm 2020, năm nhuận, mình xách va ly ngổn ngang 18 kg kí gửi, rời Hà Nội, vào sinh sống và lập nghiệp tại Đà Lạt".

Những mùa hồng dấu yêu

Hàng năm cứ vào khoảng cuối tháng 8, hồng Đà Lạt bắt đầu xanh quả trên cành. Đến tháng 9 vỏ ngả vàng, sang tháng 10 thì chín mọng, căng bóng hồng hào tạo nên cảnh sắc rực rỡ. Một mùa hồng thường rất ngắn, chỉ khoảng 3 - 4 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12) là hết hẳn và sẽ lần lượt được gọi tên: hồng giòn, hồng chín, hồng sấy, hồng treo.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Những người nông dân thu hoạch hồng từ trên cây.

Những người nông dân thu hoạch hồng từ trên cây.

Khởi điểm sẽ là mùa hồng giòn Chín Nên, loại hồng nức tiếng xứ sở Dran, Đơn Dương. Loại hồng này đã ghi dấu ấn riêng trong lòng người dân với hương vị ngọt thanh, thịt hồng vàng ươm và gần như không có hạt, khiến cho vị khách nào thử qua một lần cũng vương vấn mãi không thôi. Khách du lịch đến vùng này đều không thể cưỡng lại được sự quyến rũ của loại hồng Chín Nên này. Hồng này còn gắn liền với một câu chuyện lịch sử thú vị, xuất phát từ một nông dân tên "Chín Nên" (hay còn gọi là chú Chín) đã đưa giống cây hồng về trồng. Nhờ phương pháp cấy ghép, số lượng vườn hồng tại Dran ngày càng tăng lên. Và tên gọi "Chín Nên" đã ra đời, để tưởng nhớ người đầu tiên mang cây hồng này về thị trấn.

Khởi điểm sẽ là mùa hồng giòn Chín Nên nức tiếng xứ sở Dran, Đơn Dương, Lâm Đồng.

Khởi điểm sẽ là mùa hồng giòn Chín Nên nức tiếng xứ sở Dran, Đơn Dương, Lâm Đồng.

Song song với mùa hồng giòn Chín Nên, còn có "nàng thơ" hồng chín trứng láng, một loại hồng được xem như phiên bản của hồng da tre ở phía Bắc. Loại hồng này được hái khi trái đã già, màu vàng đẹp, sau khi thu hoạch được đem về để hồng chín tự nhiên. Hồng thơm ngon nhất khi lớp vỏ chín trong veo, bóc dễ dàng, chỉ cần bổ đôi và dùng thìa xúc. Vị ngọt lịm say mê, từng thớ hồng khẽ có vị giòn như thạch. Khi trái chín, để lạnh sâu, hương vị càng thêm mê đắm.

"Nàng thơ" hồng chín trứng láng.

Khi mùa hồng giòn và hồng chín qua đi, Đà Lạt chuyển sang mùa hồng vuông Tám Hải sấy dẻo khoảng độ vào cuối tháng 10 - tháng 11. Lúc này, những đám hồng trong rẫy chuyển mình cũng là lúc các trái hồng trên cây đã chín mọng. Loại hồng này không chỉ thích hợp để ăn trực tiếp, mà còn được dùng để làm hồng sẩy, mềm dẻo, thơm ngon. Quá trình sấy hồng đòi hỏi cao ở sự kiên nhẫn, kỹ thuật và nhiệt độ chính là yếu tố quyết định chất lượng. Nhiệt độ quá cao sẽ khiến hồng khô quá nhanh. Bên ngoài có thể khô nhưng bên trong vẫn ướt, không bảo quản được lâu. Để đảm bảo hồng giữ được màu, hương vị và độ dẻo thơm, việc kiểm soát nhiệt độ là quan trọng. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được thịt hồng mềm mịn, vị ngọt cùng hương thơm đặc trưng của hồng chín.

Hồng Tám Vuông sấy dẻo.

Hồng Tám Vuông sấy dẻo.

Hồng sẽ được hái khi ngả cam đậm, sau đó ủ cho hồng chín thật mềm, gọt vỏ, bỏ hạt, cho vào lò sấy. Thời gian sấy hồng là 48 giờ, sấy - nghỉ, sấy - nghỉ lặp lại liên tục. Trong quá trình sấy, phải trở hồng qua lại để hồng được đều màu. Hồng sấy đạt là khi hồng có màu cam hơi đậm, miếng hồng dẻo thơm, mềm, nhất định không được khô cứng.

Cô kể: "Sau khi hồng ra lò, để đóng túi, mình phải chờ cho hồng nguội hoàn toàn, lựa những miếng hồng đạt chuẩn dẻo thơm, loại bỏ những miếng hồng bị khô và chai cứng, chia nhỏ túi từ 250 gram hút chân không và gửi tới tay khách hàng".

Nối tiếp mùa hồng sấy, là mùa hồng treo gõ cửa. Vào cuối năm, khi các quả hồng trên cây đã chuyển sang màu cam vàng, nhưng vẫn còn cứng tay (đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng hồng treo), cũng là lúc mùa hồng treo bắt đầu. Có hai loại hồng treo phổ biến là hồng trứng (trứng lốc, trứng lửa, trứng đầu bằng) và hồng vuông đồng. Cả hai loại này đều ngon có tiếng.

Mùa hồng treo gõ cửa, như gánh cả bầu trời, ước mơ, khát vọng của người nông dân bé nhỏ.

Mùa hồng treo gõ cửa, như gánh cả bầu trời, ước mơ, khát vọng của người nông dân bé nhỏ.

Hồng trứng lốc treo gió.

Hồng trứng lốc treo gió.

Hồng trứng lửa treo gió.

Hồng trứng lửa treo gió.

"Nông dân nửa mùa như tụi mình vẫn thường hay gọi đây là mùa tuy vất vả nhất nhưng lại được kiếm tiền nhiều nhất. Hồng được lựa để treo là những trái hồng đã ngả cam hoàn toàn, nhưng nhất định phải còn cứng tay. Nếu lựa hồng chưa đủ độ chín, khi treo lên, hồng sẽ không có màu cam vàng đẹp mắt. Nếu lựa hồng chín quá, khi vận chuyện cũng sẽ khiến hồng bị dập nát. Sau đó hồng sẽ được gọt vỏ, treo lên giàn trong vòng 20 - 25 ngày, khô nhờ nắng nhờ gió. Cuối tháng 11, đầu tháng 12, khi tiết trời bắt đầu nắng lên, gió thổi nhiều hơn, hồng sẽ đón cái nắng cái gió ấy để mà trở nên dẻo thơm và tươm mật. Hồng treo thuần gió hanh mặc dù phải đối diện với nhiều rủi ro, nhưng thành phẩm cho ra lại vô vùng ngọt ngào và mãn nhãn. Trái hồng dẻo thơm, tứa mật ngọt ngào, như chứa đựng tất cả tình yêu nghề của những người nông dân như mình vậy", Anh Thư bồi hồi chia sẻ.

Khi hồng trứng đi được 1/2 mùa, cũng là thời điểm những trái hồng vuông đồng chín rộ, ngả cam vàng ruộm. Đây là loại hồng có giá thành cao hơn hẳn hồng trứng, cả hồng tươi và sau khi đã treo thành phẩm.

Khi hồng trứng đi được 1/2 mùa, cũng là thời điểm những trái hồng vuông đồng chín rộ, ngả cam vàng ruộm. Đây là loại hồng có giá thành cao hơn hẳn hồng trứng, cả hồng tươi và sau khi đã treo thành phẩm.

Một trái hồng vuông treo gió sau 27 ngày trên giàn. Mật hồng màu cam như thạch.

Một trái hồng vuông treo gió sau 27 ngày trên giàn. Mật hồng màu cam như thạch.

Khó khăn, thử thách không làm nản lòng người nông dân

Vun vén, chăm sóc cả năm trời, niềm hạnh phúc của những người nông dân như Thư chỉ vỏn vẹn trong mùa hồng đến, đi ngắn ngủi. Trò chuyện với Travellive, Anh Thư không ngần ngại chia sẻ những cảm xúc của mình trong mùa thu hoạch.

Anh Thư kể: "Khi làm hồng sấy, khó khăn nhất của mình là set nhiệt sao cho chuẩn. Ban đầu khi mới làm, mặc dù canh nhiệt đều và đảo vị trí khay liên tục, nhưng những mẻ hồng sấy ra lò vẫn bị khô và chai cứng, thậm chí còn bị cháy xém. Có mẻ hồng khô bên ngoài nhưng bên trong còn ướt nhẹp, sấy cho hồng khô bên trong thì bên ngoài lại cứng đơ không thể ăn nổi. Ngoài ra, lựa hồng để sấy cũng rất quan trọng. Vì nếu chỉ vô tình lựa phải trái hồng chưa chín kĩ thôi là hồng sấy lên sẽ bị chát và không lên được màu như mong muốn. Sau bao lần đổ đi, kinh nghiệm xương máu mình rút ra, là hãy can thiệp nhiệt ở mức nhỏ, cho hồng khô từ từ, khô đều từ ngoài vào trong. Và hãy để hồng chín thật đỏ hãy gọt rồi mang sấy, mặc dù gọt hồng chín kĩ rất khó, phải trả công gọt cao hơn, nhưng thành phẩm cho ra lại vô cùng ưng ý".

Hồng được gọt, xếp rồi mang vào lò sấy.

Hồng được gọt, xếp rồi mang vào lò sấy.

Hồng sấy - thức quà ngon cuối mùa.

Hồng sấy - thức quà ngon cuối mùa.

Là một người đã gắn bó với nghề được 4 năm, mỗi mùa hồng tới và đi đối với Thư lại đong đầy cảm xúc. Bởi đó là mùa mà cô được sống với tất cả niềm đam mê và nhiệt huyết của mình. Chia sẻ với Travellive, Thư thật thà: "Mình gần như làm việc với 200% năng lực của bản thân vậy. Với mình, một năm sống ở Đà Lạt chỉ có duy nhất hai mùa, mùa có hồng và mùa không có hồng. Vậy nên, mình mong tới mùa lắm. Mùa được bận rộn, được yêu, được nhìn ngắm thành quả sau những vất vả chờ đợi của mình trong cả một năm ròng rã".

Thành phẩm gửi tới khách hàng đầy chỉn chu và thơm ngon.

Thành phẩm gửi tới khách hàng đầy chỉn chu và thơm ngon.

Vững tin, bằng tình yêu và nghị lực ấy, Anh Thư và những người nông dân Đà Lạt sẽ còn mang đến nhiều mùa hồng vương vấn lòng người hơn nữa. Những trái hồng giòn, hồng dẻo thơm, ngọt lịm không chỉ chuyên chở mùa thu Đà Lạt đến với những trái tim yêu nồng nàn xứ ngàn hoa, mà còn ấp ủ niềm mong ước, hy vọng và tình yêu của biết bao bàn tay sớm hôm giá lạnh, đợi chờ một mùa hồng say.

Hà Mai Trinh - Ảnh: Nhân vật cung cấp
RELATED ARTICLES