Xách ba lô lên và đi đến nơi, về đến chốn!

21/05/2018

Vụ việc tìm thấy thi thể một bạn trẻ sinh năm 1994 đi trong đoàn phượt tự tổ chức đi tuyến Tà Năng, Phan Dũng Tà Năng khiến cho một lần nữa, dư luận dấy lên việc rút ra các bài học, kinh nghiệm trong việc tự tổ chức đi treking rừng. Dưới đây là bài viết của thầy giáo Trần Phan, với nhiều kinh nghiệm đã đưa ra các bài học kinh nghiệm được các bạn trẻ đón nhận.

Thông tin về việc tìm thấy thi thể của bạn trẻ mất tích trước đó 7 ngày khi trekking cung đường Tà Năng - Phan Dũng làm buổi sáng trở nên u ám. Mình đã chờ đợi và cầu mong một sự kỳ diệu nhưng điều đó đã không xảy ra. Mình không biết lý do bạn bị lạc, cũng không biết bạn chuẩn bị gì cho chuyến đi, từ sức khỏe, vật dụng, thức ăn, nước uống đến kỹ năng tồn tại nơi hoang dã nên không có lời bình luận. Chỉ xin chia buồn với gia đình và cầu mong bạn an nghỉ. Nhưng mình vẫn muốn biên một đôi dòng dành cho những bạn trẻ, hoặc những bạn tính còn trẻ, trong friend lists của mình. Biết đâu nó có thể có ích.

Có một lần một người bạn của tôi bị tai nạn xe máy trên đường quốc lộ. Nhẹ thôi, chỉ trầy trụa và chảy máu. Hôm đó có rất đông người chạy lại để hỗ trợ. Họ đã rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi lôi từ trong ba lô ra những dụng cụ như bông băng, gạc, cồn sát trùng, dao, panh, kéo,... để xử lý vết thương và băng bó cẩn thận. Nhìn cách chúng tôi thao tác, những người chứng kiến hôm đó không biết chúng tôi là ai. Có người kết luận chúng tôi là... bác sĩ. Họ không biết chúng tôi đang trên đường về và mới có lại sóng điện thoại sau chuyến luồn rừng miệt mài hơn nửa tháng.

Rồi một lần khác, tôi được một bạn trẻ đề nghị giúp đỡ trong một chuyến thu mẫu cho một đề tài mà bạn ấy thực hiện. Ra đến thực địa tôi mới phát hiện ra rằng bạn ấy chuẩn bị cho chuyến đi của mình bằng hành trang là niềm tin, và lòng hăng hái của tuổi trẻ. Hôm đó tôi cực kỳ thất vọng. Cũng may là chuyến đi ngắn, và tôi cũng đã có sự chuẩn bị.

Sống là điều quan trọng hơn bất cứ sự tự ái vặt vãnh nào!

Đành rằng tuổi trẻ phải đi, phải khùng một chút, phải điên rồ một chút, phải lên cơn một chút, và trải nghiệm luôn là điều đáng có. Nhưng đừng đùa với cái chết. Sinh mạng của bạn luôn là thứ quý giá nhất mà bạn có, là thứ mà cha mẹ của các bạn có thể đánh đổi tất cả để giữ nó lại. Tôi kể hai câu chuyện trên để nói rằng không ai có thể lường trước được rủi ro. Khâu chuẩn bị cho những chuyến đi là cần thiết.

Vậy cần chuẩn bị những gì? Nhiều bậc có thâm niên lội rừng đã viết những bài rất công phu mà bạn có thể tìm đọc. Nếu cần sự chia sẻ từ những người ấy, tôi tin rằng các bạn sẽ nhận được sự hướng dẫn đầy chu đáo. Hãy chịu khó nghe, chịu khó học. Sống là điều quan trọng hơn bất cứ sự tự ái vặt vãnh nào.

Sức khỏe

Tiên liệu trước lộ trình của chuyến đi và cân nhắc về mặt sức khỏe. Nếu chưa đủ, bạn nên luyện tập để chờ một dịp khác.

Đi thành nhóm

Đi rừng hoặc vào nơi hoang dã luôn đầy những rủi ro. Nhất thiết bạn nên đi thành nhóm để hỗ trợ nhau. Nhóm ít nhất là 3 người, trong đó phải có người có kinh nghiệm. Vì sao là 3 thì có nhiều lý do, ở đây tôi không phân tích, chỉ muốn nêu lên một trường hợp là nếu bạn có gì bất trắc hãy đảm bảo rằng có ít nhất 2 người để khiêng bạn.

Đi nhóm ít nhất 3 người

Luôn tuân thủ kỷ luật và tuyệt đối không được tự ý tách đoàn. Nếu vì một lý do gì đó, phải báo để mọi người cùng biết.

Trang phục, thức ăn, nước uống

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Hãy nhớ điều đầu tiên, và cũng là quan trọng nhất: Bất cứ lúc nào bạn hạ ba lô, trong đó phải có đủ những thứ để bạn có thể tồn tại trong 3 ngày.

Trang phục: Trang phục giày vớ gọn nhẹ, rộng rãi, bền bỉ. Những quần áo mang theo nên xếp thành bộ và bỏ vào những túi ny-lông riêng để vừa tiện cho việc thay đổi vừa chống thấm nước khi gặp trời mưa. Nhắc lại là chất liệu của trang phục phải đảm bảo độ bền bỉ. Đừng tiếc tiền cho những thứ giúp mình sống sót. Đừng quên áo ấm. Nhiệt độ của rừng sẽ xuống rất nhanh khi về chiều. Biên độ dao động ngày đêm rất lớn. Và đừng quên áo mưa!

Một ví dụ đồ treking

Thức ăn: Nếu những chuyến đi dài ngày, bạn có thể mang theo gạo và các loại thực phẩm. Những thứ ấy bạn chuyên chở, tập kết theo địa điểm hoặc thuê người khuân vác. Trong ba lô của bạn luôn có thức ăn để có thể cầm cự khi chưa tới trạm nghỉ. Để gọn nhẹ, bạn có thể chuẩn bị lương khô. Tốt nhất là những thứ nhẹ nhàng nhưng có mức cung cấp năng lượng cao và tức thời. Ví dụ như sô-cô-la, bánh kit kat.

Nước uống: Kinh nghiệm đi bộ đường xa hoặc phải leo trèo là bạn uống ít nước thôi. Vừa tiết kiệm nước, vừa đỡ mệt. Càng uống nhiều càng mệt. Uống cho đã chỉ có bỏ cuộc.

Vật dụng:

Lều bạt: Bạn có thể chọn mua theo giá cả và chất lượng tùy thuộc tính chất của chuyến đi hoặc nhu cầu sử dụng có thường xuyên hay không.

Dao: Loại dao đi rừng có thể phát lối mở đường, chặt cây, kiếm củi. Dao phải có dây đeo và vỏ bọc để bảo đảm an toàn. Sẽ quá nhiều rủi ro nếu bạn té ngã với một con dao nhọn hoắc trong tay.

Lửa: Lửa luôn là thứ cần thiết. Nó giúp bạn nấu nướng, sưởi ấm, xua đuổi động vật, báo hiệu cấp cứu… Đừng học cách lấy lửa của bọn viết sách. Hãy chuẩn bị bật lửa, loại tốt, hai cái. Kinh nghiệm là bạn nên mua bật lửa gas hiệu Bic. Mình rất tin loại bật lửa này bởi chất lượng đánh lửa và sự bền bỉ. Giá thị trường 15k/cái. Tại Quy Nhơn thấy bán ở hiệu buôn Vĩnh Thụy gần doanh trại bộ đội biên phòng.

Đèn pin: Chuẩn bị đèn pin loại tốt, loại dùng pin rời tiện hơn pin sạc vì vào nơi hoang dã không có điện. Mua thêm pin dự phòng. Ánh sáng của đèn pin tốt nhất là ánh sáng vàng vì ánh sáng loại này bám đường tốt hơn ánh sáng trắng, nhất là khi trời mưa. Nếu không tìm được đèn pin có ánh sáng vàng thì chuẩn bị sẵn một mảnh ny-lông trong có màu vàng để tạo ánh sáng mong muốn.

Gậy: Gậy có thể rất quan trọng khi bạn di chuyển hoặc dò một tình huống nào đó. Gậy có thể là gậy chuyên dụng hoặc bạn có thể chặt cây để làm. Lưu ý không được vát nhọn, điều đó có thể gây nguy hiểm nếu bạn trượt chân hoặc té ngã.

Thuốc men: Thuốc, bông băng, thuốc sát trùng, vật dụng sơ cứu khi bị thương, thuốc chống vắt, chống công trùng…

Vài lưu ý khi đi rừng

- Ba lô vật dụng của ai người đó tự mang, không được nhờ người khác mang hộ. Giữ ba lô là giữ tính mạng của mình.

- Đi theo hàng và giữ khoảng cánh trông thấy nhau. Thực ra cái này không cần nhắc vì lối đi trong rừng không có nhiều làn.

- Đi vừa phải, không nhanh, không chậm, phân bố tốt sức lực.

- Không đùa giỡn hoặc cố chụp ảnh ở những nơi nguy hiểm như vách đá, thác nước...

- Không được ngồi nghỉ dưới lòng suối khi thấy trời âm u, nhất là về chiều. Ở rừng hay mưa cục bộ và lũ rừng luôn lên rất nhanh.

- Khi mưa to, hãy mặc áo mưa và cố thoát ra nơi quang đãng. Nếu không, thà chịu ướt còn hơn trú mưa dưới tán cây lớn. Có thể bị sét, hoặc các nhánh cây đổ ụp xuống đầu bạn bất cứ lúc nào.

- Lưu ý khi cần nấu nướng, sưởi ấm hoặc phát tín hiệu thì củi tươi chẻ nhỏ dễ bắt lửa hơn củi khô thấm nước.

Làm gì khi bị lạc:

- Đừng mất tinh thần. Thật ra sự hoảng loạn sẽ giết chết bạn nhanh hơn đói khát hay những lý do khác.

- Lạc chỗ nào hạ trại ngay chỗ đó để người khác có thể dễ dàng quay lại và tìm thấy. Càng cố tìm đường bạn càng lạc, và xa dần cơ hội gặp lại bạn đồng hành.

Hiện tại có khá nhiều đồ công nghệ, apps phục cho việc sinh tồn khi treking

- Hãy tự tin vì trong ba lô của bạn có đầy đủ những thứ tự vệ cũng như nhu yếu phẩm giúp bạn tồn tại trong ba ngày. Hãy sử dụng chúng tiết kiệm và hợp lý. Ba ngày, mọi chuyện đều có thể giải quyết. Ba lô là sự sống.

Còn nhiều nữa nhưng tạm thế đã, dài quá rồi. Những điều trên đây là những điểm cơ bản được lược ghi từ trải nghiệm cá nhân lẫn học hỏi kinh nghiệm. Sự ấy đã từng giúp mình bôn ba trên nhiều nẻo đường rừng. Và bởi là kinh nghiệm cá nhân nên có thể không giống những người khác hoặc chưa phải là cách tốt nhất!

Xách ba lô lên và đi, nhưng hãy đi đến nơi về đến chốn!

Trần Phan

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES