Yogyajarta, thành phố hoàng gia

02/12/2013

Trải dài gần 6.500km giữa hai lục địa Đông Nam Á và Châu Đại Dương, với gần 13.500 hòn đảo và có gần 300 nhóm sắc tộc cùng chung sống, Indonesia giống như một “kính vạn hoa” về mọi mặt: cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa, lối sống… Những điều thần kì của đất nước vạn đải thể hiện qua từng vùng, từng hòn đảo, từng thành phố. Lần này, hãy đến với thành phốYogyakarta, một trong những trung tâm văn hóa đầu tiên của đảo Java, nơi có thủ đô Jakarta.

Bài và ảnh: Thu Giang

Borobudur - kỳ quan Phật giáo giữa đất nước Hồi giáo

“Một ngôi đền núi quyến rũ”, nhà nghiên cứu khảo cổ học người Pháp Jeannine Auboyer đã nói như vậy về ngôi đền Borobudur. Được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1991, cách Yogyakarta - thành phố miền trung đảo Java - 42km, Borobudur được xây dựng trong khoảng 75 năm - từ thế kỷ thứ VIII – IX, dưới triều đại Syailendra sùng đạo Phật.

Thời đó, Vua Syailendra đã huy động nhân dân kiến tạo công trình vĩ đại này để vinh danh Phật giáo và cũng để tôn vinh sức mạnh chính trị của mình lẫn giao lưu văn hóa với Ấn Độ. Chính vì thế ngôi đền đã chịu ảnh hưởng của lối kiến trúc truyền thống Ấn Độ.

Nhìn từ trên xuống, Borobudur thể hiện hùng hồn cho quan niệm “trời tròn đất vuông” về vũ trụ với cấu trúc 2 phần rõ rệt: 3 tầng tròn ở phía trên và 7 tầng vuông ở phía dưới. Ngôi đền cao 42m được xây trên một đài hình vuông. Mỗi tầng là những bức phù điêu chạm khắc rất tinh tế mô tả đời sống của Đức phật và dưới trần thế. Những bức phù điêu và chạm khắc chạy dài theo những hành lang hẹp, mô tả những giai doạn của cuộc đời con người khi họ hướng tới sự hoàn thiện.Tất cả thể hiện sự giải thoát theo quan niệm của Phật giáo.

Tiếp đó là tới các lộ đài hình tròn trên tầng cao nhất. 72 stupa - tháp thờ có chứa những tượng Phật ngồi tĩnh lặng, trầm tư được chạm khắc tinh xảo ngồi bên trong. Giống như bao người dân địa phương, tôi cũng cố thò tay qua những ô trống trên thành tháp để sờ vào những bức tượng thiêng nằm bên trong để cầu mong sự may mắn. Đến đây, tôi dường như cảm thấy rất thanh thản bởi sự tĩnh lặng của không gian chung quanh, bởi sự uy nghiêm của công trình và trong lòng thầm thán phục người dân Java đã tạo nên một kì quan quá hùng vĩ. Tôi cố ý đến đây vào buổi sáng sớm để ngắm bình minh, thời khắc màu trời từ từ chuyển từ vàng, sang đỏ hồng rồi tím nhạt, một cảnh tượng quá đẹp để ghi lại với chiếc máy ảnh luôn mang theo bên mình.

Đến đây, tôi dường như cảm thấy rất thanh thản bởi sự tĩnh lặng của không gian chung quanh, bởi sự uy nghiêm của công trình và trong lòng thầm thán phục người dân Java đã tạo nên một kì quan quá hùng vĩ.

Thành phố của vua

Điểm tham quan đầu tiên của tôi tại Yogyakarta là cung điện hoàng gia Keraton của dòng họ Sultan, dòng họ đã cai trị công quốc này trước đây. Yogyakarta hiện vẫn còn có vua. Vua kiêm luôn chức vụ tỉnh trưởng. Đây là vị vua thứ 10 của dòng họ Sultan. Ông vẫn sống trong cung điện cổ mà cha ông mình đã xây dựng cách đây hai thế kỷ. Không giống những vị vua trước, ông chỉ có một vợ (trong khi đàn ông đạo Hồi bình thường được phép cưới đến bốn vợ) cùng cai quản một hoàng cung khiêm tốn hơn cả hoàng cung Huế, nhưng có nhiều lâu đài nhỏ được xây dựng theo tín ngưỡng truyền thống của Java.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Keraton vừa là thủ phủ của vương quốc vừa là trung tâm của vũ trụ, là biểu tượng của triều đại và tính thiên định của một xứ sở Hồi giáo ôn hòa, nơi có những công trình xây dựng tuyệt tác của đạo Phật và đạo Hindu. Hai bên cổng vào khu dinh thự vua ở có đặt tượng hai vị thần Thiện và Ác - rõ ràng là chịu ảnh hưởng của Phật giáo!

Gần đó chừng 1km là một công trình khác khá nổi tiếng được mệng danh là “lâu đài nước”  Taman Sari. Được xây dựng từ năm 1758-1765, Taman Sari là một phần của cuộc sống hoàng gia khi xưa và là nơi khơi gợi sự thích thú nhất với nhiều du khách. Trong văn chương, Taman Sari có nghĩa là “khu vườn thơm ngát”. Đây vốn là một địa điểm bí mật được thiết kế tỉ mỉ, phức tạp và tinh vi, dùng làm nơi hoan lạc cho các vị vua Hồi giáo trong quá khứ cùng với các tùy tùng của mình.  Bước xuống cầu thang là hai hồ bơi theo lối kiến trúc Bồ Đào Nha với màu nước xanh biếc có đài phun nóc ở mỗi góc.

Sultan- tên gọi cho các vị vua thời đó - sẽ lên trên một tháp nhỏ để nhìn xuống hồ bơi ngắm các thiếu nữ đẹp chơi đùa, và nếu ai may mắn sẽ được vua chọn để làm thiếp. Cung điện nước nằm ngay cạnh cung điện hoàng gia, xung quanh là các xưởng làm tranh batik. Batik là một tạo hình nghệ thuật đặc biệt nổi tiếng của người Indonesia, dùng các họa tiết hình học như hình vuông, hình tròn, hình tam giác, đa giác và các họa tiết khác để tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu của cuộc sống. Ví dụ, vải batik được dệt màu và các họa tiết được làm bằng tay thủ công. Tranh batik cũng được vẽ cầu kỳ, tỉ mẩn.

Batik là một tạo hình nghệ thuật đặc biệt nổi tiếng của người Indonesia, dùng các họa tiết hình học như hình vuông, hình tròn, hình tam giác, đa giác và các họa tiết khác để tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu của cuộc sống.

Những dấu tích được tìm thấy ở Viễn Đông, Trung Đông, Trung Á và Ấn Độ cho thấy nghệ thuật batik đã xuất hiện từ hơn 2.500 năm trước. Ấn Độ là quốc gia tìm thấy dấu tích của batik sớm nhất. Những mẫu quần áo khai quật được từ một số ngôi mộ cổ cho thấy batik đã xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ 5 trước công nguyên.

Yogyakarta và Solo là các trung tâm truyền thống của vải lụa batik. Ngày nay, hai trung tâm này nhường vị trí này lại cho thị xã ven biển Pekalongan ở phía Bắc đảo Java. 3 khu vực này là nơi tập trung các chuyên gia, nghệ nhân và các nhà thiết kế batik nổi tiếng nhất trên toàn thế giới. Nghệ thuật batik được sử dụng cho quần áo bình thường với những hoa văn trang trí đơn giản. Những hoa văn phức tạp, nhiều đường uốn lượn là kiểu batik dành riêng tầng lớp quý tộc.

Quy trình nhuộm vải bằng nghệ thuật batik

Đầu tiên là công việc vẽ các họa tiết bằng sáp trước khi nhuộm. Để tạo ra những nét hoa văn tinh xảo, các nghệ sĩ có thể sử dụng nhiều phương thức khác nhau như bàn khắc, khuôn in, các công cụ khác nhau để phủ sáp ong và nhuộm trên các chất liệu như lụa, bông, len, da, giấy hoặc thậm chí gỗ và đồ gốm.

Để vẽ được những hoạ tiết nhỏ, người ta sử dụng một công cụ có tên là canting cấu tạo như những chiếc bút mực với cán bằng gỗ hay kim loại để đựng dung dịch sáp nóng và một đầu ống kim nhỏ để vẽ. Với chiếc bút canting trên tay, người nghệ sĩ batik với bàn tay tài hoa sẽ vẽ lên những họa tiết tuyệt vời nhất, tinh xảo nhất. Ngoài ra, người ta có thể sử dụng các phương pháp khác như đổ trực tiếp sáp lên vải, dùng bút lông để vẽ sáp, dùng bản khắc. Sau khi đã qua nhuộm, vải là những hung lên đến khô. Sau đó, nó được nhúng vào một dung môi để hòa tan hết sáp, hoặc được là gián tiếp qua lớp giấy báo hoặc khăn giấy để thu sáp và để lộ ra những gam màu và dòng hoa văn đặc trưng của nghệ thuật bantik.

Màu sắc truyền thống thường được sử dụng trong nghệ thuật batik là màu nâu và màu chàm. Đó là những gam màu được chiết xuất dễ dàng từ thiên nhiên. Ngày nay, màu sắc sử dụng trong batik rất đa dạng và phong phú.

Nền ẩm thực phong phú

Nằm trên giao lộ của những tuyến đường buôn bán thời cổ, cách thức nấu nướng của người dân đảo Java là cả một sự hòa trộn độc đáo. Từ Ấn Độ đưa đến cari và nghệ, từ Trung Hoa là các món chiên xào, từ Ả Rập là món Kebab…Tuy nhiên, một trong những món ăn nổi tiếng ở đây là món sate, thịt băm cuốn trên thanh tre nướng trên than hồng ăn với nước cốt dừa. Hay các loại cá nướng trên than dùng kèm với cơm. Dừa là một thành phần quan trọng của phần lớn các món ăn nơi đây.

Warung - một dạng xe đẩy bán thức ăn, rất phổ biến mà tôi bắt gặp bất kì nơi đâu tại nơi này. Mọi người xúm xít xung quanh lựa chọn món ăn mà mình thích, có thể là một loại đồ uống, một món ăn nhẹ. Đây là hình thức được nhiều người ưa chuộng. Ăn tối xong, tôi lang thang dọc con phố Maliboro cùng vài người khách du lịch khác sà vào bên một nhóm thanh niên đang đàn hát, gõ trống tưng bừng ở góc phố.

Thế đấy, đến với thành phố Yogyakarta có vô số điều thú vị cho bạn khám phá và tận hưởng.

Thông tin thêm:

- Vietnam Airlines hoặc AirAsia có các chuyến bay thẳng tới thủ đô Jakarta. Từ Jakarta đáp thêm 1 chuyến nội địa đến Yogyakarta mất khoảng 1 giờ bay; giá tổng cộng tầm USD300.

-  Lưu trú: Khách sạn Jimbuluwuk nằm ngay trong khu chợ trung tâm, giá USD50/đêm. Hầu hết trước cửa các khách sạn có dịch vụ xe pedicap - một loại xích lô dẫn khách đi tham quan vòng quanh khu trung tâm.

- Ẩm thực: Nhà hàng Gedung ngay trên đại lộ Maliboro, ở trên sân thượng với các món ăn truyền thống của Java và các món Âu.

- Tham quan:

+ Hoàng cung Kota

+ Quần thể tháp Prambanan

+ Chợ chim, bán các loại chim - gia cầm

+ Làng gốm Kasongan để hiểu thêm về nghệ thuật làm gốm độc đáo của người địa phương

+ Khu Kote Gede nổi tiếng với nghề làm bạc.

- Lưu ý: rất nhiều người “cò” muốn dẫn du khách đến các shop batik mua với giá rất cao để nhận được hoa hồng, nên cẩn thận và lời khuyên là không nên đi theo họ.

RELATED ARTICLES