1. Chuẩn bị trang phục đầy đủ
Nhiều người cho rằng để giữ ấm thì cần mặc nhiều lớp quần áo. Điều này hoàn toàn không đúng. Việc mặc nhiều lớp quần áo không thể khiến bạn cảm thấy ấm hơn, nhưng chắc chắn sẽ khiến việc đi đứng và di chuyển trở nên khó khăn hơn do các lớp quần áo dày có thể khiến bạn khó cử động bình thường được.
Ở các nước châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu, từ nhỏ trẻ con đã được học cách ăn mặc sao cho khoa học vào mùa đông, và công thức này chỉ bao gồm ba lớp quần áo: áo giữ nhiệt bên trong, thường bằng chất liệu len merino hoặc len nguyên chất loại mỏng để đảm bảo giữ được hơi ấm của cơ thể, hút ẩm tốt và thoáng khí. Lớp giữ nhiệt này rất quan trọng, vì nếu chọn loại vải không thích hợp, không thể thấm hút mồ hôi được, thì người mặc sẽ rất dễ bị cảm lạnh nếu đổ mồ hôi.
Lớp thứ hai thường là áo len chui đầu, áo cổ lọ, áo nỉ loại dày, v.v… có tác dụng bảo vệ và khoác bên ngoài lớp đầu tiên. Thường người dân Bắc Âu hay chuộng áo len bằng lông cừu loại dày, vì chất liệu này rất ấm áp, lại mềm mại và thoải mái. Đặc biệt với lông cừu thật 100% (thường rất đắt tiền) thì chính bản thân lông cừu còn có thể tự làm sạch nó khỏi bụi bẩn, mồ hôi, mùi cơ thể nên bạn có thể thoải mái mặc lại áo trong nhiều ngày mà vẫn không gặp vấn đề gì về vệ sinh cả.
Lớp ngoài cùng là áo lạnh loại dùng cho mùa đông, tốt nhất là nên có khả năng chống nước (do nước mưa và tuyết tan) và chống gió, đặc biệt nếu bạn có ý định du lịch đến những địa điểm thiên nhiên hoặc những vùng đất nổi tiếng là có gió lớn như Iceland chẳng hạn. Áo lạnh mùa đông loại tốt thường may phồng xốp giúp cách nhiệt cho cơ thể và phần nón có đính lông thú (giả) giúp cản bớt tuyết rơi vào mặt.
Đối với quần, nên chọn loại quần tất bằng chất liệu nỉ hoặc có chỉ số DEN (denier – độ mịn của tất) càng cao càng ấm. Nếu bạn có ý định đi săn Bắc Cực Quang, thăm Ông già Noel ở Lapland, đi xe tuần lộc, xe chó kéo, hoặc có ý định tham gia các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài thì nên chọn loại quần tất khoảng 200 DEN để đảm bảo giữ nhiệt tốt.
Một quy tắc mặc đồ mùa đông của người dân xứ lạnh đó là hạn chế mặc quần áo bó sát vào người. Nguyên tắc này do nhà thám hiểm nổi tiếng thế giới người Na Uy là Roald Amundsen quan sát và học hỏi được từ người Eskimo. Trong thời gian chuẩn bị và tiến hành chuyến thám hiểm từ châu Âu vòng qua Bắc Cực để đến Bắc Mỹ, ông có cơ hội sống và tiếp xúc với người Eskimo bản địa. Khi quan sát thấy họ thường mặc những chiếc áo lạnh làm bằng lông hải cẩu hoặc lông thú rộng thùng thình, Roald Amundsen học được rằng lớp không khí ở giữa các lớp vải đóng vai trò như một lớp đệm cách nhiệt tuyệt hảo. Đó cũng là lý do vì sao người Bắc Âu hay thích mặc quần ống rộng trong mùa đông.
2. Chuẩn bị… tinh thần cho những chuyến bay
Thời tiết khắc nghiệt là một trong những lý do khiến những chuyến bay vào mùa đông thường hay gặp phải sự cố như hoãn chuyến do thời tiết xấu, trễ chuyến vì nhân viên phải xử lý kỹ thuật cho máy bay (bơm chất làm tan băng lên cánh và thân máy bay trước khi cất cánh, và việc này có thể kéo dài cả giờ đồng hồ nếu thời tiết quá lạnh), hoặc thậm chí có thể hủy chuyến bay nếu thời tiết xấu kéo dài. Lý do khác khiến cho việc di chuyển bằng máy bay trong thời gian này trở nên khó khăn hơn chính là do du cầu đi lại đột ngột tăng cao.
Ở châu Âu, bắt đầu từ khoảng ngày 20/12, dòng người đổ về các sân bay và nhà ga lớn ngày một nhiều, và càng gần đếng ngày Giáng sinh thì lại càng đông hơn nữa vì ai cũng đều muốn được đoàn tụ cùng gia đình sớm nhất. Tình trạng quá tải này sẽ lên đến đỉnh điểm vào ngay ngày trước Giáng sinh, và bắt đầu hạ nhiệt ngay tức khắc kể từ ngày 24/12, sau đó lại tăng trở lại khi dòng người ùn ùn về quê trước đó, giờ lại phải tất tả quay về thành phố để tiếp tục mưu sinh.
Vì vậy, để tránh phiền toái khi đi du lịch vào dịp Giáng sinh, có hai điều bạn cần lưu ý: nên ra sân bay thật sớm, khoảng 3 - 4 tiếng trước giờ khởi hành để làm thủ tục check-in và kiểm tra hành lý; và chuẩn bị tinh thần để… chờ được bay! Một quyển sách hay, ít snack hoặc thức ăn nhẹ, điện thoại sạc đầy pin để giải trí hoặc để liên lạc nếu cần thiết và một tinh thần thép để chờ đợi.
Ngoài ra, để tiết kiệm thời gian, bạn cũng có thể tự check-in online trước (nếu có thể); chỉ mang hành lý xách tay; hoặc tự cân hành lý, dán nhãn vào va-li và để lên băng chuyền nếu có hành lý ký gửi.
3. Phân bổ thời gian và điểm tham quan hợp lý
Mùa đông ở Bắc Bán cầu có một đặc điểm đó là ngày rất ngắn, thời gian mặt trời ló dạng và chiếu sáng trong ngày chỉ tính bằng vài giờ đồng hồ, thậm chí có những ngày mặt trời hoàn toàn không xuất hiện. Khi tôi gõ những dòng này đến với bạn đọc, Na Uy đang trải qua một tháng 11 đen tối theo đúng nghĩa đen khi đã bốn tuần rồi tôi chưa thấy ánh mặt trời. Trời vẫn sáng, nhưng ánh mặt trời đã bị mây xám dày đặc che hết. Nhưng vào những ngày trời mưa thì tình cảnh còn u tối hơn nữa. Đặc biệt, càng gần với vòng cực Bắc thì ngày lại càng ngắn và hầu như không có ánh mặt trời.
Để tối ưu hóa thời gian ban ngày và công suất làm việc, vào chủ nhật cuối cùng của tháng 10 hằng năm, châu Âu đồng loạt đổi sang giờ mùa đông. Giờ mùa đông sẽ đi chậm lại một tiếng, giúp người ta tận dụng được tối đa thời gian có ánh sáng để có thể làm việc hiệu quả hơn.
Khi du lịch vào thời gian này, để tận dụng tối đa thời gian có ánh sáng trời mà nhìn ngắm phong cảnh, tham quan và chụp ảnh, bạn nên cố gắng dậy thật sớm. Trời sẽ bắt đầu tối vào khoảng 4 giờ chiều, và càng gần tới ngày Đông chí thì trời lại càng nhanh tối thêm một chút. Ngoài ra, bạn cũng nên tận dụng các cơ hội đặt vé online trước ở các điểm tham quan nổi tiếng và lưu ý kiểm tra giờ giấc mở cửa và các hoạt động tại những điểm tham quan mình muốn ghé đến, vì thường những nơi này sẽ có thay đổi ít nhiều vào mùa đông.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên có những phương án dự phòng trong suốt chuyến đi. Rất có thể chuyến đi về vùng ngoại ô của bạn sẽ bị hủy hoặc gặp trục trặc do thời tiết xấu, xe bus hoặc thậm chí là xe lửa không thể đến đó được; hoặc đơn giản hơn là trời quá lạnh khiến bạn không thể ra ngoài và ở ngoài trời quá lâu. Những lúc như vậy, một phương án thay thế ngay tức thời để tránh “thời gian chết” là điều rất quan trọng.
Cách đơn giản nhất đó là vào những ngày thời tiết quá xấu, hãy chọn tham quan những địa điểm trong nhà như viện bảo tàng, gallery, hoặc tiêu pha một chút vào các trung tâm mua sắm đang trong đợt giảm giá điên cuồng cho mùa Giáng sinh và năm mới, đi nhà sách, ghé đến một quán cà phê nào đó và cho phép mình chìm đắm trong không gian ấm cúng ở một nơi xa lạ. Quán cà phê ở châu Âu thường trang trí rất đẹp vào mùa Giáng sinh, đẹp không thua gì những hình chụp quảng cáo trên các tạp chí bắt mắt. Tất cả mọi nơi đều có wifi miễn phí nên lại càng thuận lợi nếu bạn muốn ngồi làm việc ở đây cả ngày.
Ngạn ngữ Na Uy có câu: “Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo không phù hợp”. Áp dụng câu này vào du lịch, tôi có thể sẽ mạnh miệng nói rằng: “Không có thời tiết xấu, chỉ có lịch trình đi chơi không phù hợp”! Và hẳn nhiên là phải đi kèm với quần áo và phụ kiện phù hợp nữa, bạn nhé.