Ngô Tâm (25 tuổi, Quảng Ninh), một cô gái đam mê xê dịch, thích khám phá mạo hiểm, đặc biệt là trekking. Cô nàng đã từng chinh phục cung: 8 Nàng Tiên, Lảo Thẩn, sống lưng khủng long Bình Liêu…
“Với mình, trekking là bộ môn thể thao du lịch mạo hiểm mất sức, đòi hỏi bạn có sức khỏe ổn định và dám đương đầu chinh phục bởi khi đi vào rừng tương đối nguy hiểm, không mạng, không sóng điện thoại... Tuy thiếu thốn đủ thứ nhưng đổi lại bạn sẽ có được những kỉ niệm mà không phải ai cũng có”, Ngô Tâm chia sẻ với Travellive.
Mới đây, cô đã có 2 ngày 2 đêm khám phá Tả Liên Sơn – ngọn núi đứng vị trí thứ 6 trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam ở độ cao 2.996 m.
Thử thách 2 ngày 2 đêm không điện, mất sóng điện thoại
Tả Liên Sơn (Cổ Trâu) có độ cao 2.996 m so với mực nước biển thuộc xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu và cách trung tâm thành phố khoảng 10 km. Với hành trình ngắn ngủi 2 ngày 2 đêm, Ngô Tâm như được đắm chìm và hòa mình vào khung cảnh thơ mộng của cây phong rực đỏ, những tán cây cổ thụ xum xuê, rêu cùng dương xỉ phủ kín thân cây tạo nên vẻ đẹp huyền bí, thảm thực vật xanh ngắt... một bức tranh cổ tích hiện ra, tạo sức hấp dẫn cho những tâm hồn mộng mơ đam mê trekking.
Với hành trình 24 giờ nói không với điện và sóng điện thoại, Ngô Tâm đã chia sẻ hành trình đầy đáng nhớ.
Ngày đầu tiên, khởi hành từ Hà Nội đến thành phố Sapa, Lào Cai lúc 4 rưỡi sáng. Đoàn tiếp tục di chuyển gần 2 tiếng trên xe ô tô tới điểm tập kết xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, TP Lai Châu. Sau đó di chuyển tiếp bằng phương tiện xe ôm 7-8 km thì sẽ đến được chân núi. Vì đây là con đường đi vào chân núi nhỏ, đường đất sét trơn trượt, nhiều ổ gà, vừa hẹp, vừa dốc. Đây có thể xem là bước thử thách đầu tiên của cung trekking này.
Đến 11h trưa, đoàn tập trung tại chân núi, trang bị gậy, sắp xếp đồ đạc, nghe leader và poter phổ biến lịch trình, thời gian để chuẩn bị lên đường. Từ chân núi lên tới lán quãng đường dài 4 km, các thành viên hăng hái khám phá nhiều cảnh đẹp trong rừng như: gốc cây 1.000 tuổi, thác Hoa, cây cổ thụ lâu năm...
Buổi trưa, đoàn ăn trưa trong rừng trên đường lên tới lán. Dù ở trong rừng thiếu thốn đủ thứ, nhưng bữa ăn trưa được chuẩn bị sẵn từ trước có: bánh chưng với giò, quýt ngọt. Sau 45 phút nghỉ trưa, đoàn lại tiếp tục hành trình. Gần 6 giờ tối đã tới lán nghỉ ngơi, ăn uống và chuẩn bị cho sáng hôm sau tiếp tục hành trình chinh phục đỉnh Tả Liên Sơn.
Ngày thứ hai, các thành viên thức dậy vào lúc 4 giờ sáng, thu gọn đồ đạc cá nhân và bắt đầu di chuyển để kịp thời gian trekking lên tới đỉnh và xuống núi.
“Sáng đó là một buổi sáng đáng nhớ của mình, trời mưa không ngớt, tiếng hò hét, nói chuyện của nhiều đoàn khác cùng chung đam mê lên đỉnh Tả Liên. Bên cạnh những người sợ lạnh, sợ thời tiết xấu ở lại lán thì mình chọn di chuyển tiếp lên đỉnh núi”, Ngô Tâm kể lại.
9h sáng Ngô Tâm cùng các thành viên còn lại lên tới đỉnh và lúc này trời ngừng mưa, hửng nắng, có mây. 10h30 di chuyển về lán nghỉ ngơi, ăn trưa và xuống núi lúc 16h30. Sau đó, di chuyển đến Sapa và về Hà Nội.
“Đoàn chúng mình có 12 người nhưng chỉ 5 người quyết định rời khỏi chăn ấm, mặc áo mưa và chinh phục lúc thời tiết mưa không ngớt. Trời tối, ánh sáng duy nhất là đèn pin, chúng mình cứ đi và đi, cảm giác như mình đã băng qua rất nhiều khu rừng mới tới được đỉnh núi. Với địa hình là thảm thực vật, cây cối um tùm nên mọi người sử dụng đúng nghĩa tứ chi để khám phá. Để khi lên tới đỉnh, biển mây ùn ùn kéo tới, trời hửng nắng, khung cảnh đẹp đẽ hiện ra làm mình quên đi cái lạnh”, Ngô Tâm cho hay.
Chuyến hành trình chinh phục ở độ cao 2.996 m cũng mang lại cho Ngô Tâm nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Buổi tối bên bếp lửa cùng thưởng thức thịt lợn nướng theo cách tẩm ướp của người dân tộc Mông. Hay cái lạnh đêm khuya 6-8 độ C khiến mọi người không ngủ được. Con đường 7-8 km đường vào chân núi di chuyển bằng xe máy nhiều đoạn làm cô nín thở, không dám cử động, chỉ dám ngồi và ôm chặt lấy người chở mình...
Trekking ở Tả Liên Sơn cần lưu ý gì?
Theo Ngô Tâm, thời điểm lý tưởng để trekking Tả Liên Sơn đẹp nhất là từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau vì lúc này thời tiết tương đối đẹp, khô ráo. Mỗi một khoảng thời gian sẽ mang nét đẹp riêng.
Cụ thể như, tháng 9 đến tháng 11 mang vẻ đẹp của cây phong. Tháng 11 đến tháng 1, không khí lạnh đổ về, săn mây huyền ảo. Tháng 1 đến tháng 2 là mùa hoa trà. Còn tháng 3 tới tháng 5 là mùa hoa đỗ quyên nở rộ.
“Vì mình yêu thích ngắm nhìn lá phong, nên chọn khoảng thời là cuối tháng 11. Lúc này thời tiết lạnh chủ yếu vào sáng sớm và chiều tối”, cô nói.
Ngoài ra, cô cũng gợi ý du khách nên chuẩn bị trang phục gọn nhẹ để dễ dàng di chuyển cả ngày, ban đêm cần mang theo áo ấm, áo giữ nhiệt và pin dự phòng vì trên núi sẽ mất sóng, không có điện, tất cả dùng bằng đèn pin.
Càng lên cao nhiệt độ càng giảm, vì vậy bạn nên mang theo kem dưỡng tránh bị khô da, hay nước uống phục vụ cho suốt hành trình và sạc dự phòng để lưu lại nhiều khoảnh khắc đáng nhớ.
Là một người chinh phục nhiều cung trekking từ Nam ra Bắc, với Ngô Tâm trekking ở Tả Liên Sơn nhiều nét khác biệt so với những cung khác.
“Tả Liên Sơn có mùa lá phong nở rộ. Sự bình yên khi đi vào khu rừng huyền bao quanh bởi nhiều cây cổ thụ, hay tiếng thác nước, tiếng chim hót và có thảm thực vật phong phú... ngay cả đến việc ngủ trong rừng già cũng mang lại cho mình cảm giác vô cùng thư giãn. Có lẽ, do mình thích thiên nhiên và cảnh vật nơi đây, đặc biệt thích ngắm lá phong vì nó tượng trưng cho sự may mắn, hy vọng và khát khao. Các bạn có thể thấy lá phong tại rất nhiều cung trekking khác như ở Lùng Cúng, Kỳ Quan San... mình chọn Tả Liên Sơn vì nơi này tương đối khó đi, ít người đến và thiên nhiên hùng vĩ”, Ngô Tâm nói.
Chia sẻ thêm về đam mê bộ môn thể thao mạo hiểm, theo Ngô Tâm, trekking giúp cô mở mang được giới hạn của bản thân bên cạnh sở thích du lịch khám phá. Sau mỗi chuyến trekking, bản thân cô được tiếp thêm năng lượng từ việc kết nối với thiên nhiên, gặp gỡ được nhiều người bạn mới.
“Hãy ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của tuổi trẻ bằng việc khám phá thiên nhiên kì vĩ và đặc biệt là chinh phục những ngọn núi. Không chỉ là cung trekking Tả Liên Sơn mà khi bạn chinh phục được đến đỉnh của một ngọn núi cảm giác lúc này như mang tâm thế của người chiến thắng chính bản thân mình”.