Sau một giấc ngủ bù dài cho buổi sáng sớm đi săn mây ở Cầu Đất, thức dậy thấy thời tiết đẹp quá, tôi liền rủ Sơn - cậu bạn trong đoàn đi cùng. Không ngần ngừ, Sơn nói nên đi sớm để có thời gian đi chơi, có nắng còn chụp hình và về sớm vì trời miền rừng sập tối khá nhanh.
Gần trưa, Sơn thuê chiếc xe máy đủ chắc chắn, mũ áo nai nịt gọn ghẽ, đi ăn trưa rồi lên đường. Ra khỏi trung tâm Đà Lạt, hết đường Xô Viết Nghệ Tĩnh rẽ vào đường Ankroet, một Đà Lạt khác hiện ra chuẩn là Đà Lạt. Nắng và gió tràn trề, nắng rọi xuống những vạt rừng thông xanh đen ngút ngàn đều tăm tắp hai bên đường làm những tán lá thông ánh lên những vạt ánh sáng trông như lân tinh, huyền hoặc. Tôi ngồi sau thi thoảng lại giơ điện thoại lên chụp những đoạn đường sạch bong tràn trề nắng và gió, những rặng cậy chạm nhau khiến lúc đi chúng tôi cảm thấy lạnh hơn bình thường. Cung đường này ít hoa dã quỳ hơn đoạn từ sân bay về nội thành, nhưng bù lại càng đi càng thấy như mình đang lạc vào vệt đường rừng đẹp nhất Việt Nam.
Xe băng qua lối chỉ vào Thung lũng vàng, đi qua Ma rừng Lữ quán, qua đập tràn Ankroet, qua nơi có cây thông cô đơn trứ danh của Đà Lạt và đồi cỏ hồng, băng ngang qua hồ Đankia rồi hồ Suối vàng. Điều thú vị là nếu hồ Đankia nước đậm một mầu vàng nhạt đất bazan đặc trưng xứ Cao nguyên thì sang hồ Suối vàng, nước lại mang màu trắng bạc. Những cơn gió vi vút thổi trên những tán thông luênh loang nắng tạo nên thanh âm như những bản vĩ cầm dàn bất tận của Thiên nhiên kỳ diệu. Đi qua vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, “mái nhà của Tây nguyên” với hai đỉnh núi: Bidoup cao 2.287 m và Núi Bà cao 2.167 m.
Cảnh đẹp quá làm chúng tôi đi lạc mất một quãng xa, đến khi thấy mất sóng điện thoại mới chột dạ căn lối quay lại. Ra tới nơi có lại Internet, chạy một hồi thì tới Làng Cù lần. Nơi này sau khi có vụ mấy du khách người Hàn Quốc tử nạn đang tạm thời bị đóng cửa. Chúng tôi dừng lại chụp vài tấm hình từ cổng làng rồi xem lại Google map, thấy chỉ hướng đến Tuyệt tình cốc còn 6,5 km nữa.
Hóa ra lối rẽ vào Tuyệt tình cốc, chúng tôi đã đi qua đi lại hai lần, nhưng vì đó là lối vào rừng nên không để ý, bắt đầu bằng con đường đất bụi mù. Có đoạn đường nhão nhoẹt, không biết vì lý do gì, nhưng đi qua đó thì chúng tôi biết chắc nếu vào ngày mưa, xe máy thế này thì không thể vượt qua được.
Càng đi, rừng càng âm u, những nhà kính trồng rau trồng hoa gần như biến mất. Những thung lũng hẹp phía dưới ngọn đồi xanh thẫm, chằng chịt dây leo. Cuối cùng, Google map chỉ chúng tôi vào một con đường nhỏ. Gọi là đường vì không có cây mọc ở đó và có màu bàng bạc do có phương tiện đi lại thôi chứ đó là đường lên núi với lổn nhổn đá hộc xen những ụ đất nhỏ, đôi khi là rãnh sâu lút khoảng 1/3 bánh xe, chắc do nước mưa chảy từ phía trên xuống tạo thành. Nơi nào bằng phẳng hơn thì lối đi lại loằn ngoằn toàn rễ thông to mọc trồi lên trông như đàn rắn đang lúc nhúc dưới đầm lầy. Rất khó đi.
Nhưng phong cảnh thì đẹp quá. Nơi nào càng vắng vẻ thì nơi đó càng mang một vẻ đẹp hoang vu, tiềm ẩn rất quyến rũ. Nắng phủ tràn trên triền núi, trên những thân thông thẳng tắp vững chãi in xuống mặt đất tạo thành những bức tranh lập thể tươi mầu hoang dã. Thi thoảng có những cánh bướm và tiếng chim vút lên trong vắt giữa không gian cô tịch rất rừng già.
Vẫn là tiếng xe gầm gừ, giống kiểu gắng sức của người vượt con dốc khó. Đi thêm một đoạn, hai anh em dừng lại vạt rừng thông, tu ừng ực hết chai nước đầy, đứng thở dốc xong lại lên xe lần lần đi tiếp. Đến đúng chỗ Google map chỉ: “Bạn đã tới nơi” mà vẫn không thấy gì. Sơn nhìn quanh và chỉ vào lối đi bên trái, nơi có thắt mấy chiếc nơ, nói đi vào đó xem sao anh. Đi vào, lại thấy xuống dốc, áng chừng không phải. Trong đầu chúng tôi, Tuyệt tình cốc phải là chỗ có suối thác rì rào. Nhưng dù rừng chiều im ắng đến vậy, cũng chỉ có tiếng chim đâu đây vẳng lại.
Hai anh em lơ ngơ lẫn bất lực, vội mỗi người mỗi chiếc điện thoại, bốc lên “gọi cho người thân”. Sơn gọi xong đăm chiêu, nói bạn em bảo lối vào sát kề Tuyệt tình cốc gần một căn nhà gỗ. Giờ đi ra tìm căn nhà gỗ xem nó chỗ nào để định vị lại.
Đang đi ra, bất chợt thấy một chiếc xe bán tải lao từ trong rừng ra như một ông Bụt. Tôi vội vàng nhảy xuống hỏi đường. Người đàn ông cầm lái nói đi tiếp khoảng 5 - 60 m, lối phía trên cao hơn là tới. Đường vào vòng qua một ngọn đồi thấp, vẫn gồ ghề, xóc nảy quá, tôi lại tiếp tục xuống đi bộ, để Sơn lái xe một mình chạy lên trước. Trong lúc tôi đang thở phì phò, áo đẫm mồ hôi xiêu vẹo đi vào thì chợt nghe tiếng Sơn hét toáng lên: Đến nơi rồi anh ơi! Đẹp quá! Tiếng Sơn vọng vào vách đá, vào rừng chiều nắng quái lặp lại vẳng lên vẻ liêu trai, siêu thực.
Một hồ nước trong vắt màu ngọc bích nằm giữa rừng già, vây bọc phía trên là vách núi đá vôi dựng đứng, từng khối đá xếp lớp đều đặn phủ màu thời gian soi bóng xuống lòng hồ. Nhìn màu nước làm tôi liên tưởng đến sắc xanh của Thánh hồ Dương Thác Ung Trác ở Tây Tạng. Nắng chiều, mây trời, rừng già, vách núi và hồ nước tạo nên một khung cảnh tuyệt mỹ với vẻ đẹp siêu thực, trông rất giống cảnh trong các phim cổ trang. Đứng vơ vẩn ngắm nhìn cảnh đẹp đến nhường này, tôi chợt nghĩ: Dương Quá sống cùng Tiểu Long nữ trong khung trời này, giữa gió thổi mây bay trời cao đất rộng, say đắm yêu thương hồng nhan tri kỷ, cách xa Trần gian tục lụy, thực chẳng còn Thiên đường hạnh phúc nào bằng.
Nhìn những chiếc cầu ghép bằng thân cây vươn ra mặt hồ hay chiếc xích-đu ghép bằng những cành cây khô phía trên, cùng với thông tin về đội xe jeep chở khách mà bạn tôi kể, chúng tôi hiểu nơi đây đã từng là một điểm du lịch kiểu mạo hiểm. Nhưng giờ những cây cầu, xích-đu này đã trở thành “di sản” với một nơi hoang vu gần như tuyệt đối.
Chúng tôi vừa chụp hình vừa xuýt xoa với cảnh đẹp. Bắt đầu là chiếc cầu phía trái lối vào vươn ra phiến đá lớn, nơi có một thân cây cô đơn đứng giữa mặt hồ rồi tiến ra chiếc cầu giữa hồ và cuối cùng là tảng đá chênh vênh bên phải hồ với những vạt nắng chiều đầy ma mị như mẹ thiên nhiên vắt một tấm tơ vàng óng chưa dệt hết ngang qua nơi đây.
Đối diện thân cây mọc giữa mặt hồ nhìn lên là một khối đá to dày nhưng mặt ngoài khá bằng phẳng. Nhìn vào tôi nghĩ giá như có một Trung Thần thông võ công cái thế nào đó dùng ngón tay viết cho ba chữ Nho “Tuyệt tình cốc” vào đây thì tuyệt vời nhường nào. Lang thang ngắm nghía hồi lâu, hai anh em thấy vẫn chưa đã, chưa nỡ rời đi nên Sơn bảo tôi trèo lên phía trên nhìn xuống xem thế nào, biết đâu lại trông thấy một cái gì bất ngờ nữa.
Từ trên nhìn xuống, Tuyệt tình cốc trông càng siêu thực với vách núi đá vôi cheo leo, những thân cây mọc chênh vênh phía trên làm tôi liên tưởng chúng có thể đổ rầm bất cứ lúc nào nếu có mưa rừng lũ lớn tràn đến. Nửa trên ánh nắng chiếu chéo qua chia cảnh vật thành nửa chói, nửa dưới hơi nước mặt hồ rừng chiều đã dần tỏa mờ mờ chia bức tranh thủy mặc thành nửa còn lại màu trầm. Chúng tôi cứ đứng lắng ngắm nghía cảnh vật như cố thu hết vào tầm mắt, cố dùng mắt ghi lại từng khuôn hình.
Khi hai anh em leo xuống, trời đã ngả chiều muộn, nắng chỉ còn le lói. Mới đó mà đã lang thang ở đây hơn một tiếng đồng hồ, nhưng phải về nếu không muốn băng qua rừng già lúc tối trời đen kịt.
Lại là đoạn đường về gồ ghề xóc nảy khó khăn, nhưng ai cũng thấy thỏa mãn. Đất nước mình chỗ nào cũng đẹp, nhưng có những cảnh đẹp độc đáo đến siêu thực, lạ lẫm mà kỳ vĩ chỉ dành cho những ai yêu thiên nhiên thiết tha, dám đi và dám đến để có những phút giây sảng khoái, sướng vui giữa lồng lộng gió trời.