5 ngôi chùa nổi tiếng cổ kính tại Việt Nam

03/04/2023

Tại Việt Nam, không ít ngôi chùa đã được xây dựng cách đây hơn cả thiên niên kỷ nổi tiếng linh thiêng, vẫn giữ được nét nguyên sơ cổ kính dù thời gian trôi qua. Hãy cùng Travellive ngắm nhìn lại 5 ngôi chùa lâu đời tại Việt Nam trong bài viết này

Chùa Dâu

Chùa Dâu còn có tên là Diên Ứng (延應寺), Pháp Vân (法雲寺) hay Cổ Châu nằm ở phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa được khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226. Ngôi chùa lâu đời nhất này gắn liền với lịch sử văn hóa, Phật giáo Việt Nam, được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử ngày 28 tháng 4 năm 1962.

Ngôi chùa lâu đời nhất này gắn liền với lịch sử văn hóa, Phật giáo Việt Nam.

Ngôi chùa lâu đời nhất này gắn liền với lịch sử văn hóa, Phật giáo Việt Nam.

Chùa Dâu gắn liền với sự tích Phật Mẫu Man Nương thờ tại chùa Tổ ở làng Mèn, Mãn Xá. Chùa được xây dựng lại vào năm 1313, được trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ tiếp theo. Vua Trần Anh Tông đã sai trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi về kiến thiết lại chùa Dâu thành chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp. Hiện nay, ở tòa thượng điện, chỉ còn sót lại vài mảng chạm khắc thời nhà Trần và thời nhà Lê.

Nổi bật nhất trong các công trình của chùa là tòa tháp Hòa Phong. Theo thư tịch cổ, vào thời Trần, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cho trùng tu chùa Dâu, xây tháp cao 9 tầng. Kiến trúc của tòa tháp hiện còn lại của thời Lê Trung Hưng. Tháp được xây bằng gạch nung già, với ba tầng, cao 15 m.

Chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc (chùa Khai Quốc) là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Ngôi chùa này được xây dựng dưới thời vua Lý Nam Đế (544 - 548), tọa lạc trên một đảo nhỏ nằm ở phía Đông Bắc hồ Tây, Hà Nội. Đây từng là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý - Trần. Chùa Trấn Quốc nổi tiếng linh thiêng nên thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử, khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.

Tổng thể ngôi chùa là một quần thể gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính nối thành chữ Công, bao gồm: tiền đường, nhà thiêu công và thượng điện. Trên cửa chùa vẫn còn hiện lên bút tích ba chữ Phương Tiện môn. Cả hai câu đối được viết bằng chữ Nôm đẹp mắt: "Vang tai xe ngựa qua đường tục/ Mở mặt non sông đứng cửa thiền".

Chùa Trấn Quốc nằm ngay tại trung tâm Hà Nội nên được rất nhiều du khách trong nước và quốc tế ghé thăm.

Chùa Trấn Quốc nằm ngay tại trung tâm Hà Nội nên được rất nhiều du khách trong nước và quốc tế ghé thăm.

Chùa Trấn Quốc có kiến trúc như một bông sen đang nở rộ, làm người ta liên tưởng đến đài sen của Phật tổ. Ở khoảng sân lớn trước mặt tiền, một lư hương lớn được đặt giữa để du khách và Phật tử đến dâng hương. Ngoài kiến trúc ban đầu thì năm 2003, chùa đã tổ chức khánh thành thêm Bảo tháp Lục độ đài sen cao 15 m, có 11 tầng, mỗi tầng có 6 bức tượng đức Phật A Di Đà trắng bằng đá quý trang nhã, phía trên đỉnh còn có một tháp sen cũng được tạc bằng đá.

Thả mình vào bức tranh trầm mặc tĩnh lặng của chùa Trấn Quốc, khách du lịch còn có cơ hội khám phá nghệ thuật kiến trúc trên các nét chạm trổ. Nhiều phần của mái ngói lợp chùa đã bị rêu phong phủ kín, nhưng không vì thế mà Trấn Quốc mất đi vẻ đẹp hài hòa của mình. Chính điều đó càng làm tăng thêm nét hấp dẫn nhuốm màu thời gian của ngôi chùa linh thiêng ngàn năm.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Chùa Tây Phương

Một số sách báo viết về chùa Tây Phương cho rằng được xây dựng vào thời nhà Mạc, nhưng không chứng minh được. Chùa Tây Phương có tên chữ là “Sùng Phúc Tự 崇福寺", tên gọi khác là Tây Phương Cổ Tự. Ngôi chùa cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km, tọa lạc tại đỉnh đồi Câu Lâu, thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Ngôi chùa nằm an yên, tĩnh lặng giữa cảnh sắc thiên nhiên bao la, hùng vĩ. Khi tới thăm chùa, du khách sẽ cảm nhận được nét cổ kính với những vết tích thời gian xưa cũ. (Ảnh: Vnexpress)

Ngôi chùa nằm an yên, tĩnh lặng giữa cảnh sắc thiên nhiên bao la, hùng vĩ. Khi tới thăm chùa, du khách sẽ cảm nhận được nét cổ kính với những vết tích thời gian xưa cũ. (Ảnh: Vnexpress)

Năm 1632, dưới đời vua Lê Thần Tông, chùa xây dựng thượng điện 3 gian, hậu cung cùng hành lang 20 gian. Khoảng năm 1657 - 1682, Tây Đô Vương Trịnh Lạc cho phá đi chùa cũ, xây lại chùa mới và tam quan. Năm 1794, dưới thời nhà Tây Sơn, chùa được trùng tu hoàn toàn, có tên gọi mới là “Tây Phương Cổ Tự”. Hình dáng bên ngoài cũng như kiến trúc của chùa được giữ lại hoàn toàn như ngày nay.

Một trong những điều thu hút du khách khi tới chùa Tây Phương là nhiều bức tượng pháp - những kiệt tác hiếm có trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo. Nếu để ý, bạn sẽ thấy bất kỳ nơi nào cũng có những bức tượng chạm trổ hoa văn, hoa cúc, rồng phượng, hổ phù tinh xảo. Những bức chạm trổ này đều được làm dưới bàn tay của nghệ nhân tài hoa ở làng Chàng Sơn - làng nghề mộc nổi tiếng.

Chùa Hương

Chùa Hương có lịch sử từ thế kỷ 15. Ngôi chùa được xây dựng với quy mô chính vào khoảng cuối thế kỷ 17, sau đó bị hủy hoại trong chiến tranh Đông Dương năm 1947, rồi được phục dựng lại từ năm 1989 bởi Hòa thượng Thích Viên Thành, dưới sự chỉ dạy của cố Hoà thượng Thích Thanh Chân.

Rất nhiều du khách đến thắp hương, vãn cảnh chùa vào những dịp đầu xuân.

Rất nhiều du khách đến thắp hương, vãn cảnh chùa vào những dịp đầu xuân.

Trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích.

Chùa Hương nổi tiếng linh thiêng.

Chùa Hương nổi tiếng linh thiêng.

Người ta tin rằng đầu năm lên được động Hương tích thắp nén nhang thành tâm cầu khấn chắc chắn mọi ước nguyện của mình đều trở thành hiện thực. Tiếng lành đồn xa chẳng thế mà mỗi năm chùa Hương đón hàng triệu Phật tử về đây chiêm bái, du xuân thưởng ngoạn phong cảnh. Chùa Hương trở thành một hành trình về với cõi Phật của phật tử và du khách bốn phương, là niềm cảm hứng sáng tác của nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng.

Chùa Thầy

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km, chùa Thầy tọa lạc dưới chân núi Sài Sơn (núi Thầy, núi Phật Tích) thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ. Trong không gian của núi, đồi hùng vĩ, chùa Thầy lại mang vẻ thanh bình, tĩnh mịch.

Chùa Thầy mùa hoa gạo nở.

Chùa Thầy mùa hoa gạo nở.

Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ (Hương Hải am) - nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự). Đầu thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu, xây dựng điện Phật,điện Thánh; sau đó là nhà hậu, nhà bia, gác chuông.

Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái hình ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, có hồ rộng mang tên Long Chiểu (Long Trì) nằm trước chùa, giữa Sài Sơn và Long Đẩu. Sân chùa như hàm rồng, thủy đình như viên ngọc rồng ngậm. Cây cầu Nguyệt Tiên Kiều và Nhật Tiên Kiều như hai chiếc râu rồng.

Ngôi chùa cổ, mái ngói cong được xây dựng khá khang trang với lối kiến trúc độc đáo kiểu chữ Tam gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng song song với nhau. Chùa được bao quanh bởi hồ nước trong xanh có hoa khoe sắc nở, có thủy đình, nơi múa rối nước và hai chiếc cầu nhỏ là Nhất tiên kiều trông vào đền Tam phủ, còn Nguyệt tiên kiều nối với đường lên núi.

Chùa Thầy cùng với vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên và những giá trị văn hóa lịch sử thật sự khiến đây trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Trên khung cảnh núi non hùng vĩ của Sài Sơn, chùa Thầy hiện ra trong sự yên tĩnh, dưới những làn sương mờ mờ ảo ảo hay trong những dòng người tấp nập đi lễ chùa. Ngôi chùa này gắn liền với vị thiền sư Từ Đạo Hạnh, người có công lớn trong việc dạy học, chữa bệnh cho dân và sáng lập ra bộ môn múa rối nước.

Bi Lê - Nguồn: Tổng hợp
RELATED ARTICLES