Không cần phải cao lương mỹ vị, nhà hàng sang trọng, những quán ăn nép mình bên ngõ nhỏ giữa lòng thành phố cũng để lại những ấn tượng về nét riêng trong ẩm thực Sài Gòn. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu tới những độc giả Travellive Magazine 3 quán hủ tiếu, cơm tấm và bún bò ngon tại quận Bình Thạnh, TPHCM.
Hủ tiếu, món ăn "xóa nhòa" khoảng cách giàu - nghèo
Hủ tiếu được biết đến là một món ăn bình dân của người dân Sài Gòn. Hủ tiếu có mặt ở khắp mọi nơi, từ trên những trục đường lớn cho tới những xe đẩy nép mình trong một con hẻm nhỏ. Những quán hủ tiếu thường mở bán vào ban đêm, là nơi lui tới của biết bao nhiêu người: từ những cô chú lao công chân lấm tay bùn tới những người ăn mặc sành điệu với hàng tá đồ hiệu lấp lánh trên người.
Ở đây, người ta có thể bắt gặp nhiều kiểu người khác nhau, và cũng tại đây, người ta thấy được rõ sự không phân biệt giàu nghèo, không so bì hay phán xét.
Có một quán hủ tiếu đêm như thế cách nhà tôi chừng khoảng 10 phút đi bộ. Nói là quán nhưng đây chỉ là một xe đẩy e dè nằm gọn gàng trong con hẻm 220 Xô Viết Nghệ Tĩnh, không có biển tên. Người ta chỉ biết vào mỗi chiều tối, vào độ khoảng 5 giờ, một người mẹ với con trai và con dâu của mình sẽ bắt đầu dọn dẹp xung quanh, bày biện bàn ghế, chuẩn bị nhóm lò rồi bắt đầu đón khách. Quán thường sẽ "đóng cửa" lúc 10 giờ tối, vì đó thường là giờ họ bán hết sạch đồ ăn.
Tôi thường gọi một tô hủ tiếu khô loại thường có giá 20 ngàn đồng. Hủ tiếu khô luôn có một bát nước lèo đi kèm bên cạnh. Hủ tiếu ở đây được trần sơ ở một độ vừa phải, nên giữ được độ dai giòn chứ không bị mềm nẫu. Tôi hay chan vào thêm vài muỗng nước lèo để cân bằng lại độ ẩm của hủ tiếu, cho thêm nước tương và không quên vắt thêm chanh để dậy mùi thơm. Sa tế ở đây rất ngon, nhưng chỉ nên thêm vào một ít ăn cho đúng điệu, nếu không sẽ cay xè lưỡi.
Tô hủ tiếu 20 ngàn sẽ "điểm danh" những loại topping như: thịt thăn heo thái mỏng, bò viên, giá đỗ và hẹ. Hầu như lúc nào ăn ở đây, tôi cũng đều xin thêm một bát nước lèo. Húp xì xụp một bát nước lèo có đột ngọt và đậm đà tự nhiên được hầm từ xương cùng củ cải, và yên tâm không sặc mùi mì chính nếu bạn đang lo ngại. Bạn có thể tự phục vụ trà đá miễn phí ngay bên cạnh xe bán hủ tiếu.
"Vedette" trong làng ẩm thực Sài Gòn gọi tên Cơm Tấm
Bên cạnh hủ tiếu, cơm tấm cũng là một món ăn phổ biến, hiện diện hầu hết khắp mọi nơi trên khắp nẻo đường Sài Gòn. Nhắc đến ẩm thực Sài Gòn, người ta sẽ nghỉ ngay đến cơm tấm. Vì đó là món ăn mà mọi người có thể ăn vào mọi thời điểm trong ngày: từ sáng đến trưa, từ trưa tới chiều, hết chiều đến tối. Bạn có thể sà vào một quán bất kỳ nào ven đường để ăn cơm tấm, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Có một điều rất lạ, là hầu như quán nào cũng sẽ ngon, hoặc không quá chênh lệch về chất lượng.
Chỉ cách quán hủ tiếu nói trên tầm hai phút đi bộ, quán 'Cơm tấm đêm 10' nằm trong hẻm 294 Xô Viết Nghệ Tĩnh là nơi được nhiều người ghé tới. Giới trẻ sành ăn chắc không lạ lẫm gì quán cơm này, bởi chất lượng của một quán cơm bình dân vượt ngoài mong đợi. Nhiều khi đi làm về khuya đói lả, ngó tới ngó lui chỉ thấy quán cơm tấm này mở bán, là lòng lại rộn ràng liền. Tấp xe vào lề, gọi ngay một đĩa cơm tấm sườn chả rồi một bát canh chua là ấm bụng ngay.
Đây là quán ăn có sự bố trí bài bản, từ cách phục vụ cho tới đồ dùng dụng cụ ăn uống. Cơm tấm ở Sài Gòn sẽ được ăn trên đĩa, với thìa và dĩa. Cơm tấm cùng các loại topping đi kèm thường sẽ được cho trực tiếp lên cùng một đĩa. Nhưng ở đây, dưa chuột/đồ chua, tóp mỡ sẽ được đựng riêng ra một bát con. Canh nóng sẽ được cho vào bát ăn bằng inox, rất sạch sẽ từ khâu nấu chế biến cho đến lúc ăn. Chỉ nói về không gian và phục vụ thôi thì chưa ăn cũng sẽ cảm thấy hài lòng.
Quán ăn có nhiều sự lựa chọn về các topping ăn kèm, như sườn nướng, thịt kho hột vịt, thịt kho tiêu, chả trứng, trứng rán, ốp la, cá kho,... Hầu hết các món kho sẽ luôn được để trong nồi, bật chế độ đun sôi nhẹ để đảm bảo luôn nóng hổi. Món trứng cũng sẽ được làm khi có yêu cầu, chứ không chiên rán sẵn như nhiều nơi khác. Cơm tấm được sàng lọc kĩ càng, nấu đến độ mềm và luôn đảm bảo nóng hổi. Các loại đồ ăn như sườn cũng được tẩm ướp và nướng đủ độ, không bị quá cháy, có độ mềm chứ không bị dai khi ăn. Một phần cơm tấm sườn chả có giá 50 ngàn đồng.
Bún bò, đậm đà trọn vị ẩm thực Sài Thành
Nếu là một "đạo bún bò" thì thực sự bạn không nên bỏ qua quán bún bò nằm ngay sát bên cổng chợ Thị Nghè trên đường Phan Văn Hân. Tôi hay gọi đây là quán "Bún bò 3 cô", vì ở đây có 3 chị em làm cùng nhau: một người nhận order từ khách hàng, một người chế biến tại quầy, người còn lại bê bát bún cho khách. Khách hàng không quá đông, nhưng lúc nào thấy 3 cô cũng rất rôm rả, chạy tới chạy lui liên tục, thi thoảng lời qua tiếng lại vì gọi nhầm món cho khách trông rất dễ thương.
Nhận xét về đồ ăn của quán, thì tôi chỉ sử dụng một từ - chất lượng. Tôi thường gọi một tô nạm giò, sẽ có những topping như: chân giò, bò nạm, chả cua hoặc chả thường. Một bát như vậy có giá 65 ngàn đồng, khá nhỉnh hơn so với những chỗ khác nhưng phải nói là nó xứng đáng với chất lượng của một tô bún bò đậm đà tròn vị trong từng loại topping.
Thịt chân giò miếng to, được luộc kỹ nên rất mềm, càng nhai càng thấy ngọt thơm béo bùi. Thịt bò nạm cũng được ninh kỹ, thái miếng dày nhưng lại không bị dai. Nước dùng có được nêm nếm mặn ngọt vừa phải, hài hòa và rất vừa miệng. Bún bò ăn kèm với thân rau muống chẻ nhỏ, giá đỗ, hoa chuối và rau thơm. Sa tế ở đây là điểm nhấn bởi mùi thơm đặc trưng của sự kết hợp sả băm và ớt nhuyễn được chưng lên, tạo nên ấn tượng khó phai khi kết hợp trong tô bún bò.
Quán thường mở vào tầm 6 giờ chiều tới khi nào bán hết, nhưng thường sẽ sớm vì khá nhiều người đến ăn hoặc mua mang về. Một bí kíp để ăn bún bò ngon chính là đến sớm, vì lúc đó nước lèo sẽ có vị nguyên bản nhất, không bị mặn.