Một cuộc khảo sát của Pew Research với 915 nhà lãnh đạo chính sách, nhà nghiên cứu khoa học và các chuyên gia đã dự đoán rằng, cuộc sống hàng ngày của chúng ta có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các thuật toán và sẽ bắt đầu sử dụng các công cụ điều khiển mọi thứ từ xa vào năm 2025.
“Tất cả mọi người đều rất mong đợi những công nghệ mới được áp dụng trong ngành du lịch, bởi đây là điều khiến họ cảm thấy tự tin hơn trong mỗi chuyến du lịch của mình ở thời điểm hiện tại", Steve Shur - Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ Du lịch cho biết, "Tuy nhiên, một số thay đổi sẽ tiếp tục được tồn tại trong tương lai, ngay cả khi đại dịch chấm dứt".
Dưới đây là 5 sáng kiến công nghệ xuất hiện trong thời đại dịch đã tạo ra những thay đổi lớn trong ngành du lịch toàn cầu, theo National Geography.
1. Thực tế ảo và thực tế tăng cường
Khi đại dịch làm ngưng trệ các hoạt động du lịch ở nhiều nơi trên thế giới, các bảo tàng và địa điểm du lịch đã chuyển sang sử dụng thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR) và thực tế ảo (Virtual Reality - VR) để mở các cuộc triển lãm cũng như tạo ra những chuyến tham quan bằng trải nghiệm trực tuyến.
Có thể kể đến một số ứng dụng cung cấp trải nghiệm này như Xplore Petra, được ra mắt vào tháng 6/2020, cho phép người dùng “tham quan” địa điểm khảo cổ mang tính biểu tượng của Jordan bằng cách chiếu lại toàn bộ khu di tích thành một phiên bản thu nhỏ qua một chiếc màn hình. Hay Lights over Lapland - một công ty du lịch ở Bắc Cực, đã tung ra trải nghiệm thực tế ảo để người sử dụng được tận mắt chiêm ngưỡng ánh sáng phương Bắc bằng cách sử dụng màn hình máy tính và tai nghe VR.
Thực tế ảo và thực tế tăng cường có thể nâng cao các chuyến đi bằng cách tăng thêm các trải nghiệm, như mô phỏng việc leo lên ngọn núi Matterhorn từ Bảo tàng Giao thông Thụy Sĩ ở Lucerne, hoặc đắm mình giữa "Khu vườn của những thú vui trần gian" trong một bức tranh 500 tuổi của Hieronymus Bosch tại Bảo tàng Hunt ở Limerick, Ireland.
Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris cũng có một cuộc triển lãm AR, tạo ra một "cuộc gặp gỡ" ở dạng kỹ thuật số giữa du khách và những loài động vật đã tuyệt chủng. Bảo tàng Quốc gia Singapore có một tác phẩm sắp đặt mang tên “Câu chuyện của khu rừng”, nơi khách tham quan được khám phá cảnh quan ảo trong gần 70 bức vẽ thiên nhiên từ bộ sưu tập của bảo tàng.
Và còn rất nhiều những bảo tàng và điểm đến khác trên thế giới đã áp dụng thực tế ảo nhằm "sống sót" qua giai đoạn khó khăn mà đại dịch đem đến. Đương nhiên, thực tế ảo và thực tế tăng cường sẽ không thể thay thế được du lịch, mà công nghệ này sẽ góp phần khiến các trải nghiệm du lịch trở nên tuyệt vời và hữu ích hơn so với những chuyến đi thông thường ở quá khứ.
2. Kiểm soát đám đông
Để hỗ trở kiểm soát việc thực hiện giãn cách xã hội, nhiều sân bay và bảo tàng đã thử nghiệm hoặc triển khai công nghệ kiểm soát đám đông, bao gồm việc sử dụng robot tại các nơi công cộng.
Singapore đã thiết lập các con robot giám sát tại các cổng sân bay, chúng sẽ xác định mức độ đông đúc của những người qua lại tại cổng sân bay và kêu lên báo động mỗi khi có người di chuyển quá gần nhau. Khi lượng lớn khách du lịch đến các điểm đến nổi tiếng, các phương pháp và thiết bị tương tự cũng có thể được thực hiện để ngăn chặn tình trạng du lịch ồ ạt, gây ảnh hưởng tới địa phương.
Tại Venice (Ý), hành trình của du khách được theo dõi bằng cách sử dụng máy ảnh được thiết kế dành riêng cho việc giám sát, và khi đại dịch kết thúc, thành phố cũng có kế hoạch khai thác loại máy ảnh này để quản lý lượng khách du lịch và kịp thời đưa ra các biện pháp nếu thành phố quá đông du khách.
Amsterdam (Hà Lan), nơi cũng đang phải vật lộn với nạn du lịch ồ ạt, đã theo dõi du khách thông qua Thẻ Thành phố Amsterdam - một loại thẻ trả phí cố định khi đến các viện bảo tàng và sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong thành phố.
3. Làm sạch bằng UV-C
Trong hơn 20 năm qua, việc khử trùng và tiêu diệt virus bằng công nghệ làm sạch UV-C chỉ được sử dụng tại các bệnh viện. Giờ đây, các không gian công cộng trong nhà như sân bay, phòng tập thể dục và rạp chiếu phim cũng đã sử dụng UV-C để ngăn chặn sự lây lan của virus.
UV-C có đặc tính diệt khuẩn chống lại Covid-19 và các chất độc hại khác cả trong không khí lẫn trên bề mặt đồ vật. Tùy thuộc vào vị trí lắp đặt, UV-C sẽ được kết nối với hệ thống HVAC (hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hoà không khí) trên tay vịn thang cuốn, hoặc bên trong robot được trang bị tia sáng để khử trùng khi chúng di chuyển tại sân bay và trên máy bay.
Nếu được lắp đặt và vận hành đúng cách, hệ thống UV-C có thể tiêu diệt tất cả các loại vi khuẩn và vi trùng, ngay cả virus cúm mùa cũng có thể bị tiêu diệt trước khi chúng lây lan ra nhiều nơi khác nhau.
4. Mã QR tại nhà hàng
Trong đại dịch, nhiều nhà hàng, quán ăn và hộp đêm đã cung cấp mã QR cho khách hàng để họ có thể tiếp cận với thực đơn, đặt món, cũng như thanh toán hóa đơn của mình mà không cần phải cầm, nắm hay trao đổi trực tiếp bằng tay. Điều này được cho là vô cùng tiện lợi và có thể sẽ tồn tại được lâu dài, đặc biệt là trong tình trạng ngày càng thiếu nhân lực vào cuối đại dịch tại các cơ sở cung cấp dịch vụ tương tự.
Tuy nhiên, sự tiện lợi như vậy có thể đồng nghĩa với việc đánh đổi quyền riêng tư, vì những mã QR cũng có khả năng thu thập một lượng lớn thông tin từ người dùng. Mặc dù một số mã QR chỉ nhận thông tin về yêu cầu phục vụ món ăn, nhưng nhiều mã khác lại khai thác dữ liệu như lịch sử ăn uống, tuổi và giới tính của khách hàng quen, để nhà hàng có thể sử dụng thông tin đó để gửi cho khách của mình phiếu giảm giá hoặc lời mời tham gia sự kiện, thậm chí là bán thông tin cho bên thứ ba. Trường hợp tệ hơn, có kẻ sẽ lợi dụng mã QR để tấn công, xâm phạm thẻ tín dụng của khách hàng.
Để tránh những sự việc này, Jay Stanley - nhà phân tích chính sách cấp cao tại ACLU cho biết, cách tốt nhất là hãy sử dụng điện thoại của bạn để xem thực đơn trong nhà hàng trên Internet hoặc cài đặt một ứng dụng bảo vệ như Kaspersky QR Scanner, ứng dụng này sẽ đưa ra cảnh báo cho người dùng nếu mã QR họ quét không an toàn.
5. Công cụ theo dõi, liên lạc
Trước đây, để xác định và theo dõi những người có khả năng bị phơi nhiễm với các bệnh truyền nhiễm như Zika và HIV, các nhóm y tế công cộng đã sử dụng các phương pháp truyền thống như gọi điện thoại hỏi về các thông tin cá nhân liên quan đến lịch sử tiếp xúc của người đó, đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn, sàng lọc và điều trị cho bệnh nhân.
Giờ đây, đại dịch thúc đẩy việc triển khai công nghệ mới hoặc công nghệ tiên tiến hơn để theo dõi tình trạng lây lan của virus và cung cấp thêm thông tin về lịch sử dịch tễ. Apple và Google cũng đã thêm các ứng dụng có chức năng theo dõi, liên lạc vào App Store và CH Play, những ứng dùng này sẽ cảnh báo đến người dùng nếu họ tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh.
Một số công nghệ tương tự cũng được ra mắt trong thời gian vừa qua, chẳng hạn như văn bản tự động, bản đồ nhiệt hay thậm chí là camera quan sát với tính năng nhận dạng khuôn mặt, tất cả đều có thể giúp theo dõi các bệnh truyền nhiễm không chỉ riêng Covid-19.
Nếu như bạn đi du lịch hay phải đến bất cứ đâu trong thời đại dịch, đây là cách vô cùng an toàn để có thể bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào điện thoại thông minh và gần như không thể rời khỏi chúng ngay cả trong chuyến nghỉ dưỡng.