7 truyền thống Halloween kỳ thú ở các nước trên thế giới

25/10/2020

Một số nước đã tích hợp các phong tục cũ vào lễ hội hiện đại. Những nước khác lại chơi Halloween theo kiểu Mỹ. Tuy nhiên, dù kỷ niệm Halloween theo phong cách nào, thì ngày 31/10 hàng năm luôn là một dịp tiệc tùng vui vẻ cho tất cả mọi người.

Halloween có nguồn gốc từ một lễ hội Samhain của người Celt, theo truyền thống được tổ chức vào thời điểm giữa Thu phân và Đông chí để ăn mừng mùa gặt. Đây là lúc giao thời, nên có quan niệm rằng các linh hồn sẽ sống lại và đi lang thang trên trái đất. Để xua đuổi chúng, người Celt đốt lửa và mặc trang phục ma quái.

Empty

Vào thế kỷ VII, sau khi Giáo hoàng Gregory III dành ngày 1/11 hàng năm để tôn vinh các vị thánh, truyền thống Samhain đã trở thành lễ hội mừng Ngày của các vị thánh và đêm trước đó được gọi là Đêm giao thừa của các vị thánh (All Hallows’ Eve), sau đó được gọi là Halloween. Tuy nhiên, ngày lễ này đã có nhiều thay đổi sau khi những người nhập cư Ireland đưa nó đến Mỹ vào thế kỷ XIX. Ngày nay, Halloween ở Mỹ là dịp để mọi người hóa trang, phát kẹo cho trẻ nhỏ và trang trí nhà cửa, đường phố theo chủ đề ma quái, điều này đã định nghĩa lại phong cách chơi Halloween ở những nơi khác trên thế giới.

Một số nước, như các quốc gia theo truyền thống của người Celt, đã tích hợp các phong tục cũ vào lễ hội hiện đại. Những nước khác lại chơi Halloween theo kiểu Mỹ. Tuy nhiên, dù kỷ niệm Halloween theo phong cách nào, thì ngày 31/10 hàng năm luôn là một dịp tiệc tùng vui vẻ cho tất cả mọi người.

Ireland

Empty

Ngày nay, Halloween ở Ireland rất giống Halloween ở Mỹ, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn. Trẻ em chạm khắc những chiếc đèn lồng bí ngô, một sự cải tiến của một phong tục khắc củ cải ngày xưa, và đi xin kẹo, mặc quần áo giả ma quỷ và diễn trò như ngâm thơ hoặc hát để đổi lấy quà tặng.Ở các thành phố lớn, các nhà hàng và quán rượu cũng tổ chức các sự kiện theo chủ đề Halloween dành cho người lớn.

Tuy nhiên, một số truyền thống Halloween ngày nay ở Ireland bắt nguồn từ Samhain. Người Ireland bây giờ đốt pháo bông cũng giống như người Celt cổ đốt lửa để xua đuổi tà ma vậy. Họ đốt pháo bông trên đường phố và bắn pháo hoa bế mạc Lễ hội Halloween ở Londonderry, Bắc Ireland. Còn Lễ hội Halloween của những linh hồn xứ Meath, được tổ chức ở Hạt Meath vào tháng 10 và đầu tháng 11, cũng có các sự kiện hóa trang, các cuộc thi chạm khắc bí ngô, các tour tham quan địa điểm bị ma ám, v.v.

Scotland

Empty

Phong tục Halloween của Scotland và Ireland có nhiều điểm giống nhau, nhưng vẫn có những truyền thống riêng biệt. Ở Scotland, một số người chạm khắc củ cải làm lồng đèn, một số người khác thì dùng bí ngô. Bọn trẻ chơi trò cắn táo trong xô nước, hoặc ăn bánh nướng treo trên cây mà không dùng tay. Trang phục Halloween ở Scotland rất đa dạng, nhưng thường có xu hướng kinh dị, theo đúng phong tục hóa trang cũ, theo đó bọn trẻ thường ăn mặc như những linh hồn và đi xung quanh để thu thập các món quà như trái cây hoặc tiền xu.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Một số phong tục Halloween độc đáo của Scotland lại rất lãng mạn như đập hạt dẻ. Đây là truyền thống của các cặp đôi mới đính hôn, họ sẽ ném một hạt dẻ vào đống lửa để xem cuộc hôn nhân của họ sẽ diễn ra như thế nào: Nếu hạt nứt ra một cách lặng lẽ, đó sẽ là một cuộc hôn nhân suôn sẻ, còn nếu hạt nổ lớn, đó sẽ là một cuộc hôn nhân sóng gió. Đối với những người độc thân, còn có trò nhổ rau cải xoăn, theo đó bạn sẽ phải nhổ một cây cải xoăn trong vườn, rễ cải để tiết lộ chiều cao và vóc dáng của người bạn đời tương lai của bạn.

Nhật Bản

Empty

Halloween ở Nhật Bản không có ma quỷ hay kinh dị cũng chẳng phải là dịp để trẻ em đi xin kẹo. Nó thậm chí còn không phải là lễ hội dành cho trẻ em Nhật. Bởi người Nhật đã tưởng nhớ những người đã khuất trong lễ hội Obon vào tháng 7 hoặc tháng 8, ngày 31/10 chỉ là một cái cớ để người lớn xuống phố chơi cosplay.

Halloween bắt đầu được phổ biến ở Nhật Bản kể từ khi Disneyland Tokyo tổ chức sự kiện ma quái đầu tiên vào năm 1997. Các quán bar và câu lạc bộ sau đó bắt đầu tổ chức sự kiện theo chủ đề Halloween và các cuộc diễu hành nhỏ bắt đầu diễn ra trên đường phố. Trong những năm gần đây, ngày lễ đã bùng nổ ở các thành phố như Tokyo, Osaka và Kanagawa. Shibuya Crossing đã trở thành địa điểm để những người thích tiệc tùng tụ tập, mặc dù nó cũng gặp phải một số cạnh tranh ở Harajuku, người ta cho rằng đây là nơi lễ hội Halloween đầu tiên được tổ chức vào những năm 1970. Hàng năm, các công viên giải trí như Disneyland Tokyo và Universal Studios ở Osaka vẫn tiếp tục tổ chức các bữa tiệc Halloween lớn.

Áo

Empty

Người Áo kỷ niệm Seleenwoche, hay Tuần lễ của các linh hồn, từ ngày 30/10 đến ngày 8/11. Một ngày lễ tương đối nghiêm túc, chủ yếu xoay quanh các buổi lễ nhà thờ. Tuy nhiên, có một truyền thống Halloween ở Áo là phong tục để bánh mì, nước và đèn lồng ngoài cửa vào đêm 31/10, khá giống mâm cỗ cúng cô hồn ở Việt Nam. Đêm Halloween được cho là tập trung năng lượng vũ trụ, và các lễ vật đó là dành cho những linh hồn lang thang. Giống như ở nhiều nước phương Tây khác, Halloween cũng là mùa bí ngô ở Áo, mặc dù người ta tập trung vào việc trồng, trưng bày và ăn bí ngô hơn là chạm khắc chúng.

Ý

Empty

Halloween ở Ý pha trộn các truyền thống của người Celt, điều mà người Ý cổ đại đã tận mắt chứng kiến khi Đế chế La Mã chinh phục các quốc gia Celt, và phong cách chơi Halloween của Mỹ. Trẻ em đi gõ cửa từng nhà để xin kẹo, hóa trang và khắc đèn lồng bí ngô, các bữa tiệc Halloween tại các quán bar và nhà hàng cũng dần phổ biến.

Không chỉ có những ngôi nhà ma ám như ở những nơi khác, người Ý còn tổ chức các chuyến tham quan các địa điểm cổ xưa như hầm mộ và lâu đài vào đêm Halloween, đồng thời đổ xô đến các công viên giải trí để tham gia các sự kiện có chủ đề kinh dị. Một số thị trấn đặc biệt coi trọng lễ hội Halloween, họ trang trí nhà cửa, đường phố theo phong cách rùng rợn và tổ chức những sự kiện như đốt pháo bông, xem bài tarot và thi Hoa hậu Phù thủy. Những địa điểm ăn mừng Halloween lớn nhất là Corinaldo ở vùng Marche với Festa della Streghe (Lễ hội Phù thủy); Triora ở vùng Liguria, nơi đã tổ chức các phiên tòa xét xử phù thủy cuối cùng của Ý trong thời kỳ Phục hưng; và Borgo a Mozzano ở vùng Tuscany, với các lễ kỷ niệm chủ yếu diễn ra ở Ponte della Maddalena, còn được gọi là Ponte del Diavolo (Cầu Quỷ).

Philippines

Empty

Ngày 31/10 là thời điểm bắt đầu Ngày Các Thánh của Philippines, dịp để các gia đình sum họp hơn là các bữa tiệc Halloween vui nhộn kiểu Mỹ. Ngày lễ này nhằm tưởng nhớ những người thân đã khuất, các gia đình sẽ thắp đèn lồng và viếng mộ người thân. Nhiều người để lại đồ cúng, và một số thậm chí còn cắm trại ở đó. Ngoài ra, bạn cũng sẽ thấy các cuộc diễu hành, tiệc tùng và các hoạt động Halloween quen thuộc khác ở Manila và các thành phố lớn.

Các thị trấn nhỏ thường tổ chức các sự kiện vui chơi dành cho trẻ em, các cửa hàng sẽ để lại những món quà nhỏ cho bọn trẻ. Dần dần, trò xin kẹo kiểu Mỹ đang thay thế tập tục pangangaluluwa truyền thống, theo đó bọn trẻ thường đi vòng quanh các nhà trong làng và hát những bài ca chào đón các linh hồn để xin bố thí, có thể là tiền hoặc thức ăn, đây là một truyền thống vẫn được duy trì ở các tỉnh nông thôn. Hầu hết trẻ em đều mặc trang phục kinh dị. Mặc dù nhiều quán bar vẫn tổ chức tiệc Halloween ở Philippines, nhưng nói chung đây là một ngày lễ dành cho gia đình nhằm tưởng nhớ linh hồn những người thân hơn là ăn mừng ma quỷ.

Đảo Man

Empty

Là một đảo bán tự trị của Anh, đảo Man tổ chức lễ hội của riêng mình vào đêm Halloween: Hop-tu-Naa. Giống như Samhain, dịp lễ bắt đầu như một cách ăn mừng mùa gặt và năm mới của người Celt. Tuy nhiên, giống như ở Ireland ngày nay, ngày 31/10 đã được Mỹ hóa trên đảo Man. Nhưng một lễ Halloween kiểu đảo Man truyền thống sẽ phải bao gồm các hoạt động như khắc đèn lồng từ củ cải và vừa đi vòng quanh các ngôi nhà vừa hát các bài dân ca cổ. Lễ hội tại các thị trấn nhỏ thường mang một chút phong cách Hop-tu-Naa, một chút phong cách Halloween và rất nhiều niềm vui.

Hương Thảo - Nguồn: Matador Network
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES