Ấn Độ hỗ trợ dự án trùng tu Di sản văn hóa Mỹ Sơn

03/05/2020

Ấn Độ - Việt Nam ký bản ghi nhớ thực hiện dự án bảo tồn & tôn tạo Khu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng, trong đó Ấn Độ tài trợ 50 tỷ đồng. Việc trùng tu kéo dài 5 năm (2016-2021) đối với khu vực tháp K, H, A.

Ngày 28/4 vừa qua, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, ông Phan Hộ, cho biết sau nhiều ngày tiến hành trùng tu, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã tiếp cận nhóm tháp A - được coi là trung tâm của khu Di sản. Nhóm tháp A rộng gần 3.000 m2, được bao bọc bởi tường gạch dày hơn 1 m. Đây là khu đền tháp còn nguyên vẹn nhất trong quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Tại đây, các chuyên gia tiếp tục tiến hành một cách thận trọng việc trùng tu các chi tiết của các tháp A1, A8, A10, A11, A12 và A13 theo nguyên tắc bảo tồn nguyên vẹn tốt nhất có thể các giá trị cổ xưa của di sản.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trong đợt trùng tu nhóm tháp A lần này, các chuyên gia kỳ vọng sẽ phát hiện thêm nhiều ẩn tích kỳ bí dưới chân và trong lòng tháp

Trong đợt trùng tu nhóm tháp A lần này, các chuyên gia kỳ vọng sẽ phát hiện thêm nhiều ẩn tích kỳ bí dưới chân và trong lòng tháp

Do tác động của thời gian và nhiều yếu tố khác, các đền tháp ở khu A, đặc biệt là tháp A1 đã bị sạt lở và xuống cấp nghiêm trọng ở phần đế tháp. Do vậy, trong đợt trùng tu này, cùng với việc dựng lại 4 trụ phía trước cổng, tháp A1 sẽ được gia cố, trùng tu phần đế móng để giúp tháp đứng vững và uy nghi bề thế như vốn có ban đầu, ông Phan Hộ cho biết thêm.

Trong đợt trùng tu nhóm tháp K, H vào năm 2017, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam phát hiện một con đường cổ và bờ tường dẫn chìm trong lòng đất, được nhận định là tuyến đường ngày xưa dành cho hoàng gia và các chức sắc tôn giáo đi lại trong mỗi dịp vào khu đền tháp để hành lễ.

Các chuyên gia còn tìm thấy nhiều hiện vật giá trị như hai tượng đá mình người, đầu sư tử cùng các chi tiết kiến trúc khác bằng vật liệu đất nung được chôn lấp dưới các chân tháp cổ. Các chuyên gia xác định các hiện vật này có niên đại trùng với thời kỳ xây dựng tháp K, tức là khoảng thế kỷ 11 đến thế kỷ 12.

Năm 2017, các chuyên gia Ấn Độ khai quật bốn bức tường phía ngoài tháp H

Năm 2017, các chuyên gia Ấn Độ khai quật bốn bức tường phía ngoài tháp H

thông tin thêm

Nằm cách thành phố Đà Nẵng gần 70 km, thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Thánh địa Mỹ Sơn là một quần thể kiến trúc gồm nhiều đền đài Champa cùng kiến trúc vô cùng độc đáo. Bị quên lãng trong một thời gian dài lên đến hàng thế kỷ, phải đến năm 1885, nơi đây mới được phát hiện và vào năm 1999 được UNESCO lựa chọn là Di sản thế giới như một minh chứng duy nhất về nền văn minh châu Á đã bị biến mất.

Khu Thánh địa Mỹ Sơn từng là nơi tổ chức cúng tế cũng như là khu vực lăng mộ các vua quan, hoàng thân quốc thích của những vương triều Champa xưa. Phong cách kiến trúc ở đây được chia làm 6 loại: phong cách cổ, Hòa Lai, Đồng Dương, Mỹ Sơn, PoNagar và phong cách của người dân Bình Định. Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo.

Lan Oanh - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES