Ăn Tết theo cách của người Bali

15/02/2019

Bali lại một lần nữa thể hiện sự khác biệt của mình trong văn hóa tín ngưỡng và tạo ra những phong tục địa phương độc nhất. Điển hình là “Nyepi” hay còn gọi là Saka New Year của người Bali với những chuỗi nghi lễ thiêng liêng được cử hành trọng thể hằng năm. Theo lịch của Hindu giáo, năm nay, Nyepi sẽ diễn ra từ 6 giờ sáng ngày 07/03/2019 đến 6 giờ sáng ngày 08/03/2019.

Empty

Bali đánh bật hơn 17.000 hòn đảo ở Indonesia, đất nước vạn đảo, trở thành một thiên đường du lịch nổi tiếng toàn thế giới với sự “cá biệt” độc đáo của mình. Trong khi Hồi giáo phát triển mạnh mẽ trên khắp đất nước, thì ở Bali là hòn đảo duy nhất với 90% dân số theo đạo Hindu. Điều này thể hiện rõ nét trong đời sống hằng ngày và trong cách thờ cúng.

Melasti: Nghi lễ Thanh Tẩy trước thềm năm mới

Melasti là một chuỗi những nghi lễ được tổ chức trong vòng 3 ngày, trước “Nyepi Day” - Năm mới của dân Bali. Mục đích của lễ hội là để thanh tẩy linh hồn con người, và tượng thần khỏi những ô uế, và tội lỗi.

Empty

Trong quan niệm của người Bali, vũ trụ (Bhuwana Agung) và tâm hồn con người (Bhuwana Alit) tồn tại bên trong nhau, và các nguồn nước tự nhiên, như suối, biển, và hồ là “nguồn của sự sống” (Tirta Amerta), nên việc cử hành thánh lễ bên cạnh nguồn nước có thể giúp thanh tẩy cả tâm hồn và thế giới xung quanh, mang lại sự thanh khiết từ nguồn sống “Tirta Amerta”.

Empty
Empty

Vào ngày lễ, mỗi người trong làng đều vận cho mình bộ trang phục truyền thống màu trắng đẹp nhất, mang theo lễ vật rồi tụ tập tại Banjar làng mình rước thần tượng (“pratima”), và diễu hành đến một Banjar lớn hơn trong vùng. Tất cả tượng thần của các làng sẽ được tập trung làm lễ tại đây trước khi mang ra nguồn nước.

Empty
Empty

Đúng theo lịch trình sắp xếp, có thể là chiều cùng ngày hay sáng hôm sau, mọi người một lần nữa lại cùng nhau mang tất cả tượng và diễu hành ra nguồn nước, chính là bờ biển, để thực hiện nghi thức thanh tẩy quan trọng nhất. Đến tận bây giờ, tụi mình vẫn còn nhớ cảm giác rộn ràng của ngày lễ, từng sóng người trong bộ áo trắng truyền thống, những lá cờ Umbul Umbul đầy màu sắc tung bay trước những cơn gió biển lồng lộng và những thứ âm thanh thiêng liêng từ cồng chiêng, hay từ những tiếng kinh cầu của những người diễu hành.

Empty

Với họ, đây không chỉ đơn thuần là một nghi lễ truyền thống, mà là cả một tín ngưỡng, một niềm tin to lớn được nuôi nấng từ lúc con người ta còn đỏ hỏn đến khi tóc bạc trắng. Trước khi đi, bọn mình cũng đã đọc thông tin và tìm hiểu sơ qua rồi, tuy nhiên phải đến đây “mục sở thị” mới cảm nhận được hết sự trọng thể và thiêng liêng của lễ hội đối với đời sống của con người địa phương như thế nào.

Empty
Empty
Empty
Empty
Empty

Mỗi khu vực, mỗi làng sẽ có cách thực hiện nghi lễ khác nhau, nhưng theo bọn mình quan sát vẫn có những điểm chung. Xuyên suốt nghi lễ, người ta lần lượt ra biển, mang theo lễ vật, và cầu nguyện rồi hứng nước đem về. Bàn thờ sẽ được đặt gần nguồn nước, và tất cả mọi người đều ngồi hướng ra đó để cùng “người chủ trì” cầu nguyện.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty
Empty
Empty
Empty

Đại diện mỗi làng sẽ cùng nhau ra nguồn nước hứng nước để thanh tẩy cho “pratima”, sau đó sẽ dùng hoa đi một vòng vẩy nước vào người dân. Cuối lễ, tất cả mọi người sẽ lại diễu hành ra biển một lần nữa, mang theo thần tượng, và hứng nước để mang về sự thanh khiết từ “nguồn của sự sống”. Các Pratima lần nữa sẽ tập trung tại đền lớn để giữ ở nơi thiêng liêng nhất.

Nghi lễ Ngrupuk - Lễ Diễu Hành Quái Vật “Ogoh-ogoh” trong đêm giao thừa

Theo người dân địa phương thì Ogoh-ogoh bắt nguồn từ cách đọc từ “ogah-ogah”- mang nghĩa là “lắc mạnh” trong tiếng Bali, diễn tả đúng nghĩa đen về nghi thức của họ khi rước các quái vật đi diễu hành khắp đường phố.

Empty

Các “ogoh ogoh” thường được tạo ra theo hình dáng của “Buhta Kala” chính là các ác thần, Rakshasa (tiếng Việt của mình là “La Sát”), hay những loài vật quấy nhiễu cuộc sống con người. Ngoài ra, đôi khi người ta còn lấy hình tượng của các quái vật trong truyền thuyết như rồng, điểu Garuda hay các vị thần trong tôn giáo Hindu để xây dựng mô hình. Bọn mình còn thấy vài làng xây tượng thần voi Ganesha, con trai thần Shiva. Người ta tin rằng, tất cả những điều xấu xa sẽ được hút hết vào trong các Ogoh-ogoh, để trả lại sự tinh khiết cho toàn bộ đảo Bali này.

Empty
Empty
Empty

Hằng năm, trước ngày năm mới khoảng 1-2 tháng, mỗi làng đều phải lên ý tưởng và cùng nhau làm ra những con “ogoh-ogoh” bằng bột giấy, tre và những vật liệu nhẹ để có thể dễ dàng di chuyển. Qui mô sẽ tùy vào kinh phí của từng làng. Có làng làm con bé xíu, có làng dựng tượng to đến mấy tầng lầu. Không bất ngờ khi có những quái vật lên tới 1.000 USD tổng chi phí, bao gồm tiền trợ cấp ăn uống cho những người tham gia thực hiện.

Empty
Empty

Lễ diễu hành sẽ diễn ra vào đêm giao thừa, tức là đêm trước Nyepi một ngày. Địa điểm lớn nhất là ở Depansar và Ubud - trung tâm nghệ thuật của Bali được tố chức rất trọng thể. Lần này bọn mình tham gia ở Ubud. Lần tới sẽ đi thử Depansar vì đây nơi đây mới là “gốc” của lễ hội này. Người ta còn tổ chức cuộc thi giữa các Banjar (các làng) với nhau để chọn ra những con Ogoh-ogoh đẹp nhất với màn trình diễn ấn tượng nhất để biểu diễn trong đêm Ngrupuk.

Empty

Vào khoảng 7h tối khi trời bắt đầu tắt nắng, tiếng kèn tiếng trống, tiếng cồng tiếng chiêng dồn dập vang lên, những con Ogoh-Ogoh sẽ được rước vào trung tâm Ubud, băng qua chợ Ubud, tới ngã tư “Cung điện Ubud” và rẽ về tập trung tại sân bóng Ubud. Rồi từ sân bóng này, lần lượt sẽ được diễu hành đến lại ngã tư cung điện và trình diễn. Mỗi banjars mang đến một hoạt cảnh về câu chuyện của chính những Ogoh-ogoh mà họ làm ra. Mặc dù không hiểu ngôn ngữ, nhưng tụi mình không thể nào rời mắt khỏi những cử chỉ, điệu bộ của các diễn viên và lắng nghe giai điệu những câu hát từ các em thiếu nhi. Đa số các làng trình diễn những trận đánh của hai thế lực Thiện và Ác. Các Ogoh-ogoh hoà với ánh sáng, khói có khi là lửa, âm thanh dữ dội từ những thanh niên khiêng tượng mỗi lần nâng lên và xoay vòng tại ngã tư. Chúng đánh nhau quyết liệt, khán giả reo hò. Có làng sung mãn “lắc” ogoh ogoh” mạnh đến bay cả đầu. Rồi tung hô cho các thiện đã thắng cái ác, mang lại hòa bình cho người dân.

Empty
Empty

Không khí nhộn nhịp, thiêng liêng kéo dài đến tận nửa đêm. Các “ogoh-ogoh” sẽ được mang về làng, theo đúng tục lệ họ sẽ đốt chúng để tiêu diệt những linh hồn xấu xa ra khỏi cuộc sống của những người Bali hiền lành. Nhưng ngày nay, người ta sẽ giữ các tượng này lại, để trang trí hoặc để bán vì giá thành làm ra khá cao. Có tin đồn rằng đạo diễn người Mỹ gốc Canada, James Cameron đã tham gia lễ hội và mua rất nhiều tượng Ogoh-ogoh về để sử dụng, và để tạo cảm hứng cho các nhân vật “Avatar” nổi tiếng của ông.

Empty

Ngày im lặng “Nyepi”

Nếu các bạn đến tham dự lễ hội ở Bali vào đúng ngày này, phải lưu ý những điều *“KHÔNG”* sau đây trong vòng 24 giờ (6h sáng ngày Nyepi cho đến 6h sáng ngày tiếp theo:

Empty

Những điểm cần lưu ý trong lễ Nyepi:

- KHÔNG ra đường. Toàn bộ người dân và khách du lịch đều phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu này. Các bạn không thể check out khách sạn trong ngày hôm đó. Pecalang (cảnh sát công động) sẽ ra đường và kiểm tra thường xuyên.

- KHÔNG gây ồn. Kể cả khi bạn ở trong khách sạn, các bạn cũng không được đùa giỡn quá lớn tiếng. Hay chạy nhảy trong khuôn viên khách sạn. .

- KHÔNG cửa hàng hay nhà hàng nào mở cửa trong ngày này cả, kể cả trong khách sạn, mọi thứ đều phục vụ hoàn toàn cơ bản, hoặc thậm chí cũng không phục vụ ăn uống. Các bạn cũng phải kiểm tra trước và tự trang bị. Lưu ý cửa hàng tiện lợi trong ngày giao thừa sẽ rất đông và đóng cửa vào 10 giờ tối, các bạn nên mua trước đó.

- KHÔNG phương tiện đi lại. Kể cả sân bay cũng sẽ đóng cửa 24 tiếng. Không một động cơ nào được hoạt động trên toàn bộ đảo Bali và các đảo trực thuộc Bali, như Nusa Pendia.

- KHÔNG Internet. Trước hết 3G và 4G sẽ bị chặn bởi chính phủ. Còn wifi có hay không thì tùy khách sạn/khu vực bạn ở. Như nơi bọn mình ở là hoàn toàn không có bất cứ mạng mẽo gì cả!

Empty

Theo tục lệ, đây là ngày người dân Bali suy nghĩ về những gì đã xảy ra trong một năm vừa qua. Thiền định là hoạt động chính của 24 giờ Nyepi. Sau đêm giao thừa Ngrupuk, như bọn mình đã kể trên, người ta sẽ mang đốt những tượng “ogoh-ogoh” để diệt các linh hồn xấu xa, tuy nhiên người ta tin rằng chúng vẫn sẽ không chết đi hoàn toàn, mà sẽ quay trở lại làng vào ngày đầu năm mới. Chính vì vậy, người dân sẽ không ra khỏi nhà, cũng không được gây tiếng ồn, và sử dụng các thiết bị điện. Khi ác thần đến, nó không tìm thấy một sự sống nào trong làng, sẽ nghĩ rằng đây là một ngôi làng chết mà bay đi nơi khác, để lại một Bali yên bình và xinh đẹp.

Chân dụng bộ đôi Wanderful Dreamers - Đức Trần & Quân Đoàn

Chân dụng bộ đôi Wanderful Dreamers - Đức Trần & Quân Đoàn

Melasti và Nyepi được tổ chức theo lịch của Hindu giáo, nên sẽ thay đổi hằng năm. Năm nay, theo lịch Saka thì Melasti sẽ được cử hành vào 4-6/3/2019, và Nyepi sẽ diễn ra từ 6 giờ sáng ngày 07/03/2019 đến 6 giờ sáng ngày 08/03/2019. Hãy đến Bali để “ăn nhẹ - nói khẽ - cười duyên” và hiểu thêm về văn hóa độc đáo này nhé!

Và cuối cùng, mời độc giả thưởng thức video ấn tượng do chính Wanderlust Dreamers thực hiện về lễ hội độc đáo này.

Về Wanderlust Dreamers:

- Duck Tran (Đức Trần) từ Hà Nội chuyển vào Sài Gòn sống 10 năm trước và hiện tại đang làm về thiết kế đồ hoạ, làm phim và chụp hình. Sau quyết định nghỉ công việc full-time, Đức đang theo đuổi đam mê về du lịch để ghi lại những câu chuyện về con người và những nơi đã đi qua bằng những hình ảnh và những thước phim. Những điều bình dị từ con người và cuộc sống luôn mang lại cảm hứng cho Đức. Thành thạo tiếng Anh và đang học tiếng Nhật. Instagram: @ducktran27

- Ted Doan (Quân Đoàn) sinh sống ở Sài Gòn và làm trong lĩnh vực Nhân quyền lao động được hơn 5 năm. Quân đam mê với công việc liên quan tới vấn đề bảo vệ con người, môi trường và tìm hiểu về văn hoá. Với trí nhớ và khả năng tính toán rất tốt, Quân có thể lên kế hoạch, quản lý chi phí và chia sẻ chi tiết kinh nghiệm về những chuyến đi. Tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh và có thể nói tiếng Trung cơ bản. Instagram: @tedhuahua

- Website: https://www.wanderfuldreamers.com

Wanderful Dreamers
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES