Đầu xuân xem vật làng Sình

12/02/2019

“Thùng...thùng thùng thùng...”...tiếng trống đầu xuân rộn rã thúc giục người dân địa phương và du khách nhanh chân đến với sới vật, để chuẩn bị xem những cuộc so tài tỉ thí trong tiết Xuân se lạnh đang tràn về trên mảnh đất Thừa Thiên...

Rộn ràng Sới vật đầu xuân...

Làng Sình là một trong những ngôi làng được hình thành khá sớm ở Đàng Trong, nằm ven sông Hương, đối diện bên kia sông là Thanh Hà, một cảng sông nổi tiếng thời các chúa ở Đàng Trong, còn có tên là Phố Lở, sau này lại có phố Bao Vinh, một trung tâm buôn bán sầm uất nằm cận kề thành phố Huế. Đây còn là một trung tâm văn hóa của vùng cố đô, có chùa Sùng Hoá trong làng, đã từng là một trong những chùa lớn nhất vùng Hóa Châu xưa.

“Dù ai đi đó đi đây

Mồng mười hội vật nhớ quay về Sình”

Những người già ở làng Sình kể lại, hội vật truyền thống của làng đã có lịch sử hơn 200 năm, và phát triển liên tục cho đến nay. Sau nghi thức cúng lễ từ ngày mồng 9 Tết Âm Lịch để cầu mua may bán đắt cho cả làng nghề thì đến mồng 10 sẽ tổ chức hội vật.

Empty

Khác hẳn với hội vật ở các làng quê khác, người dân tổ chức hội vật làng Sình như một hình thức giải trí đơn thuần sau những ngày tết, cầu mong cho mưa thuận gió hòa chứ không vì mục đích tuyển chọn võ sĩ cho triều đình phong kiến lúc bấy giờ. Năm nào có càng nhiều đô vật có sức khỏe, người vật hay, kẻ tài giỏi thì năm đó sẽ ăn nên làm ra.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

“Lệ” làng cũng quy định, các đô vật dự đấu không nhất thiết phải là người địa phương, và bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật. Ngoài giải Cạn dành cho chức vô địch, làng còn dành riêng một khoản tiền để thưởng cho tất cả những đô vật tham gia ngày hội.

Có thể do điều kiện dự hội khá đơn giản, nên ngày xưa, cứ đến trước ngày làng mở hội vật, trai tráng khắp nơi theo nhau về làng Sình, tranh tài tỉ thí tại đình làng Lại Ân.

Đình làng Lại Ân

Đình làng Lại Ân

Nét đẹp của tinh thần thượng võ...

Hội Sình rất chú trọng tinh thần thượng võ, cấm chơi xấu, ra đòn độc, đòn hiểm, nguy đến tính mạng như bẻ, vặn, khoá trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, đòn đá, đòn đánh, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt....

Nếu hai đô vật giằng co nhau không thắng, trọng tài sẽ phạt và buộc thay thế tư thế vật (vật quỳ) để kết thúc nhanh trận đấụ. Các đô vật chia theo hai hạng tuổi: dưới 15 tuổi dành cho thiếu niên và trên 15 tuổi dành cho thanh niên, tầm vóc chênh lệch trên dưới 10 kg.

Empty

Mỗi đô vật cứ thắng 3 trận liên tiếp sẽ vào vòng trong và tiếp tục đấu đối kháng để tranh vào chơi trận chung kết. Ngày xưa chỉ cần có sức khỏe thì ngày nay đô vật cần có thêm chiêu bài riêng mới có cơ hội chiến thắng.

Tinh thần đồng đội ở các địa phương rất quan trọng, một đô của làng nào bị thua tức khắc có đô khác lên tiếp sức. Mỗi năm có hơn trăm đô vật tham gia hào hứng suốt ngày. Thua một trận phải chờ đến năm sau mới trả nợ được vì vậy các đô phải rèn luyện suốt năm, tu dưỡng đạo đức để chờ đầu xuân được dự đua tài. Các xã có phòng trào đô vật mạnh là Phú Mẫu, Phú Thanh, Phú Dương (Phú Vang) Hải Dương, Hương Phong, Hương Vinh (Hương Trà), Thủ Lễ (Quang Điền), Hương Sơ (TP. Huế).

Nguoi dan lang Sinh cau ca dau xuan

Những dịch vụ song hành cùng sới vật...

Để giữ chân khách đường xa, trong những ngày này, người làng tổ chức nhiều trò chơi dân gian như bài chòi, hát đối đáp, chơi bài tứ sắc... để vui cùng du khách. Do tính hiếu khách và uy tín của hội vật làng Sình mà liên tiếp hơn 200 năm qua, lễ hội này vẫn luôn được tổ chức một cách đều đặn, không bị gián đoạn. Cùng với sới vật chính, đêm hôm trước và suốt ngày hội, khắp nơi trong làng là các quán hàng ăn bán bún bò, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, cháo lòng, bánh canh, chè....phục vụ khách chơi xuân. Và cho đến khi Tết “đã hết mồng” thì cuộc sống lại trở về nhịp điệu đời thường, báo hiệu một năm làm lụng mới lại bắt đầụ. Vật làng Sình là một nét văn hóa thượng võ trường tồn đã và đang được gìn giữ như nét đặc trưng của người dân xứ Thừa Thiên.

Empty

Thông tin thêm

- Làng Sình cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7 km, đường đi thuận lợi cho xe máy và ôtô.

- Luật của sới vật: không chọc léc, không bẻ tay, cào cấu, bóp cổ, kéo quần, bấm huyệt, uống nước khi đang vật. Du khách cũng có thể đăng ký tham gia cùng hội vật nếu muốn.

- Du khách có thể mua các đồ chơi dân gian về làm quà như kèn tre, lùng thùng, kèn ếch, ve ve…hoặc chiêm ngưỡng cách làm các đồ chơi truyền thống như làm đồ chơi thủ công từ tre nứa, đất sét và giấy màu. Ngoài ra, du khách có thể đi tham quan nơi làm tranh nổi tiếng ngay tại làng Sình. Tranh Làng Sình chủ yếu phục vụ cho mục đích thờ cúng của người dân trong vùng.

Vinh Phan
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES