Thế giới ghi nhận hơn 3,7 triệu ca nhiễm; Anh trở thành nước có số ca tử vong cao nhất châu Âu

06/05/2020

Sáng 6/5, thế giới đã ghi nhận 3.719.899 nhiễm Covid-19, trong đó có tổng cộng 257.747 ca tử vong. Trong khi dịch bệnh ở châu Âu có xu thế hạ nhiệt thì Anh vượt qua Ý, trở thành nước có số ca tử vong cao nhất châu Âu. Việt Nam không có ca nhiễm mới.

Ngày thứ 20 liên tiếp Việt Nam không có ca mắc mới trong cộng đồng

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, sáng 6/5, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới Covid-19. Như vậy, trong 20 ngày qua, Việt Nam không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng.

Tổng số ca nhiễm hiện tại vẫn là 271, trong đó 232 ca đã khỏi và ra viện, chỉ còn 39 ca đang điều trị. Trong số 39 ca này, hiện tại 9 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 2 lần trở lên.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 34.097, trong đó 245 người cách ly tập trung tại bệnh viện.

Hà Nội dỡ lệnh cách ly thôn Hạ Lôi sau 28 ngày phong tỏa

Empty

Đúng 0h ngày 6/5/2020, thành phố Hà Nội quyết định kết thúc phong tỏa đối với thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) sau 28 ngày thực hiện cách ly (từ ngày 8/4) do có trường hợp mắc Covid-19. Hiện địa phương đã qua 21 ngày liên tiếp không có thêm trường hợp người dân nào mắc Covid-19. Cùng với đó, toàn bộ người dân thôn Hạ Lôi đã được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội xét nghiệm, đều cho kết quả âm tính với Covid-19. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền và yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, không chủ quan, lơ là khi đã dỡ lệnh cách ly.

Phối hợp đưa 240 công dân Việt Nam từ Pháp trở về nước

Trong hai ngày 5 và 6/5, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, các cơ quan liên quan của Pháp tổ chức chuyến bay đưa khoảng 240 công dân Việt Nam về nước, chủ yếu là trẻ em dưới 18 tuổi (một số em dưới 14 tuổi), người cao tuổi, người có bệnh nền, du học sinh không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa. Ngay sau khi hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Vân Đồn, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra y tế và đưa những người tham gia chuyến bay về cơ sở cách ly tập trung theo quy định.

Trước đó, trên chuyến bay tới Pháp ngày 5/5/2020, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam cũng đã vận chuyển thiết bị, vật tư y tế Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi tặng Chính phủ và nhân dân Pháp.

Sắp tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai các chuyến bay thương mại đưa công dân Việt Nam về nước phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và khả năng tiếp nhận, cách ly của các địa phương. Hiện hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục cần thiết theo yêu cầu của phía Mỹ và dự kiến sẽ tổ chức chuyến bay vào ngày 7/5/2020.

Mỹ thêm gần 20.000 ca nhiễm mới trong 24h qua

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 5/5 cho biết nước này có thêm 19.138 ca nhiễm mới và 823 ca tử vong, đưa tổng số ca Covid-19 toàn quốc lên 1.236.141 ca và 72.167 người qua đời vì dịch bệnh. Tâm dịch New York đã không còn dẫn đầu về số ca tử vong mỗi ngày, thay vào đó là hai tiểu bang Pennsylvania và New Jersey.

Người dân biểu tình đòi gỡ phong tỏa ở Florida

Người dân biểu tình đòi gỡ phong tỏa ở Florida

Trong khi đó, một số tiểu bang khác ở Mỹ đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế đã áp đặt để ngăn dịch Covid-19 lây lan. Thống đốc bang Texas Greg Abbott ngày 5/5 cho biết tiệm nail, hớt tóc và làm đẹp của bang có thể sẽ mở cửa lại vào ngày 8/5. Các phòng tập gym và tòa nhà văn phòng sẽ chính thức mở cửa từ ngày 18/5 với một số hạn chế nhất định. Tương tự, Thống đốc tiểu bang Montana Steve Bullock đã cho các trường học lựa chọn về việc mở cửa trở lại sau khi trước đó ông cũng đã cho phép các nhà thờ, cửa hàng bán lẻ và nhà hàng tiếp tục hoạt động và kinh doanh. Tuy nhiên, hầu hết học sinh trên toàn nước Mỹ sẽ ở nhà cho đến học kỳ mới vào mùa thu, vì 45 tiểu bang cũng như khu vực Washington D.C đã ra lệnh hoặc đề nghị đóng cửa trường học.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/5 cho biết sẽ sớm giải tán nhóm đặc nhiệm chống dịch Covid-19 trong bối cảnh nước này đang hướng đến giai đoạn 2, tập trung vào các biện pháp sau dịch. Trước đó cùng ngày, Phó Tổng thống Mike Pence cho biết Tổng thống Donald Trump dự định sẽ chuyển giao quyền quản lí nỗ lực ứng phó dịch Covid-19 vào ngày 25/5 tới.

Mỹ cung cấp 211 máy thở cho Mexico

Chính phủ Mỹ ngày 5/5 đã điều một máy bay chở máy thở đến Mexico để hỗ trợ việc điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, như một phần trong thỏa thuận đạt được giữa tổng thống hai nước. Cùng ngày, chính phủ Mexico dự báo đỉnh dịch Covid-19 ở nước này sẽ diễn ra trong tuần này và kéo dài khoảng 3 tuần.

Tính tới thời điểm hiện tại, Mexico đã ghi nhận 26.025 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 2.507 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Mexico được cho sẽ ở mức cao, do hơn 70% dân số mắc các bệnh về cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch và béo phì.

Brazil thêm gần 7.000 ca nhiễm mới

Bộ Y tế Brazil ngày 5/5 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 740 ca nhiễm và 17 ca tử vong mới, nâng tổng số ca Covid-19 toàn quốc lên 115.455 ca và 7.938 ca tử vong. Các ca nhiễm mới tăng gần 6,4% so với chiều 4/5 trong khi số ca tử vong tăng gần 8,2%. Cho đến nay, Brazil là quốc gia bị dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nhất tại Nam Mỹ.

Empty

São Luís cũng đã trở thành thành phố lớn đầu tiên của Brazil bắt đầu lệnh phong tỏa vào ngày 5/5 để hạn chế sự lây lan của virus corona chủng mới. Theo đó, chính quyền thành phố cấm người dân ra khỏi nhà trừ khi thật cần thiết. Lệnh phong tỏa tại São Luís sẽ kéo dài đến 14/5.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Số ca mắc COVID-19 ở Peru đã vượt quá 50.000 người

Ngày 5/5, Tổng thống Peru Martin Vizcarra xác nhận nước này có tổng cộng 51.189 ca mắc Covid-19 đã được phát hiện, trong đó có 1.444 ca tử vong. Peru là một trong những quốc gia Nam Mỹ đầu tiên đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, tuy nhiên, trong vòng 10 ngày Peru đã chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng gấp đôi, khiến nước này trở thành quốc gia chịu tác động nặng nề thứ 2 trong khu vực, sau Brazil.

Colombia kéo dài thời hạn phong tỏa thêm 2 tuần

Tổng thống Colombia Ivan Duque ngày 5/5 cho biết biện pháp phong tỏa đang áp dụng ở nước này sẽ được kéo dài thêm 2 tuần nữa để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Cho đến nay, Colombia đã ghi nhận 8.613 ca nhiễm Covid-19, dẫn đến cái chết của 378 người.

Lệnh cách ly toàn quốc được chính phủ ông Duque ban hành từ ngày 24/3 và đã được gia hạn 2 lần. Dù quyết định kéo dài lệnh cách ly thêm 2 tuần nhưng ông Duque cho biết một số khu vực trong ngành công nghiệp và một số cửa hàng bán lẻ nhất định, như ôtô hay nội thất, có thể bắt đầu mở cửa trở lại.

Dịch bệnh tiếp tục xu thế hạ nhiệt tại châu Âu

Số ca tử vong do nhiễm Covid-19 tại Pháp đã lên tới 25.531 người (tăng 330 ca trong 24 giờ). Thị trưởng Paris Anne Hidalgo thông báo hàng loạt biện pháp chuẩn bị cho ngày dỡ bỏ phong tỏa 11/5, theo đó thủ đô của Pháp sẽ có khoảng 30 phố đi bộ mới và 50 km đường dành cho xe đạp. Để hạn chế số lượng xe ô tô trong thành phố, chính quyền Paris đang sắp xếp để có thể tăng gấp đôi số chỗ đỗ xe tại các cửa ngõ vào thành phố, miễn phí đối với những người mua vé tháng hoặc vé năm của hệ thống giao thông công cộng.

Empty

Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý công bố trong ngày 5/5, nước này ghi nhận thêm 1.075 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 213.013 người. Trong khi đó, số ca tử vong do Covid-19 tại Ý đã tăng lên 29.315 trường hợp (tăng 236 ca).

Tại Anh, số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tới hết ngày 5/5 đã lên tới 29.427 người, trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ 2 trên thế giới vì dịch Covid-19, sau Mỹ. Trong 24 giờ qua, Anh ghi nhận 4.406 ca mắc mới và 693 ca tử vong vì dịch Covid-19. Nhà chức trách Anh cho biết trên 6,3 triệu công nhân của nước này đã được cho nghỉ phép và chính phủ đã giành 8 tỷ bảng (9,9 tỷ USD) để trả lương cho họ trong thời gian phong tỏa phòng dịch bệnh.

Ngày 5/5, Bộ trưởng Y tế Áo Rudolf Anschober tuyên bố đại dịch Covid-19 tại nước này đã được kiểm soát, 3 tuần sau khi Áo bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Số ca nhiễm mới hằng ngày đã giảm từ mức tăng 50% vào giữa tháng 3 xuống còn 0,2%.

Cùng ngày, Luxembourg đã hối thúc Đức chấm dứt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan tại biên giới trong bối cảnh các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) đang phải vật lộn phối hợp ứng phó với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vào ngày 4/5, Đức vẫn quyết định duy trì kiểm soát tại khu vực biên giới với những nước láng giềng nhỏ hơn cho đến ít nhất là ngày 15/5 tới, bất chấp những lời kêu gọi đoàn kết trong nội khối.

Tại Tây Ban Nha, Bộ Y tế cho biết trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 185 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại nước này lên 25.613 ca. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Tây Ban Nha có số ca tử vong hàng ngày dưới 200 người. Số ca nhiễm mới đã tăng từ 218.011 ca lên 219.329 ca. Trong khi đó, Bộ Lao động Tây Ban Nha cho biết số người thất nghiệp tại nước này trong tháng 4 đã tăng hơn 280.000 người lên 3,8 triệu người. Nguyên nhân là do các biện pháp phong tỏa khiến ngành du lịch của nước này gặp nhiều khó khăn.

Đức phát hiện kháng thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2

Các nhà khoa học ở thành phố Braunschweig của Đức đã phát hiện các kháng thể có thể ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào, qua đó có thể hy vọng sớm sản xuất thuốc điều trị hiệu quả virus SARS-CoV-2. Theo chuyên gia Stefan Dzigel thuộc Đại học Kỹ thuật Braunschweig, trái với tiêm chủng vaccine, trong đó bệnh nhân được tiêm một phần mầm bệnh để tự hình thành kháng thể và từ đó tăng cường khả năng miễn dịch, mục tiêu của nhóm nghiên cứu ở Braunschweig là hướng tới bào chế một loại thuốc để điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 thể nặng, nguyên tắc được gọi là "miễn dịch thụ động". Theo kế hoạch, các nhà nghiên cứu sẽ chọn lọc tìm ra những kháng thể tốt nhất cho tới giữa tháng 6 tới và sau đó sẽ trải qua các bước thử nghiệm để tiến tới những bệnh nhân đầu tiên có thể được điều trị bằng liệu pháp kháng thể vào mùa thu tới.

Empty

Trước đó, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cho rằng có thể phải mất nhiều năm để có thể bào chế thành công vaccine phòng virus SARS-CoV-2, trong khi Bộ trưởng Nghiên cứu liên bang Anja Karliczek cũng cảnh báo không nên "chờ phép màu" nhanh chóng có vaccine, mà sớm nhất phải tới giữa năm 2021.

Số ca nhiễm COVID-19 ở Ai Cập đã vượt mốc 7.000

Ngày 5/5, Bộ Y tế Ai Cập thông báo tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này đã lên đến 7.201 trường hợp sau khi ghi nhận thêm 388 ca nhiễm mới. Tính đến nay Ai Cập đã có 452 ca tử vong do Covid-19, trong đó có 16 ca tử vong mới được ghi nhận trong ngày 5/5. Ngoài ra, cũng đã có thêm 98 bệnh nhân, trong đó có 1 người nước ngoài, đã khỏi bệnh, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 1.730 người.

Kim tự tháp AI Cập hoàn toàn vắng bóng du khách

Kim tự tháp AI Cập hoàn toàn vắng bóng du khách

Theo báo Ahram, bất chấp việc nhà chức trách Ai Cập đã áp dụng những biện pháp chống dịch chưa từng có tiền lệ, trong đó có áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm từ tháng 3 vừa qua, nhưng các ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục tăng cao. Trong thời gian diễn ra tháng lễ Ramadan, hoạt động mua sắm của người dân tăng đáng kể, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm và đồ uống. Nhiều khả năng Ai Cập sẽ tiếp tục gia hạn lệnh giới nghiêm trong tuần này. Đây được coi là một trong những biện pháp nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19.

Các nước Trung Đông lo ngại nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19

Ngày 5/5, hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran đưa tin, Bộ Y tế nước này cùng ngày đã cảnh báo người dân về sự bùng phát trở lại làn sóng thứ hai và thứ ba của đại dịch Covid-19. Cùng ngày, theo Bộ Y tế Iran, hiện nước này đã có 99.970 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 6.340 bệnh nhân tử vong.

Trong khi đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ, số ca tử vong do Covid-19 ở nước này đã lên đến 3.520 người, trong đó có 59 trường hợp mới tử vong được ghi nhận trong 24 giờ qua. Theo Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này hiện là 129.491 người, trong đó có 1.832 ca nhiễm mới.

Còn tại Qatar, Bộ Y tế cho biết, nước này đã phát hiện thêm 951 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm loại virus gây chết người này lên 17.142 người, trong đó có 15.206 bệnh nhân đang được điều trị.

Tháng lễ Ramadan của người Hồi giao diễn ra trong thầm lặng vì dịch COVID-19

Tháng lễ Ramadan của người Hồi giao diễn ra trong thầm lặng vì dịch COVID-19

Ngày 5/5, Cơ quan Cấp cứu quốc gia Israel (NEA) cũng đưa ra dự báo có khả năng dịch Covid-19 tái bùng phát và tình hình sẽ tồi tệ hơn hiện nay, nhiều khả năng sẽ xảy ra vào thời điểm năm mới của người Do Thái vào giữa tháng 9 tới. Dự báo số ca mắc có thể tăng gấp đôi so với hiện nay, lên tới hàng chục nghìn người. Uớc tính con số tử vong là từ vài trăm cho tới vài nghìn người. Cho tới nay, Israel đã ghi nhận 16.289 ca nhiễm Covid-19 và 238 ca tử vong, không tăng so với ngày hôm trước. Sau khi số ca mắc mới liên tục giảm tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tuyên bố nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 7/5.

Cùng ngày, tại Palestine, Tổng thống Mahmoud Abbas đã công bố quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng do tình hình dịch Covid-19. Theo quyết định này, người dân Palestine sẽ phải chấp hành tình trạng khẩn cấp liên tiếp 3 tháng. Tuy nhiên, một số quy định hạn chế đã được nới lỏng. Thủ tướng Mohammad Shtayyeh cho hay, người dân được phép ra khỏi nhà vào ban ngày và trong vài ngày tới, một số doanh nghiệp, cửa hàng có thể hoạt động trở lại. Đến nay, Palestine ghi nhận 538 ca mắc Covid-19, trong đó có 4 ca tử vong và 168 người đã bình phục.

Pháp phát hiện một ca nhiễm covid-19 từ tháng 12/2019

Các nhà nghiên cứu Pháp đã kiểm tra lại mẫu bệnh phẩm của 24 bệnh nhân được điều trị vào tháng 12/2019 và tháng 1/2020, những người đã có kết quả xét nghiệm âm tính với cúm trước khi Covid-19 diễn tiến thành đại dịch.

Nghiên cứu cho thấy một bệnh nhân 42 tuổi sinh ra ở Algeria, sống ở Pháp từ nhiều năm nay và làm nghề bán cá, đã mắc Covid-19 từ ngày 27/12/2019, sớm hơn gần 1 tháng trước khi Pháp xác nhận các trường hợp đầu tiên. Tuy nhiên, người đàn ông này đã không đi du lịch nước ngoài trong nhiều tháng trước khi ngã bệnh, và không biết mình có thể bị mắc bệnh ở đâu.

Vợ ông làm việc tại một cửa hàng bán lẻ gần sân bay Paris và thường xuyên tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài.

Các chuyên gia cho rằng bệnh nhân này có thể có liên quan tới một người đến từ Vũ Hán - nơi được coi là nguồn bệnh, vào tháng 12 trước khi được Trung Quốc báo cáo. Tuy nhiên, thực tế bệnh nhân người Pháp lại không có mối liên hệ trực tiếp nào với Trung Quốc hay có đi du lịch gần đây và các chuyên gia cho rằng cần phải điều tra thêm về trường hợp này của Pháp.

Đối với giới nghiên cứu, còn quá sớm để khẳng định người đàn ông này là "bệnh nhân số 0" của Pháp. Trong khi đó, ngày 5/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng báo cáo về việc COVID-19 đã xuất hiện vào tháng 12/2019 ở Pháp, sớm hơn so với suy nghĩ trước đây, là "không đáng ngạc nhiên", và kêu gọi các nước điều tra bất kỳ trường hợp đáng ngờ nào khác. Điều này có thể rất quan trọng trong việc đánh giá virus corona chủng mới xuất hiện từ khi nào và ở đâu.

Indonesia chính thức hoãn bầu cử khu vực do dịch COVID-19

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ký sắc lệnh hoãn cuộc bầu cử khu vực dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Theo sắc lệnh được ký ban hành ngày 4/5, cuộc bầu cử này sẽ được hoãn tới tháng 12 tới do “thảm họa phi tự nhiên” và sẽ tiếp tục được hoãn nếu đến thời điểm đó dịch bệnh vẫn chưa kết thúc.

Trước đó, Chính phủ và Hạ viện Indonesia đã thông qua kế hoạch tổ chức bầu cử địa phương vào ngày 9/12 thay vì ngày 23/9 theo kế hoạch ban đầu do dịch Covid-19, tuy nhiên theo giám đốc điều hành Hiệp hội bầu cử và dân chủ Indonesia (Perludem) Titi Anggraini, cuộc bầu cử này khó diễn ra vào thời gian trên do tình hình dịch bệnh.

Ở Indonesia, các siêu nhân được cử ra đứng đường để nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Ở Indonesia, các siêu nhân được cử ra đứng đường để nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Đến hết ngày 5/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 51.271 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.346 ca so với 1 ngày trước. Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.694 người dân ở khu vực này, tăng 23 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 12.999 trường hợp.

Hà Lê - Nguồn: Tổng hợp
RELATED ARTICLES