Trung Đông và Brazil có nguy cơ thành ổ dịch mới, Việt Nam không có ca nhiễm mới

03/05/2020

Sáng 3/5, trên thế giới hiện có 3.481.351 người mắc và 244.663 người tử vong vì Covid-19. Trung Đông và Brazil có nguy cơ thành ổ dịch mới. Châu Âu từng bước nới lỏng phong toả. Việt Nam bước sang ngày thứ 17 không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Việt Nam 17 ngày không phát hiện ca nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng

Sáng 3/5, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 thông báo không có ca nhiễm mới Covid-19. Đến hôm nay đã 17 ngày Việt Nam không phát hiện ca nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng.

Tổng số ca nhiễm đến hiện tại vẫn là 270, trong đó 217 ca đã khỏi và ra viện. Trong số 53 ca còn đang điều trị (trong đó có 14 ca tái dương tính sau xuất viện), 9 ca đã có kết quả âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2 và 12 ca có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 30.517, trong đó 244 trường hợp cách ly tập trung tại bệnh viện.

Empty

Gần 300 công dân Việt Nam từ UAE về nước an toàn

Trong hai ngày 2-3/5, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng UAE tổ chức chuyến bay đưa gần 300 công dân Việt Nam trở về nước an toàn. Những công dân được đưa về nước trong đợt này gồm trẻ em và học sinh dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau, người đi du lịch, thăm thân đã hết hạn thị thực bị kẹt lại ở nước sở tại, lao động bị cắt hợp đồng hoặc nghỉ không lương nhiều tháng.

Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, hãng hàng không Vietnam Airlines đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay. Ngay sau khi hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Cần Thơ, những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.

Việt Nam bước đầu tiêm thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 trên chuột

TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH, cho biết: ngay từ khi Việt Nam ghi nhận những những trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên, các nhà khoa học của công ty đã hợp tác cùng Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vaccine phòng virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ vector virus. Nghiên cứu đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus này. Các nhà khoa học Việt Nam đã tiêm thử nghiệm trên chuột, đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

TS Đạt cũng cho biết thêm trong tuần tới, các mẫu máu trên chuột thí nghiệm sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương để đánh giá về khả năng sinh miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2. Sau đó, vaccine phòng Covid-19 sẽ tiếp tục được nghiên cứu để xây dựng quy trình sản xuất và tiêm thử nghiệm trên động vật nhằm đánh giá thêm về tính an toàn cũng như tính sinh miễn dịch của dự tuyển vaccine này.

Châu Âu từng bước nới lỏng phong tỏa

Người chạy bộ, người đi xe đạp và người lướt sóng trên khắp Tây Ban Nha được ra khỏi nhà của họ và người lớn được phép tập thể dục lần đầu tiên sau 7 tuần khi chính phủ nước này bắt đầu nới lỏng các hạn chế chặt chẽ chống lại Covid-19. Tây Ban Nha hiện là quốc gia đứng đầu châu Âu về số người nhiễm, với tổng cộng 245.567 ca, trong đó 25.100 ca tử vong.

Trẻ em Tây Ban Nha được phép tự do vui chơi ngoài trời lần đầu tiên sau 48 ngày phong tỏa

Trẻ em Tây Ban Nha được phép tự do vui chơi ngoài trời lần đầu tiên sau 48 ngày phong tỏa

Người Áo cũng đổ xô đến các tiệm làm tóc, làm đẹp và cửa hàng điện tử mới mở cửa sau một thời gian dừng hoạt động vì lệnh phong tỏa kéo dài 7 tuần.

Tại Ý, Bộ Giáo dục nước này đã thông báo đóng cửa các trường học phổ thông đến tháng 9, song đang lên kế hoạch mở cửa trở lại các trường mầm non và tổ chức học hè với quy mô nhỏ từ tháng 6 tới để trẻ em vui chơi sau 2 tháng thực hiện lệnh cách ly nghiêm ngặt. Với 209.328 ca mắc và 28.710 ca tử vong, Ý đứng thứ hai châu Âu về số ca nhiễm, nhưng đứng đầu về số ca tử vong.

Anh có thể cho phép các trường tiểu học mở cửa lại sớm nhất vào khoảng ngày 1/6. Theo tờ Telegraph, nhiều người dự đoán Thủ tướng Boris Johnson sẽ công bố lộ trình mới của London trong thời kỳ trước mắt vào tuần sau. Số người chết vì Covid-19 ở Anh đã tăng thêm 621 người lên 28.131 tính đến hết ngày 2/5, cao thứ hai châu Âu.

Đến 8 giờ 50 ngày 2/5 theo giờ GMT (15 giờ 50 cùng ngày theo giờ Việt Nam), châu Âu đã ghi nhận hơn 1,5 triệu ca nhiễm Covid-19, chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm trên toàn cầu, là châu lục bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19.

Pháp và Nga cảnh giác trước nguy cơ bùng phát dịch

Trong lúc nhiều nước bắt đầu nới lỏng và gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế nhằm dập dịch Covid-19, một số nước khác như Pháp hay Nga quyết định kéo dài lệnh phong tỏa. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm 2/5 thông báo chính phủ nước này nhất trí kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế đã ban hành trên toàn quốc từ tháng 3, đến tận ngày 24/7 để ngăn chặn dịch Covid-19. Du khách đến Pháp, bao gồm cả công dân Pháp trở về nước, sẽ phải đối mặt với việc cách ly 2 tuần bắt buộc nhằm làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tính đến tối 2/5, số ca tử vong vì Covid-19 tại Pháp đã lên tới 24.760 người (tăng 166 ca trong 24 giờ).

Pháp gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 2 tháng

Pháp gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 2 tháng

Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Nga có thêm 9.623 ca nhiễm Covid-19, mức tăng cao nhất trong ngày từ trước tới nay, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên 124.054 người, chủ yếu ở thủ đô Moscow với 5.358 ca nhiễm mới. Tổng số ca tử vong vì dịch trên toàn quốc hiện là 1.222 người, tăng 53 người so với ngày hôm trước. Thị trưởng Moscow Serge Sobyanin cho biết, thành phố đã tăng gấp đôi công suất của các trung tâm xét nghiệm và tăng xét nghiệm kháng thể lên 10 lần trong tuần qua. Moscow đang cân nhắc thiết lập các bệnh viện dã chiến tại những khu liên hợp thể thao và trung tâm mua sắm để đối phó với sự gia tăng các bệnh nhân Covid-19.

Pháp hỗ trợ Việt Nam và 4 nước ASEAN chống dịch

Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã cung cấp một gói hỗ trợ công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trị giá 2 triệu EUR (2,19 triệu USD) cho một số nước thuộc ASEAN.

Theo một tuyên bố chung được công bố chiều 1/5, gói hỗ trợ tài chính của AFD sẽ được phân bổ cho 5 nước ASEAN, gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Philippines, nhằm tăng cường công tác giám sát, chẩn đoán và củng cố hệ thống ứng phó với đại dịch Covid-19 tại các nước này.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Với khoản viện trợ trên, AFD hy vọng rằng các phòng thí nghiệm ở 5 quốc gia trên sẽ tăng cường năng lực trong giai đoạn ứng phó đại dịch Covid-19 như có thêm các trang thiết bị, các bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, đồ bảo hộ dành cho các nhân viên y tế...

Đức thúc đẩy nghiên cứu vaccine chống virus SARS-CoV-2

Ngày 2/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 mà Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch triển khai sẽ có mặt trên toàn cầu.

Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi gây quỹ trị giá 7,5 tỉ EUR (khoảng 8,3 tỉ USD) để phục vụ công tác nghiên cứu và điều chế vaccine chống SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo bà Merkel, số tiền này thực tế vẫn chưa đủ.

Trong một tuyên bố, nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh Berlin sẽ nhận trách nhiệm cũng như đóng góp một khoản tài chính đáng kể cho việc phát triển vaccine, thuốc cũng như những lựa chọn chẩn đoán tốt nhất cho tất cả mọi người trên thế giới.

Thống đốc New York phản đối mở cửa sớm

Thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo ngày 2/5 tuyên bố ông phản đối những yêu cầu mở cửa sớm. Ông Coumo khẳng định dù người dân đang khổ sở vì không có công việc, nhưng đây là điều cần thiết để chống lại dịch Covid-19.

Khoảng một nửa nước Mỹ đang dần mở cửa lại nền kinh tế trong tuần này. Trong bối cảnh đó, ông Cuomo nói ông cần thêm thông tin về tình hình dịch bệnh trước khi nới lỏng các biện pháp giới hạn. Tiểu bang New York là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nước Mỹ trong dịch Covid-19. Số ca tử vong do dịch COVID-19 tại bang New York của Mỹ đến ngày 2/5 là 299 người, tăng 10 ca so với ngày hôm trước và hầu hết các ca này xảy ra tại thành phố New York. Tính đến nay, New York đã tiến hành được hơn 15.000 ca xét nghiệm kháng thể, trong số đó 12,3% cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Số liệu chính thức công bố hôm 30/4 cho thấy 30 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày 21/3

Số liệu chính thức công bố hôm 30/4 cho thấy 30 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày 21/3

Hiện nay, Mỹ có 2 bang Texas và Georgia đang dẫn đầu trong việc cho phép một số doanh nghiệp mở cửa lại sau thời gian dài phải đóng cửa vì dịch bệnh. Lãnh đạo tại các bang này và một số nơi khác ít bị ảnh hưởng từ dịch bệnh đang chịu sức ép từ phía người dân.

Tính đến ngày 3/5, số ca nhiễm tại Mỹ 1.160.774 người, trong đó có khoảng 67.444 người đã tử vong.

EU viện trợ 70.000 bộ xét nghiệm cho Guatemala

Ngày 2/5, chính phủ Guatemala thông báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ viện trợ cho nước này 70.000 bộ xét nghiệm để phát hiện virus corona. Đến nay, đại dịch này đã khiến 16 người tử vong trong tổng số 644 ca nhiễm bệnh tại Guatemala.

Kể từ giữa tháng 4, các cơ quan y tế Guatemala mới bắt đầu tiến hành xét nghiệm 500 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày tại 4 phòng xét nghiệm trên cả nước, trong khi gần 3 tháng trước đó số bệnh nhân được xét nghiệm hàng ngày chỉ từ 100 đến 200 người. Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei đã ra lệnh ngừng mọi hoạt động lao động trên cả nước từ ngày 16/3 để đối phó với dịch bệnh và ban bố lệnh giới nghiêm sau đó 6 ngày để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Brazil có thể là tâm dịch mới của châu Mỹ và thế giới

Các nước châu Mỹ vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Canada thông báo ngày 2/5 số ca Covid-19 tăng từ 53.657 lên 55.572, trong khi số ca tử vong tăng từ 3.223 lên 3.446. Panama ghi nhận thêm 230 ca nhiễm trong ngày 2/5, nâng tổng số ca Covid-19 lên 7.090 và số trường hợp tử vong đã tăng từ 192 lên 197. Bộ Y tế Mexico thông báo nước này có thêm 1.349 ca nhiễm và 89 trường hợp tử vong trong ngày 2/5. Như vậy, Mexico hiện có 22.088 ca nhiễm và 2.061 ca tử vong vì Covid-19.

Brazil có thể trở thành tâm dịch mới

Brazil có thể trở thành tâm dịch mới

Bộ Y tế Brazil ghi nhận thêm 4.970 ca nhiễm và 421 trường hợp tử vong mới trong ngày 2/5. Tổng số ca nhiễm Covid-19 của Brazil đang là 95.559 cùng với 6.750 bệnh nhân đã qua đời.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chưa thể kiểm soát thì những bất đồng giữa Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và chính quyền các bang về quan điểm ứng phó với Covid-19 khiến tình hình càng trở nên rối ren và đe dọa biến Brazil trở thành một tâm dịch mới của thế giới trong những tuần tới.

Hơn 100 cảnh sát Ấn Độ dương tính với virus SARS-CoV-2

Ngày 2/5, đã có tới 122 cảnh sát thuộc tiểu đoàn 31 Lực lượng cảnh sát dự bị trung ương (CRPF) Ấn Độ đóng tại Mayur Vihar, phía đông thủ đô Delhi, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện vẫn chưa có kết quả xét nghiệm của 112 người trong tổng số 480 binh sỹ được xét nghiệm tại cơ sở này. Các binh sỹ tại cơ sở ở Mayur Vihar đã được lấy mẫu xét nghiệm sau khi 1 trợ lý thanh tra và 46 người khác có kết quả xét nghiệm dương tính. Nguồn lây nhiễm chính trong tiểu đoàn này được cho là một nhân viên điều dưỡng đã trở lại làm nhiệm vụ hôm 7/4 sau thời gian nghỉ phép và bộ phận y tế của CRPF chỉ yêu cầu cách ly 5 ngày so với thời hạn 14 ngày theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ.

Tính đến ngày 2/5, Ấn Độ ghi nhận 37.336 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.218 người tử vong. Thủ đô Delhi là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 3.738 ca, trong đó có 61 người chết.

Ấn Độ đã ra lệnh cho tất cả nhân viên khu vực công và tư nhân sử dụng ứng dụng theo dõi liên lạc được chính phủ hỗ trợ và đảm bảo giãn cách xã hội trong các cơ quan khi nước này bắt đầu nới lỏng một số biện pháp phong tỏa ở các quận ít bị dịch Covid-19.

Cáp Nhĩ Tân trở thành Vũ Hán thứ hai

Tiến sĩ Maria van Kerkhove, giám đốc kỹ thuật Chương trình các tình huống y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng chúc mừng Vũ Hán, tâm chấn của dịch Covid-19 ở Trung Quốc vì thành phố hiện không còn ca nhiễm virus corona chủng mới ở tình trạng nặng. Bà Kerkhove cũng ca ngợi các cư dân địa phương đã tuân thủ nghiêm các biện pháp phong tỏa và cách ly trong gần 3 tháng để dập dịch thành công.

Trong khi đó, Cáp Nhĩ Tân, thành phố 10 triệu dân phía đông bắc Trung Quốc quyết định đóng toàn bộ quán ăn kể từ ngày 2/5. Thành phố này đang vật lộn với dịch bệnh vì trở thành cụm dịch lớn, trong khi đó nhiều tỉnh thành khác của Trung Quốc đã giảm bớt hoặc dỡ bỏ lệnh hạn chế. Việc đóng cửa này nhằm cản trở sự lây lan dịch bệnh trong khu vực.

Từ 24/3, Cáp Nhĩ Tân cấm tụ tập đông người tại các nơi công cộng, đồng thời lập các trạm kiểm dịch tại sân bay và nhà ga

Từ 24/3, Cáp Nhĩ Tân cấm tụ tập đông người tại các nơi công cộng, đồng thời lập các trạm kiểm dịch tại sân bay và nhà ga

Hôm nay 3/5, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo nước này ghi nhận thêm 2 ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày 2/5, tăng 1 ca so với ngày trước đó. Trong 2 ca này, 1 ca là nhập khẩu, 1 ca bị lây trong cộng đồng. Cũng theo NHC, trong ngày 2/5, Trung Quốc ghi nhận 12 ca không có triệu chứng bệnh, giảm 8 ca so với ngày trước đó. Tổng số ca bệnh Covid-19 của Trung Quốc tới nay là 82.877, trong đó có 4.633 người đã chết.

Nhật Bản khởi động hệ thống báo cáo Covid-19 trực tuyến

Bộ Y tế Nhật Bản cho biết sẽ khởi động hệ thống báo cáo Covid-19 trực tuyến từ ngày 10/5 và triển khai trên toàn quốc từ ngày 17/5 nhằm giảm bớt gánh nặng cho các trung tâm y tế đang phải vật lộn ứng phó với dịch. Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp khoảng một tháng để ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch. Hiện đã có 14.571 người ở Nhật Bản dương tính với virus corona chủng mới với 474 người tử vong.

Dịch nCoV ở Đông Nam Á diễn biến hai chiều

Các nhà chức trách Singapore cho biết nước này sẽ bắt đầu nới lỏng một số hạn chế trong vài tuần tới. Tính đến sáng 3/5, Singapore ghi nhận 17.548 ca nhiễm Covid-19 với 17 trường hợp đã tử vong. Các ca lây nhiễm mới gần đây vẫn chủ yếu đến từ ký túc xá của lao động nhập cư.

Chính quyền Malaysia bảo vệ kế hoạch nới lỏng các biện pháp phong tỏa vào tuần tới ngay cả khi số ca nhiễm mới đã tăng lên mức cao nhất trong hai tuần. Malaysia hiện đã có 103 trường hợp tử vong trong tổng số 6.176 ca mắc Covid-19. Theo Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Malaysia, nước này đã bắt đầu đưa những người nhập cư bất hợp pháp vào các cơ sở tạm giữ tập trung nhằm ngăn chặn virus corona chủng mới lây lan.

Tính đến sáng 3/5, Thái Lan chỉ ghi nhận thêm 6 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và không có ca tử vong mới nào. Thái Lan hiện ghi nhận 54 ca tử vong và 2.966 ca nhiễm vì Covid-19. Với số ca nhiễm thấp hơn 10 trong 6 ngày liên tiếp, Thái Lan đã cho phép một số doanh nghiệp và công viên công cộng mở cửa trở lại vào ngày 3/5.

Tổng thống Philippines tuyên bố những người gây bạo loạn trong dịch Covid-19 sẽ bị bắn chết

Tổng thống Philippines tuyên bố những người gây bạo loạn trong dịch Covid-19 sẽ bị bắn chết

Philippines ghi nhận 156 ca nhiễm mới virus corona và 24 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm đã lên tới 8.928 ca và 603 ca tử vong. Có 40 người đã khỏi bệnh, nâng tổng số ca hồi phục lên 1.124.

Trong khi đó Indonesia ghi nhận thêm 292 ca nhiễm và 31 ca tử vong. Hiện nước này vẫn đứng đầu Đông Nam Á với 10.843 ca nhiễm và 831 ca tử vong vì virus corona. Indonesia đã tiến hành xét nghiệm diện rộng với hơn 79.800 người và có 1.665 người khỏi bệnh.

Nguy cơ Trung Đông thành ổ dịch

Yemen, một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới, ghi nhận 3 ca nhiễm Covid-19, 2 ca tại tỉnh Taiz và 1 ca tại thành phố Aden, vào cuối ngày 2/5, nâng tổng số ca nhiễm được chẩn đoán lên 10, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Thổ Nhĩ Kỳ có thêm 78 bệnh nhân qua đời vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 3.336. Bộ Y tế nước này cũng ghi nhận số ca nhiễm đã tăng thêm 1.983 lên 124.375.

Phát ngôn viên của Bộ Y tế Iran cho biết, ngày 2/5, nước này đã ghi nhận thêm 65 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong ở lên thành 6.156 người. Tổng số ca nhiễm tại Iran đã lên tới 96.448 người, trong đó có 2.787 ca đang trong tình trạng nguy kịch. Iran hiện là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 ở khu vực Trung Đông.

Nam giới và người béo phì dễ tử vong vì virus corona

Nghiên cứu mới từ đại học Edinburgh, đại học Liverpool và đại học Hoàng gia London dựa trên dữ liệu thu được từ 17.000 bệnh nhân Covid-19 tại 166 bệnh viện ở Anh trong khoảng thời gian từ ngày 6-18/4 cho thấy nam giới và người béo phì là yếu tố quan trọng liên quan đến tử vong vì Covid-19 ở các bệnh viện tại Anh. Đặc điểm này khó thấy hơn ở Trung Quốc vì chỉ có 6,6% người trưởng thành bị béo phì vào năm 2016, so với 29% của Anh vào năm 2017.

Nghiên cứu được đăng tải trên medRxiv.org và vẫn chưa được đánh giá ngang hàng.

Hà Lê - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES