Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng kể từ 16/4
Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, tính từ ngày 16/4 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. Từ ngày 23/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 270 ca mắc COVID-19.
Trong chiều 25/4, có 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bao gồm: 1 bệnh nhân người Đan Mạch, 2 nhân viên của Công ty Trường Sinh, 2 người ở Mê Linh (Hà Nội).
Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, với các ca bệnh còn lại, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 13 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính với SARS-CoV-2 là 3 ca.
WHO và Anh công nhận bộ kít xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam
Ngày 24/4, Cơ quan chuyên môn về thẩm định sản phẩm y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gửi thư thông báo việc công nhận bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 “LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR” của Việt Nam, do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. Theo đó, cơ quan thẩm định của WHO chính thức công nhận sản phẩm bộ kít xét nghiệm Việt Nam sản xuất theo Quy trình danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00, đã đạt chuẩn quốc tế.
Trước đó, Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh cũng đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sản phẩm xét nghiệm COVID-19 LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR nêu trên.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu vượt mức 200.000 người
Theo thống kê từ trang Worldometers, đến sáng ngày 26/4, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người trên toàn thế giới, với 90% số ca tử vong là tại châu Âu và Mỹ.
Cụ thể, trong tổng số 203.289 người đã thiệt mạng, châu Âu là lục địa có số người tử vong cao nhất với 122.171 người. Trong khi đó, Mỹ có 54.265 người thiệt mạng, tiếp theo là Italy với 26.384 người, Tây Ban Nha 22.902 người, Pháp 22.614 người và Vương Quốc Anh 20.319 người.
Hơn 1.100 nhân viên y tế của Philippines đã mắc COVID-19
Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết số nhân viên y tế mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này đã lên đến 1.101 người. Trong số các nhân viên y tế nhiễm virus SARS-CoV-2 có 434 bác sỹ, 400 y tá, 55 trợ lý điều dưỡng, 32 kỹ thuật viên y tế, và 21 kỹ thuật viên X quang. Đặc biệt, 26 nhân viên y tế đã thiệt mạng vì COVID-19, gồm 20 bác sỹ và 6 y tá.
Chính phủ Philippines đang thuê khẩn cấp các bác sỹ, y tá, kỹ thuật viên và những nhân viên hỗ trợ khác nhằm tăng cường cho đội ngũ y tế ở tuyến đầu chống dịch.
Số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng tại Đông Nam Á
Tại Singapore, cùng ngày 25/4, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 618 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại đảo quốc này lên 12.693 người. Với dân số 5,7 triệu dân, Singapore là một trong những nước có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất châu Á.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này cùng ngày xác nhận thêm 17 ca tử vong và 102 ca mắc. Như vậy, Philippines đã ghi nhận tổng cộng 7.294 ca mắc, trong đó có 494 người tử vong; thêm 30 ca bình phục và xuất viện.
Tại Indonesia, Bộ Y tế thông báo cùng ngày đã ghi nhận thêm 396 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 8.607 ca. Indonesia xác nhận thêm 31 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 720 ca.
Thái Lan đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng trong 24 giờ qua, với 53 ca mới được xác nhận ngày 25/4, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này lên 2.907 người. Trong số các ca lây nhiễm mới được ghi nhận, có 42 lao động nhập cư ở tỉnh Songkhla.
Tại Malaysia, nhà chức trách thông báo thêm 51 ca mắc và 2 ca tử vong. Theo đó, tổng số ca mắc được xác nhận ở quốc gia Đông Nam Á này hiện là 5.742 ca, trong đó 98 người tử vong, 3.762 bệnh nhân đã bình phục và 36 người đang bệnh nặng.
WHO cảnh báo nguy cơ tái nhiễm từ những người khỏi bệnh
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo hiện không có bằng chứng cho thấy những người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh và có kháng thể sẽ không tái nhiễm. WHO khuyến cáo chính phủ các nước không cấp “hộ chiếu miễn dịch” hoặc “không có nguy cơ” cho những người từng mắc bệnh COVID-19 vì không thể bảo đảm chắc chắn điều này. WHO cho rằng việc làm này có thể làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan vì những người đã khỏi bệnh có thể phớt lờ các khuyến cáo phòng dịch.
Số ca phải điều trị tích cực ở Pháp, Italy tiếp tục xu hướng giảm dần
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, trong ngày 25/4, nước này ghi nhận thêm 2.357 ca mới nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này lên 195.351 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng lên 26.384 trường hợp (tăng 415 ca).
Ngày 25/4, Pháp ghi nhận thêm 369 ca tử vong do nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), thấp hơn so với những ngày trước đó. Kể từ khi bắt đầu bùng phát hồi tháng 3 đến nay, số ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Pháp đã lên tới 22.614 người, trong đó có 14.050 ca tử vong ở bệnh viện và 8.564 ca tử vong ở nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội. Trong khi đó, các quan chức y tế cho rằng tỷ lệ tử vong tại các bệnh viện trong 24 giờ qua là thấp nhất trong một tháng, với 198 ca.
Hiện 28.222 ca đang phải nằm viện (giảm 436 ca so với hôm trước), trong đó 4.725 bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt (giảm 145 ca). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực đã giảm liên tiếp từ 17 ngày nay.
Venezuela và Nga tăng cường hợp tác chống đại dịch COVID-19
Ngày 25/4, Bộ Ngoại giao Venezuela cho biết theo thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Bộ Y tế Venezuela và Nga đã tiến hành một cuộc họp trực tuyến nhằm thúc đẩy chiến lược hợp tác trong phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Nhà lãnh đạo Venezuela đã bày tỏ sự cảm ơn về lô hàng viện trợ của Nga, trong đó có hàng nghìn bộ kit xét nghiệm COVID-19 trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang gặp nhiều khó khăn do sức ép từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Số ca nhiễm COVID-19 ở Ai Cập, Algeria và UAE tiếp tục tăng mạnh
Ngày 25/4, Bộ Y tế Ai Cập đã phát hiện thêm 227 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở Ai Cập đã lên tới 4.319 trường hợp và 307 người tử vong.
Trong khi đó, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cùng ngày thông báo rằng nước này cũng ghi nhận thêm 532 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên đến 9.813 người.
Tính đến chiều ngày 25/4, Algeria đã ghi nhận thêm 129 ca mới mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 4 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia này lên 3.256 người và 419 ca tử vong. Hiện dịch bệnh COVID-19 đã lây lan sang 47 trên tổng số 48 tỉnh thành phố tại quốc gia này. Algeria đang xếp thứ 4 ở châu Phi về tổng số người mắc COVID-19, sau Nam Phi, Ai Cập và Morocco nhưng lại là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu lục này, với tỷ lệ gần 13%
Một số quốc gia bắt đầu nới lỏng giãn cách
Trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, một số nơi trên thế giới đã bắt đầu triển khai hoặc lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Ấn Độ đã nới lỏng lệnh phong tỏa trong nỗ lực từng bước mở cửa trở lại các hoạt động xã hội và kinh tế của nước này. Theo đó, tất cả các cửa hàng, trừ siêu thị và trung tâm mua sắm, sẽ được phép hoạt động trở lại, không phân biệt kinh doanh mặt hàng thiết yếu hay không thiết yếu.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng yêu cầu các địa điểm được phép mở cửa trở lại chỉ được sử dụng tối đa 50% lao động. Người lao động cũng phải sử dụng khẩu trang, găng tay và tuân thủ các chỉ dẫn giãn cách xã hội trong khi làm việc.
Chính phủ Ba Lan cũng cho biết có kế hoạch mở cửa trở lại các khu thể thao ngoài trời từ ngày 4/5 tới và sẽ cho phép tổ chức các trận bóng đá cấp quốc gia từ cuối tháng 4.
Tại Mỹ, các bang Georgia, Oklahoma và Alaska bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa đối với các doanh nghiệp. Theo đó, các bang Georgia và Oklahoma đã cho phép các hiệu làm tóc và chăm sóc sắc đẹp mở cửa trở lại. Bang Alaska "bật đèn xanh" cho các nhà hàng phục vụ khách ăn tại chỗ, trong khi các cửa hàng bán lẻ và các cửa hàng kinh doanh khác cũng được phép mở cửa lại nhưng với một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, một số thành phố ở bang Alaska vẫn quyết định duy trì các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hiện nay.
Mexico xác định 2 biến chủng của virus SARS-CoV-2 tại nước này
Thông qua việc giải mã thành công bộ gene hoàn chỉnh của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, các nhà khoa học Mexico đã xác định được 2 biến chủng của virus đang lây nhiễm tại nước này.
Sau khi phân tích mẫu bệnh của các ca bệnh nhập khẩu, các nhà khoa học có thể xác định và chứng minh rằng hầu hết các chủng virus SARS-CoV-2 ở Mexico đến từ nhiều vùng khác nhau của châu Âu. Các mẫu phân tích cho thấy sự lây truyền cục bộ giữa những người đi du lịch nước ngoài và những người cư trú trong cùng khu vực ở Mexico, có thể xảy ra từ tuần thứ hai của tháng 3.