Ga Sài Gòn triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả hành khách
Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế TP.HCM cho biết từ 0h ngày 11/4 sẽ kiểm tra khai báo y tế điện tử và lấy mẫu xét nghiệm virus corona đối với tất cả hành khách đi tàu về ga Sài Gòn (Q.3, TP.HCM). Sau khi hoàn tất các khâu kiểm tra, hành khách đi tàu được phép di chuyển ra khỏi nhà ga.
Theo thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đến thời điểm này mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu xuất phát từ ga Sài Gòn và một chuyến tàu về ga Sài Gòn.
Singapore tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng kỷ lục
Theo báo Channel News Asia, Singapore có 287 ca nhiễm virus corona mới trong vòng 24 giờ qua, với hơn một nửa số trường hợp liên quan đến một ổ dịch tại một khu chung cư. Con số này cao hơn gấp đôi số ca nhiễm của ngày trước đó - vốn đã là ngày có số ca nhiễm cao nhất từ trước tới nay.
Tổng số ca nhiễm của Singapore hiện là 1.910 trường hợp và 6 trường hợp tử vong vì bệnh Covid-19.
malaysia kéo dài thời gian hạn chế di chuyển
Ngày 10/4, Malaysia chính thức thông báo gia hạn biện pháp hạn chế di chuyển thêm 2 tuần, đến ngày 28/4. Trong cùng ngày, nước này ghi nhận thêm 118 ca nhiễm mới.
Hiện Malaysia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất ở Đông Nam Á.
Phuket: tỉnh đầu tiên ở Thái Lan phong tỏa
Phuket đã trở thành tỉnh đầu tiên của Thái Lan áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn kéo dài 14 ngày kể từ 13/4 tới nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Theo đó, mọi người được yêu cầu ở lại trong nhà, ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt như nhân viên y tế hay quan chức chính quyền. Ai vi phạm các quy định mới có thể bị phạt 1 năm tù và tối đa 100.000 baht.
Trang The Thaiger ngày 10/4 cũng cho biết các thống đốc tại 14 tỉnh (trong tổng số 76 tỉnh của nước này) như Chiang Rai, Tak, Nan... đã tuyên bố áp dụng các hạn chế đi ra và vào các tỉnh của họ.
Thổ Nhĩ Kỳ cấm người dân rời nhà trong 48 giờ
Theo hãng tin AFP, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã lệnh cho mọi cư dân phải ở nhà trong 48 giờ, kể từ nửa đêm 10/4 tới nửa đêm 12/4. Lệnh cấm này áp dụng tại 31 thành phố, trong đó có trung tâm kinh tế Istanbul và thủ đô Ankara.
Yemen có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên
Yemen vừa ghi nhận ca dương tính với virus corona chủng mới đầu tiên ở tỉnh Hadramawt, phía nam Yemen, do quân Chính phủ kiểm soát. Theo hãng tin AFP, do bị chiến tranh tàn phá, dịch bệnh xảy ra ở nước này sẽ là một thách thức vì Yemen không còn nhiều nguồn lực để đối phó với dịch bệnh.
Mỹ vượt ngưỡng 500.000 ca nhiễm, New York ghi nhận số ca nhiễm cao nhất thế giới
Theo thống kê của trang worldometers.info, số ca nhiễm tại Mỹ tính đến sáng ngày 11/4 đã lên đến 502.876 ca, cùng với 18.747 ca tử vong. Trong đó, riêng New York ghi nhận khoảng hơn 162.000 ca bệnh, chiếm gần 1/3 trong tổng số ca nhiễm trên toàn nước Mỹ, đồng thời cao hơn số ca nhiễm tại mọi quốc gia khác trên thế giới.
Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ cũng trở thành quốc gia đầu tiên ghi nhận tới 2.000 ca tử vong trong một ngày vì dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Phát biểu trên đài CNN, Giám đốc CDC Mỹ cho biết dự đoán nước này đang tiến gần tới giai đoạn đỉnh dịch.
Số người chết ở Brazil vượt qua 1.000
Brazil, quốc gia bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nhất tại Mỹ Latin, trong ngày 10/4 đã ghi nhận tổng số người chết là 1.056 ca. Tổng số ca bệnh hiện tại của Brazil là 19.638 ca.
Giới chuyên gia dự đoán dịch bệnh tại Brazil sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 4.
Anh có thêm 980 ca tử vong trong ngày
Ngày 10/4, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thông báo Vương quốc Anh đã ghi nhận thêm 980 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 8.958 trường hợp.
Tính đến sáng 11/4, trang worldometers.info thống kê tổng số ca nhiễm tại Anh hiện là 73.758.
Ý kéo dài phong tỏa đến 3/5
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte ngày 10/4 quyết định kéo dài thời hạn phong tỏa phòng dịch tới 3/5, bất chấp sức ép hối thúc mở cửa lại nền kinh tế của các doanh nghiệp.
Theo hãng tin AFP, ông Conte công bố quyết định này sau khi nước Ý ghi nhận thêm 570 người chết vì Covid-19 trong 24 giờ, nâng tổng số người chết của nước này lên 18.849 người, cao hơn mọi quốc gia khác trên thế giới.
Nga áp dụng chính sách giấy phép đi lại tại thủ đô
Ngày 10/4, Thị trưởng Moskva, ông Sergei Sobyanin, đã thông báo áp dụng hệ thống giấy phép đi lại tại thủ đô nước Nga, bắt đầu từ 13/4.
“Ở giai đoạn đầu, chúng tôi áp dụng chế độ giấy phép đi làm. Ở giai đoạn hai - áp dụng cho các mục đích đi lại khác. Trong giai đoạn thứ ba - nếu cần thiết - áp dụng cho đi lại trong khu vực. Chúng tôi sẽ thông báo thêm về thời gian tiến hành từng giai đoạn” - ông Sobyanin cho biết.
Thị trưởng Sobyanin cũng cho biết từ ngày 13/4 đến 19/4, chính quyền thành phố Moskva tạm ngừng hoạt động của tất cả các doanh nghiệp và tổ chức, ngoại trừ các cơ quan Chính phủ, tổ chức y tế, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và y tế, nhà sản xuất thiết bị bảo vệ cá nhân, doanh nghiệp quốc phòng quan trọng, các lĩnh vực vũ trụ, hạt nhân và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Tây Ban Nha: "Đã kiểm soát được tình hình"
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 10/4 cho biết: "Hiện đã kiểm soát được tình hình khi số ca tử vong của nước này giảm xuống 683 từ con số 757 của ngày hôm trước".
Tây Ban Nha khẳng định trước mắt không nới lỏng các biện pháp bảo vệ dân chúng.
Pháp ghi nhận 50 ca nhiễm trên tàu sân bay
Ngày 10/4, Bộ Quốc phòng Pháp xác nhận có 50 thành viên trên tàu sân bay Charles de Gaulle, hàng không mẫu hạm duy nhất của nước này, đã dương tính với virus corona chủng mới.
Được biết, tàu sân bay Charles de Gaulle có 1.760 người phục vụ trên tàu. Hiện một số khu vực của tàu đã bị phong tỏa.
Du thuyền Úc với hơn 100 người nhiễm corona cập cảng Montevideo
Theo hãng tin AFP, một du thuyền của Úc bị kẹt ngoài khơi bờ biển Uruguay trong suốt 2 tuần qua với hơn 100 người nhiễm virus corona đã cập cảng Montevideo ngày 10/4.
Sau thỏa thuận giữa các Chính phủ Uruguay và Úc, khoảng 110 hành khách sẽ được sơ tán khỏi du thuyền Greg Mortimer và được đưa tới sân bay quốc tế của Montevideo. Tại đó họ sẽ được máy bay đưa về Melbourne.
WHO: Nguy cơ bùng phát dịch trở lại nếu gỡ bỏ phong tỏa vội vàng
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói trong họp báo ngày 10/4 rằng việc “gỡ bỏ các giới hạn có thể dẫn đến sự bùng phát trở lại chết người”.
Theo ông, đã có “sự chậm lại đáng mừng” đối với dịch bệnh ở một số nước châu Âu, nhưng đồng thời có “sự gia tăng đáng báo động” ở các nơi khác, bao gồm lây nhiễm cộng đồng ở 16 nước châu Phi. “Ở một số nước, có tới 10% y bác sĩ bị nhiễm, đó là xu hướng báo động”.
"Không nước nào miễn nhiễm. Không nước nào có thể nói mình có hệ thống y tế mạnh. Chúng ta phải thật sự thẳng thắn để đánh giá và giải quyết vấn đề này”.