Dịch nCovi ở châu Âu diễn biến hai chiều; số ca nhiễm ở Mỹ Latinh vượt quá 100.000 người

21/04/2020

Tính đến sáng 21/4, số ca nhiễm ở châu Mỹ Latin vượt 100.000 người. Dịch nCovi ở châu Âu diễn biến hai chiều, Singapore vẫn tiếp tục là điểm nóng nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam có ngày thứ 5 liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm mới

80% bệnh nhân mắc covid-19 ở Việt Nam đã khỏi bệnh

20-3-25_Covid19

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam hiện đã có 214 bệnh nhân mắc Covid-19 khỏi bệnh, chiếm 80%. Hiện nay trên cả nước chỉ còn 54 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại 9 cơ sở y tế. Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 14 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 07 ca.

Tính đến 6h00 ngày 21/4/2020, tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là 268 trường hợp, như vậy, đã 5 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới.

Việt Nam cơ bản đáp ứng được nhu cầu xét nghiệm COVID-19

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp diễn ra sáng 20/4 cho biết hiện nay, Việt Nam cơ bản đáp ứng được nhu cầu xét nghiệm khẳng định COVID-19.

Cụ thể, hiện cả nước có 111 phòng xét nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm COVID-19 đối với kỹ thuật Realtime RT- PCR. Trong số này có 39 phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định COVID-19 gồm: 22 cơ sở y tế tuyến Trung ương và các bệnh viện, 14 trung tâm kiểm soát bệnh tật và 3 đơn vị ngoài ngành y tế với công suất tối đa khoảng 13.000 mẫu/ngày.

Việt Nam-Cuba hợp tác phòng, chống đại dịch COVID-19

Bà Lianys Torres Rivera - Đại sứ Cuba tại Việt Nam cho biết Cuba sẵn sàng cử chuyên gia y tế sang Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm về điều trị COVID-19, trước mắt thành lập nhóm chuyên gia để trao đổi trực tuyến. Theo nội dung đã thống nhất, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến tại Học viện Quân y do lãnh đạo Bộ Quốc phòng chủ trì, có đại diện Bộ Y tế cùng dự để trao đổi tình hình dịch COVID-19 tại mỗi nước.

Tại Hội nghị, hai bên đã trao đổi các biện pháp trong phòng, chống dịch; chia sẻ kinh nghiệm về sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan, phác đồ điều trị, thuốc đặc trị, trang thiết bị sử dụng và hợp tác quốc tế; khả năng hỗ trợ lẫn nhau về dược phẩm, trang thiết bị y tế, và hợp tác nghiên cứu, sản xuất vắc xin...

Cà Mau, Thái Bình cho học sinh đi học lại

dsc-0120-1587357630231

Ngày 20/4, Cà Mau và Thái Bình cho học sinh đi học lại, với ưu tiên lớp 9 và 12. Nhiều địa phương cũng đề xuất cho học sinh đi học vào đầu tháng 5. Để đảm bảo khoảng cách giữa các em học sinh, các lớp phải tách ra để sĩ số lớp không quá 20 học sinh, cũng như đảm bảo khoảng cách 1,5m. Trước khi vào học, các em đều được đo thân nhiệt và rửa tay để tăng cường phòng chống sự lây lan dịch Covid-19.

Diễn biến tại Đông Nam Á: Singapore ghi nhận số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 cao kỷ lục

Singapore ngày 20/4 ghi nhận thêm số ca nhiễm SARS-CoV-2 kỷ lục trong một ngày với 1.426 người, nâng tổng số ca nhiễm tại đảo quốc sư tử lên 8.014 trường hợp, tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số người nhiễm sau khi vượt Indonesia và Malaysia ngày 19/4.

Giới chức đảo quốc sư tử thừa nhận số ca nhiễm sẽ còn tăng mạnh trong những ngày tới do Singapore đang triển khai xét nghiệm diện rộng. Giới quan sát nhận định số ca nhiễm có thể sẽ lên tới 20.000 người vào cuối tháng 4. Trong số ca nhiễm vừa được phát hiện, chỉ có 16 trường hợp là công dân hoặc người lưu trú dài hạn tại Singapore. Hầu hết bệnh nhân mới đều là người lao động nhập cư sống ở các khu tập thể.

Tại Indonesia, tính đến nay, Indonesia đã có 6.575 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 582 trường hợp tử vong. Dịch đã lan rộng ở tất cả 34 tỉnh, thành của nước này. Trong ngày 20/4, Bộ Ngoại giao Indonesia thông báo, hiện có 473 công dân Indonesia ở nước ngoài nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 19 đã người tử vong và 109 người đã được chữa khỏi.

2020_04_18_93087_1587202152._large

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines ghi nhận thêm 200 ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 19 ca tử vong mới. Tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng lên thành 6.459 người, trong đó số ca tử vong là 428 người.

Tại Thái Lan, nước này ngày 20/4 đã ghi nhận thêm 27 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 2.792 người và không ghi nhận thêm ca tử vong mới nào. Với diễn biến dịch tạm thời nằm trong tầm kiếm soát, Thái Lan bắt đầu nới lỏng dần các lệnh phong toả.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ấn Độ chế tạo máy trợ thở giá rẻ không cần điện đối phó dịch COVID-19

Ngày 20/4, công ty công nghệ Dynamatic Tech có trụ sở tại bang Karnataka của Ấn Độ thông báo đã chế tạo được một loại máy trợ thở giá rẻ không cần điện. Máy trợ thở này duy trì áp suất và kiểm soát mức oxy để giữ nhịp thở. Thiết bị này được đánh giá là hết sức cần thiết giúp New Delhi đối phó với cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp.

Máy trợ thở nói trên chỉ có giá khoảng 2.500 rupee (32,68 USD) - mức giá thấp nhất trên thế giới hiện nay. Thiết bị không cần điện để hoạt động và cũng không cần tới linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài. Một ưu điểm nữa là máy trợ thở này có thể cầm tay, sử dụng tiện lợi và dùng một lần.

Nhật Bản ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong ngày

2020_02_12_86518_1581498096._large

Nhật Bản trong ngày 20/4 ghi nhận 25 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất trong một ngày trước nay, trong khi số ca nhiễm tiếp tục tăng sau gần 2 tuần nước này tuyên bố tình trạng khẩn cấp với Tokyo, Osaka và một số khu vực đông dân khác. Tổng số ca tử vong ở Nhật Bản hiện là 276 và tổng số ca nhiễm là 11.137.

Nhật Bản bán rộng rãi bộ kit xét nghiệm

Tại Nhật Bản, “đại gia” công nghệ trực tuyến Rakuten cho biết đã bắt đầu bán cho các công ty tại thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận các bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 nhằm đối phó với dịch bệnh đang lây lan nhanh tại nước này. Mỗi bộ kit sử dụng cho 1 người có giá 14.900 yen (khoảng 138 USD) đã bao gồm thuế. Số lượng đặt hàng tối thiểu là 100 bộ mỗi lần đặt hàng.

Sau khi thu thập các mẫu bệnh phẩm, hãng sản xuất Genesis Healthcare sẽ gửi kết quả xét nghiệm trong 3 ngày, không kể ngày nghỉ và ngày cuối tuần. Những người được xét nghiệm bằng dụng cụ này có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 cần được báo sỹ xác nhận và tư vấn.

Trung Quốc thử nghiệm lâm sàng 2 vắc-xin bất hoạt phòng bệnh COVID-19

3180134

Cuộc thử nghiệm lâm sàng được bắt đầu vào ngày 12/4 vừa qua, tiến hành đối với 288 tình nguyện viên trong giai đoạn đầu tiên và 1.108 tình nguyện viên trong giai đoạn thứ hai. Tất cả trong số họ đều khỏe mạnh, với độ tuổi nhỏ nhất là 6. Họ được chia thành bốn nhóm gồm những người được tiêm vắc-xin liều thấp, liều trung bình, liều cao và giả dược.

Công ty Biotec - nơi bào chế ra một trong hai loại vắc-xin trên, cho biết các điều kiện vật lý của những người được thử nghiệm tiêm vắcxin đang được theo dõi chặt chẽ thông qua phân tích miễn dịch, phát hiện cytokine và giám sát kháng thể trung hòa. Vắc-xin bất hoạt sử dụng phương pháp cấy virus SARS-CoV-2 đã chết vào “bộ nhớ” của tế bào miễn dịch trong cơ thể. Qua đó, khi cơ thể bị chủng virus nguy hiểm này tấn công, các tế bào sẽ kịp thời có phản ứng miễn dịch.

Diễn biến hai chiều tại châu Âu

Giới chức y tế Pháp tối 20/4 thông báo, số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Pháp đã chính thức vượt ngưỡng 20.000 người, lên tới 20.265 người, tăng 547 trường hợp so với một ngày trước đó.

Tây Ban Nha vẫn là nước có số ca nhiễm cao thứ 2 thế giới, ở mức 200.012 người; còn Italy thì là quốc gia có số ca tử vong nhiều sau Mỹ, ở mức 24.114 người. Tuy nhiên, trong 24h qua, Tây Ban Nha, Italy, Bỉ ghi nhận số ca tử vong thấp nhất trong 1 tháng qua. Tây Ban Nha ghi nhận 399 ca tử vong, còn Bỉ ghi nhận 168 ca, trong khi đó Italy là 433 ca, mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua.

Trong khi đó, Bộ Y tế công cộng Thụy Sĩ thông báo số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 đã lên tới 1.142, tăng 7 ca trong vòng 24 giờ. Số ca nhiễm có chiều hướng giảm đã cho phép Chính phủ Thụy Sĩ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, phong tỏa áp đặt từ ngày 27/4

Đức trả chi phí điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 đến từ các nước EU

Ngày 20/4, Bộ trưởng Y tế Đức - Jens Spahn tuyên bố sẽ chi trả toàn bộ chi phí điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đến từ các nước láng giềng trong Liên minh Châu Âu (EU) như một cử chỉ thiện chí.

5e7dad1d2269a20d9c8c56ea

Hiện Đức đã kiểm soát thành công tình trạng lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, nhiều quốc gia láng giềng trong EU, trong đó có Pháp, Italy và Hà Lan, vẫn đang gặp nhiều khó khăn và phải gửi một số bệnh nhân nặng nhiễm virus SARS-CoV-2 của họ sang Đức điều trị do hệ thống chăm sóc y tế của những nước này đang bị quá tải. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Đức, hiện có 229 bệnh nhân nước ngoài, trong đó có 130 người đến từ Pháp, 44 người từ Italy và 55 người từ Hà Lan đang điều trị tại Đức với tổng chi phí điều trị khoảng 20 triệu euro (21,7 triệu USD).

Italy lùi thời gian tổ chức bầu cử vùng do đại dịch COVID-19

Chính phủ Italy đã quyết định lùi thời gian tổ chức các cuộc bầu cử vùng dự kiến vào tháng 5 tới ít nhất là tháng 9 do đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại quốc gia Nam Âu này.

Trước đó, Thủ tướng Giuseppe Conte nêu rõ, nền kinh tế Italy có thể dần mở cửa trở lại bắt đầu từ ngày 4/5, một ngày sau khi lệnh gia hạn phong tỏa kết thúc. Tuy nhiên, ông Conte cho rằng, bất kỳ hoạt động kinh tế nào cũng sẽ phải bao gồm các biện pháp đảm bảo an toàn, và giãn cách xã hội khó có thể duy trì trong khi tiến hành bỏ phiếu.

Nga rơi vào nhóm 10 nước có nhiều ca mắc COVID-19 nhất thế giới

Theo báo Gazeta.ru ngày 20/4, Nga đã rơi vào nhóm 10 nước có số mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới, khi nước này ghi nhận tổng cộng 47.121 trường hợp dương tính với virus SARS-COV-2. Nga đứng cuối danh sách top 10 này với 47.121 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó riêng ngày 20/4 đã ghi nhận thêm 4.268 ca nhiễm SARS-COV-2 tại 76 chủ thể liên bang. Điều đáng chú ý là số ca tử vong do COVID-19 ở Nga khá thấp (dưới 1%) so với mức trung bình trên thế giới.

rk_russia-moscow_180420

Cũng trong ngày 20/4, bệnh viện dã chiến chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 ở ngoại ô thủ đô Moskva sẽ bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân. Bệnh viện có quy mô 800 giường bệnh, được xây dựng từ ngày 12/3 trên khoảng đất rộng khoảng 80.000 m2.

New York có số ca tử vong thấp nhất từ đầu tháng 4

Bang New York của Mỹ ngày 20/4 ghi nhận số ca tử vong mới do COVID-19 thấp nhất kể từ đầu tháng 4 và tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại 2 bang lân cận là New Jersey và Connecticut. Cụ thể tại bang New York, số ca tử vong do COVID-19 đã giảm trong 5 ngày liên tục, với 478 ca được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 14.347 trường hợp.

Kể từ ngày 20/4, bang New York bắt đầu thực hiện một nỗ lực đầy tham vọng: Xét nghiệm kháng thể cho 3.000 người được lựa chọn ngẫu nhiên. Các xét nghiệm này và thêm các xét nghiệm tiếp theo được kỳ vọng sẽ cho New York một cái nhìn đầy đủ về dịch bệnh và giúp đưa ra các quyết định về nới lỏng hạn chế.

Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại khu vực Mỹ Latinh vượt quá 100.000 người

Số liệu thống kê chính thức của các nước Mỹ Latinh cho biết số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở khu vực này trong ngày 19/4 đã vượt quá 100.000 người với gần 5.000 người tử vong. Cụ thể, số ca hiện là 100.952 ca với 4.924 ca tử vong.

ap_brazil_cor

Riêng tại Brazil, quốc gia có nhiều ca mắc COVID-19 nhất trong khu vực, số ca nhiễm là 38.654 ca và 2.462 ca tử vong. Bộ Y tế Mexico cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 764 ca mới, nâng tổng số lên 8.261 ca, trong đó có 686 ca tử vong và 10.139 ca bị nghi ngờ mắc bệnh. Tại Peru, chính quyền nước này cho biết tính đến ngày 19/4 đã ghi nhận hơn 15.000 ca nhiễm và khoảng 400 ca tử vong, cao thứ 2 trong khu vực trong bối cảnh nền kinh tế nước này tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề.

Đặc biệt, trong ngày 20/4, Cuba đã ghi nhận số ca mắc bệnh COVID-19 vượt quá 1.000 người. Với 376 ca bệnh nhiễm Covid-19, thủ đô La Habana vẫn là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn Cuba.

My Tống - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES