Đông Nam Á trở thành điểm nóng với hơn 30.000 ca nhiễm, Ý bắt đầu xuất hiện "miễn dịch cộng đồng"

24/04/2020

Tính đến ngày 24/4, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 2.715.614 ca nhiễm. Đông Nam Á trở thành điểm nóng đáng lưu ý với 30.000 ca nhiễm mặc dù Việt Nam đón nhiều tín hiệu tích cực. Các nước châu Âu tập trung nghiên cứu về miễn dịch cộng đồng

Việt Nam tiếp tục không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới

Tính đến 6 giờ sáng 24/4, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận thêm bất cứ trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nào. Việt Nam đã bước sang ngày thứ 8 không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới, trong khi các thành phố lớn bắt đầu nới lỏng dần những quy định về giãn cách xã hội được áp dụng trước đó.

images1557913_vnapotal5ngaylientiepcanuockhongcocanhiemmoicovid_194623028

Với bệnh nhân số 206 tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP.HCM) được công bố khỏi bệnh hôm 23/4, Việt Nam đã chữa khỏi cho 224/268 trường hợp, chiếm gần 84% số người mắc COVID-19. Trong số 44 ca đang được điều trị, đã có 15 trường hợp có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 và 2 trường hợp 2 lần âm tính.

TP.HCM cho Quán Buddha Bar dỡ cách ly, phải gỡ bỏ bảng hiệu

Chiều 23/4, liên quan đến việc xử lý ổ dịch COVID-19 tại Buddha Bar (số 7 đường Thảo Điền, Q.2), Chủ tịch UBND quận 2 - Nguyễn Phước Hưng cho biết: quận đã quyết định giải tỏa điểm cách ly kiểm dịch tại địa điểm này từ ngày 23/4. Cụ thể, sau khi giải tỏa cách ly, chủ quán chỉ được buôn bán trở lại khi có thông báo chung của UBNDTP về ngành nghề kinh doanh quán ăn.

Tuy nhiên, quận 2 yêu cầu hộ kinh doanh cơ sở nói trên phải giám sát việc vệ sinh, khử khuẩn, đồng thời yêu cầu chủ quán gỡ bỏ các tranh ảnh, tượng Phật và các yếu tố tôn giáo trái với thuần phong mỹ tục.

Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép mở lại đường bay tới Côn Đảo từ 24/4

Chiều 23/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành quyết định tái triển khai hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Côn Đảo từ 0 giờ ngày 24/4, với nguyên tắc các phương tiện chỉ khai thác tối đa 50% số ghế cho mỗi chuyến vận chuyển; sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên phương tiện (cách 1 ghế) hoặc đảm bảo cách nhau 1 mét. Lái xe và phương tiện khi vận chuyển hành khách phải đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Y tế.

19032020144736828-Anh-1

Tiền Giang cho hoạt động một số tuyến vận tải hành khách

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang Phan Vĩnh Thanh, bắt đầu từ ngày 23/4, tỉnh cho phép một số tuyến vận tải hành khách hoạt động trở lại. Cụ thể, vận tải hành khách bằng xe buýt các tuyến liên tỉnh từ Tiền Giang đi các tỉnh Bến Tre, Long An và Đồng Tháp được phép hoạt động trở lại. Riêng tuyến từ Tiền Giang đi TP.HCM có mã số 62-9 chỉ hoạt động trở lại khi được sự đồng ý của TP.HCM.

Khi nối lại hoạt động, xe buýt, xe chạy tuyến cố định chỉ hoạt động tối đa đến 30% biểu đồ đối với các tỉnh, thành phố thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% theo biểu đồ đối với các tỉnh, thành phố thuộc nhóm có nguy cơ thấp.

Đông Nam Á căng thẳng vì Covid-19

Tính đến sáng 22/4, Đông Nam Á ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó 88,8% là ở Singapore, Indonesia, Philippines và Malaysia.

Singapore hiện là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất tại Đông Nam Á, trong đó phần lớn là lao động nước ngoài hợp pháp sống chen chúc trong các khu nhà tập thể. Sau vài ngày liên tiếp có số ca nhiễm mới trong ngày vượt quá con số 1.000, tới nay Singapore ghi nhận tổng cộng 9.125 ca nhiễm, với 11 ca tử vong. Đáng chú ý, số ca mắc bệnh tại đảo quốc này đã tăng gấp 6 lần kể từ đầu tháng.

5955_merlin_171386496_19a8aa69-2f39-4dfa-a982-976be311f229-superJumbo

Vùng dịch lớn thứ hai là Indonesia, với 7.135 người nhiễm song số ca tử vong cao nhất khu vực (616 ca), nằm trong nhóm 5 nước châu Á có tỉ lệ tử vong cao. Tiếp đến là Philippines, 6.599 ca và Malaysia 5.482 ca.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Indonesia tạm cấm vận chuyển hành khách bằng hàng không và đường biển

Ngày 23/4, giới chức Bộ Giao thông Indonesia đã đưa ra thông báo nước này sẽ tạm cấm các chuyến bay nội địa và vận chuyển hành khách bằng đường biển. Theo đó, nhằm ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lây lan tại đất nước vạn đảo, lệnh cấm các chuyến bay nội địa sẽ có hiệu lực đến ngày 1/6 và lệnh cấm vận tải đường biển sẽ kéo dài đến ngày 8/6 tới. Tuy nhiên, lệnh cấm này không áp dụng đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Trung Quốc tài trợ thêm 30 triệu USD cho Tổ chức Y tế Thế giới

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 23/4 tuyên bố Trung Quốc sẽ tài trợ thêm 30 triệu USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm trợ giúp cuộc chiến toàn cầu chống lại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Bà Hoa Xuân Oánh cho biết khoản tài trợ trên đặc biệt nhằm mục đích tăng cường hệ thống y tế của các quốc gia đang phát triển.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu

Tính đến hết ngày 23/4, châu Âu có 1.188.940 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 112.953 ca tử vong cho thấy số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng tại một số nước khác ở châu Âu. Hà Lan cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này tăng lên 35.729 người, với 887 ca nhiễm mới, thêm 123 ca tử vong và số ca mắc bệnh thực tế có thể cao hơn con số thống kê. Hội đồng An ninh quốc gia Bỉ thông báo nước này ghi nhận 230 ca tử vong mới cùng 908 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 42.797.

phap-co-them-2-catu-vong-vi-covid-19-eu-nang-muc-rui-ro-1-1583210924155315169

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu - Hans Kluge cho biết có đến 50% số ca COVID-19 tử vong tại châu lục này là từ trong các viện dưỡng lão, theo ông Hans Kluge, "đây là một thảm kịch không thể tưởng tượng được.”

Ngày 23/4, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha - Pablo Iglesias thông báo trẻ em dưới 14 tuổi sẽ được phép rời nhà trong 1 giờ với sự giám sát của người lớn và không được phép đi quá phạm vi 1 km tính từ nhà họ trong bối cảnh đà lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang chậm lại. Hiện giới chức Tây Ban Nha đang nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng chống dịch COVID-19 sau khi số ca mắc mới mỗi ngày giảm từ 20% xuống còn 2%. Hiện tại Tây Ban Nha vẫn đang là điểm nóng khi trong 24h qua ghi nhận 4.635 ca nhiễm mới 440 ca tử vong.

Chính phủ Romania ngày 23/4 thông báo tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này đã lên tới 10.096 người, sau khi xác nhận có thêm 386 ca mắc bệnh mới. Thông báo cho biết thêm Romania cũng ghi nhận tổng cộng 527 ca tử vong và quốc gia này đã ban hành lệnh tình trạng khẩn cấp hôm 16/3 và kéo dài hiệu lực của lệnh này tới ngày 15/5.

coronavirus-emergency-pandemic-response-russia-covid-19

Liên bang Nga cho biết tính đến chiều 23/4, nước này đã ghi nhận thêm 4.774 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 62.773 người. Nga cũng xác nhận 42 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 555 người. Địa phương có số ca nhiễm cao nhất tính theo ngày vẫn là thành phố Moskva với 1.959 ca.

Bộ Y tế Ukraine cho biết nước này ghi nhận thêm 578 ca nhiễm mới, con số cao nhất trong 1 ngày, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 7.170 người. Trước tình hình trên, Nội các Ukraine đã gia hạn các biện pháp cách ly tại nước này tới ngày 11/5. Tất cả các hạn chế áp đặt vẫn còn hiệu lực và sẽ có hiệu lực trong ít nhất hai tuần tới.

Đức theo dõi các ca nhiễm COVID-19 qua điện thoại thông minh

Theo thông báo của Chính phủ Đức, nhằm làm giảm sự lây lan của đại dịch, Đức đã lựa chọn một công nghệ tự phát triển trong nước để giám sát các ca mắc COVID-19 ở nước này qua điện thoại thông minh. Công nghệ này sẽ phục vụ Viện Robert Koch - cơ quan chỉ đạo phản ứng y tế của Đức đối với đại dịch COVID-19.

Ứng dụng sẽ sử dụng tín hiệu không dây Bluetooth của điện thoại để xác định người đó có đi lại gần với người nhiễm bệnh hay không. Từ đó, ứng dụng sẽ gửi “cảnh báo” đến những ai đã có tiếp xúc gần gũi với người đã xác nhận bị nhiễm bệnh, để những người này sẽ tự giác cách ly.

Anh nghiên cứu quy mô lớn về khả năng miễn dịch cộng đồng

Chính phủ Anh thông báo các kế hoạch nghiên cứu quy mô lớn nhằm truy vết virus SARS-CoV-2 trong toàn dân. Dự kiến, nghiên cứu sẽ kéo dài một năm với khoảng 300.000 người tham gia. Trong giai đoạn đầu, một nhóm khoảng 25.000 người sẽ được thường xuyên xét nghiệm dịch mũi và họng để xác định họ có mắc COVID-19 hay không. Các mẫu máu của những người trưởng thành ở khoảng 1.000 hộ gia đình cũng sẽ được xét nghiệm định kỳ để đánh giá bao nhiêu người đã tự tạo được các kháng thể.

GettyImages-1208040947

Thuỵ sĩ phát triển cảm biến sinh học phát hiện virus SARS-CoV-2

Một nhóm nhà khoa học ở Thụy Sĩ đã phát triển thành công một cảm biến sinh học không những có thể phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà còn có thể theo dõi chủng virus nguy hiểm này trong không khí. Các nhà khoa học tại Phòng Thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Vật liệu Liên bang Thụy Sĩ (Empa) cho biết cảm biến sinh học trên có thể được sử dụng để đo nồng độ virus SARS-CoV-2 ở những nơi đông người trong thời gian thực. Thiết bị này cũng có thể ứng dụng để phát hiện các loại virus khác, qua đó giúp phát hiện và ngăn chặn các dịch bệnh ở giai đoạn đầu mới bùng phát. Ở thời điểm hiện tại, cảm biến này đang được hoàn thiện thêm và chưa được sử dụng đại trà.

Hàng trăm người Italia đã tự tạo ra kháng thể chống virus SARS-CoV-2

Cơ quan y tế thị trấn Ortisei ở phía Bắc Italy (gần biên giới với Áo) mới đây đã tiến hành xét nghiệm kháng thể đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp COVID-19. Theo bác sỹ Simon Kostner, 49% trong số 456 người được xét nghiệm đã có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Đây có thể là kết quả đến từ việc miễn dịch cộng đồng ở thị trấn với gần 5.000 người dân này. Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng mới chỉ có khoảng 2-3% dân số thế giới dường như đã có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Pháp khuyến khích tất cả các cửa hàng bán lẻ mở cửa trở lại từ 11/5

Chính phủ Pháp ngày 23/4 bày tỏ mong muốn tất cả các cửa hàng bán lẻ có thể mở cửa trở lại một khi lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 được dỡ bỏ vào ngày 11/5 tới. Với chưa đến 10% trong tổng 67 triệu dân số của Pháp được dự báo mắc COVID-19 vào thời điểm lệnh phong tỏa kết thúc, Paris khẳng định các biện pháp hạn chế đi lại vẫn được áp dụng giữa các vùng của nước Pháp.

fs

Hạ viện Mỹ thông qua gói hỗ trợ 484 tỷ USD để phòng chống COVID-19

Ngày 23/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua một gói cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện lên đến 484 tỷ USD, nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 cũng như tăng cường xét nghiệm. Gói cứu trợ này đã nâng tổng chi phí hỗ trợ của Mỹ dành cho cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 lên tới gần 3 nghìn tỷ USD.

Dự luật gồm ngân sách bổ sung 310 tỷ USD cho Chương trình bảo vệ tiền lương, trong đó có 60 tỷ USD dành riêng cho ngân hàng cộng đồng và các nhà cho vay nhỏ với thiệt hại kinh tế do đại dịch khiến 26 triệu người mất việc làm trong 5 tuần qua. Bổ sung 75 tỷ USD cho các bệnh viện, 25 tỷ USD cho xét nghiệm và 60 tỷ USD cho các khoản vay và trợ cấp thảm họa khẩn cấp.

Hiện tại, Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với 879.430 ca nhiễm và 49.769 ca tử vong. Chính quyền bang New York cho hay hơn 20% trong tổng số 3.000 người dân được chọn ngẫu nhiên xét nghiệm kháng thể trong tuần này đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Nếu con số phản ánh đúng tình hình dịch bệnh tại đây, điều này có nghĩa rằng hơn 1,7 triệu người ở thành phố New York và 2,6 triệu người trên toàn bang đã nhiễm bệnh.

Số liệu tổng hợp tính đến sáng ngày 24/04

Số liệu tổng hợp tính đến sáng ngày 24/04

My Tống - Nguồn: Tổng hợp
RELATED ARTICLES