Tà áo dài Việt Nam từ lâu đã trở thành biểu tượng của văn hóa, lịch sử và lòng tự tôn dân tộc. Trải qua nhiều biến động thời gian, áo dài không chỉ lưu giữ giá trị truyền thống mà còn không ngừng chuyển mình để phù hợp với nhịp sống hiện đại.
Hành trình lịch sử của áo dài
Áo dài không chỉ là một trang phục, mà còn là dấu ấn của lịch sử, văn hóa Việt Nam. Theo nhiều nghiên cứu, từ thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã đặt nền móng cho chiếc áo dài hiện nay khi ban hành quy định về y phục, giúp định hình phong cách áo dài ngũ thân, một trong những tiền thân của áo dài hiện đại.

Áo dài năm thân gồm hai khổ vải được may nối lại với nhau thành thân trước kín đáo, có một thân phụ nằm dưới về phía bên phải. Bốn thân áo bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu là cha mẹ mình và cha mẹ người thương, còn thân áo thứ năm tượng trưng cho người mặc. Áo luôn có 5 cúc (khuy) cài áo thể hiện đạo lý làm người của người Việt Nam là nhân - lễ - nghĩa - trí - tín
Thế kỷ 20 đánh dấu bước ngoặt lớn khi áo dài được cách tân bởi họa sĩ Cát Tường (Le Mur) và họa sĩ Lê Phổ. Áo dài Le Mur với thiết kế ôm sát, tay phồng và cổ khoét mang hơi thở phương Tây, trong khi áo dài Lê Phổ lại giữ được nét truyền thống với cổ cao, tà dài mềm mại. Những thay đổi này không chỉ làm cho áo dài trở nên thanh thoát, quyến rũ hơn mà còn phù hợp với xu hướng thời đại.

Áo dài tân thời hay áo dài Lemur xuất hiện vào những năm 1930 do họa sĩ Nguyễn Cát Tường vẽ kiểu. Ông đã tạo kiểu và tạo dáng: có cổ, không cổ, có tay, tay ngắn, không tay, vai bồng, vai xẹp, cổ tay xoè, không xòe, có khuy, không khuy, vạt áo dài, vạt áo ngắn…
Áo dài là sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp truyền thống và sự sáng tạo hiện đại. Chiếc áo dài truyền thống với hai tà dài thướt tha, cổ cao kín đáo, và chất liệu lụa mềm mại đã trở thành biểu tượng của sự duyên dáng, thanh lịch. Nhà thơ Nguyên Sa từng viết: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát / Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”, như một lời ca ngợi vẻ đẹp dịu dàng, tinh tế của tà áo dài.
Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, áo dài không chỉ dừng lại ở những thiết kế truyền thống. Sự xuất hiện của áo dài cách tân với cổ thấp, tà ngắn, hay chất liệu denim, voan đã mang đến một làn gió mới, thu hút giới trẻ. Trong dòng chảy đó, có những người luôn nỗ lực để giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của áo dài, trong đó có MC Tùng Leo. Anh chia sẻ: “Chúng ta không phải đang làm mới áo dài, mà chỉ đang làm cho áo dài phù hợp hơn với thời đại. Đó mới là cụm từ chính xác nhất”.

MC Tùng Leo
Giữ hồn áo dài trong thời đại mới
Ngày nay, áo dài không chỉ còn là trang phục của nữ giới trong những dịp đặc biệt, mà đang dần trở lại với nam giới và được nhiều bạn trẻ yêu thích. Những mẫu áo dài cách tân xuất hiện ngày càng nhiều, đem lại sự tiện lợi nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên bản. Tuy nhiên, ranh giới giữa sáng tạo và làm mất đi giá trị truyền thống cũng trở thành vấn đề đáng suy ngẫm.
"Thay vì thiết kế một chiếc áo dài cách tân, thực chất chúng ta đang thiết kế một trang phục hiện đại dựa trên cảm hứng từ áo dài. Để gọi là áo dài thực thụ, ta phải giữ nguyên bản gốc của nó: tà dài, đường nét mềm mại và sự cân bằng âm dương trong từng chi tiết", MC Tùng Leo nhấn mạnh.


Những mẫu áo dài cách tân xuất hiện ngày càng nhiều, đem lại sự tiện lợi nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên bản
Trong làng thời trang Việt, những nhà thiết kế như Sĩ Hoàng, Minh Hạnh đã có những bước đi quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc áo dài. Họ không chỉ bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn đưa áo dài đến gần hơn với giới trẻ qua những bộ sưu tập độc đáo, mang đậm tinh thần dân tộc nhưng không lỗi thời.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã dành hơn 30 năm sự nghiệp gắn bó và tôn vinh vẻ đẹp của áo dài
Áo dài và lòng tự tôn dân tộc
Mỗi khi nhìn thấy tà áo dài tung bay trên phố, người Việt lại thêm một lần cảm nhận sâu sắc về bản sắc quê hương. Không chỉ là trang phục, áo dài còn mang trong mình niềm tự hào dân tộc. MC Tùng Leo kể lại: "Khi tôi ra nước ngoài và khoác lên mình tà áo dài, tôi cảm thấy mình không đơn thuần là một cá nhân, mà đang đại diện cho văn hóa Việt Nam. Cảm giác ấy thật sự rất thiêng liêng".
Chính vì thế, việc quảng bá áo dài không chỉ nằm ở các nhà thiết kế hay nghệ sĩ mà còn là trách nhiệm chung của mỗi người. Những năm gần đây, phong trào mặc áo dài trong ngày Tết, tại các sự kiện quan trọng hay thậm chí trong đời sống hằng ngày đang dần trở nên phổ biến. Không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ diện áo dài đi dạo phố, chụp ảnh, tham gia lễ hội. Điều này cho thấy áo dài không hề bị lãng quên mà đang dần trở lại mạnh mẽ, phù hợp với hơi thở đương đại.

Sự tự tôn dân tộc còn được thể hiện qua cách người Việt bảo tồn và phát huy giá trị của áo dài
Sự tự tôn dân tộc còn được thể hiện qua cách người Việt bảo tồn và phát huy giá trị của áo dài. Dù có nhiều biến thể, nhưng cốt lõi của áo dài vẫn được giữ vững: tà dài thướt tha, sự kín đáo và thanh lịch. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng, một trong những người tiên phong trong việc cách tân áo dài, từng nói: “Thiết kế áo dài là tôn vinh giá trị đúng chuẩn của áo dài, nhưng vẫn gần gũi với thời đại”.
Sứ mệnh của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn áo dài
Bên cạnh việc diện áo dài, nhiều bạn trẻ còn tham gia các dự án nghiên cứu, phục dựng cổ phục để hiểu rõ hơn về lịch sử trang phục Việt. Các nhóm yêu văn hóa như "Đình làng Việt", "Vietnam Centre" hay các nhà thiết kế trẻ đã và đang góp phần quảng bá áo dài và cổ phục Việt ra thế giới.
"Giới trẻ bây giờ không chỉ mặc áo dài mà còn hiểu về nó, nghiên cứu về nó. Đây là tín hiệu đáng mừng, vì chỉ khi ta hiểu sâu sắc một thứ gì đó, ta mới có thể bảo tồn và phát triển nó đúng cách", MC Tùng Leo chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước, áo dài Việt Nam ngày càng xuất hiện trên các sàn diễn thời trang quốc tế, trở thành niềm tự hào khi được bạn bè quốc tế đón nhận. Những thiết kế mang cảm hứng từ áo dài đã được các nhà mốt lớn như Chanel, Dior đưa vào bộ sưu tập, chứng minh sức hút của tà áo Việt trên bản đồ thời trang toàn cầu.

Trên form nền cơ bản của tà áo dài truyền thống, NTK Nguyễn Công Trí đã đính kết thủ công cực kì tỉ mỉ từng họa từng cánh hoa, từng hạt cườm lấp lánh trong BST “Coco yêu dấu”
Áo dài không chỉ là một bộ trang phục, mà còn là câu chuyện về lịch sử, văn hóa và tinh thần dân tộc. Việc giữ gìn áo dài không có nghĩa là đóng khung nó trong quá khứ, mà là đưa nó đến gần hơn với hiện tại và tương lai. Như MC Tùng Leo đã nói, "Bảo tồn áo dài không khó, nhưng để thiết kế một chiếc áo dài thực thụ lại rất khó. Đừng chỉ dừng lại ở việc mặc áo dài, hãy hiểu và trân trọng giá trị của nó".
Tà áo dài Việt Nam đã, đang và sẽ mãi là biểu tượng của vẻ đẹp truyền thống, của lòng tự hào dân tộc và của sự sáng tạo không ngừng. Và khi nào trên đường phố vẫn còn những tà áo dài bay bay, khi ấy, hồn quê hương vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi bước chân người Việt.