Bạch Mã, "núi thần"

14/11/2021

99% những ai từng đến Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế), đều thừa nhận rằng nơi này đẹp, và không chỉ đẹp, mà còn giống như một ngọn núi thần với khả năng "chữa lành" kì lạ. Tại sao?

Bạch Mã, hay Vườn Quốc gia Bạch Mã, nằm cách trung tâm thành phố Huế về phía Nam khoảng hơn 40 km. Cùng với những Sa Pa, Tam Đảo, Bà Nà hay Đà Lạt, Bạch Mã cũng là tọa độ được người Pháp khi xưa cho xây dựng thành điểm nghỉ mát, với đặc điểm chung là nằm trên núi cao. Nhưng, Bạch Mã khác hoàn toàn với những ngọn núi - điểm nghỉ dưỡng khác của Việt Nam từng được người Pháp "lựa chọn".

Bạch Mã không chỉ nằm trên núi cao, mà còn cận kề với biển. Ngăn giữa rừng núi và đại dương lại là phá Tam Giang. Hơi muối từ đại dương “nhạt” đi nhờ phá Tam Giang “hút” bớt trước khi thổi lên núi rừng Bạch Mã, chính vì thế, khí hậu nơi đây trở thành chốn lý tưởng cho nhiều loài chim muông, động thực vật chọn trú ngụ, sinh trưởng; cũng như là nơi trốn cho những người yêu thiên nhiên tìm về.

Nhiều người tin rằng, cái tên Bạch Mã ám chỉ hình ảnh những biển mây vờn quanh đỉnh núi mỗi độ chiều về, uyển chuyển tựa như một con bạch mã - ngựa trắng.

Nhiều người tin rằng, cái tên Bạch Mã ám chỉ hình ảnh những biển mây vờn quanh đỉnh núi mỗi độ chiều về, uyển chuyển tựa như một con bạch mã - ngựa trắng.

Trần Thiện - người Đông Hà (Quảng Trị), hiện là phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên-Huế, cũng là một trong số vô vàn du khách đã "phải lòng" với Bạch Mã. Kể từ lần đầu đặt chân đến núi Bạch Mã vào năm 2016 đến nay, cứ mỗi độ hai tháng, anh tìm đến nơi này một lần, mỗi lần kéo dài hai, ba ngày.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

"Tôi cũng hay đi du lịch đây đó, nhưng không nơi nào cho tôi cảm nhận như Bạch Mã cả" - anh chia sẻ, "Bởi Bạch Mã không chỉ có phong cảnh, mà sau mỗi khi ở đây, sự căng thẳng, mệt mỏi của tôi đều biến mất hết".

"Tôi có thể dành cả ngày ngồi ở Vọng Hải Đài của Bạch Mã. Ở đó có những cuộc bình minh - hoàng hôn mỗi lần một khác, chẳng bao giờ trùng lặp".

"Ngày đầu tiên lên Bạch Mã, năm 2016, tôi đã thấy nơi này quá tuyệt vời và quyết định ở lại đây thêm hai ngày. Hai ngày sau đó, phần lớn tôi chỉ ngồi ở căn nhà trên đỉnh núi, để quan sát sự biến chuyển của thiên nhiên Bạch Mã. Trời, mây, khung cảnh... Đó là lúc tôi nhận ra, cứ chừng năm mười phút, cảnh Bạch Mã lại thay đổi một lần. Và đó cũng là lúc tôi quyết định, sẽ quay lại Bạch Mã thêm nhiều lần nữa".

Diễn tả về Bạch Mã, họ thường tả bằng những câu chữ chứa đựng cả cảm xúc - mà những người chưa từng đi, khó có thể đồng cảm. Những bộ ảnh hùng vĩ và lộng lẫy cũng chẳng thể nói lên đủ nửa phần đẹp của nơi này. Vậy mời độc giả, hãy thử trải nghiệm Bạch Mã - trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ - qua những khung cảnh được góp nhặt trong "5 năm Bạch Mã" của Trần Thiện.

Thông tin thêm

Năm 1925, dưới thời Pháp thuộc, để bảo vệ loài Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), chính quyền sở tại đã xây dựng và đệ trình lên Bộ Thuộc địa Pháp một dự án thành lập vườn quốc gia rộng 50.000 ha. Năm 1932, Bạch Mã được phát hiện và đệ trình xây dựng khu nghỉ mát bởi ông M.Girard, kỹ sư trưởng ngành cầu đường, chính quyền Pháp thuộc. Năm 1942, khu nghỉ mát từ đai cao 1.200 m đến đỉnh Bạch Mã được xây dựng hoàn chỉnh với một quần thể gần 139 biệt thự, chợ, bưu điện, nhà hàng tạp hóa và một tuyến đường ô tô nhỏ 19 km nối từ quốc lộ tới khách sạn Morin. Ngoài ra, khu nghỉ mát còn có một hệ thống các đường mòn dẫn đến các biệt thự, các cảnh quan thiên nhiên hoang sơ như Vọng Hải Đài, Công viên Rừng, Công viên Đá hát, trại Hướng Đạo Đông Dương, suối Hoàng Yến, thác Bạc, thác Ngũ Hồ, thác Đỗ Quyên...

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, đỉnh Bạch Mã là một cứ điểm quan trọng về quân sự. Vào đầu tháng 08/1973, Mỹ đã thiết lập sân bay trực thăng dã chiến và đã đổ bộ một tiểu đoàn lính bảo an, cùng nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, nhằm chiếm giữ điểm cao Bạch Mã. Ngày 06/09/1973, bộ đội chủ lực thuộc Trung đoàn 6 đã tấn công và chiếm đóng điểm cao Bạch Mã để đảm bảo phòng thủ, bảo vệ tuyến đường chi viện Bắc Nam của quân giải phóng ở khu vực Nam Đông, Phú Lộc. Sau khi chiến thắng và làm chủ điểm cao Bạch Mã, Bô tư lệnh đã chỉ đạo Tiểu đoàn 5, Quân khu Trị Thiên đào hệ thống các hầm công sự, địa đạo và các giao thông hào để làm căn cứ chiến đấu, bảo vệ điểm cao Bạch Mã. Ngày nay, hệ thống địa đạo này được đặt tên là Địa đạo Bạch Mã, là Di tích lịch sử Cách mạng đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 2009.

Ngày 09/8/1986, Chủ tịch HĐBT đã ký Quyết định 194/CT về việc thành lập hệ thống các khu rừng cấm trong toàn quốc, trong đó có Bạch Mã - Hải Vân.

Cho đến nay, VQG Bạch Mã có tổng diện tích tự nhiên là 37.423,10 ha, nằm trên địa bàn ranh giới hành chính của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

(theo thông tin Vườn Quốc gia Bạch Mã)

Thực hiện: Lâm Oanh - Hình ảnh: Trần Thiện
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES