Đền Bạch Mã (trấn Đông) cùng với đền Voi Phục (trấn Tây), đền Kim Liên (trấn Nam) và đền Quán Thánh (trấn Bắc) được biết đến là “Thăng Long tứ trấn”, biểu tượng cho đời sống văn hóa tâm linh xứ Kinh Kỳ. Là ngôi đền trấn giữ phía Đông của kinh thành Thăng Long xưa, đền Bạch Mã được xây dựng tại huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức nay ở địa chỉ số 76 phố Hàng Buồm (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sở dĩ được xem như một trong những chốn linh thiêng bậc nhất Hà Thành bởi nơi đây thờ thần Long Đỗ - Bạch Mã Đại Vương, một vị thần bảo hộ Thăng Long.
Vẻ đẹp vượt thời gian giữa lòng phố cổ
Được xây dựng từ thế kỷ IX, đền Bạch Mã mang vẻ đẹp cổ kính, tráng lệ với nền tường vàng, cánh cửa làm bằng gỗ đỏ được chạm khắc rồng vàng. Nơi đây bao gồm Nghi Môn, Phương Đình (sân trước), Đại Bái (đình bên ngoài), Thiên hương, cung cấm (nơi tôn thờ tượng thần Bạch Mã) và nhà hội đồng.
Một trong những điểm nổi bật của kiến trúc bên trong ngôi đền là toàn bộ khung nhà gỗ với hệ thống cột gỗ lim lớn với bộ đỡ mái chạm khắc tỉ mỉ theo đúng cấu trúc “giá chiêng chồng rường con nhị” và “hệ cùng ba phương”. Vậy nên, ngôi đền vẫn giữ trọn vẻ đẹp trang nghiêm vượt dòng thời gian giữa lòng Thủ đô Hà Nội.
Nhà Đại Bái đền Bạch Mã đặt áng thờ được chế tác tinh xảo và chạm khắc chi tiết rồng phượng sơn son thếp vàng. Đặc biệt, các chi tiết đầu rồng, hoành phi, câu đối không chỉ thếp vàng rực rỡ mà còn vô cùng tinh xảo.
Hiện nay, đền Bạch Mã vẫn còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị như bia đá, sắc phong, kiệu thờ, hạc thờ, đôi phỗng, hương án, độc bình, chuông đồng… Khi tham quan, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng 15 tấm bia đá được khắc lại những điển tích, thần thoại xây dựng đền và nghi lễ cúng thần, các lần tôn tạo trong hơn 1000 năm qua.
Ngoài ra, ngôi đền còn có những đồ thờ tự quý hiếm và sắc phong của các vị vua trong triều đại Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Đền cũng lưu giữ 13 hoành phi và văn bia liên quan đến thần Long Đỗ và Bạch Mã. Bên cạnh đó, nhiều hiện vật có giá trị khác tại đền Bạch Mã như Cỗ Long ngai với chữ khắc ghi tên của vị thần “Long Đỗ Thần quân quảng lợi Bạch Mã Đại vương” và bức hoành phi “Đông trấn linh từ”.
Giữa những nhộn nhịp thường nhật đất Hà Thành, không gian linh thiêng của đền Bạch Mã dường như trở thành vẻ đẹp độc đáo khắc họa nét riêng biệt chỉ có ở phố cổ Hà Nội.
Là người con miền Trung lần đầu có dịp du xuân tại Hà Nội, Nguyễn Thị Diệu (Quảng Nam) tâm sự: “Trong lúc đi dạo quanh phố cổ, mình tình cờ thấy đền Bạch Mã nên đã bước vào để tham quan và chụp ảnh. Ngay lập tức, mình đã bị ấn tượng với vẻ đẹp cổ kính và cảm nhận được sự uy nghiêm của ngôi đền này. Đây cũng sẽ là một trong những kỷ niệm mình ghi nhớ khi lần đầu đặt chân đến Hà Nội”.
Lịch sử ngôi đền linh thiêng nức tiếng Thủ đô
Vào thế kỷ X, trên đường đi chinh chiến đánh giặc, Đinh Bộ Lĩnh ghé đến đền Bạch Mã nằm ở phía Đông thành Đại La nhằm cầu nguyện và hứa hẹn sẽ phong sắc thần nếu được như ý nguyện.
Sau khi dẹp loạn quân thù thống nhất đất nước, vua Đinh Tiên Hoàng mơ thấy một vị thần tự gọi mình là thần Bạch Mã và nhắc nhở rằng vua chưa tổ chức đúng nghi thức để tôn vinh thần. Lúc tỉnh giấc, vua liền phong tặng đền thờ thần Bạch Mã tên là Hộ Quốc Bảo Cảnh Linh Thông Tế Thế, Đô Đại Thành Hoàng Linh Lang Bạch Mã Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần và cho xây dựng thêm đền thờ Thần Linh Lang Bạch Mã ở quê hương Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt.
Vào thời kỳ triều Nguyễn, vua Đồng Khánh cũng đã ban sắc phong cho thần Bạch Mã là Hàm Quang Thượng Đẳng Thần.
Tương truyền, vào năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, vua cho xây thành nhiều lần nhưng cứ đắp lên lại bị sụp đổ. Vua liền sai người đến đền cầu đảo, liền thấy một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi đến đâu để vết chân đến đấy, xong xuôi ngựa quay về đền và từ từ biến mất. Thấy vậy, vua cho xây thành đắp đê theo đúng dấu chân ấy và thành công. Từ đó, đền mới lấy tên là đền Bạch Mã và tôn thờ thần Long Đỗ làm Thành Hoàng của kinh thành Thăng Long.
Tính đến thời điểm hiện nay, ngôi đền đã được tu bổ nhiều lần nhưng vẫn giữ được cảnh quan uy nghiêm mang những giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt. Trong đó, hai đợt trùng tu lớn nhất diễn ra vào niên hiệu Chính Hòa đời Lê Hy Tông và năm Minh Mệnh thứ 20.