Về ý nghĩa, Tết Nguyên Tiêu được cả hai nền văn hóa coi là thời điểm để sum họp gia đình, cầu mong an khang thịnh vượng và bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên. Đây cũng là dịp để mọi người cùng nhau vui chơi, giải trí và thưởng thức các món ăn truyền thống.
Bên cạnh sự giao thoa văn hóa, Tết Nguyên Tiêu ở Việt Nam và Trung Quốc cũng có những điểm biệt lập về ý nghĩa và các hoạt động.
Tết Nguyên Tiêu tại Trung Quốc
Tại Trung Hoa xưa, Tết Nguyên Tiêu còn được gọi là Tết Trạng Nguyên. Đây là dịp nhà vua hội họp, thết tiệc và mời các ông Trạng vào thượng uyển tham hoa, ngắm cảnh, làm thơ.
Về sau, Tết Nguyên Tiêu được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới, còn được gọi là “Lễ hội đèn hoa” hoặc “Hội hoa đăng”. Nguồn gốc của tên gọi này có thể bắt nguồn từ tục trưng đèn trên cây nêu trước cửa nhà, đốt đèn, chơi lồng đèn ngũ sắc thời Hán Vũ Đế. Những lồng đèn có hình thù rồng, phượng, 12 con giáp hoặc những nhân vật cổ trong truyền thuyết, cổ tích được yêu chuộng trong ngày lễ này.
Ngoài ra người dân nơi đây còn bày biện lễ vật để cầu an cầu phước, mong một năm mới an khang thịnh vượng, sức khỏe dồi dào. Bánh trôi, hay còn gọi là "thang viên", tượng trưng cho sự sum vầy, viên mãn trong gia đình, cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày này.
Đặc biệt, ở Đài Loan còn nổi tiếng với phong tục thả thiên đăng vào đêm Rằm tháng Giêng. Người dân ghi những lời ước nguyện lên đèn lồng, sau đó thả bay lên trời cao để cầu may mắn, bình an. Hình ảnh những chiếc đèn lồng lung linh huyền ảo bay lên bầu trời đêm tạo nên một khung cảnh vô cùng ấn tượng.
Nhiều người còn ví Tết Nguyên Tiêu như "mùa Valentine phương Đông", tương tự như lễ Thất Tịch, tạo nên bầu không khí lãng mạn và thu hút các cặp đôi hẹn hò.
Tết Nguyên Tiêu tại Việt Nam
Ông bà ta có câu "Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng" hay "Cả năm được Rằm tháng Bảy, cả thảy được Rằm tháng Giêng" cho thấy tầm quan trọng của Tết Nguyên Tiêu trong văn hóa Việt Nam. Đây là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính, cầu bình an cho năm mới.
Vào ngày này, người dân thường đi chùa lễ Phật, cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Đồng thời, họ cũng bày mâm cúng ngoài trời để bày tỏ lòng biết ơn đối với Trời Đất, Thần Tiên, Thánh Phật và các anh hùng dân tộc.
Tại các khu vực tập trung đông người Hoa như quận 5 ở TP. Hồ Chí Minh, chùa Bà Bình Dương, chùa Bà Lái Thiêu... Lễ hội Nguyên Tiêu được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc. Diễu hành với trang phục dân tộc, hóa trang thành các vị tiên phật, múa lân, múa rồng, múa sư... là những điểm nhấn thu hút du khách.
Từ năm 2020, Tết Nguyên Tiêu của người Hoa Chợ Lớn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước vào mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Mâm cỗ cúng Tết Nguyên Tiêu của người Việt là sự kết hợp hài hòa giữa các món ăn truyền thống mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Xôi gấc tượng trưng cho sự may mắn, bánh chưng tượng trưng cho trời đất, bánh trôi bánh chay cầu mong mọi việc trôi chảy, gà luộc ngậm hoa thể hiện sự sung túc, chân giò bó luộc (hoặc giò chả) mang ý nghĩa đủ đầy, dưa món tạo nên vị chua thanh cho mâm cỗ. Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn tượng trưng cho trời đất vũ trụ. Mâm cơm cúng ngày Rằm tháng Giêng với các vị mặn, cay, chua, ngọt thể hiện mong ước về một năm mới an khang, thịnh vượng.