Ngày Tết Nguyên tiêu mang ý nghĩa về sự đoàn viên, cũng là dịp để cả gia đình quây quần bên nhau cùng ăn uống, trò chuyện và ngắm trăng. Ở nhiều vùng miền, họ coi Rằm tháng Giêng là dịp Tết muộn nên vẫn tấp nập gói bánh chưng, chơi hoa đào và bày biện cỗ bàn linh đình. Đặc biệt, mâm cỗ cúng dâng lên tổ tiên không chỉ bày tỏ lòng biết ơn mà còn để cầu phúc an lành và mong một năm mới gặp nhiều may mắn.
Tinh tế mâm cỗ chay thanh tịnh
Tùy vào thói quen và nhu cầu riêng, mỗi gia đình lại lựa chọn cúng mặn hay cúng chay. Ngày nay, nhiều gia đình quan niệm rằng Tết Nguyên tiêu mở đầu năm mới là ngày tránh sát sinh nên ăn chay thanh tịnh để cầu mong may mắn, giải hạn cho cả năm. Thêm vào đó, tiếp cận với xu hướng ăn chay, cúng chay đã trở thành một nét đẹp văn hóa nở rộ những năm gần đây, đặc biệt vào các dịp lễ quan trọng như Rằm tháng Giêng.
Rằm tháng Giêng cúng chay không chỉ là cơ hội để thưởng thức những món ăn thanh đạm, một dịp chiêm nghiệm bản thân, mà còn là một lối sống có lẽ không có nét văn hóa ẩm thực nào làm được. Các món chay đa phần được chế biến từ nguồn nguyên liệu đơn sơ, giản dị mà vô cùng thanh lành.
Có thể thấy, mẹ thiên nhiên đã ưu ái ban tặng con người biết bao “của ngon vật lạ” đến từ tự nhiên. Bởi lẽ, mỗi vùng miền lại sở hữu các loại rau trái theo mùa dễ kiếm, dễ tìm, dễ mua. Để rồi, qua bàn tay khéo léo và tinh tế, một mâm cỗ chay thịnh soạn được chế biến thơm ngon đủ vị chẳng thua kém gì những món ăn mặn.
Một mâm cỗ chay ngày Rằm tháng Giêng không chỉ cầu kỳ trong phương thức chế biến, hài hòa của hương vị mà còn tinh tế bởi cách trình bày. Dường như mâm cỗ còn là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành: Hạt sen, củ sen trắng (hành kim), màu xanh rau củ (hành mộc), màu đen từ nấm hương (hành thủy), màu đỏ của cà rốt (hành hỏa) và màu vàng của phù trúc (hành thổ).
Ăn chay là một cách hướng tới sự thanh tịnh và như thế, cỗ chay tựa như nghệ thuật chế biến để đạt tới sự cân bằng, sao cho vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng mà vẫn toát lên vẻ nhẹ nhàng và tinh tế.
Độc đáo mâm cỗ chay hiện đại thời 4.0
Cận kề ngày Rằm tháng Giêng, mâm cỗ chay online là từ khóa được tìm kiếm rất nhiều trên Google và kết quả cho ra thì nhiều vô kể. Đáp ứng nhu cầu của các gia đình bận rộn, hàng loạt hàng quán bày bán dịch vụ đặt mâm cỗ chay online ra đời vừa đảm bảo hương vị thơm ngon đa dạng lại vừa nhanh gọn, tiện lợi, tiết kiệm thời gian.
Trò chuyện với Travellive, chị Đỗ Quyên - chủ thương hiệu của chuỗi nhà hàng Chay Hạnh Phúc cho biết: “Thị trường đặt cỗ chay online khoảng hai, ba năm trở lại đây được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, năm nay 2024 kinh tế có đôi chút khó khăn nên không đông khách như năm ngoái”.
Theo chị Đỗ Quyên, mâm cỗ chay bao gồm 5, 7, 9 đến 12 món có giá dao động từ 500.000 - 1.500.000 đồng/mâm. Được biết, mâm cỗ chay được nhiều gia đình yêu thích lựa chọn có giá từ 500.000 - 700.000 đồng/mâm. Bởi lẽ, mâm cỗ này có giá tiền vừa phải, phù hợp cho gia đình nhỏ 4-6 người ăn với khoảng 7 đến 9 món.
Mỗi mâm cỗ vẫn đủ đầy các món ăn truyền thống dịp lễ Tết nhưng được biến tấu bằng đồ chay như xôi, bánh chưng, canh, món xào, món kho, món chiên, nộm, nem rán, giò chay… Đặc biệt, các set cỗ chay cũng được đặt những tên gọi ý nghĩa phù hợp với không khí gia đình đoàn viên như Tình thân, Sum vầy, An vui, Như ý và Nguồn cội…
Để lên thực đơn cho một mâm cỗ chay, cửa hàng dành một tháng để lên ý tưởng và làm thử bản mẫu. Sau đó, bài toán đặt ra là làm sao để trong quy trình chuẩn bị, chế biến chú ý món ăn phải luôn tươi mới, đảm bảo chất lượng, trình bày đẹp mắt và giao hàng đúng giờ. Khách hàng có nhu cầu sắm sửa ngày Rằm tháng Giêng chỉ cần đặt hàng qua facebook, zalo, điện thoại… trước 1-2 tiếng là đã có ngay một mâm cỗ chay đủ đầy hương vị tươi ngon và màu sắc bắt mắt.
Giải mã nguồn gốc Tết Nguyên tiêu
Rằm tháng Giêng hay còn được gọi là Tết Nguyên tiêu, có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, diễn ra vào ngày 14 - 15 tháng Giêng Âm lịch. Có nhiều tài liệu cho rằng, Tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ thời Tây Hán (Trung Quốc).
Câu chuyện kể về việc các cung nữ mỗi khi dịp Xuân đến lại nhớ nhà nhưng không thể ra cung thăm gia đình. Lúc này, một viên sủng thần của Hán Vũ Đế là Đông Phương Sóc đã cảm động trước tấm lòng của cung nữ và giúp đỡ cô. Ông tung tin thành Trường An sẽ bị Hỏa thần thiêu rụi, vua và hoàng tộc nên lánh nạn ngoài cung, trong khi trong cung sẽ được treo đầy lồng đèn giả cảnh lửa cháy lừa Hỏa thần. Sau đó, Hán Vũ Đế đã chấp thuận kế sách này.
Từ đó về sau, vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, nhà nhà người người đều treo đèn lồng. Phong tục này được lưu truyền rộng rãi qua nhiều thế hệ và lan rộng đến Việt Nam. Tuy nhiên, ở nước ta, Tết Nguyên tiêu cũng có những sự biến tấu khác biệt so với đất nước Trung Quốc.