Bàu Tró - khoảng lặng xanh giữa vùng cát bỏng

26/09/2023

Tọa lạc ở phía Bắc cửa biển Nhật Lệ, Quảng Bình giữa những động cát cao, Bàu Tró khiến ai lần đầu đặt chân đến cũng phải ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp nên thơ. Đây còn là nơi lưu giữ nhiều vết tích của người nguyên thủy thời hậu kỳ đồ đá.

Trong hành trình “về nguồn”, về thăm nhà bác ruột ở Quảng Bình, vào thăm những di tích lịch sử nổi tiếng của chiến trường xưa tại vùng đất thép Quảng Trị… ngày cuối cùng của chuyến đi, chúng tôi thuê xe máy chạy lòng vòng. Tìm mãi mới ra quán bánh canh trứ danh ở Đồng Hới xong tính đi café. Trời xanh mây trắng nắng vàng của một buổi sáng Chủ Nhật, làm vòng xe trở nên bất định lang thang và cơ duyên đưa chúng tôi lạc bước vào con đường đất phủ đầy sạn đỏ, vào với một thắng cảnh, một di tích khảo cổ có cái tên khá lạ lẫm và thú vị: Bàu Tró.

Tên gọi “Bàu Tró” xuất phát từ cách gọi theo ngôn ngữ địa phương. Theo đó, hồ nước theo phương ngữ miền Trung được gọi là

Tên gọi “Bàu Tró” xuất phát từ cách gọi theo ngôn ngữ địa phương. Theo đó, hồ nước theo phương ngữ miền Trung được gọi là "Bàu", "Tró" là cổ ngữ của người bản địa

Ngạc nhiên xen lẫn tò mò và thích thú, vì giữa một đô thị loại II đang dần trở nên sầm uất và đông đúc như thành phố Đồng Hới mà tự dưng lại có một vạt rừng với những thảm cây đều đặn, xanh mát hiền hòa, càng đi càng cảm thấy yên ả với những cánh bướm buổi sớm chập chờn, tiếng lá rì rào thi thoảng xen vào cao độ líu lo tiếng chim hót. Những thảm cỏ xanh rì, đều đặn và tươi tốt dưới những tán cây minh chứng cho nơi này ít có người lui tới. Càng đi ra phía mí nước, cỏ càng trở nên dày và cứng vì mọc lên từ những vạt cát trắng hạt nhỏ mịn màng, có những bụi cỏ già vẫn chưa phai hết nét khô cháy của mùa khô miền Trung gió cát nắng lửa vừa mới đi qua.

Và một hồ nước ngọt trong xanh hiện ra yên ả dưới sớm mai bình lặng, đẹp trời làm chúng tôi ngỡ ngàng xen lẫn thích thú. Một thắng cảnh đáng yêu thế này sao ít được biết đến, ít được xem nghe đọc thấy trên các phương tiện truyền thông quảng bá về du lịch? Đi qua cây phi-lao cổ thụ với bộ rễ vặn xoắn đặc trưng của thực vật vùng gió cát là bờ nước thoải dài. Hồ nước có cảm giác gần như còn nguyên sơ khi chưa thấy dáng dấp của bê-tông kè giữ bồi đắp hay chưa thấy bóng dáng xanh đỏ ồn ã của du lịch tìm đến. Mặt nước phẳng lặng hiền hòa thi thoảng lăn tăn bóng cá quẫy. Phía gần lối đường mòn mới thấy thấp thoáng con thuyền be bé cỡ chiếc vỏ lãi miền Tây Nam bộ và vài thân cây khô vươn dài ra được đặt làm cầu ở chỗ có độ sâu vừa đủ cho dân lấy nước.

Rừng xanh bao quanh Bàu Tró

Rừng xanh bao quanh Bàu Tró

Ngó nghiêng, ngắm nghía xong đem điện thoại ra định vị, chúng tôi ồ lên thích thú vì hồ nước Bàu Tró này chỉ cách biển Nhật Lệ chừng 100 m. Tên gọi “Bàu Tró” xuất phát từ cách gọi theo ngôn ngữ địa phương. Theo đó, hồ nước theo phương ngữ miền Trung được gọi là "Bàu", "Tró" là cổ ngữ của người bản địa. Tương truyền hồ Bàu Tró là nơi có nguồn nước ngọt sạch nhất mà người dân nơi đây xưa kia chỉ dùng vào dịp quan trọng như đám tiệc, cúng giỗ, đó là lý do của những cây cầu đơn sơ mộc mạc mà chúng tôi thấy phía trên kia.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Địa danh Bàu Tró gắn với những câu chuyện dân gian kỳ bí. Có chuyện kể rằng hồ được tạo thành từ dấu chân của người khổng lồ khi đi ngang qua vùng này, bởi hình dáng của hồ giống một bàn chân rất lớn. Câu chuyện khác lại cho rằng hồ được hình thành từ nước của một con sông ngầm chảy trong lòng đất Quảng Bình.

Để giày dép lại một góc, đi dạo một vòng, cảm nhận mặt đất xen lẫn cát mềm còn ẩm ướt nước ròng và sương đêm mềm mịn dưới chân. Đến chỗ gần đường đi, ngồi lên thân cây đổ nghiêng, vui vẻ pose vài tấm hình độc đáo rồi ra về. Trên lối ra, bắt gặp tấm bia loang lổ mầu thời gian khắc những thông tin vắn tắt về địa danh như một mỹ nhân ven biển này. Hóa ra Bàu Tró là hồ cung cấp nước ngọt quan trọng cho Đồng Hới nên vẫn được chính quyền địa phương giữ nguyên vẹn, sạch sẽ để đảm bảo sức khỏe cho người dân toàn thành phố. Hồ này nổi tiếng về khảo cổ học khi các nhà khảo cổ Pháp và Việt Nam đã khai quật các hiện vật có niên đại khoảng 5.000 năm tại địa điểm này. Các hiện vật Bàu Tró là những di vật quan trọng cho việc nghiên cứu dấu tích của người Việt tại khu vực Trung Bộ.

Tọa lạc ở phía Bắc cửa biển Nhật Lệ, Quảng Bình giữa những động cát cao, Bàu Tró khiến ai lần đầu đặt chân đến cũng phải ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp nên thơ

Tọa lạc ở phía Bắc cửa biển Nhật Lệ, Quảng Bình giữa những động cát cao, Bàu Tró khiến ai lần đầu đặt chân đến cũng phải ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp nên thơ

Mùa hè năm 1923, hai thông tín viên người Pháp của Viện Viễn Đông Bác cổ là Max và Depiruy đã phát hiện ra di chỉ khảo cổ học tại Bàu Tró. Cuối mùa hè năm đó, nhà Địa chất kiêm khảo cổ học Étienne Patte đã tổ chức khai quật. Những hiện vật được tìm thấy và công bố bao gồm nhiều rìu đá, mảnh tước, hòn ghè bằng thạch anh, bàn nghiền hạt, mảnh gốm vỡ... minh chứng cho đời sống của người Việt cổ hiện diện nơi này từ thời đồ đá mới.

Đầu năm 1980, trường Đại học Huế đã tổ chức khai quật lại di chỉ Bàu Tró này, cách hố khai quật của E. Patte hơn 100 m về phía tây. Hiện vật thu được gồm có nhiều rìu, bàn mài, chày nghiền, mũi nhọn và vô số các mảnh gốm vỡ của các loại nồi, niêu, bình, vò... Từ đó, các nhà khảo cổ học đã lấy tên của di chỉ này để đặt cho nền văn hoá hậu kỳ đá mới phân bố ở vùng ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên là văn hoá Bàu Tró.

Chỉ là những khách du lịch bình thường, chúng tôi như khám phá ra một điều thú vị và vui thích mới. Nếu có dịp quay trở lại, nhất định chúng tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho Bàu Tró, có thể là tụ họp cắm trại picnic để được thưởng thức khung cảnh đẹp đẽ hiền hòa nên thơ, gần như nguyên sơ nơi này và cảm thấy thú vị khi mình đang ở nơi người khổng lồ đã từng bước chân qua hoặc nơi mà khoảng 5.000 năm trước, Tổ tiên mình đã từng sinh sống.

Lê Hồng Lam
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES