Động thái này nhằm giữ gìn một loạt hệ thống các hang động vừa được phát hiện gồm: Chà Cùng, Chà Rào, đặc biệt là hang Sơn Nữ. Từ đó, góp phần phát triển các điểm du lịch sinh thái và cộng đồng giai đoạn 2020 - 2025 một cách hợp lý tại xã miền núi Trường Sơn.
UBND xã Trường Sơn yêu cầu tất cả các cơ quan, ban, ngành đóng trên địa bàn tăng cường vận động, tuyên truyền nhân dân và du khách chung tay gìn giữ, bảo vệ. Nghiêm cấm những hành vi tác động đến hệ thống thạch nhũ tại các hang động. Việc leo trèo, dẫm đạp hoặc tiếp xúc trực tiếp lên thạch nhũ sẽ dẫn đến hiện tượng mài mòn, cản trở quá trình phát triển, mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có.
Trước đó, Báo Sức khỏe và Đời sống thông tin nhiều người không đồng tình với việc nhóm khảo sát, khám phá hang động có hành động trèo lên thảm thạch nhũ để ngồi chụp ảnh, di chuyển trên thạch nhũ...
Ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, sau khi khảo sát sẽ báo cáo các cấp chính quyền cao hơn để đề xuất cho địa phương lên phương án khai thác làm du lịch.
Ông Đức thừa nhận, vì còn thiếu kinh nghiệm, lần đầu tiến hành khảo sát trong hang Sơn Nữ nên mới để xảy ra sự việc một số người đi lại, ngồi lên các khối thạch nhũ để chụp ảnh.
Ông Howard Limbert, Trưởng Đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh cho biết, thạch nhũ, măng đá trong hang động là các thực thể rất mỏng manh. Thạch nhũ là một kiệt tác được tạo thành từ đá và nước trong thời gian rất dài, có thể kéo dài hàng trăm triệu năm mới hình thành.
Việc đứng lên thạch nhũ, măng đá có thể gây hư hại. Thậm chí khi chạm tay vào, mồ hôi trên tay cũng có thể gây ảnh hưởng đến thạch nhũ.
Chuyên gia mong muốn các đơn vị liên quan cần phải khảo sát chính xác, kiểm tra các yếu tố trong hang động để xem liệu có khả năng khai thác du lịch hay không. Cùng với đó là kịp thời có biện pháp để bảo vệ hệ thống thạch nhũ.